Ở đâu, vào giai đoạn nào của cuộc đời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng có nhiều bạn. Bạn của Trịnh Công Sơn chịu ảnh hưởng của anh và ngược lại, anh cũng không thể không chịu ảnh hưởng của bạn anh. Không thể hiểu cặn kẽ cuộc đời sáng tác của Trịnh Công Sơn nếu không hiểu những người bạn tâm giao trong những hoàn cảnh đặc biệt của anh.
Sau sự kiện Tết Mậu Thân 1968, người ta không hiểu vì sao từ lập trường phản chiến chung chung trong Ca khúc da vàng nhạc của Trịnh Công Sơn bỗng hào hùng dần lên và hướng đến kêu gọi giải phóng dân tộc qua các tập Kinh Việt Nam, Ta phải thấy mặt trời. Những người gần anh trong giai đoạn đó giải thích rằng: “Sở dĩ có sự thay đổi ấy vì Trịnh Công Sơn đã chịu ảnh hưởng từ cuộc sống và thơ văn của các bạn đang hoạt động yêu nước lúc ấy, đặc biệt là với Ngô Kha - người bạn và có thời cũng là em rể của anh”.
Vậy Ngô Kha là ai? Ngô Kha đã ảnh hưởng đến Trịnh Công Sơn như thế nào?
1. Ngô Kha (sinh năm 1935)(1) xuất thân trong gia đình họ Ngô - một trong những họ khai canh của làng Thế Lại Thượng(2). Anh đỗ đầu khóa Đại học Sư phạm cấp tốc (1958-1959) môn Việt văn nên được bổ về dạy trường Quốc Học Huế. Vừa đi dạy, anh vừa làm thơ vừa ghi danh học Cử nhân Luật.
Nhưng khác với ý thức hiện sinh trong bạn bè anh (Trịnh Công Sơn, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Bửu Ý, Nguyễn Nguyên Phương...), Ngô Kha muốn phản kháng (révolter) lại cuộc đời bằng hành động. Anh chăm chỉ học Luật, qua năm 1962 anh lấy thêm được bằng Cử nhân Luật khoa. Trong năm này Trịnh Công Sơn vào học Sư phạm Quy Nhơn. Hai năm sau Trịnh Công Sơn ra trường Sư phạm thì Ngô Kha bị bắt vào học trường sĩ quan Thủ Đức. Năm 1965 Ngô Kha ra trường mang lon chuẩn úy, được người bà con trong họ là tướng Ngô Du xin giữ lại làm tùy viên báo chí tại Vùng I Chiến thuật của quân đội Cộng hòa, khỏi phải cầm súng ra trận. Trong những năm này, miền Trung liên tiếp diễn ra các cuộc đấu tranh ở đô thị, Ngô Kha làm tùy viên báo chí đóng góp với phong trào nhiều tin tức bí mật trong nội bộ chính quyền Vùng I Chiến thuật. Ngô Kha đặt mối quan hệ với anh em phong trào từ đó. Mùa hè năm 1966, miền Trung nổ ra cuộc đấu tranh chống Mỹ - Thiệu - Kỳ, sinh viên Đại học Huế thành lập Đoàn Sinh viên quyết tử, đi học quân sự để chuẩn bị tự vệ trước các cuộc đàn áp của Mỹ - Thiệu - Kỳ. Từ Bộ chỉ huy Vùng I Chiến thuật tại Đà Nẵng, Ngô Kha lái xe chạy ra Huế. Anh kêu gọi binh lính sĩ quan quân đội Cộng hòa đang nghỉ phép ở Huế hay vì một lý do nào đó đang có mặt tại Huế tập hợp thành một chiến đoàn để chống lại quân đội dưới quyền của Thiệu - Kỳ. Sau khi Phong trào đấu tranh bị dìm trong biển máu, Ngô Kha bị bắt, một số bạn bè của anh thoát ly. Đáng lẽ Ngô Kha bị tử hình, may nhờ có sự can thiệp của tướng Ngô Du nên anh chỉ bị tù và bị đưa ra giam ngoài đảo Phú Quốc. Mãn hạn tù, về Huế, Ngô Kha trở lại dạy ở trường Quốc Học, trường Hàm Nghi và dạy thêm ở các trường tư thục Nguyễn Du, Hưng Đạo. Thời gian này Ngô Kha chơi thân với Trịnh Công Sơn hơn trước và bắt đầu có ý định làm em rể Trịnh Công Sơn.

Trịnh Công Sơn và Ngô Kha (trái). Ảnh trên báo Hồn Việt số 113, tháng 4-2017
Trong những năm này Ngô Kha tranh đấu rất hăng say. Vào lớp dạy học cũng như tham dự các cuộc hội thảo, hay những lần xuống đường mít tinh, biểu tình đòi quyền tự quyết dân tộc, đòi hòa bình, hòa hợp dân tộc... Ngô Kha diễn thuyết, đọc thơ tranh đấu không biết mệt mỏi. Chính quyền Thiệu - Kỳ dọa bắt anh hoài. Năm 1971, anh bị bắt thật, học sinh sinh viên đấu tranh buộc chính quyền phải thả anh ra. Ra khỏi tù anh lại đấu tranh. Đầu năm 1973, ký kết Hiệp định Paris, anh chưa kịp mừng đất nước hòa bình thì lại bị bắt. Phong trào sinh viên học sinh lại đấu tranh đòi thả anh, nhưng lần này kẻ thù đã đem anh đi mất tích. Mãi về sau bạn bè đồng chí của anh mới biết anh đã bị thủ tiêu vào khoảng năm 1973. Sau ngày đất nước hòa bình (1983), anh được truy tặng danh hiệu Liệt sĩ.
2. Như trên đã đề cập, trong thời gian trốn lính sau năm 1968, hầu như trong cuộc sống của Trịnh Công Sơn luôn có Ngô Kha. Mối quan hệ Trịnh Công Sơn và Ngô Kha trong thời gian này ở trên mức bạn bè và có ảnh hưởng lẫn nhau rất lớn. Chỉ cần đặt cạnh nhau tên những tác phẩm của Ngô Kha và Trịnh Công Sơn sáng tác trong thời kỳ ấy người ta có thể thấy ngay được điều đó:
Ngô Kha có Ngụ ngôn của người mất trí - Trịnh Công Sơn có Tình ca người mất trí.
Ngô Kha có trường ca Hòa bình, Mai có hòa bình - Trịnh Công Sơn có Trên cánh đồng hòa bình.
Từ sau khi ra tập san Tự quyết cho đến lúc thành lập Mặt trận Văn hóa Dân tộc miền Trung, quan điểm chính trị của Ngô Kha thể hiện rõ trong mấy điểm:
a) Lên án cuộc chiến tranh do chính quyền Sài Gòn đang tiến hành. Năm 1971, người Mỹ thực hiện Việt Nam hóa chiến tranh, thử đưa lính Cộng hòa lên Mặt trận Hạ Lào (Lam Sơn 719) chết thay cho lính Mỹ.
Ngô Kha quan niệm không phải “chắp tay nguyện cầu” cho “bồ câu trắng hiện” (hòa bình) mà phải “chống lệnh” hành quân như người chỉ huy thiết giáp nêu trên. Anh kêu gọi sinh viên học sinh bãi khóa xuống đường:
“Hãy vùng dậy/ phá ngục tù bom đạn
hãy hiên ngang/ xóa bỏ căm thù
hãy cùng ta/ chấm dứt cảnh máu xương”
(Trường ca Hòa bình, tr.67)
Xóa bỏ hận thù, tạo điều kiện cho hòa hợp dân tộc:
“Con đã thấy một ngày trọng đại,
trên mặt người thù hận cũng chìm sâu”
(Trường ca Hòa bình, tr.66)
Để đạt mục đích cuối cùng là thống nhất đất nước:
“Ta đồng hành tiến bước
ca lên bài Việt Nam thống nhất”
“... Ta đi từ Nam Quan đến Cà Mau
từ Cửu Long, Hương Giang ra tới Hồng Hà
Phú Quốc, Côn Lôn, Ba Vì, Côn Đảo
Từ Huế, Sài Gòn ra Thái Bình, Hà Nội,
ta cất lời vang dưới bầu trời”.
(Trường ca Hòa bình, tr.67)
Quan điểm chính trị của Ngô Kha đã ảnh hưởng đến Trịnh Công Sơn. Xem các tập Kinh Việt Nam, Ta phải thấy mặt trời có rất nhiều ca từ mang âm hưởng hào hùng của thơ Ngô Kha vừa nêu trên. Quan điểm chính trị của Trịnh Công Sơn đến đây không còn “trung lập” chung chung nữa mà đứng hẳn về phía dân tộc.
Thay vì kêu khóc giày xéo với nỗi bất lực trước cuộc chiến, Trịnh Công Sơn kêu gọi đấu tranh cách mạng:
“Còn sống xin các anh quyết còn cách mạng,
Đời ta ta lo / Xin xếp vũ khí
Bàn tay không tiến lên
Đã qua bao năm hy sinh thịt xương
Nay ta quyết phải sống
Toàn nước chiến đấu
Ta bền vững một lòng với nhau”.
(Trịnh Công Sơn, Ta phải thấy mặt trời,
Nhân bản 1969, tr.12)
hoặc:
“Chính chúng ta phải nói hòa bình
khi tim người rực lửa cầu mong
Chính chúng ta phải có mọi quyền
Đứng lên đòi thống nhất quê hương”.
(Trịnh Công Sơn, “Chính chúng ta phải nói”, Ta phải thấy mặt trời, Nhân bản 1969, tr.5)
Đấu tranh cho hòa bình, cho quyền tự quyết của dân tộc là một việc chính đáng, là chân lý - nói như Ngô Kha là “sức mạnh, một sức mạnh có sức vô địch ghê gớm, vì nó là SỰ THẬT, là CHÍNH NGHĨA...”. Trịnh Công Sơn tin vào chính nghĩa, tin chính nghĩa sẽ chiến thắng. Có lúc anh nghĩ chiến thắng đó sắp đến, anh hé cho biết:
“Nơi đây tôi chờ/ Nơi kia anh chờ
Trong căn nhà nhỏ/ Mẹ cũng ngồi chờ
Anh lính ngồi chờ trên đồi hoang vu
Người tù ngồi chờ/ Bóng tối mịt mù.
... Chờ tin mừng sông chờ núi cũng chờ mong
Chờ trên vừng trán mẹ thắp lên bình minh
Chờ khô nước mắt/ Chờ đá reo ca
Chờ áo cơm nuôi cho những trẻ không nhà
Chờ ngày Việt Nam thống nhất
cho những tình thương vỡ bờ”.
(Trịnh Công Sơn, “Chờ nhìn quê hương sáng chói”, Kinh Việt Nam, Nhân bản, 1968, tr.6-7)
Vì quá khao khát, quá đợi chờ nên có lúc anh đã tưởng tượng ngày ấy đã tới. Anh sảng khoái hát vang trong niềm hạnh phúc:
“Ta đã thấy gì trong đêm nay?
Cờ bay trăm ngọn cờ bay
Rừng núi loan tin đến mọi miền
Gió hòa bình bay về muôn hướng
Ngày vui con nước trôi nhanh
Nhịp sống bao la xóa bỏ hận thù”.
(Trịnh Công Sơn, “Ta đã thấy gì đêm nay”, Kinh Việt Nam, Nhân bản,1968, tr.16)
Và, dân tộc Việt Nam thực hiện việc đoàn kết, thống nhất:
“Rừng núi dang tay nối lại biển xa
Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà...”
(Trịnh Công Sơn, “Nối vòng tay lớn”,
Kinh Việt Nam, tr.29)
“Từ Trung Nam Bắc/ Chờ mong nung đốt
Những bó đuốc reo vui tự do
Đường đi đến những nơi lao tù
Ngày mai sẽ xây trường hay họp chợ
Dân ta về cày bừa đủ áo cơm no”.
(Trịnh Công Sơn, “Huế - Sài Gòn - Hà Nội”, Ta phải thấy mặt trời, Nhân bản, 1969, tr.14)
Hết bi quan với Ca khúc da vàng, Trịnh Công Sơn lạc quan với Kinh Việt Nam, Ta phải thấy mặt trời. Dự phóng đất nước hòa bình thống nhất, Ngô Kha và Trịnh Công Sơn đã đặt ra hơi sớm, ít nhất là trên 5 năm. Ngô Kha phải trả giá cho dự phóng sớm ấy bằng chính sinh mạng của mình. Ngô Kha bị thủ tiêu là một sự đau đớn, mất mát lớn đối với Trịnh Công Sơn. Bởi thế nhiều lần Trịnh Công Sơn tâm sự: “Mỗi lần mình cảm thấy hạnh phúc sống trong hòa bình độc lập thì mình lại tiếc cho Ngô Kha quá!”. Các anh đã đấu tranh rồi chờ đợi ngày hòa bình thống nhất cả năm sáu năm trước năm 1975. Cho nên không phải vô cớ mà ngay sau phút tướng Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện để cho Việt Nam thống nhất mà ít tốn thêm máu xương, Trịnh Công Sơn đã có mặt ở Đài phát thanh Sài Gòn để cùng bạn bè yêu nước hát bài Nối vòng tay lớn, Huế - Hà Nội - Sài Gòn mà anh đã soạn và hát cho đồng bào nghe từ nhiều năm trước. Và, nếu không nghiên cứu kỹ tình bạn giữa Ngô Kha và Trịnh Công Sơn với sự chuyển biến tư tưởng tích cực của Trịnh Công Sơn từ cuối năm 1968 thì không thể giải thích được sự phấn đấu vượt qua chính mình để đi vào thực tế cách mạng sau tháng 5-1975. Sự thành công của Trịnh Công Sơn có phần đóng góp hết sức tế nhị của Ngô Kha.
NGUYỄN ĐẮC XUÂN
(Bài viết được trích trong báo Hồn Việt số 113, tháng 4 năm 2017)
_____
(1) Có sách viết Khô Kha sinh ngày 2-3-1937.
(2) Thế Lại là một làng cổ của thành phố Huế, nay thuộc phường Phú Hiệp, thành phố Huế.