Từ năm 1955 người Thừa Thiên Huế di chuyển vào vùng đất lành Sài Gòn - Gia Định sinh sống, lập nghiệp càng ngày càng đông. Trong đó có một phần thuộc dòng dõi hoàng tộc, danh gia vốn là truyền nhân của bộ môn đờn ca tri âm ở Huế xưa.
Nhằm giới thiệu, quảng bá âm nhạc truyền thống có ảnh hưởng đậm đà với ca nhạc tài tử phát triển tại vùng đất phương nam, các nhạc sư Nguyễn Hữu Ba, Bửu Lộc, Vĩnh Phan được mời giảng dạy môn quốc nhạc tại trường Quốc gia âm nhạc Sài Gòn. Ngoài ra, nhạc sư Bửu Lộc cùng các danh cầm Vĩnh Trân – Vĩnh Phan - Gia Cẩm - Trịnh Chức và các ca nương nổi tiếng tài sắc như Bích Liễu - Thu Tâm - Tuyết Hương - Bích Vân hợp tác thành lập ban ca Huế Hương Bình, hằng tuần trình diễn trên đài phát thanh hay các sự kiện văn hoá tại Sài Gòn, từ năm 1958 đến 1968 chấm dứt hoạt động. Tuy nhiên khách tri âm, người đồng điệu vẫn thường hẹn hò tới nhà mệ Lộc để cùng nhau thưởng thức thú vui tao nhã của quê hương, lâu dần tự nhiên thành nhóm đờn ca Huế xưa…

Một số nhạc sư và danh cầm, ca nương nổi tiếng
Hoà bình thống nhất trở về với đất nước, mọi người từ Bắc vào Nam hồ hỡi phấn khởi. Chưa được bao lâu thì qua mấy lần đổi tiền nhóm tri âm gặp nhau than thở “khi không mà hoá ra người trắng tay”, lâm vào cảnh khóc thì hổ ngươi, cười lại ra nước mắt!
Từ rày xin chừa cái thói phong lưu đờn ca, thơ thẩn. Các mệ, các cô, quý thầy… đều phải chạy rông ra chợ trời Hàm Nghi , An Đông, Tân Định … kiếm gạo qua ngày. Một hôm gần cuối năm 1977, có nhà thơ Tôn Nữ hớt hãi báo tin mệ Lộc bị ăn trộm vô nhà quơ hết rồi. Buổi chợ chiều Tân Định tan, vài thân hữu đèo nhau lên thăm khổ chủ. Đến nơi thấy mệ Trai, mệ Gái đang ngồi nhìn nhau, chủ khách ngao ngán thở dài ấp úng…
Bỗng mệ Lộc khẽ khàng cất giọng nam bằng :
Biết đâu là rủi biết đâu may
Lộc còn đây,
Thử nhìn ông Táo mà cũng trắng tay…
Đây mình còn được như vầy,
Dễ ai tày khuây khoa thơ nhạc vui vầy
Không buồn chi hết
Nếu mất ta mới là mất hết …
Mặt mày mọi người đang bí xị, bỗng vang lên tiếng cười như trúng số độc đắc, thế là một cuộc ca ngâm mở màn vui đáo để. Từ đó truyền nhau câu:
Ưng hát ưng ca mời đến nhà mệ Lộc,
Ưa xem kinh phật tìm Quan Âm Các Đặng trần Côn
Từ rày xin bỏ dại khôn
Lắng nghe ca, kệ cho tâm hồn thảnh thơi…
Gần hết năm 1980,mệ Bích Tiên báo tin buồn ngài Từ Cung đã mệnh chung. Bà ra Huế dự lễ tang, trở về Sài Gòn đã tổ chức buổi tưởng niệm tại nhà ông Nguyễn Văn Vững. Buổi lễ có mặt các vương tôn, công tử, bà Ưng An, ông Tôn Thất Liệu,… cụ Vương Hồng Sển, ông Huỳnh Văn Tràng, ông Huỳnh Văn Đạo tham dự (Các vị này là người gốc Nam Bộ nhưng rất ngưỡng mộ triều Nguyễn).
Sau lễ dâng hương, ôn lại công đức của ngài đối với việc giữ gìn thờ phụng các vị tiên đế, bảo tồn lễ nhạc cung đình,… mọi người đều ngậm ngùi cho vị Hoàng Thái hậu cuối cùng suốt 40 năm mong ước được một lần gặp mặt người con duy nhất mà không được toại nguyện trước khi về chầu tiên đế!
Tiếng tơ tiếng đồng nỉ non nâng giọng vàng Bích Liễu mở đầu câu mái nhì tiếp theo bản Nam ai của mệ Bửu Lộc cảm tác:
Hồng nhạn bay ngang đỉnh Bình san thơ mộng
Lê thê xa vọng tiếng hát đò đưa
Văn lâu bến cũ rêu mờ
Thanh âm còn văng vẳng như ai đợi ai chờ
giữa non sông…
***
Trời ơi ,người đã ra đi
Thôi còn chi ,lặng nhìn đây đó,
Đầy vẻ ai bi
Nói gì,biết phải nói gì
Hỏi nói gì?Ôi thôi đành vậy thôi thì
Hoa vàng nghiêng bóng,lúc hoa rơi
Hương còn nghe lắng
thoảng nhẹ xa gần…
Gió Hương giang ,trăng non Bình
nào phải vô tình…
Trăm họ một lòng son
Rằng chuyện nước non
Mãi còn vương biển dâu trăm đường !

Một buổi ca Huế
Giữa năm 1983, nhạc sư Vĩnh Phan bỏ cây tỳ bà cưỡi hạc về tiên cảnh, để cô Bích Liễu quạnh quẽ màn loan. Gần cuối năm, mệ Bích Tiên thành viên nhiệt tình của nhóm tri âm Huế trở bệnh nặng. Chúng tôi cùng Ôn Vạn Phước vô thăm an ủi lần cuối, mệ rất hoan hỉ chấp tay: “Dạ bạch Ôn, Phật dạy chúng sanh chịu bốn cái khổ sinh, già, bệnh, chết mà nay con trải qua năm thứ khổ mới mong hết nghiệp…” Ôn hỏi: Rứa mệ còn cái chi khổ nữa? Mệ mếu máo, dạ bạch “Con phải trải qua cho đủ sanh, lão, bệnh, túng mới chịu tử!”. Ra về , Ôn bảo với chúng tôi: Các mệ cũng lạ, gần chết mà vẫn cứ khôi hài không bỏ …
Mấy hôm sau mệ Bích Tiên thoát nợ đời, tang lễ tổ chức tại chùa Vĩnh Nghiêm. Đêm cuối cùng bà con, thân hữu, nhóm tri âm làm lễ truy niệm đờn ca tới khuya. Cô Bích Liễu, cô Trúc Anh ca bản nam bình của mệ Bửu Lộc cảm tác:
“Bích Tiên rày đã quy tiên, dứt trần duyên
Mệ về trên ấy là cõi an nhiên.
Hết buồn, hết giận, hết phiền…
Biết ai mà tỏ tấc duyên,
Mười hai bến lênh đênh một thuyền…”
Nhóm tri âm càng ngày càng vắng, ngày 30/11/1986 danh cầm Bửu Lộc cũng buông đàn cưỡi hạc quay về cố hương. Tối 3/12 bà con, thân hữu, môn sinh tụ tập trước linh sàng ngâm thơ, đàn ca tưởng nhớ bậc thầy đầy đủ tài năng, đức độ suốt cuộc đời tận hiến cho âm nhạc truyền thống. Cô Hồng Lê xúc động hò câu mái nhì được mệ Bửu Lộc viết tặng lần đầu vào thăm Sài Gòn sau ngày thống nhất gặp lại nhau :
“Mừng gặp Hồng Lê ,trở về Bến Nghé
Mối tình văn nghệ đầy ý nghĩa trước sau
Hôm nay ngồi lại với nhau
Hồng Lê –Bửu Lộc ai sầu hơn ai ?
Ca tiếp bài nam bình do ông Văn Thanh người bạn tri kỷ của mệ Bửu Lộc cảm tác:
Hỡi ơi !Bửu Lộc đã ra đi…
ký rồi quy.
Một đời nghệ sĩ bao kẻ tương tri ?
Kiếp nhân sinh sao chưa trọn đã ra về!
Vội ra về , khách tri âm nhiều luyến tiếc não nề
Ngự Bình xao xuyến…
Nước sông Hương như dạt dào thương tiếc
Đàn đứt giây rồi!
Khúc nam ai thôi đành dang dỡ muôn đời
Danh cầm Bửu Lộc chính ngôi
Hồn thiêng có biết chăng hỡi người ?
Tiếng tranh cầm chơi vơi
Mang nặng niềm tâm sự
Mạch sầu khơi
Lộc rụng … hoa rơi lệ đầy vơi
Gió mưa tơi bời !
Kể từ đây đờn ca tri âm dần dần lùi vào dĩ vãng, mấy ai còn duyên nghe được tiếng tơ, tiếng đồng nhấn nhá ngân nga của các diệu thủ, danh sư xứ Huế một thời lưu lạc phương nam vì vận nước đổi thay…
Đầu thế kỷ 21, ca sĩ Võ Ngọc Lan cùng các thân hữu có lòng muốn phục hưng nên thành lập Câu lạc bộ ca Huế tại TP.HCM. Nhưng rất tiếc có tâm nhưng tầm, tài chưa đủ nên không phát triển thành công. Chỉ hoạt động phục vụ trong các dịp đồng hương họp mặt, hò câu mái nhì chuyển qua điệu nam bình chiếu lệ, rồi hò giã gạo, nói vè hay chầu văn cho hợp với quần chúng…
Hiện nay chỉ còn hy vọng bộ môn đàn ca Huế (hay Đàn ca tri âm) có đủ nhân duyên phục hồi đúng chuẩn mực ngay trên quê hương Thừa Thiên Huế, để bảo tồn một di sản quý báu của ông cha bao đời đem tâm huyết gầy dựng hình thành trao truyền cho đời sau.
T.Đ.S