Đi tìm sự khác biệt trong di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Huế để gắn với việc phát triển du lịch bền vững

Thừa Thiên Huế đã có một hệ thống Bảo tàng và Di tích lưu niệm Hồ Chí Minh tương đối hoàn chỉnh và đã đưa vào phục vụ cán bộ, nhân dân, khách tham quan trong và ngoài nước bốn chục năm qua. Với lượng khách hàng năm đến với Bảo tàng Chủ tịch HCM trên đường Lê Lợi, tham quan Nhà lưu niệm 112 Mai Thúc Loan, Nhà lưu niệm ở làng Dương Nổ, Di tích mộ bà Hoàng Thị Loan ở phường An Tây ta có thể nói việc tuyên truyền truyền thống mang tính văn hóa chính trị của tỉnh TTH đã đạt được những thành tựu nhất định. Tuy nhiên từ tuyên truyền truyền thống (miễn phí) đến hoạt động kinh doanh du lịch (bán vé thu tiền) là hai lãnh vực khác nhau. Theo tôi, vấn đề chúng ta phải nghiên cứu là:

1. Khách tham quan di sản Chủ tịch HCM tại TTH là ai?

Quần chúng nhân dân cách mạng, một bộ phận dân các nước có cảm tình với sự nghiệp giải phóng dân tộc VN là khối khách tham quan du lịch Huế đã đến Bảo tàng HCM tại Huế và các điểm lưu niệm trên đất TTH.

Tuy nhiên, một khối lớn khách du lịch đến Huế trước hết họ tham quan Kinh đô thời quân chủ cuối cùng ở VN, thăm lăng mộ các vua Nguyễn, thăm các chùa Huế, nhìn ngắm cảnh quan và hưởng văn hóa sông Hương.v.v. Tất cả những chủ đề đó đều thuộc về lịch sử văn hóa truyền thống Huế “phi thời sự chính trị”. Trong lúc đó di sản Chủ tịch HCM tại TTH gắn liền với quá trình đấu tranh yêu nước, chống Pháp, chống Mỹ và chống người Việt Nam phục vụ trong các bộ máy của chính quyền thân Pháp, thân Mỹ. Di sản Chủ tịch HCM tại TTH không thể không mang màu sắc “thời sự chính trị”. Cho nên không hy vọng cái khối khách thứ hai nầy cũng là khối khách tham quan di sản Chủ tịch HCM tại TTH. Đưa ra tình hình thực tế như thế không có nghĩa là TTH tiếp tục bảo vệ, quản lý hệ thống Bảo tàng và các điểm lưu niệm về Chủ tịch HCM để làm truyền thống yêu nước và không thể đưa vào phục vụ tham quan du lịch. Vấn đề là phải nhìn vào thực tế vừa tìm cho mình sự khác biệt với Pắc-bó, Hà Nội, Nghệ An, TP HCM, Đồng Tháp.v.v  vừa hấp dẫn được mọi đối tượng đến du lịch Huế.   

2. Những gì trong di sản Chủ tịch HCM tại TTH có thể hấp dẫn được khách du lịch để họ bỏ tiền mua vé tham quan?

Thực tế cho thấy, mấy chục năm qua, hệ thống Bảo tàng và các điểm lưu niệm về Chủ tịch HCM để làm truyền thống yêu nước đã đạt được nhiều thành tưu về giáo dục chính trị, đến nay theo tôi nên có kế hoạch nâng cao và tiếp tục. Nay có chủ trương “phát triển du lịch” từ  di sản Chủ tịch HCM tại TTH, thì ta nên chọn một “điểm nhấn”. Điểm nhấn đó là gì?

Sau gần 40 (1975-2014) năm nghiên cứu Chủ tịch HCM, tôi đã được mời nói chuyện hàng trăm buổi, được mời viết cho hàng chục tờ báo, được mời tham dự nhiều cuộc hội thảo khoa học, hướng dẫn cho sinh viên trong và một số ở nước ngoài (Thái Lan, Mã Lai, Cu Ba, Mỹ), trả lời Phỏng vấn của hàng chục hãng Truyền hình, in và tái bản nhiều lần hai cuốn sách Thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế, và Đi tìm dấu tích thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế…thì điểm nhấn đó là thời Chủ tịch HCM đi học ở Huế với tên gọi là Nguyễn Sinh Cung.

Điểm nhấn nầy thỏa mãn hai yêu cầu:

2.1.“Phi thời sự chính trị”, hấp dẫn được mọi đối tượng đến tham quan du lịch Cố đô Huế. Qua hình ảnh học sinh Nguyễn Sinh Cung, người tham quan còn được hình dung cảnh quan, sinh hoạt đời thường của xã hội Kinh đô Huế đầu thế kỷ XX như thế nào. Ở Huế hiện nay chưa có bất cứ một nơi nào làm được việc nầy. Đời thường của cậu học sinh Nguyễn Sinh Cung không thể tách rời khỏi xã hội Kinh đô Huế cho nên nó cũng gắn với Cố đô Huế chứ không phải là một bộ phận tách rời. Hiểu cuộc sống đời thường của cậu học sinh Nguyễn Sinh Cung thì càng hiểu Kinh đô Huế đầu thế kỷ XX hơn.

