Áo dài di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại ?

Đất Viêt.- Thưa ông, mới đây Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia cho biết sẽ làm hồ sơ tôn vinh áo dài Việt Nam hướng đến ghi danh áo dài ở danh mục di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, khẳng định thương hiệu áo dài là của Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về đề xuất trên?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (NNC NĐX).- Áo dài là một di sản văn hóa vật thể ra đời từ cuối đời các chúa Nguyễn, trải qua các thời kỳ đều nổi tiếng ở đất Thần kinh xưa sau nầy ở Cố đô Huế. Cả một chiều sâu văn hóa nghệ thuật triết lý mang hồn Việt trong chiếc áo dài. Mấy chục năm qua tôi ước mơ có một cơ quan văn hóa ở địa phương hay Trung ương nào đứng ra lập hồ sơ đệ trình UNESCO xin ghi danh áo dài Việt Nam là di sản vật thể/phi vật thể của nhân loại. Nhưng chờ mấy chục năm mà chưa thấy. Nay được tin Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia đứng ra làm. Tôi rất mừng. Mong sớm thành công.    

Đất Viêt.- Việc này có khó không  và nếu làm được việc này, theo ông sẽ mang lại ý nghĩa về văn hóa, lịch sử như thế nào?

NNC NĐX.- Lập hồ sơ một di sản văn hóa dân tộc để cho thế giới công nhận là di sản của nhân loại là một việc không dễ. Nhưng áo dài là một di sản có thật, ngành văn hóa Việt Nam cũng đã có nhiều kinh nghiệm làm hồ sơ trình UNESCO nên việc lập hồ sơ cho áo dài Việt Nam có thể làm tốt.

Đất Viêt.- Nếu làm được việc này, theo ông sẽ mang lại ý nghĩa về văn hóa, lịch sử như thế nào?

NNC NĐX.- Áo dài là một di sản văn hóa của nhân loại, mang hồn Viêt. Người Việt Nam biết rõ giá trị của chiếc áo dài Việt Nam họ sẽ bảo vệ nó, phát triển cải cách canh tân áo dài mang hồn Việt hài hòa với trang phục mọi hoàn cảnh, mọi thời đại. Khẳng định với thế giới “Áo dài là Việt Nam”. Những ai cầm nhầm, người Việt Nam có trách nhiệm phản biện.  

Đất Viêt.- Đại diện viện văn hóa cũng cho biết, áo dài là vật thể nếu đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể thì hồ sơ không thể làm áo dài được, mà phải là nghệ thuật áo dài, nghệ thuật may áo dài, hay cách mặc áo dài của người Việt...

NNC NĐX.- Như chúng ta được biết UNESCo chỉ nhận di sản vật thể (Patrimoine culturel matériel) và di sản phi vật thể (patrimoine culturel immatériel). Áo dài của chúng ta vừa là những di sản vật thể (Áo dài của các thế hệ vua chúa, quý tộc, dân gian trong 4 thế kỷ qua là những báu vật, những cổ vật vô giá) vừa là di sản phị vật thể (thiết kế tạo mẫu,  nghề may áo dài, nghệ thuật, lịch sử, triết lý nơi chiếc áo dài.v.v.) . Hồ sơ xin vinh danh áo dài phải thể hiện đầy đủ cả hai mặt vật thể và phi vật thể. Với giá trị như vậy UNESCO không thể xếp hồ sơ áo dài vào hai cái khuôn họ đang sử dụng lâu nay. Biết đâu từ Hồ sơ áo dài Việt Nam từ nay UNESCO sẽ có thêm loại hình di sản phi vật thể trong di sản vật thể. Có lẽ khó ở chỗ đó.   

Đất Viêt.- Như vậy có dễ không? Hơn nữa, để làm hồ sơ di sản phi vật thể, bên cạnh cái tên hồ sơ, áo dài còn vướng một vấn đề nữa. Đó là nó phải gắn với một cộng đồng nhất định.

NNC NĐX.- Áo dài tuy xuấy phát từ triều Nguyễn và nổi tiếng ở Huế từ thế kỷ XVIII, nhưng qua thế kỷ XX, áo dài đã phổ biến trên toàn quốc, được người Việt Nam chọn làm quốc phục. Cộng đồng của áo dài là toàn bộ dân tộc Kinh trên toàn cõi Việt Nam.

Đất Viêt.- Vậy, việc xác định cộng đồng với gắn với áo dài sẽ gặp phải những khó khăn, phức tạp như thế nào? Hướng giải quyết ra sao, thưa ông?

NNC NĐX.- Áo dài là di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia của nước Việt Nam đứng ra lập hồ sơ và đệ trình lên UNESCO với tư cách Việt Nam thì có gì khó khăn, phức tạp đâu! Nếu có sự thắc mắc nào đó là trong hồ sơ không phản ảnh đúng lịch sử phát triển chiếc áo dài ở một địa phương nào đó mà thôi. Với sự cộng tác của các chuyên gia chuyện ấy khắc phục được dễ dàng.

Đất Viêt.- Có thể làm hồ sơ theo hướng xác định là nghề may áo dài được không? Nhưng nếu chọn theo hướng đó thì nó sẽ không tiêu biểu cho toàn bộ Việt Nam. Nếu vậy phải cân nhắc thế nào?

NNC NĐX.- Nghề may áo dài, tạo mẫu áo dài qua các thời kỳ là những chi tiết nhỏ trong hồ sơ chứ nghê may áo dài dù tinh túy đến đâu cũng không đủ yếu tố để được xem là một di sản của nhân loại được.  

Đất Viêt.- Mục đích cuối cùng hướng tới là công nhận áo dài là thương hiệu của Việt Nam chứ không chỉ là một nghề hay di sản của một làng nào đấy. Nếu làm được như vậy thì cũng sẽ tạo ra hành lang pháp lý, giúp giải quyết được các vấn đề về tranh chấp thương hiệu như thế nào? Cụ thể, trong lần tranh chấp với một số nhà thiết kế Trung Quốc vừa qua?

NNC NĐX.- Theo tôi vấn đề quan trọng nhất là làm sao lập được một bộ hồ sơ áo dài đầy đủ, khoa học, được các chuyên gia trong và ngoài nước tham gia ý kiến để có giá trị thật và được UNESCO công nhận. Khi áo dài Việt Nam đã trở thành di sản văn hóa của nhân loại thì không ai có thể dành cái thương hiệu ấy của ta. Ta không cần tranh chấp với ai cả.

Đất Viêt.- Nhìn nhận một cách toàn diện, ông có tin tưởng Việt Nam sẽ thành công không?

NNC NĐX.- Áo dài là một thực thể không những người Việt Nam ưa thích mà phụ nữ nhiều nước trên thế giới cũng rất quan tâm. Tôi đã xem ảnh ở đâu đó thấy phu nhân của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã mặc áo dài. Áo dài là một thực thể vô cùng giá trị không thể nói khác đi. Vấn đề là được hay chưa được do chất lượng của bộ hồ sơ nghiên cứu và trình bày với UNESCO chứ không phải giá trị cao hay thấp của áo dài. Tôi tin sẽ thành công.

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang