Lời Trần Văn Khê vĩnh biệt Điềm Phùng Thị

Em Xuân ơi! Vừa biết tin chị Cúc, Điềm Phùng Thị đã vĩnh viễn ra đi!!! Rất đau xót vì mất một người bạn thâm giao, và một thiên tài của đất nước !!! Xin nhờ em chép lại lời vĩnh biệt của anh và đặt trước mộ của chị Cúc - Điềm Phùng Thị giùm anh. Cám ơn em. TVK

 

NĐX thay mặt Trần Văn Khê đọc lời vĩnh biệt Điềm Phùng Thị

NĐX thay mặt Trần Văn Khê đọc lời vĩnh biệt Điềm Phùng Thị

Chị Cúc ơi !  Chị còn nhớ trong chương trình văn nghệ của sinh viên trường Đại học Hà Nội, vào dịp Tết, năm 1942, Lưu Hữu Phước và tôi định đem lên sân khấu Nhà hát lớn Hà nội dân ca ba miền. Hát cò lã miền Bắc, Hò mái nhì miền Trung, và Hò cây lúa miền Nam. Thì chị đã sẵn sàng đóng vai cô gái Huế và hò một câu:

   “Sen xa hồ, sen khô hồ cạn;

   Lựu xa đào, lựu ngã, đào nghiêng,

   Vàng cầm trên tay rớt xuống không phiền,

   Anh xa người bạn cũ biết mấy niên giải sầu.”

Câu hò đó đã vang lên trên sân khấu Nhà Hát lớn và đã khắc sâu vào trí nhớ của tôi, nhớ Chị đã dạy cho tôi. Ai có ngờ người Thầy dạy cho Trần Văn Khê hò mái nhì là nữ sinh Nha khoa Phùng Thị Cúc? “Nhứt tự vi sư bán tự vi sư” nên sau nầy tôi thường nhắc chuyện ấy và đùa gọi chị bằng Thầy, chị cười quá và nói :

"Ai dám làm Thầy anh trong môn âm nhạc?"

Đến khi gặp nhau lại tại Paris, tôi đã trở thành “thân chủ” của Chị lúc Chị hành nghề nha sĩ. Và Chị dấn thân vào con đường nghệ thuật, anh Điềm trở thành bác sĩ Nha khoa của tôi cho đến ngày anh hưu trí.. Và tôi đã theo dõi con đường nghệ thuật của Chị.  

Mặc dù tôi không rành về Hội họa và Điêu khắc Chị cũng thân mến nói cho tôi biết quá trinh nghiên cứu của Chị vào một buổi chiều tại nhà Chị ở Parc Montsouris, Chị cho tôi xem kết quả của sự tìm tòi của Chị: 7 mô hình, chưa từng thấy trong lịch sử Hội họa và Điêu khắc trên thế giới.

7 mô hình điêu khắc Điềm Phùng Thị

7 mô hình điêu khắc Điềm Phùng Thị

Ông quan

Ông quan

Rồi trên bàn nhỏ trong nhà Chị, tôi đã thấy Chị tạo ra cả chục, sau nầy đến cả trăm, cả ngàn mô hình, theo óc sáng tạo của người biết dùng 7 mô hình ấy. Chị cho tôi xem Ông quan mặc áo thụng, một ngôi Chùa, một võ sĩ đang quì ....

Tôi hết sức ngac nhiên và thán phục. Khi Chị bảo tôi viết qua cảm tưởng của tôi về 7 mô hình đó, tôi viết môt bài trong đó có đoạn tôi so sánh 7 mô hình của Chị với 7 "nốt" trong âm nhạc. Cũng từng ấy “nốt” mà người thường không làm nên chi cả; người có óc sáng tạo, có thiên tài thì có thể ghép 7 "nốt " ấy thành bao nhiêu nhạc phẩm tuyệt vời ! 7 mô hình của Chị là một  sáng tạo của một nghệ sĩ thiên tài của Việt  Nam, Chị lại dùng tinh thần Việt Nam mà tạo nên những hình ảnh diệu kỳ đẹp đẽ của đất nước, con người và cả lịch sử Việt Nam khi Chị dùng mô hình đó tạo ra các chiến sĩ trên chiến trường.,. Chị lại dùng tất cả chất liệu từ vôi, đá cẩm thạch, đồng, thau, chất dẻo .v.v. tạo nên hình nhỏ vừa tầm tay mà cũng tạo ra những hình “khổng lồ” cho các trường học, các nhà văn hóa.

Bữa cơm cuối cùng của Điềm Phùng Thị  mời Trần Văn Khê ở Huế. Ảnh NĐX

Bữa cơm cuối cùng của Điềm Phùng Thị mời Trần Văn Khê ở Huế. Ảnh NĐX

Tên tuổi của Chị, nghệ phẩm của Chị lan rộng khắp năm châu.  Các nhà phê bình chuyên môn đã viết rất nhiều về tài nghệ của Chị mà Chị nói Chị rất thích việc tôi so sánh 7 mô hình của Chị với 7 "nốt" trong âm nhạc.

Chị đã được quốc tế đón mời và tôn vinh Chị, bằng việc đề cử Chị  vào Hàn lâm Viện châu Âu về Khoa học, Văn chương và Nghệ thuật với cương vị Viện sĩ Thông tấn.

Chị được đất nước ghi ơn bằng Giải thưởng vào năm 2000 cho những người trong vòng 25 năm nay đã đóng góp cho văn học hay nghệ thuật của tỉnh Thừa Thiên. Chị đã đem cả gia tài nghệ thuật của Chị về cho đất nước. Chị định đào tạo một số nghệ sĩ trẻ trong ngành điêu khắc. Chị còn nhiều chương trình để giới thiệu văn hóa Việt Nam cho Thế giới.

Tôi nhớ lại cách đây hai năm khi tôi có dịp ra Huế đến thăm Chị ở nhà số 1 đường Phan Bội Châu. Chị đã ngồi trên xe lăn trước cửa sổ đợi tôi vào thăm. Khi gặp Chị, Chị mừng chỉ nói được 3 tiếng : Cố nhân ơi !!! khi tôi hôn chào Chị.

Bao nhiêu kỷ niệm và hình ảnh của tình bạn giữa Chị và tôi vẫn còn in khắc trong lòng tôi.

Lạ thay, cách đây hai hôm, ngày 29/01/02, trong lúc soạn hình ảnh và tư liệu để sắp lại tôi thấy một bao thơ bên ngoài có đề mấy chữ : "Coi chừng Giữ lại: thiệp chúc tết của Chị Điềm Phùng Thị “ Chị đã vẽ đặc biệt cho tôi bằng sơn dầu một chậu có ba đóa hoa, vẽ từ năm 1990  , hơn 10 năm nay. Tôi nhìn xem xúc động. Rồi khi dùng đàn Yamaha phụ họa theo một bài hát tôi ghi để tặng cho một người bạn chí thân, bức thêu mà năm 1997, Chị đã trao tận tay tặng tôi, khi Chị đến thăm tôi, từ giả và cho biết Chị sắp về nước ở luôn, bức thêu đó tôi để trên cây đàn Yamaha, cũng ngày 29/01/02, bức thêu đó rơi xuống đất. Tôi lượm để lên chỗ cũ. Nay khi biết Chị ra đi ngày 29/01/02, tôi rùng mình. Phải chăng là có hồn thiêng nào báo cho tôi một việc gì đã xảy ra: Chị Cúc - Điềm Phùng Thị từ giã cõi đời đi vào cõi Tiên ngày ngày 29/01/2002.

Chị Cúc ơi! Tử sanh là luật vô thường. Tiếc thương là lẽ tự nhiên. Nhưng tôi thấy rằng trong khi mọi người khóc Chị, Chị đã bình yên mỉm cười vì trong đời Chị, Chị đã làm tròn các bổn phận. Chị đã để lại cho Huế thương, cho nhân loại, những kiệt tác về điêu khắc Việt Nam. Đất nước ta hãnh diện góp mặt với nghệ thuật điêu khắc trên thế giới. Chị sẽ còn sống mãi trong lòng người yêu nghệ thuật ngày nay và mai sau.

Xin vĩnh biệt Chị. Thương chúc linh hồn Chị được tiêu diêu nơi cõi Thọ. Và thành thật, thiết tha phân ưu cùng tang quyến và các bạn bè yêu quý Chị.

Trần Văn Khê.

_________________________________

     TB. Nếu chụp được thiệp chúc Tết và bức thư sẽ gửi thư Email sau cho em Đắc Xuân.

     Rất cám ơn Nguyễn Đắc Xuân

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang