(Huehoc.com) Nền văn hoá Nhật Bản được nuôi dưỡng bởi ba dòng sữa: Thần đạo Shinto, Phật giáo Thiền tông, và Võ đạo. Nếu Thần đạo Shinto giúp giải quyết mối giao hòa giữa con người với thiên nhiên vạn vật, cỏ cây hoa lá; Phật giáo Thiền tông giúp nhận thức bản chất cuộc sống qua đó xác định mục đích và ý nghĩa đời người; thì Võ đạo góp phần thiết lập những nguyên tắc căn bản trong mối quan hệ giữa con người với con người.
Nhật Bản có nhiều môn Võ nổi tiếng ngày nay trở thành môn Võ quốc tế như Judo, Karate-Do, Aikido, Kendo. Các môn Võ ấy tuy khác nhau về nguyên lý, kỹ thuật, quyền pháp, đấu pháp nhưng đều được xây dựng trên nền tảng chung, đó là tinh thần Võ đạo: Nhân ái, hiếu hòa, danh dự, trung thành, kỷ luật... đặc biệt rất coi trọng lễ nghi, truyền thống.
Một trong những môn Võ đó - môn Karate-Do, được truyền vào Việt Nam lần đầu tiên tại Huế thập niên 1960 của thế kỷ trước, do một Võ sư người Nhật tên là Suzuki Choji. Võ đường đặt tại số 8 Võ Tánh - Huế (nay là 8 Nguyễn Chí Thanh). Từ đây, Karate-Do phát triển rộng khắp không chỉ ở Huế mà còn nhiều tỉnh thành khác trong nước, với hàng vạn thanh thiếu niên tham gia tập luyện. Huế trở thành quê hương của Karate-Do Việt Nam, và căn nhà 8 Võ Tánh - Huế được xem là “Cái nôi của làng Karate-Do Việt Nam”.
Năm 1967, khi phong trào Karate-Do phát triển vững mạnh, Võ sư Suzuki Choji quyết định thành lập Hệ phái Suzucho Karate-Do. Suzucho ghép từ Suzuki và Choji, là họ và tên người sáng lập. Sau khi ông và gia đình hồi hương về Nhật năm 1978, việc điều hành Hệ phái Suzucho được ông giao lại cho một Ban chấp hành với người đứng đầu là Trưởng tràng. Nhiệm kỳ 1995 - 2006, Trưởng tràng là Võ sư Nguyễn Văn Dũng (Huyền đai Đệ thất đẳng), và từ 2006 đến nay, Trưởng tràng là Võ sư Lê Văn Thạnh (Huyền đai Đệ bát đẳng).
Qua hơn 50 năm hình thành và phát triển, Hệ phái Suzucho Karate-Do có hàng ngàn Võ đường và hàng vạn môn sinh thường xuyên tập luyện; góp phần cung cấp cho làng Karate-Do nước nhà những Trọng tài, Huấn luyện viên và Vận động viên xuất sắc; góp phần giáo dục các thế hệ thanh niên Việt Nam thông minh hơn, khỏe hơn và đẹp hơn.
Là môn Võ thuật truyền thống của Nhật Bản, Karate-Do nhằm đào luyện thể chất và tinh thần. Thập niên 1950, trong xu thế giao lưu và phát triển, một khuynh hướng mới được hình thành, đó là khuynh hướng thể thao hoá Karate-Do: coi Karate-Do như là môn thể thao thi đấu tranh giành huy chương. Sau những tranh cãi quyết liệt, cuối cùng khuynh hướng mới thắng thế, góp phần giúp Karate-Do phát triển phổ cập đến nhiều nước trên thế giới. Tuy thế, còn nhiều Võ sư, trong đó có Tổ sư Funakoshi Gichin vẫn kiên định quan điểm truyền thống của mình.
Khi đem Karate-Do truyền vào Việt Nam, Võ sư Suzuki Choji cũng mang theo tinh thần Võ đạo truyền thống của Tổ sư Funakoshi Gishin. Ông rất ghét những kẻ dùng Võ đánh người. Ông nghiêm cấm môn sinh tuyệt đối không được giao thủ với người khác phái, không được thượng đài tranh thắng thua. Ông đòi hỏi môn sinh phải biết trọng lễ nghĩa, trọng danh dự, có chí tiến thủ, đoàn kết, kỷ luật…
Tháng 12/1987, “Hội nghị hội thảo toàn quốc về Karate” lần đầu tiên tổ chức tại Huế, đánh dấu bước đầu Hệ phái Suzucho Karate-Do tiếp cận nền Karate-Do quốc tế hiện đại. Đặc biệt, tháng 7/1989, tại Hà Nội, sau đợt tập huấn với chuyên gia của Hiệp hội Karate-Do Nhật Bản (JKA) - Võ sư Yamamura, Hệ phái Suzucho Karate-Do đứng trước sự lựa chọn giữa con đường Võ đạo truyền thống của Chưởng môn Suzuki Choji và xu thế thể thao hoá của thời đại. Trong lúc hầu hết cao đồ của Võ sư Suzuki Choji hòa theo khuynh hướng thể thao hóa môn Võ thuật truyền thống Karate-Do, Võ sư Nguyễn Văn Dũng dần dà kiên định con đường của thầy mình: Duy trì truyền thống, kết hợp với tinh hoa của Karate-Do quốc tế hiện đại; coi trọng kỹ thuật căn bản, quyền pháp, kỹ năng tự vệ, rèn luyện sức khoẻ, và tu dưỡng phẩm chất đạo đức. Tuy chương trình đào luyện có nội dung thi đấu, nhưng thi đấu không vì mục đích tranh giành huy chương mà là phương thức giao lưu, học hỏi, kiểm tra mình, thể hiện mình, và phát hiện tài năng Karate-Do cho thể thao nước nhà. Đó là nét khác biệt cơ bản của phong trào Nghĩa Dũng Karate-Do với các trào lưu khác.
Sự xuất hiện Karate-Do truyền thống theo tinh thần Võ đạo Nhật Bản đã thổi vào làng Võ thuật Huế sắc thái mới: tính tổ chức, khoa học và tập thể; đồng thời giới thiệu với đời sống văn hóa Huế nét đặc trưng của Võ đạo Nhật Bản.
Trước hết, đó là Lễ và giữ Lễ. Võ đạo Nhật Bản rất coi trọng lễ nghi, truyền thống. Mở đầu quá trình tập Võ bao giờ cũng là lễ “bái sư nhập môn”. Người Nhật gọi Võ đường là Dojo - do là đạo đức, jo là nơi, Dojo là nơi rèn luyện phẩm chất, đạo đức. Môn sinh phải chào mỗi lần vào và ra khỏi Dojo, phải chào Tổ và chào Thầy trước và sau mỗi buổi tập, phải chào huynh đệ, chào bạn đồng môn trong các bài tập và trong các trận đấu luyện; phải chào nhau mỗi lần gặp bất cứ nơi đâu bên ngoài Dojo. Bài tập đầu tiên của một môn sinh Karate-Do là bài chào. Mọi bài quyền của Karate-Do đều mở đầu bằng động tác chào, và kết thúc cũng với động tác chào. Kỹ thuật bắt đầu của các bài quyền Karate-Do phải là thế thủ, như ngầm chứa lời dạy, học Karate-Do cốt để tự vệ chứ không phải để gây hấn, đánh người.
Lễ trong Võ đạo Nhật Bản khác từ căn bản với Lễ trong hệ thống “Tam cương ngũ thường” của Nho giáo. Lễ theo Nho giáo là nội dung thứ ba của “ngũ thường” (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín), là hành vi ứng xử của con người trong mối quan hệ giữa người với người, đặc biệt trong mối quan hệ của “tam cương” (quân thần, phụ tử, phu phụ). Đó là mối quan hệ dựa trên tinh thần: Với vua thì “quân sử thần tử, thần bất tử bất trung”. Trong gia đình thì “tại gia tòng phụ”, “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Trong đạo vợ chồng thì “xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”, “phu xướng phụ tuỳ”. Một thời gian dài Huế là kinh đô của cả nước. Tuy đã được pha màu bởi đạo lý nhân nghĩa của dân tộc và dòng Thiền tông Việt Nam, nhưng Lễ trong đời sống văn hoá Huế vẫn mang nặng chất phong kiến: Là cách thức ứng xử của kẻ dưới với người trên - tôn kính và sợ hãi, tin nghe và phục tùng. Lễ trong Võ đạo Nhật Bản dựa trên tinh thần bình đẳng, đậm tính nhân văn: Kính mà không sợ, tôn trọng mà không sùng bái, lễ phép mà không lòn cúi, mềm mỏng mà không nhu nhược. Tất cả được biểu hiện, ví dụ như cái chào của môn sinh Karate-Do, nghiêng người 45 độ, mắt nhìn về phía người đối diện, thần thái toát lên vẻ tôn trọng, tự trọng, và khiêm nhường.
Một khía cạnh khác của tinh thần Võ đạo Nhật Bản là, quá trình khổ luyện giúp người tập có được tinh thần tự tin và vô úy; một Karateka thành tựu bao giờ cũng có cốt cách hòa nhã, ung dung, trầm tĩnh, đĩnh đạc. Đó là trạng thái của cái tâm tràn đầy như nước, cái thần trong sáng như trăng; trạng thái không bị khúc xạ bởi những cảm xúc ham muốn, yêu ghét, nóng giận, sợ hãi. Nhờ thế mọi hành vi, cử chỉ trở nên nhẹ nhàng, thanh thoát, rõ ràng, dứt khoát. Đây là phẩm chất rất cần để bổ sung cho “tính cách Huế”. Ai cũng biết, sông Hương là cột sống của Huế, là linh hồn của Huế; sông Hương ảnh hưởng dạt dào đến việc hình thành tính cách Huế. Sông Hương, nói như nhà thơ Thu Bồn, là “Con sông dùng dằng con sông không chảy. Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”. Thế đấy, Huế dịu dàng, sâu thẳm, nhưng thường khi cũng dùng dằng, bịn rịn, dấm dớ, bất quyết.
Trong bài “Quốc học của tôi, bâng khuâng ngày trở lại” tôi có nhắc chi tiết: Tại buổi lễ tổng kết năm học 2011, phần trao 5 chiếc xe đạp cho học sinh nghèo học giỏi, các bạn trong nhóm ưu tiên để bạn nữ chọn trước. Thế là cô bé rón rén bước lên đứng trước chiếc xe màu lục; một chút tần ngần, rồi bước sang chiếc xe màu đỏ, sang chiếc xe màu xanh, về lại chiếc xe màu lục. Nóng ruột, các bạn bên dưới giục “Vàng đi, vàng đi”. Cô bé bước sang chiếc xe màu vàng. Lại tiếng giục “Vàng quê lắm, Đỏ đi, đỏ đi”. Cô bé bước sang chỗ xe màu đỏ. Và cứ thế. Rất lâu. Cuối cùng, người đại diện công ty tặng xe phải can thiệp: “Quả là khó chọn phải không? Thôi để chú chọn giùm cháu”. Nói xong anh ta nhấc chiếc xe màu đỏ trao cho cô bé. Cô bé hớn hở dắt xe đi. Và tôi đã “bình”: Là học sinh giỏi mà chỉ mỗi việc chọn cho mình chiếc xe đạp cũng không biết chọn ra sao, thế thì học giỏi là học cái gì, và học giỏi để làm gì? Xin đừng quên, mai sau các em ấy có thể là giám đốc một công ty, hiệu trưởng một trường, thị trưởng một thành phố, thậm chí là bộ trưởng hay thủ tướng. Khi đứng trước ngã ba ngã bảy cuộc đời, liệu các em có đủ tỉnh táo và sáng suốt chọn con đường tốt nhất không, có quyết đoán trong chọn lựa của mình không?
Còn nhớ, tháng 7 năm 2000, trong ngày “Hội thao Quốc phòng các trường Đại học và Chuyên nghiệp toàn quốc lần I” tổ chức tại Nhà thi đấu Đại học Huế. Sau khi chứng kiến màn biểu diễn của 300 môn sinh Nghĩa Dũng Karate-Do, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hải, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu “Tôi thích màn biểu diễn Karate. Những động tác của các cháu rõ ràng, mạnh mẽ, dứt khoát. Thanh niên ngày nay rất cần những phẩm chất ấy: rõ ràng, mạnh mẽ, dứt khoát; nhất là trong việc rèn luyện, học tập, và định hướng tương lai”.
Với văn hóa Nhật Bản, hoa anh đào tượng trưng cho người Võ sĩ đạo. Là vì hoa anh đào có những đặc điểm giống phẩm chất của người Võ sĩ đạo. Đó là, đã nở thì tất cả cùng nở, đã tàn thì tất cả cùng tàn; cũng như người Võ sĩ đạo, cùng lên đường, cùng chiến đấu, cùng chết. Năm 2003, tôi cùng đoàn sinh viên Nhật leo lên đỉnh Phú Sĩ ngắm mặt trời mọc. Khởi hành từ Tokyo lúc 7 giờ sáng bằng xe bus, đến độ cao 2.100m lúc 10giờ30. Tại đây, chúng tôi có 45 phút để ăn trưa và mua sắm những vật dụng cần thiết. 11giờ15, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình đi bộ chinh phục đỉnh Phú Sĩ. Đoàn chúng tôi gồm 80 người, tất cả đều người Nhật (trừ tôi). Dẫn đầu là một thanh niên địa phương, tay cầm cờ hiệu. Hậu quân gồm anh Trưởng đoàn người Tokyo, tôi và đôi trai gái trông trữ tình như Romeo - Juliette.
