Tôi gần gũi với nhạc sĩ Phạm Duy những năm cuối đời không phải chỉ có lí do nghề nghiệp mà chủ yếu là từ hoạt động dòng họ. Tôi đã lược trích một số đoạn trong hồi kí của ông để in trong Thông tin họ Phạm Việt Nam như Phạm Duy thế phả, Đi tìm mồ mả gia tiên… Tôi gặp nhà thơ Phạm Thiên Thư lần đầu tiên cũng tại nhà nhạc sĩ Phạm Duy ở TP.HCM. Ở Huế tôi có hơn 40 năm đồng hành trong lĩnh vực văn nghệ, báo chí với một người bạn thân thiết của nhạc sĩ Phạm Duy là nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân. Đó là một cơ may cho tôi trong quá trình tìm hiểu, giải mã hiện tượng âm nhạc Phạm Duy, người viết tình ca hay nhất Việt Nam. Sau đây là một số trang ghi chép trong quá trình hỏi chuyện Phạm Duy qua NNC Nguyễn Đắc Xuân.
Phạm Thanh Tùng (PTT): Tôi được biết anh học Văn khoa và quen biết nhiều nhạc sĩ. Vậy anh có học về âm nhạc không?
Nguyễn Đắc Xuân (NĐX): Tôi xuất thân trong gia đình có nhiều người hoạt động âm nhạc, ông nội tôi là Đội trưởng đội Nhạc chánh Nam Triều, bác tôi là ông Nguyễn Đình Thị là cây violon đầu tiên ở Huế. Học sinh thế hệ tôi ở Trường Quốc Học đều được học nhạc. Người thầy đầu tiên của tôi là nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ ở Đà Nẵng. Người dạy nhạc tôi ở Quốc Học là thầy Tôn Thất Tiết – về sau thầy là nhà soạn nhạc không lời lớn ở Pháp. Tôi chơi đàn Mandoline trong ban nhạc của học sinh Quốc Học lúc ấy. Cho nên dù không hoạt động âm nhạc nhưng âm nhạc không xa lạ đối với tôi.
PTT: Anh không hoạt động âm nhạc, sống và lớn lên ở Huế rồi đi kháng chiến. Vậy anh quen thân với nhạc sĩ Phạm Duy lúc nào, một nhạc sĩ ở miền Bắc và ở Sài Gòn là chính?
NĐX: Tôi không hoạt động âm nhạc nhưng tôi có chơi đàn nên Phạm Duy luôn là người nhạc sĩ mà thế hệ tôi hết sức ngưỡng mộ. Năm 1964, tôi được Tổng Hội sinh viên Huế giao nhiệm vụ giúp cho nhạc sĩ Phạm Duy giới thiệu trường ca Con đường cái quan với sinh viên Huế tại sân trường Đại học Huế (trong lòng khách sạn Sài Gòn Morin Huế ngày nay). Tinh thần khát vọng thống nhất đất nước trong trường ca này đã có một ảnh hưởng lớn đối với sinh viên Huế lúc ấy như các bạn Hoàng Phủ Ngọc Tường, Vĩnh Kha, Trần Xuân Kiêm, Trần Quang Long, Trần Anh Tuấn,… Khát vọng thống nhất đất nước đã ảnh hưởng rất lớn đối với tôi và tôi theo Phạm Duy từ đó.
PTT: Trong các tác phẩm nhạc Phạm Duy, anh thích nhất bài nào, tại sao?
NĐX: Năm 1955 tôi được thầy Phạm Thế Mỹ dạy bài “Tình ca” của Phạm Duy ở Trường Nguyễn Công Trứ, Đà Nẵng. Thầy Phạm Thế Mỹ đánh giá bài Tình ca của Phạm Duy là một tuyệt tác phẩm. Một bài hát mà nói lên được tình yêu đối với đất nước, với con người và với văn hóa Việt Nam xưa nay chưa từng có, bài hát đó ra đời lúc chiến tranh Việt - Pháp hết sức ác liệt nhưng bài hát đã gieo vào lòng người niềm tin, hạnh phúc ở tương lai. Bài hát này đã ảnh hưởng suốt đời tôi – “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi”.

Chân dung nhạc sĩ Phạm Duy
PTT: Anh có thể cho biết một vài kỷ niệm mà Phạm Duy đã dành riêng cho anh?
NĐX: Từ sau năm 1964 tôi được nhạc sĩ Phạm Duy rất thương mến, những băng nhạc của anh, anh luôn chép cho tôi một bản mà hiện nay may mắn tôi còn giữ được một vài băng. Anh viết thư cho tôi mở đầu bằng hai chữ “Em yêu”. Nhiều người đọc tưởng là thư của Phạm Duy viết cho người yêu. Có lần tôi hỏi thật anh “em là cái thằng nhà quê không hoạt động âm nhạc mà sao anh yêu em thế?”. Phạm Duy trả lời bằng tiếng Pháp “Vous êtes un paysan formidable” (em là một thằng nhà quê tuyệt vời). Đó là một kỷ niệm sâu sắc nhất của Phạm Duy với tôi.
PTT: Âm nhạc của Phạm Duy ảnh hưởng đến cuộc đời của anh như thế nào?
NĐX: Âm nhạc của Phạm Duy đã ảnh hưởng lớn đến cuộc đời của tôi. Ngày tôi đi kháng chiến cán bộ tổ chức của Thành ủy hỏi: “Vì sao anh đi kháng chiến?”. Tôi đã hát một câu trong trường ca Mẹ Việt Nam của Phạm Duy: “Giặc xâm lăng nước nhà phải cứu lấy dân ta thì ta lên núi với mẹ già”. Nghe tôi trả lời thế các bạn tôi hết sức ngạc nhiên vì sao lại lấy một câu hát của một người đã “dinh tê” làm lý tưởng của mình. Nhưng những người lãnh đạo thành ủy lúc đó rất vui vì các anh cho rằng tôi nghĩ sao nói vậy chứ không e ngại giấu giếm gì cả. Tôi khác với nhiều người, nói vậy mà không phải vậy. Đến giờ này tôi vẫn còn học những ý tưởng về đất nước, dân tộc mà Phạm Duy đã gửi gắm trong âm nhạc của ông.
PTT: Trong sự nghiệp âm nhạc của Phạm Duy, anh thích những chủ đề gì nhất?
NĐX: Chủ đề về tình yêu đôi lứa và tình yêu đất nước.
PTT: Phạm Duy đã làm gì cho anh mà anh cảm thấy quý nhất?
NĐX: Phạm Duy đã dành cho tôi về một số cuốn sách, các bản nhạc, các băng nhạc, đĩa nhạc và một tình thương yêu như anh em ruột thịt. Đặc biệt Phạm Duy và tôi theo thầy Nhất Hạnh chống chiến tranh, bảo vệ con người. Cho nên Phạm Duy đã phổ nhạc 3 bài thơ của tôi: bài Để lại cho em (Tâm ca số 5), Nhân danh (Tâm phẫn ca số 1) và Chuyện hai người lính. Bài Để lại cho em tôi được thế hệ của mình vinh danh một cách hào hứng nhất. Năm 1966, Phạm Duy sang Mỹ được hát với các ca sĩ Mỹ trên đài truyền hình Mỹ. Bài đầu tiên được dịch sang tiếng Anh và được hát đầu tiên là bài Nhân danh của tôi. Đời cầm bút của tôi trước ngày đi kháng chiến không có gì vinh dự hơn hai bài thơ được phổ nhạc.
PTT: Anh đã làm gì cho Phạm Duy để Phạm Duy nhớ đời?
NĐX: Phạm Duy là một nhạc sĩ lớn trong đời sống có nhiều hoàn cảnh tả, hữu khác nhau, tôi là người không hoạt động về âm nhạc, không có quyền hành, không có tiền bạc, tôi không làm được gì cho Phạm Duy cả. Nhưng cũng do hoàn cảnh tôi được ông Tố Hữu giao cho việc giúp tạo điều kiện cho nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác tiếp. Phạm Duy biết được điều đó nên rất yên tâm về nước. Tôi và ca sĩ Ánh Tuyết đã bảo lãnh cho nhạc sĩ Phạm Duy sống ở quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh. Khi Phạm Duy bị 3 nhạc sĩ Việt Nam phát biểu trên báo An ninh thế giới nói về sự nghiệp âm nhạc và tội của Phạm Duy đối với đất nước không đúng, tôi đã viết bài Thiếu một tấm lòng giải tỏa được sự hiểu lầm, Phạm Duy hết sức cảm ơn tôi và có lẽ công việc tôi tham gia tổ chức đám tang cho nhạc sĩ Phạm Duy một cách trang trọng thân tình là công việc tôi làm cho Phạm Duy có ý nghĩa nhất.
PTT: Tôi được biết lúc sinh thời Phạm Duy, anh có viết một thư cho Bộ trưởng Văn hóa Hoàng Tuấn Anh đề nghị vinh danh nhạc sĩ Phạm Duy. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã trả lời anh như thế nào?
NĐX: Năm đó tôi vừa là bạn của Phạm Duy và của công ty Phương Nam cho nên được biết Bộ Văn hóa duyệt cho hát một lần năm, mười bài của Phạm Duy. Nếu tình trạng đó kéo dài Phạm Duy phải sống tới vài ba trăm tuổi thì toàn bộ nhạc phẩm của ông mới được cấp phép cho hát hết. Qua gặp gỡ trao đổi những người yêu nhạc có chức quyền trong Nam ngoài Bắc tất cả đều có một ý kiến chung là sự nghiệp âm nhạc của Phạm Duy rất lớn. Ông đã tin vào Nghị quyết 36 của Đảng rời Hoa Kỳ - nơi ông tỵ nạn về Việt Nam làm dân của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Vì thế Việt Nam nên vinh danh sự nghiệp âm nhạc của ông, ông đã ngoài tuổi 90 không còn sống bao lâu nữa, nếu ta không vinh danh ông kịp thì khi ông qua đời rồi việc vinh danh của chúng ta không còn giá trị gì. Vinh danh Phạm Duy không phải làm lễ phát bằng mà chỉ cần cho phép âm nhạc của ông được hát tự do, thế thôi. Rút kinh nghiệm đối với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi Sơn còn sống mình không vinh danh sớm. Khi Sơn chết rồi mình có muốn thì những người yêu nhạc của Sơn không cần nữa. Do đó tôi đã viết một cái thư cho Bộ trưởng Văn hóa Hoàng Tuấn Anh, giáo sư Trần Văn Khê gửi kèm theo thư tôi nói về giá trị của 2 bài trường ca Con đường cái quan và trường ca Mẹ Việt Nam. Tôi và Giáo sư Trần Văn Khê nhờ đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc chuyển. Ông Dương Trung Quốc cũng viết một thư kèm theo thư tôi gửi trực tiếp cho Bộ trưởng Văn hóa Hoàng Tuấn Anh. Nhưng rất tiếc vì một lý do tế nhị Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh không thực hiện.

Hai người "em" Nguyễn Đắc Xuân và Phạm Thanh Tùng vinh dự được đẩy xe cho NS. Phạm Duy và GS. Trần Văn Khê về thăm Huế.
PTT: Về sự nghiệp âm nhạc của Phạm Duy thì khó có người không công nhận là vĩ đại nhưng đời sống tình cảm của Phạm Duy thì có nhiều ý kiến trái chiều. Anh có suy nghĩ gì về sự trái chiều ấy. Có điều gì anh xem như bí mật mà Phạm Duy đã nói riêng với anh không?
NĐX: Phạm Duy là một nghệ sĩ chứ không phải là một tu sĩ, một lãnh tụ chính trị, ông sống như thế nào ông đều bộc lộ cho mọi người biết. Đã là con người trước mắt quần chúng luôn có những cái hay và những cái không hay. Quần chúng có thể thông cảm cho ông để tôn vinh cái hay của ông, quần chúng cũng có thể lên án cái không hay của ông. Đó là chuyện đời tư của ông. Nhưng rồi thời gian sự nghiệp của ông vẫn sống mãi người ta quên những cái không hay của ông. Có nhiều chuyện bí mật nhưng nó không liên quan đến tác phẩm của ông, tôi biết nhưng không bao giờ tôi nói ra. Chính trong thời gian ông ra Huế ở với tôi năm 1964 (nhà chật nên ông sống trên đò là chính) ông chuẩn bị hoàn thành trường ca Mẹ Việt Nam trên các con đò ở Huế.
PTT: Anh có biết gì về bà Thái Hằng (Á Thánh) của nhạc sĩ Phạm Duy không?
NĐX: Qua tài liệu, qua hồi ký của Phạm Duy tôi biết rất rõ chuyện tình của Thái Hằng với Phạm Duy. Nhưng thời gian mà tôi gần gũi ông Phạm Duy thì chỉ gặp Thái Hằng một vài lần tại nhà Phạm Duy ở Phú Nhuận. Qua sinh hoạt trong gia đình tôi thấy bà Thái Hằng là người phụ nữ toàn tâm, toàn ý phục vụ cho chồng và các con. Nếu không đọc tài liệu thì không biết con người toàn tâm toàn ý với chồng con đó đã từng là một ca sĩ, một kịch sĩ đẹp và tài hoa. Cho nên Phạm Duy nói về Thái Hằng với tôi thường gọi bà là “Á Thánh”.
PTT: Có khi nào Phạm Duy nói với anh về chuyện Phạm Duy “dinh tê” không?
NĐX: Đây là một câu chuyện dài Phạm Duy đã kể với tôi nhiều lần, lúc ở khu IV, Phạm Duy và gia đình bên vợ được tướng Nguyễn Sơn rất quý. Nhưng hoàn cảnh lúc đó hết sức khó khăn. Về phương diện vật chất khó khăn Phạm Duy có thể chịu đựng được nhưng về sáng tác âm nhạc Phạm Duy có nhiều bài tập thể văn nghệ sĩ lúc đó có ý kiến. Sau khi sinh Phạm Duy Quang thì Phạm Duy thấy không thể sống với kháng chiến được. Thứ hai, Phạm Duy thấy tài năng của mình không thể phát triển trong hoàn cảnh kháng chiến lúc ấy. Cho nên Phạm Duy đã tìm cách về thành để nuôi con và có điều kiện được phụng sự dân tộc bằng tài năng của mình. Có lần tôi đã hỏi trực tiếp anh: “Bỏ về như vậy anh có cảm thấy có tội không?”. Anh đã trả lời: “Có chứ. Nhưng tôi phải chấp nhận cái tội ấy để tôi có điều kiện lập công với Tổ quốc lớn hơn. Tôi phải có một nơi an toàn tôi mới cống hiến được, nếu lúc ấy tôi ở lại thì hoàn cảnh của tôi cũng không khác gì Văn Cao, Hoàng Cầm, Trần Dần,…”
PTT: Quen thân với Phạm Duy hơn nửa thế kỷ anh có nhận xét gì về tính cách của Phạm Duy?
