SẮC THÁI CHĂM TRONG ÂM NHẠC THUẬN HÓA – PHÚ XUÂN

          Địa danh Phú Xuân chỉ có từ khi chúa Nguyễn Hoàng đến vùng đất này nhưng nếu đi ngược dòng lịch sử để tìm ra được con số 700 thì chúng ta gặp năm 1306, tức là năm Công chúa Huyền Trân phải lên xe hoa để về nhà chồng là vua Chế Mân của nước Chàm.

          Âm nhạc Việt lúc đó chưa có phong cách của Phú Xuân, lại càng không có phong cách của Huế, mà chỉ là âm nhạc dưới thời nhà Trần mà chúng ta chỉ biết sơ lược qua các quyền chánh sử và quyền An Nam chí lược của Lê Tắc. Do đó, chúng ta chỉ có thể căn cứ trên một vài sử liệu mà phỏng đoán hay nêu ra một vài giả thuyết về âm nhạc nước Việt cách đây 700 năm.

          Công chúa Huyền Trân rời nước Việt thân yêu để đi đến kinh đô của Champa. Cùng với công chúa có bao nhiêu cung nữ theo hầu mà thế nào cũng có một đoàn nữ nhạc để đánh lên những bản nhạc Việt an ủi người xa quê, nhớ nước. Đoàn nữ nhạc đó, trong khi ở tại nước Champa, chắc chắn sẽ có dịp gặp gỡ những nhạc sĩ người Chăm trong các buổi chiêu đãi của vua Chế Mân và triều đình, thì sự gặp gỡ của hai truyền thống âm nhạc Việt và Chăm là việc dĩ nhiên. Nhưng chỉ hai năm sau công chúa Huyền Trân về nước Việt khi vua Chế Mân qua đời. Vậy đoàn nữ nhạc không có lý do gì phải ở lại Champa. Trở về nước có thể đem theo một vài cung điệu của nhạc Chàm. Trong nước thì khi châu Ô và châu Lý (gọi là Châu Rí) trở thành Thuận Hóa thì chắc chắn những người dân Chăm không trở về nguyên quán mà ở lại vùng đất mới, cũng có một số nhạc sĩ khi động tình hoài thương, tấu lên những bản nhạc để tự an ủi mình thì người nhạc sĩ Việt cũng có dịp tiếp tục với một loại nhạc khác hơn.

Trần Văn Khế trong buổi khai giảng lớp nhã nhạc và cuộc gặp gỡ khoa học

          Các bậc thầy của âm nhạc truyền thống nước Việt từ trước đến giờ đều nhìn nhận rằng âm nhạc Huế ngày nay có chịu rất nhiều ảnh hưởng của nhạc Chăm, nhứt là trong các bản Điệu nam như Nam ai, Nam bằng. Tuy không có dẫn chứng nhưng chúng ta đều thấy rằng quan điểm đó rất hợp lý. Nếu chúng ta thấy rằng ngày nay, trong những người Chăm đang ở trên lãnh thổ Việt Nam, có những bài dân ca mang hơi hướng của nhạc Việt, thí dụ như bài “Ai nhiêu lợi”, một bài tình ca rất được thông dụng trong người Chăm, đã được chúng tôi ghi âm tại Viện Âm nhạc Việt Nam năm 1978, khi viện chờ nhạc sĩ Nguyễn Văn Hoa tổ chức cho chúng tôi gặp gỡ nhiều nhạc sĩ người Chăm đang sống tại tỉnh Thuận Hải (nay là Ninh Thuận hay Bình Thuận). Chúng ta thấy rằng về mặt cấu trúc âm thanh, thang âm, điệu thức, bài “Ai nhiêu lợi” rất gần gũi với những bài ca hơi nam của ca nhạc Huế. Cây đàn dùng để phụ họa cho lời ca bài “Ai nhiêu lợi” rất giống cây độc huyền ngày trước, chỉ có thùng, có bầu, có cần mà chưa điện khí hóa. Nhạc công nói với tôi, cây đàn ấy người Chăm gọi “Cà tinh” (trước đó hơn chục năm, nhạc sĩ Phạm Duy cũng đã ghi âm nhạc Chàm và được người nhạc công cho biết rằng cây đàn một dây người Chăm gọi là “Rề bạp ca tọ”). Dầu sao nhạc khí dùng trong dân ca Chăm hơi hướng của bài “Ai nhiêu lợi” là một bằng chứng rất cụ thể của sự gặp gỡ giữa hai nền nhạc Việt và Chàm.

          Đó chỉ là những suy luận hay giả thuyết không phải là một bằng chứng có tánh cách khoa học. Chúng ta có thể tin rằng giả thuyết đó không xa sự thật bao nhiêu. Âm nhạc vùng Phú Xuân có một số nét đặc thù không gặp trong nhạc truyền thống miền Bắc như là thang âm điệu thức của những câu hò, hò mái nhì, hò mái đẩy, trong những bản Nam ai, Nam bằng và Tứ đại cảnh. Sự khác biệt đó chỉ có thể giải thích một cách hợp lý là kết quả của sự gặp gỡ những truyền thống khác nhau, như trong các hơi của âm nhạc Tài tử miền Nam có hơi Quảng được sanh ra nhờ sự gặp gỡ của hai truyền thống nhạc Việt và nhạc Quảng Đông tại những vùng như Chợ Lớn ngày xưa có rất đông đảo ngoại kiều Quảng Đông.

          Truyền thống âm nhạc miền Trung được cha truyền con nối qua nhiều thế hệ đã chịu thử thách của thời gian, đã nhờ sự bảo tồn nghiêm túc của các bậc thầy nên chúng ta có thể hình dung rằng âm nhạc của Phú Xuân ngày xưa chắc không khác mấy âm nhạc Huế thời nay. Có khác chăng là tiết tấu mau, chậm; câu nhạc ngắn, dài và sự biến chuyển tất nhiên của bất cứ truyền thống nào.

          Vì những lý do nêu trên mà chúng tôi rất ngại ngùng khi phải viết một bài tham luận theo yêu cầu của Ban tổ chức về một loại nhạc mà chúng tôi, về mặt lịch sử cũng như về mặt nhạc học, không có tư liệu nào rành rẽ chính xác.

          Có điều đáng nhớ là ngày nay có nhiều bài ca, đặc biệt nhứt là bài Nam bằng mà câu mở đầu “Nước non ngàn dặm ra đi”, nhắc lại công chúa Huyền Trân ngày xưa, vì lợi nước, vì hiếu đạo với vua cha, phải ra đi với tâm trạng não nề, không phải vui tươi như một cô dâu bước lên xe hoa. Cuộc hôn nhân đó cũng là đề tài cho rất nhiều bài thơ và những câu ca dao như:

          “Tiếc thay cây quế giữa rừng/ Để cho…”, hay là “Tiếc thay hạt gạo trắng ngần/ Đã vo nước đục, lại vần lửa rơm”.

          Trong tâm trí của đa số người Việt, cuộc hôn nhân đó là do sự tính toán của vua nhà Trần, chỉ nghĩ đến lợi nước mà phải đành chịu “đổi chác” một nàng công chúa kiều diễm với hai châu. Có người lại sánh tâm trạng và hoàn cảnh của Huyền Trân công chúa chẳng khác chi Chiêu Quân dưới thời nhà Hán phải chịu cống Hồ.

          Tuy đang bàn về âm nhạc, quý vị cho phép tôi được xem lại cuộc hôn nhân đó dưới một góc độ và một cách nhìn khác hơn. Sau khi nói chuyện với nhà khảo cổ kiêm chuyên gia Hán – Nôm, Trần Đình Sơn, tôi hoàn toàn đồng ý với ông rằng sự kiện đó không phải là một cuộc đổi chác tầm thường mà là một cách nhìn rất chính xác của một vị minh quân nhà Trần về tình hình chánh trị, quân sự của nước Việt trước sự đe dọa của Nguyên – Mông. Sau khi thắng trận Bạch Đằng, Trần Nhân Tông vẫn lo nếu Nguyên – Mông được nước Champa ủng hộ thì trong cuộc tổng tấn công tương lai, nước Việt sẽ ở giữa hai gọng kềm, phía trên Nguyên – Mông tấn công, phía dưới Champa xâm lấn, thì nước Việt khó lòng đi đến chỗ chống ngoại xâm dễ dàng. Do đó, trước khi có ý định thoái vị để đi tu, ngài đã từng đi khắp nước Việt để xem xét tình hình kinh tế, để thăm dò lòng dân và ngài cũng vi hành đến nước Chăm láng giềng. Nhưng vua Chế Mân nước Chăm, khi biết được cuộc vi hành đó, mặc dầu không được thông báo chánh thức, cũng đem triều thần đến đón nhà vua một cách trọng thể. Trong cuộc giao tiếp thân mật giữa hai quốc vương Trần Nhân Tông và Chế Mân, nảy sinh ra một tình cảm đặc biệt giữa hai bậc vương giả mà tình thương lương dân rất cao. Vua Chế Mân lại là một con người lịch thiệp. Vua Trần Nhân Tông đã bàn rõ với Chế Mân vì sao hai nước Việt và Champa cần phải chen vai sát cánh mới có thể chống lại với cái mộng bành trướng của Nguyên – Mông. Trước sự đồng tình, hợp lý của Chế Mân, vua Trần trong câu chuyện có hứa gả một công chúa cho ngài. Sau khi vua Trần Nhân Tông về nước, vua Chế Mân nhớ lời khi xưa, đem sính lễ đến cầu hôn, xin cưới công chúa Huyền Trân thì vua Trần Anh Tông và triều đình rất do dự. Có nhiều người cho rằng chỉ là một lời hứa của một vị vua nay đã không còn tại vị thì không có một giá trị đặc biệt. Tuy không từ chối thẳng lời cầu hôn của vua Chăm song triều đình cũng không sốt sắng trong việc thực hiện lễ cưới. Vua Chế Mân biết rõ điều ấy nên đã tự động dâng châu Ô và châu Lý để làm sính lễ. Thái thượng hoàng khi biết tin đó đã trở lại triều đình mà nhắc phải tôn trọng lời hứa của Người. Sau đó, cuộc hôn nhân đã được cử hành.

         

Trần Văn Khê phát biểu tại buổi khai giảng

Trần Văn Khê phát biểu tại buổi khai giảng

Như vậy, không phải là một cuộc ra giá hay đổi chác mà là một cái nhìn thấu xa của một vị minh quân và lòng hy sinh vô bờ bến của một phụ nữ trọn hiếu với cha, trọn tình yêu nước, dẹp tình riêng để hoàn thành một nhiệm vụ cao cả, cuộc hôn nhân đó là một niềm hãnh diện cho dân tộc ta.

          Huyền Trân công chúa có thể buồn đến nát lòng nhưng không có tủi nhục. Không thể so sánh Huyền Trân với Chiêu Quân vì ngày xưa vua nhà Hán, trước áp lực quân sự của rợ Hồ, bắt buộc phải hy sinh Chiêu Quân để đem lại hòa bình cho đất nước. Nước Việt không chịu áp lực quân sự của nước Chăm mà chỉ vì tình hữu hòa hiếu.

          

          Kính thưa quý vị, tuy phải bàn về âm nhạc Việt ngày xưa mà chúng tôi đã lạc đề đi từ lãnh vực âm nhạc đến lãnh vực lịch sử, chánh trị nhưng chúng tôi nghĩ rằng có bổn phận soi sáng lại một giai đoạn lịch sử để đi tới một nhận định về mặt giao lưu âm nhạc: ảnh hưởng qua lại của nhạc Việt và nhạc Chăm. Ngoài ra để thấy cái đẹp hoàn toàn trong cách xử sự của vua Trần Nhân Tông và công chúa Huyền Trân. Và, cũng nhờ cuộc hôn nhân này mà sự gặp gỡ giữa nhạc Việt và nhạc Chăm được thể hiện phong phú, góp phần tạo nên một ngôn ngữ âm nhạc độc đáo của miền Trung trong đó có sắc thái dịu dàng, thơ mộng rất dễ thương của ca nhạc Huế.

                                                                                                                                                         Trần Văn Khê

Bài viết được trích từ Kỷ yếu hội thảo khoa học "700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân Thừa Thiên Huế" do Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức tháng 6/ 2006.

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang