Ca nhạc Huế gồm có ca Huế và đờn Huế. Đây là một hệ thống bài bản phong phú gồm khoảng 60 tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc thuộc về hai điệu thức lớn: điệu Bắc và điệu Nam.
Thuộc điệu Bắc ( còn gọi là điệu khách) là những bài bản tạo nên không khí vui trang trọng như Phú lục, Cổ bản, Lộng điệp, Long ngâm, Lưu thủy và 10 bài liên hoàn ( Phẩm tiết, Nguyên tiêu, Hồ quảng, Liền hoàn, Bình bán, Tây mai, Xuân phong, Long hổ, Tẩu mã, kim tiền)
Thuộc điệu Nam là những bài bản tạo nên không khí buồn, thê lương như Hành vân, Nam thương, Nam ai, Nam bình, Nam xuân, Quả phụ, tương tư khúc...
Có những bài bản vừa thuộc điệu Nam vừa thuộc điệu Bắc như Tứ đại cảnh.
Có nhiều người thành kiến cho rằng ca nhạc Huế là loại nhạc buồn, yếu đuối, ủy mị, bi lụy. Mô tả cái đẹp não nùng của ca nhạc Huế, nhà thơ Thế Lữ đã viết:
“ Lặng mà nghe đờn nảy khúc sầu thương...”
Đúng là trong ca nhạc Huế có đọng lại nhiều tình điệu buồn, nhiều sắc thái buồn. Nhưng tuyệt nhiên đó không phải là những nỗi buồn bi lụy.
Những người sành điệu, có một khiếu thẩm mỹ âm nhạc lành mạnh, vững vàng, sâu sắc đã dễ dàng cảm nhận ở bài Nam xuân nỗi buồn dịu nhẹ, thanh thản, ở bài Nam ai nét buồn trầm lắng, nỉ non, ở bài Nam bình nét buồn bồi hồi dịu dặt, bâng khuâng mà trong sáng, thanh thoát:
Nước non ngàn dặm ra đi
Cái tình chi
Mượn màu son phấn đền nợ Ô, Ly...
Ở bài Tương tư khúc tỏa ra một nét buồn da diết ảo não. Ở bài Quả phụ đọng lại một nét sầu ai oán não nề:
... Bâng khuâng nhớ bạn lụy nhỏ trăm hàng
Soi gương loan châu sa trăm hàng
Thương người mặt ngọc dạ bàng hoàng
Thế nhưng ca nhạc Huế không những chỉ có những nét buồn như đã thấy trong những bài bản thuộc điệu Nam. Từ trong những bài bản thuộc điệu Bắc tỏa ra nhiều tình điệu vui, nhiều sắc thái vui như ở các bài: Bình bán, Tây mai tươi mát phấn chấn, ở các bài Phẩm tiết, Liên hoàn, thong dong , thoải mái, ở các bài Xuân phong, Long hổ, Tẩu mã khỏe khoắn, rộn ràng, sôi nổi như những khúc quân hành.
Đi tìm tính chất, đặc trưng của ca nhạc Huế, điều mà người ta dễ cảm nhận là cái chất trữ tình sâu lắng của nó, cái chất ngọt ngào duyên dáng thâm trầm đầy vẻ tế nhị, tao nhã và trong sáng, gợi cho người nghe biết bao hứng thú, rung động.
Ca nhạc Huế có những độc đáo của nó so với mọi thể loại âm nhạc khác.
Trước hết, ca nhạc Huế không phải là nhạc cung đình mà cũng không phải là nhạc dân gian.
Các loại nhạc cung đình lưu hành tại Huế trong thời nhà Nguyễn ở thế kỷ XIX như nhã nhạc, giao nhạc, miếu nhạc, ngũ tự nhạc, đại triều nhạc, thường triều nhạc, yến nhạc, tế nhạc( hay tiểu nhạc), cung trung nhạc...đều có hệ thống bài bản và điệu múa riêng của chúng, không thể lẫn lộn với ca nhạc Huế. Mặc dù hai bên có thể vay mượn của nhau một số bài bản để làm vốn liếng của mình thêm phong phú, nhưng tuyệt đối không thể đồng nhất ca nhạc Huế với ca nhạc cung đình triều Nguyễn.
Hiện tượng giao lưu, vay mượn qua lại giữa ca nhạc Huế và ca nhạc cung đình là có thật. Mười bài liên hoàn trong ca nhạc Huế đã được gọi là 10 bài tấu hay 10 bài ngự khi được sử dụng trong trong nhạc cung đình. Loại tế nhạc trong nhạc cung đình có hàng chục bài bản lớn như Làn thảm khúc, Khiết giới khúc, Hồ ngạn, Hựu trường, Hồi ba, Vũ ba đăng, Xuân tình điểu ngữ, Ngọa nam dương, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Đăng lâu, Tiểu khúc, Đắc xương tẩu mã, Tam thiên khúc... thì một số bài như Long đăng, Long ngâm, Ngũ đối hạ, Ngũ đối thượng vẫn được ca nhi và nhạc công của ca nhạc Huế trình diễn, nhưng họ vẫn nói rõ đó là mượn của tế nhạc chứ không phải là những bài bản gốc của ca nhạc Huế.
Ca nhạc Huế khác với nhạc dân gian xứ Huế. Nhạc dân gian xứ Huế chủ yếu là thanh nhạc, gồm những làn điệu dân ca có cấu trúc giai điệu và tiết tấu tự do phóng khoáng, còn ca nhạc Huế vừa là thanh nhạc, vừa là khí nhạc kết hợp với nhau trong một hệ thống những bài bản cấu trúc chặt chẽ, nghiêm ngặt. Ca nhạc Huế trong quá trình phát triển lâu dài đã trở thành một loại nhạc cổ điển, mỗi bài bản của nó thường chia thành nhiều đoạn ( hay sáp), đoạn dưới lặp lại đoạn trên với ít nhiều biến thể, chẳng khác ở hình thức đoạn đổi, đoạn điệp, chủ đề và biến tấu gì trong nhạc cổ điển phương Tây.
Mối bài bản của ca nhạc Huế là một bài bản hoàn chỉnh, nhưng không ở một dạng cố định. Trái lại, do cách tấu nhạc và cách ca có tính riêng, do tài năng đặc biệt của từng nghệ nhân, mỗi bài bản lại có thể có nhiều dị bản khác nhau về giai điệu, lời ca, về thang âm, tiết tấu và bố cục.
Bài Cổ bản của ca nhạc Huế có 4 dạng khác nhau: Cổ bản thường, cổ bản dựng, cổ bản sáp, cổ bản xuân. Bài Phú lục có phú lục chậm, phú lục nhanh, bài Nam bình có nam bình thường và nam bình dựng.vv...
Ngoài hai điệu chính thức là điệu Bắc phù hợp với những tình cảm vui và điệu Nam phù hợp với những tình cảm buồn, ca nhạc Huế còn có nhiều hơi, mỗi hơi nhạc diễn tả một sắc thái tình cảm, một trạng thái tâm hồn, một phong cách hay một nhạc cảnh khac nhau.
Hơi dựng là hơi nhạc của những bài bản có tính cách trung gian giữa vui và buồn, pha lẫn một nỗi buồn dịu nhẹ với một niềm vui bâng khuâng như ở bài Tứ đại cảnh, bài Hành vân, bài Cổ bản dựng, bài Nam bình dựng.
Hơi xuân là hơi nhạt của những bài bản chất chứa một niềm vui nhẹ, thanh thoát , như ở bài Nam xuân.
Hơi thương là hơi nhạc của niềm vui chan hòa, với những tình cảm triều mến pha lẫn với một chút bâng khuâng, xót xa tiếc nhớ như ở bài Nam thương, Nam bình.
Từ hơi ai chuyển sang hơi oán là sự chuyển tiếp từ buồn thương, nhớ tiếc sang sầu muộn pha lẫn giận hờn, oán trách như ở bài Nam ai chuyển sang Quả phụ.
Hơi đảo là hơi nhạc của những bài bản thuộc điệu Bắc với nhiều đoạn chuyển hệ làm cho giai điệu trở nên rất linh hoạt, lưu loát như ở bài Ngũ cung đảo.
Hơi thiền là hơi nhạc của những bài bản mang âm hưởng của các điệu xướng, ngâm, tán tụng trong âm nhạc nhà Phật.
Hơi nhạc, là một trong những hơi rất đặc sắc của ca nhạc Huế là hơi của những bài bản mang phong cách trang trọng, tao nhã, có pha lẫn ít nhiều khí vị hùng tráng như ở các bài Phú lực, Long ngâm.
Như vậy là điệu Bắc trong ca nhạc Huế gồm có các hơi dựng, hơi quảng, hơi đảo, hơi thiền, còn điệu Nam thì gồm có các hơi xuân, hơi thương, hơi ai, hơi oán.
Điệu Bắc và các hơi của nó diễn tả những sắc thái vui khác nhau, từ vui dịu nhẹ, thanh thản đến vui rộn rịp, sôi nổi và cũng diễn tả sự trang nghiêm, trịnh trọng, hùng tráng, cao cả.
Điệu Nam và các hơi diễn tả của nó những sắc thái buồn khác nhau, từ buồn dịu nhẹ, bâng khuâng đến buồn thảm thiết, não nùng và cũng diễn tả những trạng thái thương cảm, xót xa, luyến tiếc, hay một bầu không khí trầm lắng, man mác, diêuj vợi, mơ hồ.
Ngoài sự hiện diện của hơi nhạc, trong ca nhạc Huế còn có nhiều loại độ nhanh khác nhau như chậm, nhanh, vừa, rất nhanh( hoãn điệu, bình điệu, cấp điệu) nhiều loại nhịp khác nhau như nhịp chánh diện, nhịp nội, nhịp ngoại, nhịp chõi( còn gọi là đảo phách) làm cho các bản nhạc có những hình thức biến tấu sinh động, mỗi lần có đảo phách, chuyển nhịp, chuyển điệu và chuyển hệ.
Hiện tượng chuyển hệ, tức là sự di chuyển của một hình thức thang âm ngũ cung sang một hình thức thang âm ngũ cung khác với sự trở về hay không trở về thang âm ngũ cung đầu tiên là một hiện tượng âm nhạc tinh vi vì thấy có ở những bài bản lớn của ca nhạc Huế như Phú lục, Tứ đại cảnh, Nam ai...
Kỹ thuật hát đảo ở ca nhạc Huế cũng có nhiều nét đặc biệt tinh tế.
Ca nhi trong ca nhạc Huế có những cách nhấn nhá, nhả chữ, láy luyến âm thanh, những cách lấy hơi, sử dụng giọng óc khá phức tạp, có thể so sánh với kỹ thuật hát ả đào ngoài Bắc.
Nhạc công trong ca nhạc Huế cũng có những kỹ thuật diễn tấu công phu, điêu luyện.
Ngón nhấn là những ngón đàn đòi nhiều tài hoa và luyện: nhấn nửa bực, nhấn một bực, nhấn mọt bực rưỡi đã là khó, nhấn hai bực, nhấn ba bực ( từ hò nhấn đến xề) là một kỹ thuật bậc thầy, lại còn nhiều cách nhấn: nhấn vuốt, nhấn mổ, nhấn nhảy, nhấn rung, nhấn lật ngón...
Một cây đàn như đàn tỳ bà đòi hỏi ở một nghệ sĩ bậc thầy phải tinh thông hơn mười ngón đàn khác nhau. Ngoài ngón nhấn lả chầy, hưởng, vả, mõ, bấm, bịt, đay, chớp, búng, phỉ, rải... đều là những kỹ thuật đặc sắc của đàn Huế.
Ca nhạc Huế là loại nhạc cổ điển đã được phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Nó phản ánh những tư tưởng, tình cảm, ước mơ, nguyện vọng quen thuộc, gần gũi với nhân dân trong khuôn khổ xã hội phong kiến trước đây.
Bài Tình biệt ly hay bài Nước non ngàn dặm ra đi ( điệu Nam bình) nói lên nỗi niềm đau khổ của những mối tình không trọn vẹn. Bài Dạo thuyền gặp lúc trăng ( điệu Phẩm tiết) diễn tả tình yêu thiên nhiên, tình trăng nước chan hòa với tình gắn bó giữa người với người.
Dạo thuyền gặp lúc trăng
Thấy trong ngần một hồ băng
Kìa trăng gió rung động muôn rừng
Kìa mây nước một vùng
Nào nào người quen biết...
Bài Nhắn tri âm ( điệu Hành vân) gợi lên niềm nhớ thương, chung thủy:
Một đôi lời, một đôi lời
Nhắn bạn tình ơi
Thề non giao ước kết đôi
Trăm năm tạc dạ
Dù xa cách song tình thương chớ phụ thì thôi
Thề trọn đời xin đừng xao lãng (...)
Ca nhạc Huế tuy là thuộc dòng nhạc cổ điển, tài sản chung của dân tộc, nhưng lại là một loại nhạc mang nhiều màu sắc địa phương. Nhạc điệu của ca nhạc Huế bắt nguồn từ ca nhạc dân gian Bình Trị Thiên , và thanh âm của ca nhạc Huế phát sinh từ tiếng nói, giọng nói của người dân xứ Huế.
Quê hương của ca nhạc Huế chính là xứ Huế, tức là vùng đất Kinh kỳ Thuận Hóa_ Phú Xuân.
Khi đã hình thành rồi, ca nhạc Huế đã phát triển không những chỉ ở Phú Xuân mà còn được truyền bá rộng rãi ra Bắc vào Nam. Dòng nhạc cổ điển này đã ảnh hưởng đến dân ca Quan họ Bắc Ninh (Hà Bắc) và nghệ thuật sân khấu chèo đồng bằng Bắc bộ. Trong dân ca Quan họ có giọng Huế, có các bài Mười nhớ dựa theo âm điệu bài Hồ Quảng( một trong mười bài liên hoàn trong ca nhạc Huế), bài Khi tương phùng, Khi tượng ngộ dựa theo âm điệu bài Tứ đại cảnh ( một trong những bài bản lớn của ca nhạc Huế). Trong chèo có đến 9 làn điệu được xếp theo hệ thống hơi Huế ( hay hệ thống âm điệu Huế) như hát nhịp đuổi, hát xuông lời, hát dậm chân, hát bắt hò, hát có thánh trị vì...
Ca nhạc Huế có xu hướng truyền bá mạnh mẽ và rộng rãi hơn về phía Nam, làm nảy sinh thêm hai hình thức âm nhạc cổ điển được nhân dân địa phương rất yêu thích đó là đàn Quảng, phổ biến ở vùng Nam Trung bộ và nhạc tài tử ( hay đờn tài tử) phổ biến ở Nam bộ.
Ca nhạc Huế đã hình thành từ hai ngọn nguồn lớn, đó là dòng nhạc chuyên nghiệp và dòng nhạc dân gian Việt Nam có trước nó từ lâu đời.
Người Việt ở vùng Thuận Hóa_ Phú Xuân có nguồn gốc từ Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa và đồng bằng Bắc bộ. Trong lộ trình tiến dần về Nam ở các thế kỷ XVI, XVII, XVIII, người Việt ở Phú Xuân và Đàng Trong luôn luôn gắn bó với văn hóa Đại Việt truyền thống mà trung tâm là Kinh đô Thăng Long. Dòng âm nhạc chuyên nghiệp của người Việt phát triển trong các thời kỳ Lý, Trần, Lê đã vào tận xứ Huế và xa hơn nữa về phía Nam theo bước chân tiến về Nam của nhân dân Đàng Trong. Đó là một trong những ngọn nguồn lớn của ca nhạc Huế. Ngọn nguồn lớn thứ hai của ca nhạc dân gian lâu đời của dân tộc. Chính ngọn nguồn này làm cho tính nhân dân của ca nhạc Huế thêm rõ nét. Và giữa ca nhạc Huế cổ điển với ca nhạc dân gian xứ Huế có một mối liên hệ khắng khít.
Thông thường người ca sĩ trong ca nhạc Huế thích bắt đầu không phải bằng một bài cổ điển mà một bài hò hay một bài lý của dân gian rồi mới nhẹ nhàng bắt xếp một bản cổ điển. Ví dụ bắt đầu Hò mái nhì rồi xuống Nam ai, qua Nam bình, hoặc bắt đầu với Lý tử vi, lý năm canh rồi qua Tương tư khúc , hay bắt đầu với lý hoài xuân, lý tình tang, rồi qua lưu thủy, Kim tiền...
Trong tất cả các trường hợp từ hò hay từ lý chuyển sang ca Huế, hay xen kẻ vài điệu lý giữa hai bài ca Huế, sự chuyển tiếp từ ca nhạc dân gian sang ca nhạc cổ điển ấy diễn ra rất tự nhiên, thoải mái, hài hòa. Âm thanh điệu nhạc, luyến láy ngân nga giữa các điệu hò, điệu lý với các điệu ca Huế không có một sự cách ngăn trắc trở nào.
Ca nhạc Huế đã dễ dàng phát huy ảnh hưởng của nó trên ca nhạc dân gian và đã cổ điển hóa một số làn điệu dân gian như Lý giao duyên, Lý tử vi, Lý huê tình, Lúy năm canh, Lý vọng phu, Lý hành vân, Lý tương tư...
Ca nhạc Huế chính là sự tổng kết nhuần nhuyễn, hài hòa những tinh anh của dòng nhạc chuyên nghiệp và dân gian của Việt Nam, cũng như Truyện Kiều mà Nguyễn Du đã sáng tác tại Huế vào đầu thế kỷ XIX là sự kết tinh rực rỡ của hai dòng văn học bác học và dân gian của dân tộc.
Hình thành từ nhạc chuyên nghiệp và nhạc dân gian, ca nhạc Huế đã trải qua một tiến trình lịch sử lâu dài trên 3 thế kỷ.
Thời kỳ hình thành và bắt đầu phát triển của ca nhạc Huế là vào khoảng từ cuối thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XVIII.
Giữa thế kỷ XVIII, ca múa nhạc đã phát triển phong phú tại đô thành Phú Xuân. Vào thời gian này, các điệu ca Huế nổi tiếng như Phú lục, Cổ bản, Nam ai, Nam bình đã được lưu hành rộng rãi trong dinh phủ chúa Nguyễn cũng như trong nhân dân. Luân quốc công Nguyễn Phúc Tứ, một nhà văn kiêm nhạc sĩ thuộc dòng dõi ca s chúa Nguyễn đã nghiên cứu cây đàn cầm, đàn sắt và đàn tỳ bà rồi chế ra cây đàn nam ( nam cầm) để diễn tấu cho thích hợp với những bài bản thuộc điệu Nam của ca nhạc Huế.
Cũng vào giai đoạn này, một số nhạc cong Việt Nam khác ở Đàng Trong cũng nghiên cứu cây đàn nguyệt cầm( vốn là một cây đàn của dân tộc Mông Cổ) để chế ra cây đàn nguyệt Việt Nam, lúc đầu được gọi là cây đàn song vận gồm có 4 dây, về sau chỉ còn lại 2 dây như cây đàn nguyệt thông dụng ngày nay.
Thời kỳ thịnh đạt nhất của ca nhạc Huế là thế kỷ XIX. Một số bài bản lớn được sáng tác hoặc được hoàn thiện trong thời kỳ này, ví dụ là bài Tứ đại cảnh, , tương truyền là đã ra đời thời Tự Đức (1848_ 1883).
Một số nghệ nhân ca nhạc Huế được nhiều người biết tiếng như Đấu Nương, một ca nhi ở An Cựu, như các nhạc công Biện Nhân, La Văn Đạt, Trần Quang Phổ...
Trong cung đình, một số ông hoàng bà chúa con cháu cảu Minh Mạng có sáng tác, diễn xướng hay tổ chức sinh hoạt ca nhạc thính phòng. Các ông hoàng Trần Biên, Lãng Biên, các công chúa Ngọc Am, Lại Đức ( tức Mai Am) đều có sáng tác lời cho các bài bản ca nhạc Huế. Công chúa Huệ Phổ vừa là nhà thơ vừa giỏi đàn ca có tập hợp một ban nữ nhạc do chính bà huấn luyện. Ông Hoàng Nam Sách đàn nguyệt nổi tiếng và có soạn tập Nguyệt cầm phổ vào năm 1859. Cũng vào khoảng thời gian ấy ( trước năm 1870), ông hoàng Miên Thẩm ( Tùng Thiện Vương) có soạn Nam cầm phổ. Ông hoàng Niên Bửu ( Tương An quận vương) nổi tiếng về đàn tỳ bà và đặt lời cho nhiều bài bản ca nhạc Huế.
Năm 1850, ông hoàng Miên Trinh sáng tác một bài ca Huế dài hơi nhan đề Nam cầm khúc để tiển bạn là Nguyễn Văn Siêu về Bắc. Trong buổi tiệc chia tay, khúc Nam cầm này được ca nhi nổi tiếng là Đấu Nương ca lên và tự đệm bằng đàn nam. Sau khi Đấu Nương mất ( vào khoảng cuối thế kỷ XIX) đàn nam cũng thất truyền.
Vào năm 1863, thời Tự Đức, một soạn giả khuyết danh đã ghi chép một tập bài bản ca nhạc Huế gồm 25 tác phẩm ( theo tài liệu riêng của giáo sư Hoàng Xuân Hãn, Paris): 10 bản có kèm lời ca và 15 bản nhạc không lời. Một số bài bản như Lưu thủy, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ, Xuân tình điếu ngữ còn thông dụng đến ngày nay. Một số bài bản khác đã thất truyền như: Trường thán, Tự thán, Tự trào, Tư mã tương như, Tiên nữ tống Lưu Nguyễn, Bá Nha khắp Tử Kỳ...
Thời kỳ ngưng đọng và suy thoái của ca nhạc Huế là giai đoạn từ sau thất thủ Kinh đô cho đến trước Cách mạng tháng Tám ( 1885_ 1915). Dưới chế độ thực dân phong kiến, nhạc sĩ, ca nhi sống lầm than, một số phải đem bán rẻ tài năng và có khi cả nhân phẩm để mua vui cho bọn quyền quý , giàu sang. Ca nhạc Huế cũng như hát ả đào đã xuống dốc, và bị coi rẻ. Tuy nhiên, trong nhân dân, nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân đã ra sức gìn giữ vốn quý của cha ông.
Có công lao duy trì bảo vệ nền ca nhạc Huế ở cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX phải kể đến gia đình ông Tống Văn Đạt, ba đời truyền nối là nghệ nhân giỏi: ông Đạt con là Đội Chín, cháu là Đội Phước ( đội đây là chức đội trưởng đội ngự nhạc triều Nguyễn), và một số người tài khác như Đội Thức, Thập Tri.
Khoảng trước Cách mạng tháng Tám người ta thường nhắc đến những danh ca, danh cầm như cô Nhơn, cô Thông Thắng, cô Tuyết Hương nổi tiếng về ca Huế, ông Cả Soạn, ông Bảy Thiền, ông Thừa Khiêm, cậu Khóa Hài nổi tiếng về đàn tranh, ông Ngũ Đại ( tức Vĩnh Trân), cậu Tôn Út về đàn nguyệt, ông Hầu Biều ( tức Ưng Biều) về đàn bầu và đàn nhị, ông Lý Vũ, ông Ưng Thông về đàn nhị, ông Đội Trúc, ông Ngữ Đại, ông Trợ Tôn, ông Nguyễn Ngọc Liệu về đàn tỳ bà. Về nghiên cứu lý luận có những công trình bước đầu của Hoàng Yến, Ưng Dự...
Thời kỳ tái sinh và phục hưng của ca nhạc Huế là từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ cho đến ngày nay. Trong vùng tạm bị chiếm, một số nhạc sĩ, nhạc sư, nhạc công và ca sĩ yêu nước đã có nhiều cố gắng để bảo vệ ca nhạc Huế: nhạc sĩ Bửu Lộc lập ban ca nhạc Huế Hương Bình, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba lập Viện tỳ bà , các nhạc sĩ tài tử Tôn Thất Toàn, Viễn Dung lập Hội Ái hữu cổ nhạc miền Trung. Tục tế tổ ngành ca nhạc Huế được duy trì tại đền cổ nhạc Huế. Ở miền Bắc, ca nhạc Huế được giảng dạy tại trường âm nhạc, được giới thiệu trên đài tiếng nói Việt Nam, trên sân khấu các nhà hát, được đoàn ca nahcj dân tộc Trung ương quan tâm bảo vệ và phát huy.
Sau ngày đất nước thống nhất, tại thành phố Hồ Chí Minh, rồi tại Huế, hai nhạc hội ca nhạc Huế đã được tổ chức trọng thể ( 1977). Viện âm nhạc thuộc Bộ Văn hóa dã tặng bằng khen cho một số nghệ hân ca nhạc Huế lão thành. Tại hội diễn văn nghệ quần chúng toàn quốc ( 1979), nhiều tiết mục ca nhạc Huế đã được tặng thưởng huy chương vàng ( chị Vân Phi, anh Văn Ngộ, cô Kim Thành).
Trong nhạc hội ca nhạc Huế lần thứ nhất tổ chức tại Huế (1977), nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, viện trưởng Viện âm nhạc đã khẳng định: “ Trong toàn bộ vốn ca nhạc cổ truyền của dân tộc, một kho tàng quý báu vô giá là nền nghệ thuật ca nhạc Huế của chúng ta (...) Nghệ thuật ca nhạc Huế là một cột mốc lớn đánh dấu một giai đoạn phát triển của văn hóa dân tộc, đồng thời là một cơ sở xuất phát cho những làn sóng ca nhạc rộng lớn tràn khắp châu thổ sông Cửu Long đến Mũi Cà Mau, cũng như ngược chiều dòng Nma tiến, ảnh hưởng trở lại nơi địa bàn chôn nhau cắt rốn của dân tộc là vùng châu thổ sông Hồng, sông Thái Bình, sông Mã, sông Cả và miền Trung du Bắc bộ.
Ca nhạc dân gian xứ Huế cũng như ca nhạc Huế cổ điển xứng đáng là niềm tự hào của chúng ta.
( Trích trong Huế giữa chúng ta, NXB Thuận Hóa 1984)
Chú thích ảnh:
- Tiến dĩ Lê Văn Hảo
- Sách Huế giữa chúng ta, NXB Thuận Hóa 1984
- NNC Nguyễn Đắc Xuân gặp TS Lê Văn Hảo ở Paris 1999