NĐX: Hơn nửa thế kỷ quan hệ thân hữu có những lúc đứt gãy nhưng rồi cũng nối lại được. Tôi ấn tượng về nhạc sĩ Phạm Duy với những biểu hiện có lúc như trái ngược nhau: Về học vấn anh chưa học hết THPT nhưng anh thông thái văn hóa lịch sử dân tộc và một phần thế giới, tỏ ra là một trí thức không thua kém bất cứ một nhà khoa bảng nào hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc với anh. Sống trong xã hội Việt Nam và quốc tế, hoạt động âm nhạc giao lưu bạn bè anh luôn là một người nghệ sĩ rất tình cảm từ cử chỉ cho đến giọng nói. Nhưng khi về nhà anh mặc bà ba (màu nâu hoặc màu lam), đi guốc mộc rất nghiêm khắc với các con và rất gia trưởng đối với vợ như một lão nhà quê. Nhạc sĩ Phạm Duy không thích “bầy đàn”. Ông quan tâm đến những người quý ông, ông giúp đỡ và trao truyền cho họ dù người lớn hay trẻ nhỏ, ông tự tin về tài năng của mình cho nên ông rất tỉnh táo với những người có ý kiến ngược chiều với ông.
Sau 50 năm (1965 – 2005) nhạc sĩ Phạm Duy với người bạn vong niên vui mừng gặp lại nhau trong thư phòng bên sông Thọ Lộc.
PTT: Tiếp xúc với Phạm Duy cũng như đọc sách, nghe nhạc Phạm Duy anh có nhận xét gì về trình độ văn hóa của Phạm Duy?
NĐX: Đối với tôi Phạm Duy là người hiểu một cách sâu sắc văn hóa Việt Nam. Qua các công trình nghiên cứu về dân tộc nhạc học, trình độ nghiên cứu của Phạm Duy không thua gì GS.TS Trần Văn Khê.
PTT: Tiếp xúc với Phạm Duy trước ngày anh đi kháng chiến và tiếp xúc với Phạm Duy sau ngày Phạm Duy về nước (2005) anh thấy Phạm Duy có gì thay đổi không?
NĐX: Cuộc đời là vô thường luôn thay đổi. Phạm Duy là một con người không thể đứng một chỗ. Về âm nhạc trước đây Phạm Duy chuyên về tình tự dân tộc, phản biện theo cung cách đời thường. Sau khi tôi đi kháng chiến Phạm Duy sống ở Sài Gòn rồi ra nước ngoài tôi không được gặp trực tiếp. Thời gian đó anh quan tâm đến đời sống tâm linh về thân phận con người và tiến đến một nền âm nhạc phổ quát chứ không nặng với truyền thống như trước kia. Nhưng về đời sống tâm hồn của anh, về đất nước, về dân tộc thì không có gì thay đổi, anh luôn là một người yêu nước mình.
PTT: Phạm Duy đã để lại một di sản âm nhạc cho Huế. Anh có suy nghĩ gì về việc phát triển di sản âm nhạc của Phạm Duy dành cho Huế?
NĐX: Tôi không hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc cho nên không thể phát triển di sản âm nhạc mà Phạm Duy đã để lại cho Huế nhưng tôi biết cái di sản đó là vô cùng quý giá, tôi chỉ có thể đóng góp, gìn giữ và giới thiệu di sản đó với các thế hệ nối tiếp tôi.
PTT: Ngoài nổi tiếng trong sự nghiệp sáng tác, theo anh Phạm Duy còn có tài gì nữa?
NĐX: Ngoài việc sáng tác nhạc, Phạm Duy còn là một nhà nghiên cứu dân tộc nhạc học (Đặc khảo về dân nhạc ở Việt Nam). Nhạc sĩ Phạm Duy còn là một nhà thơ vì lời ca từ của ông hay như thơ. Ông cũng được xem là một nhà văn, bốn tập hồi ký của ông được Eric Henry dịch ra tiếng Anh. Và người Mỹ xem 4 tập hồi ký đó là 4 tác phẩm văn học Việt Nam. Phạm Duy là nhạc sĩ, là thi sĩ, văn sĩ và nhà nghiên cứu dân tộc nhạc học.
PTT: Sau ngày về nước cho đến lúc giã từ cõi tạm Phạm Duy có đóng góp gì thêm cho văn hóa dân tộc không?
NĐX: Đóng góp lớn nhất của Phạm Duy khi về nước làm dân nước Việt là ông đem toàn bộ sự nghiệp âm nhạc và cầm bút của ông cho dân tộc. Sau ngày về nước ông có phổ nhạc 10 bài thơ của Bích Khê, viết một số sách mà chỉ có ông mới viết được như: Tân nhạc Việt Nam thuở ban đầu, Vang vọng một thời, Nhớ, xuất bản cuốn “Phạm Duy Tốn – Tác phẩm chọn lọc” do Phạm Duy sưu tầm tác phẩm và chọn tuyển Nguyễn Cừ, tái bản cuốn “Đặc khảo về dân nhạc ở Việt Nam”.
PTT: Tôi biết anh có bộ sưu tập khá lớn về tư liệu hình ảnh, âm nhạc. Anh có nghĩ đến việc sử dụng phát huy giá trị của bộ sưu tập đó không?
NĐX: Tôi không có khả năng phát triển di sản âm nhạc của Phạm Duy cũng như những gì tôi đang có về Phạm Duy, tôi chỉ có thể giữ bộ sưu tập đó và giới thiệu với những thế hệ tiếp nối tôi. Cũng có người yêu nhạc Phạm Duy đã nghĩ tới xây dựng một ngôi đền thờ phụng Phạm Duy để anh được sống nơi anh đã biết ái tình. Nếu có ngôi đền đó thì toàn bộ bộ sưu tập về Phạm Duy của tôi sẽ được lưu giữ ở đó. Và không những của tôi, hàng chục người yêu nhạc Phạm Duy có hiện vật về âm nhạc Phạm Duy cũng sẽ đưa vào ngôi đền ấy. Tôi hy vọng đề nghị đó sẽ thành hiện thực và Huế có một nơi cho người yêu nhạc Phạm Duy trên toàn quốc thắp hương tạ ơn Phạm Duy.
PTT: Với tư cách là thành viên của Hội đồng họ Phạm Việt Nam, tôi xin hỏi anh: Ạnh đánh giá sự nghiệp sáng tác âm nhạc và cầm bút của nhạc sĩ Phạm Duy như thế nào?
NĐX: Về văn học Việt Nam từ cổ chí kim tôi luôn xem Nguyễn Du là người đứng đầu. Về âm nhạc Việt Nam tôi cho rằng Phạm Duy là người nhạc sĩ đứng đầu.
PTT: Đã gần đến ngày nhạc sĩ Phạm Duy đầy trăm tuổi (5/10/1921 – 5/10/2021), anh sẽ có hoạt động gì cho ngày kỷ niệm này?
NĐX: Tôi rất hạnh phúc đời mình đã có dịp được dự ngày 100 tuổi của những bậc trí giả mà mình yêu quý như nhà thơ Tố Hữu, nghệ sĩ Điềm Phùng Thị, nghệ sĩ Lê Bá Đảng, nhà dân tộc nhạc học Trần Văn Khê và sắp tới là nhạc sĩ Phạm Duy. Nhưng phần lớn những ngày kỷ niệm 100 tuổi ấy đã không thực hiện được do bị đại dịch Covid-19. Trong hoàn cảnh dịch Covid-19 tôi chỉ có một kỷ niệm ngày nhạc sĩ Phạm Duy 100 tuổi bằng cuốn sách “Biết ái tình ở dòng sông Hương”. Cuốn sách gồm có những bài tôi đã viết về Phạm Duy mà Phạm Duy đã đọc trước khi qua đời. Những sự việc sau khi Phạm Duy qua đời và một số bài của các bạn tôi ở Việt Nam, ở Pháp, ở Mỹ. Tôi hy vọng cuốn sách sẽ ra đời và nhạc sĩ Phạm Duy ở cõi vĩnh hằng lại có dịp vui với thằng em formidable.
Tháng 7 – 2021
Phạm Thanh Tùng