2.2. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch HCM rất vĩ đại. Thông tin, hiện vật, hình ảnh về sự nghiệp của Bác ở TTH  không là gì so với Bảo tàng HCM ở Hà Nội, Làng Sen, làng Hoàng Trù ở Nam Đàn/Nghệ An, và Bến Nhà Rồng tại TP HCM. Điểm nhấn “Chủ tịch HCM đi học ở Huế với tên gọi là Nguyễn Sinh Cung” chỉ ở Huế mới có. Đây là điểm khác biệt hấp dẫn nhất “không nơi nào có được”; Muốn biết “những tín hiệu của một vì sao” như thế nào mọi người phải đến Huế.

Tôi có ý tưởng nầy từ thực tế gặp gỡ, trao truyền về đề tài Thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế.

Ngày 28-7-2013, tôi đã tiếp một đoàn giáo viên gồm 14 thầy cô giáo do Giáo sư Steve O’Harrow, giám đốc Trung tâm Đông Nam Á học, ĐH Tổng hợp Hawaii làm trưởng đoàn và cô Lê Minh Hằng, giảng viên Tiếng Việt học, ĐH Tổng hợp Hawaii phiên dịch. Buổi nói chuyện do trường Tiếng Việt Sài Gòn (Vietnamese Language Studies Saigon - VLS) đứng ra tổ chức.

Họ cho biết họ đã tìm hiểu cuộc đời chung của Chủ tịch HCM ở Hà Nội và TP HCM. Đến Huế, họ chỉ yêu cầu tôi trình bày về thời kỳ Chủ tịch HCM đi học ở Huế. Tại buổi nói chuyện, tôi đã đề cập đến bối cảnh lịch sử Huế cuối thế kỷ XIX với sự du nhập của văn minh - văn hóa phương Tây, bối cảnh đó đã thu hút hai anh em Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung theo bố vào Huế học. Tôi nói về quá trình đi học, tham gia phong trào đấu tranh chống sưu cao thuế nặng năm 1908 tại Huế của cậu học sinh Nguyễn Sinh Cung. Kết luận là Nguyễn Sinh Cung/ Nguyễn Tất Thành đã hình thành tư tưởng yêu nước tại Huế. Anh không theo phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu mà tự tìm đường sang phương Tây. Đoàn Giáo viên rất thích thú và họ cho biết sẽ viết thành giáo trình dạy cho học sinh Trung học tại Hoa Kỳ.

Trình bày về Chủ tịch HCM thời đi học ở Huế

Tặng sách Đi tìm dấu tích Thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế cho Giáo sư Steve O’Harrow, giám đốc Trung tâm Đông Nam Á học, ĐH Tổng hợp Hawaii (28-7-2013)

3. Từ điểm nhấn “Chủ tịch HCM đi học ở Huế với tên gọi là Nguyễn Sinh Cung” làm sao thu hút được khách tham quan?

3.1. Chúng ta đang bàn đến việc đưa di sản Chủ tịch HCM tại TTH vào phục vụ khách tham quan du lịch chứ không phải tiếp tục bàn việc của bảo tàng Chủ tịch HCM tại Huế. Làm bảo tàng đã khó, từ cơ sở thông tin, hiện vật, hình ảnh của bảo tàng làm sao hấp dẫn khách du lịch phải thêm một khâu nữa lại càng khó hơn. Tuy nhiên, bảo tàng phải có thông tin, hình ảnh, hiện vật gốc còn làm du lịch có thể nhờ các ngành hội họa, điêu khắc, kỹ thuật âm thanh, ánh sáng giúp phục dựng làm sống lại những gì đã khô cứng trong bảo tàng. Hình ảnh cảnh quan của Huế đầu thế kỷ XX không thiếu. Hình ảnh học sinh mặc áo dài đen, đội nón lá, đi guốc gỗ không thiếu. Tạo dựng một học sinh Nguyễn Sinh Cung với nhiều hình ảnh khác nhau (ngồi chơi nói chuyện với bạn bè, ngồi trong lớp học, đứng tranh luận với các thầy, đứng diễn thuyết với các bạn cùng lớp, làm thông ngôn, tham gia chống thuế 1908.v.v.) nằm trong khả năng của các họa sĩ Huế, tượng Nguyễn Sinh Cung học sinh trường Pháp Việt Đông Ba, trường Quốc Học Huế, các điêu khắc gia Huế có thể làm được. Cũng có thể phục dựng đồ dùng dạy học, sách vở chữ Hán, chữ Pháp, chữ Quốc ngữ thời ấy. Tất cả những hình tượng ấy đặt trong cảnh quan xưa của Huế đầu thế kỷ XX (cầu Trường Tiền, chợ Đông Ba, KS Morin, Tòa Khâm sứ Huế, Trường Quốc Học.v.v.).