Họ đi thành hàng hai. Người sau theo chân người trước. Lặng lẽ. Đều đặn. Kỷ luật. Không xô đẩy, dẫm đạp, chen lấn, chạy ngược chạy xuôi. Đôi khi người dẫn đầu do quán tính vè theo khúc đường cong để đi lên. Mọi người cũng cứ thế mà đi. Tôi ngạc nhiên. Tôi thử đi tắt theo đường thẳng, thì đúng là nhanh hơn, đỡ tốn sức hơn. Tôi biết họ cũng nghĩ như tôi, nhưng họ không làm theo tôi. Họ, đi theo đoàn theo đội. Với họ hình như không có khái niệm tách ra, càng không có khái niệm “Đi tắt đón đầu”. Đấy là nét độc đáo của người Nhật. Rất coi trọng tính cách riêng, nhưng biết gắn cái riêng vào cái chung thành một khối. Rất linh hoạt trong việc học tập cái hay của người, nhưng lại bảo thủ trong việc giữ gìn truyền thống văn hoá dân tộc. Trời chợt nắng, chợt mưa, chợt sương khói. Họ cứ đi. Giữ nguyên đội hình. Cần mẫn như một đàn kiến. Bền bỉ như dân tộc họ trong suốt chiều dài lịch sử.
Thử hình dung, mỗi người Nhật là một sợi dây nhỏ, bện chặt vào nhau thành cuộn thừng lớn, không gì bứt được; còn ta, các sợi dây nhỏ cứ tách rời nhau nên không sợi nào chịu nổi thử thách. Cứ nhìn cách người Nhật ứng phó trước thảm họa thì biết. Năm 1945, nước Nhật bại trận, nước Nhật tan hoang. Người Nhật, từ già đến trẻ đoàn kết, đồng tâm, đồng thuận, đồng hành chung lo xây dựng lại nước Nhật, không phải như cũ mà hiện đại hơn và cường thịnh hơn. Mới đây, trong thảm họa sóng thần ở Fukushima, thế giới thêm một lần ngả mũ kính phục tinh thần người Nhật. Với tôi, ấn tượng nhất là cảnh hàng ngàn người dân Nhật lặng lẽ xếp hàng rồng rắn cả cây số chỉ để nhận phần nước uống. Không biết nếu bên mình, gặp một thảm họa tương tự như thế thì chuyện gì sẽ xảy ra.
Có người nói, đại loại: Một người Nhật và một người Việt Nam thì người Nhật không bằng người Việt Nam. Nhưng ba người Nhật và ba người Việt Nam thì ba người Việt Nam không bằng ba người Nhật. Thế đấy, đoàn kết, đồng tâm, đồng thuận, đồng hành là điểm mạnh của người Nhật. Rõ ràng, chính tinh thần tôn trọng, tự trọng, và khiêm nhường đã un đúc nên những phẩm chất cao đẹp đó. Karate-Do truyền thống luôn trang bị cho môn sinh của mình tinh thần ấy: Tôn trọng, tự trọng, và khiêm nhường.
Ngoài hoạt động chủ yếu của một lò Võ là rèn luyện kỹ thuật quyền cước giúp người tập sức khỏe, thuần thục kỹ năng tự vệ, và un đúc những giá trị tinh thần, Võ đường Nghĩa Dũng Karate-Do còn mở rộng không gian sư phạm bằng một số hoạt động bổ trợ khác như: Hàng tháng, kêu gọi mỗi Võ sinh đóng góp 2 lon gạo, gộp lại ngót nghét vài tạ gạo đem giúp người nghèo và các cô nhi viện. Gặp lúc thiên tai bão lụt, Võ đường thành lập đội cứu trợ gồm các Võ sinh Huyền đai khỏe mạnh sẵn sàng ứng cứu. 5 giờ sáng chủ nhật hàng tuần, nhiều Võ sinh tình nguyện cùng nhau nhặt rác ở một số công viên trong thành phố. Hàng năm, các Võ sinh Tân Huyền đai phải hành quân lên Bạch Mã để thử thách và được phong đai, ba lô em nào cũng phải có cái túi để nhặt rác do du khách xả bừa bãi trên các lối mòn và trên các bờ suối.
Tất nhiên, Võ đường không phải là tổ chức từ thiện. Vả lại những đóng góp nhỏ nhoi ấy chẳng giúp được gì nhiều và chẳng giải quyết được gì. Nhưng chúng tôi tin rằng, những hoạt động khiêm tốn ấy có tác dụng lớn đến việc hình thành nơi lớp trẻ những giá trị tinh thần, đặc biệt tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, sự đồng cảm và sẻ chia với những phận người. Điều nhức nhối hiện nay là căn bệnh bất nhân, vô cảm, vô tâm, vô trách nhiệm và thích bạo lực đang lan tràn khắp nơi trong xã hội. Người ta thờ ơ với vận nước, người ta quay lưng với nỗi khổ niềm đau của người khác, người ta dìm nhau trong ghen ghét và thù hận, người ta thích giải quyết mọi chuyện bằng bạo lực và máu me. Chỉ vì chút lợi nhỏ cho riêng mình, người ta sẵn sàng làm mọi điều bạc ác, bất nhân. Vâng, tuy chỉ là một số nỗ lực nhỏ nhoi thôi, nhưng với Nghĩa Dũng Karate-Do, “Thà thắp lên một ngọn nến còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối”. Và, đó cũng chính là tinh thần Võ đạo Nhật Bản.
Điều an ủi là có nhiều phụ huynh chia sẻ những nỗ lực của thầy trò chúng tôi, dù không phải không có những dị nghị. Ví dụ, khai mạc đại hội Thể dục Thể thao toàn tỉnh năm 2014, nhận lời mời của Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch, tôi điều động 950 võ sinh đồng diễn Karate-Do trên Sân vận động Tự do. Với tôi, đây là cơ hội để rèn cho các em tính tổ chức, tính tập thể, niềm tin, và niềm tự hào về bản thân mình. Nhưng trong mắt một số người thì “Thầy trò ông Dũng tranh thủ lăng xê mình”. Hoặc, năm 1979, thấy trên tường cao hai dãy lầu trường Quốc Học có nhiều cây bồ đề và cây sen đeo bám; nhiều cây phát triển thành lùm thành bụi um tùm, còn rễ của chúng thì vươn xuống tận mặt đất. Được sự chấp thuận của thầy Hiệu trưởng Đặng Xuân Trừng, thầy trò chúng tôi (võ sinh, cũng là học sinh lớp 10A, 10C, 10Đ) thòng dây, bò ra chặt, đục, cạy, cứu nguy bức tường. Là tôi muốn qua đó để dạy cho các em bài học không được vô tâm vô cảm, thấy việc phải thì làm không nề hà. Về điểm này, tinh thần Võ đạo Nhật Bản bắt gặp tinh thần nhân nghĩa của dân tộc - “Kiến nghĩa bất vi vô dõng dã”. Thế mà, trong hội đồng nhà trường lại có tiếng xì xầm: “Hắn ta chỉ muốn lấy điểm”.
Đừng quên, khi môi trường giáo dục vắng bóng truyền thống Tôn sư trọng đạo thì lời dạy của người thầy chẳng có nghĩa lý gì, còn người thầy thì cũng chẳng có uy lực gì. Điều may mắn là, ở các Võ đường nói chung và Võ đường Nghĩa Dũng Karate-Do nói riêng, truyền thống Tôn sư trọng đạo vẫn được duy trì. Mùa hè năm 2014, tôi cùng mấy anh bạn già (Bửu Ý, Nguyễn Đắc Xuân, Phan Thuận An) đi thăm Động Thiên Đường. Khi xe đến địa phận Phong Nha thì có người đón đường. Hóa ra đó là Quảng, môn sinh cũ của tôi nay là Huấn luyện viên Karate-Do của một trường học trong vùng. Em nói “Thưa thầy, một phụ huynh có con đang tập Karate-Do với thầy trong Huế, nghe tiếng thầy ra thăm Quảng Bình, họ nhờ em gặp và xin mời thầy ghé nhà dùng bữa cơm trưa đạm bạc. Chúng tôi nhận lời. Tưởng chỉ là bữa cơm đạm bạc, ai dè là một bữa “đại tiệc”. Buổi chiều, trên đường về Đồng Hới, tôi gọi điện cho một môn sinh thân thích nhờ giúp thầy 3 việc. Một, tìm một nhà nghỉ bình dân nhưng phải nhìn ra biển. Hai, giới thiệu một nhà hàng đặc sản cũng bình dân. Ba, gọi anh Núp cho thầy thăm, chỉ anh Núp thôi, còn các bạn khác thì khỏi vì thầy không muốn làm phiền. Xe vừa vào thành phố đã có người đón và dẫn đường đến nhà nghỉ. Hóa ra đó không phải nhà nghỉ bình dân mà là khách sạn sang nhất Đồng Hới. Một giờ sau, em ấy lại đến mời thầy ra nhà hàng đặc sản, cũng lại là nhà hàng đặc sản số một Đồng Hới, ở đó đã có 13 môn sinh sắp hàng ngang vòng tay chào thầy và các bạn của thầy. Em nào em nấy cao lớn, oai vệ. Có em là phó giám đốc ngân hàng, giám đốc công ty, đại gia này nọ. Tan tiệc, tôi ra dấu tính tiền, nhân viên nhà hàng lễ phép “Thưa, các xếp ấy đã thanh toán rồi”. Sáng hôm sau trả phòng, người ta cũng bảo “Dạ thưa, đã thanh toán hết cả rồi ạ”. Trên đường về lại Huế, mệ Bửu Ý nói “Một đời đi dạy học, tôi chưa hề được học trò Văn đón tiếp như vậy. Xem ra chỉ có Võ mới còn giữ được truyền thống Tôn sư trọng đạo”.
Từ những năm 1980, hiểu được tác dụng giáo dục của lớp Karate-Do nên thầy Hiệu trưởng Đặng Xuân Trừng tạo điều kiện cho thầy trò chúng tôi được tập luyện ở nhà chơi trường Quốc Học. Hiện nay cũng có hai CLB Nghĩa Dũng Karate-Do tập luyện ở đó, một vào các buổi chiều thứ 2, 4, 6 và một vào các buổi chiều thứ 3, 5, 7. Nhưng Võ sinh chỉ một số ít là học sinh của trường, còn lại là thanh thiếu niên bên ngoài.
Đấy là điều tôi cứ trăn trở hoài. Rất nhiều người nghĩ Võ là đấm đá, là vai u thịt bắp, là mặt rỗ mặt rạch mà ít ai hiểu Võ, đặc biệt với Karate-Do truyền thống, là phương thức giáo dục toàn diện và hiệu quả! Làm sao để xóa tan sự ngộ nhận? Làm sao để những nhà quản lý giáo dục nhận ra, và nếu biết phối hợp, Võ nói chung và Karate-Do truyền thống nói riêng sẽ đóng góp tích cực cho sự nghiệp giáo dục? Làm sao để ông Hiệu trưởng trường Quốc Học hiện nay nhận ra, giá như Câu lạc bộ Karate-Do tôi đang phụ trách kia là Câu lạc bộ Karate-Do của trường, do trường tổ chức, và chỉ dành cho học sinh của trường tự nguyện tham gia tập luyện; lại càng hay ho hơn nếu nhà trường vận dụng phương thức giống như ở Nhật Bản, điểm số tập luyện của các học sinh ở Câu lạc bộ Karate-Do là điểm thay cho môn thể dục chính khóa?
Một thời gian dài đất nước chìm trong nghèo đói và chiến tranh, việc đầu tư cho giáo dục mỏng manh là tất yếu, và hậu quả của nó cũng là tất yếu. Ngày nay, đất nước hòa bình, thống nhất, và phát triển. Chúng ta có nhiều bạn bè, nhiều đối tác khắp năm châu. Chúng ta đang hân hoan vươn ra biển lớn. Vấn đề là: Làm sao cho chúng ta có đủ nội lực để có thể làm ăn sòng phẳng với người? Làm sao cho chúng ta có thể hội nhập, hòa nhập mà không bị hòa tan? Và, làm sao để Karate-Do theo truyền thống Võ đạo Nhật Bản có thể đóng góp phần mình cho sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ Việt Nam, đặc biệt cho thành phố Huế cổ kính, tươi đẹp, và đáng yêu của chúng ta?
Vài hình ảnh:
Võ sư Suzuki Choji.
Võ sư Nguyễn Văn Dũng.
Lễ khai giảng khóa tập Karate.
Khai mạc giải đấu karate.
Võ sinh Karate đồng diễn trên SVĐ Tự Do - Huế năm 2018.