Một vài ảnh Huế đầu thế kỷ XX[1]- thời Nguyễn Sinh Cung đi học ở Huế:

Cửa Thượng TứẢnh báo Life

Cổng trường Quốc Học. Bưu ảnh cũ

Chợ Đông Ba. Bưu ảnh cũ

Buôn bán bên đường. Bưu ảnh cũ

Trường Quốc Tử Giám

Cầu Trường Tiền

Khách sạn Morin Huế

Tòa Khâm sứ Huế

3.2. Viết sách hướng dẫn hấp dẫn: Trình bày ngắn gọn về hoàn cảnh lịch sử Kinh đô Huế đầu Thế kỷ XX. Sự kiện học sinh Nguyễn Sinh Cung vào học Pháp Việt Đông Ba và Quốc Học Huế. Nêu rõ tính cách của người học sinh đặc biệt ấy:

- Rất ham học ngoại ngữ, học ở trường, học các lớp chiều, chạy theo người Pháp đi đường để tập nói tiếng Pháp;

- Rất thích làm thơ;

- Học trong lớp hay tranh luận với thầy giáo về nội dung các bài học;

- Thích diễn thuyết trong lớp,

- Việc gì cũng tìm hiểu đến nơi đến chốn.

Đó là phong cách rất gần với phong cách của học sinh các nước tiên tiến đầu thế kỷ XXI nầy.

3.3. Muốn đưa một đề tài mới vào phục vụ du lịch cần phải đào tạo một đội ngũ thuyết minh tinh nhuệ. Ngoại hình đẹp, biết ngoại ngữ, yêu thích văn hóa lịch sử. Có thể xây dựng một đội ngũ cộng tác viên có đủ các yêu cầu trên từ các trường học cấp III và sinh viên Đại học. Chính đội ngũ cộng tác viên nầy là đầu mối thu hút sự chú ý của tuổi trẻ đến với “cậu học sinh Nguyễn Sinh Cung”. Đó là lực lượng nội bộ. Muốn phát triển du lịch cần phải thu hút được lực lượng hướng dẫn viên du lịch toàn quốc và phần nào đó ở cả nước ngoài. Phải biết rõ các công-ty, các hãng du lịch quốc tế và quốc nội để giới thiệu, vận động họ giới thiệu với khách và mời khách đến. Muốn thành công phải có chế độ ưu đãi dành cho đội ngũ hướng dẫn viên nầy.

3.4. Thiết kế tour “Học trò xứ Huế”. Huế là đất học, “bệ phóng nhân tài”, vừa để phục vụ thu hút khách du lịch cho “di sản Chủ tịch HCM tại TTH ” vừa để giáo dục tinh thần hiếu học cho sinh viên học sinh ngày nay, theo tôi nên thiết kế một tour du lịch “học làm người”. Bắt đầu từ hai trường Quốc Học-Hai Bà Trưng, tiếp đến Bảo tàng HCM, sau đó lên 3 Lê Lợi (viện Đại học Huế), qua Quốc Tử Giám và kết thúc ở Văn Thánh. Tour nầy tổ chức tốt sẽ thu hút của tuổi trẻ cả nước. “Di sản Chủ tịch HCM tại TTH ”  nằm trong tour nầy rất hài hòa và thú vị.

Nếu tour “Học làm người” chưa thực hiện được thì chính tour “Học sinh Nguyễn Sinh Cung” cũng có thể tổ chức được. Trước cho sinh viên, học sinh, tuổi trẻ TTH, miền Trung và mở rộng ra cả nước và quốc tế.

Mấy mươi năm nghiên cứu và theo dõi sự phát triển văn hóa và du lịch của Thừa Thiên Huế, tôi đã có một trải nghiệm: Không có di sản lịch sử văn hóa Huế thì Huế không thể là một trung tâm du lịch, nhưng nếu di sản lịch sử văn hóa mà không đưa được vào phục vụ du lịch thì lịch sử văn hóa Huế không phát huy được tác dụng và dần dần rơi vào lãng quên. Cho nên tôi nghĩ “Di sản HCM tại TTH” trong và chung quanh bảo Bảo tàng HCM đã ra đời 40 năm mà cho đến giờ nầy mới có quyết định “gắn với du lịch” là quá chậm. Nhưng chậm còn hơn không. Ý tưởng của bài viết nầy khai thác sự khác biệt của Di sản HCM tại TTH hoàn toàn trong khả năng thực hiện của Thừa Thiên Huế. Ngoài bài viết của tôi, tôi rất mong được nghe và góp ý của những người có các ý tưởng khác.

Gác Thọ Lộc, ngày 3-2-2014

CẬP NHẬT Huế, ngày 3 tháng 12 năm 2020

Nguyễn Đắc Xuân

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang