Tìm hiểu rõ thêm về nguồn gốc làng Phú Xuân ở Huế

Như chúng ta đã biết, qua nhiều sử sách quốc gia đã ghi lại rằng: làng Phú Xuân là một làng có lâu đời nhất ở miền đất mới của dân tộc Đại Việt. Khi đó, vào đầu thế kỷ XIV, thuộc đời nhà Trần, một số quân và dân chúng ta chuyển về phía Nam giữ gìn xứ Châu Ô, Châu Lý do vua Chiêm ban tặng. Hồi đó,vua Trần Anh Tông đã cử tướng Đoàn Như Mai (có tài liệu ghi là Đoàn Nhữ Hài hoặc Đoàn Như Hải) vào tiếp nhận vùng đất hai châu này. Đây là miền đất nước hữu tình do vua Chiêm là Chế Mân hiến dâng cho nước ta để làm quà sính lễ cưới công chúa Trần Huyền Trân (con gái của vua Trần Nhân Tông, em gái của vua Trần Anh Tông).

Dẫn đầu đoàn Nam tiến bấy giờ là tướng Đoàn Như Hải, ông là một đại học sĩ nguyên quán làng Thụy Lôi (Bắc Bộ), tiến về miền đất mới này cùng với nhiều gia đình các quan lại địa phương cùng di chuyển theo. Đến vùng Thanh Hóa Ngài chiêu mộ thêm nhiều quan quân dân cùng đi theo đoàn tìm nơi lập nghiệp sinh sống. Hồi đó có ngài Hoàng Thái Thụy (hay Hoàng Hối Khanh) đã khuyến khích nhiều dân Thanh Hóa vào Nam xây dựng làng xã.

Đoàn người đi đến bờ sông Lô Dung (sông Hương ngày nay), khi nhìn thấy đất nước trong lành, đất đai trù phú, cảnh vật xinh tươi liền cho đoàn dựng trại lập ấp, rồi cho người trở ra Bắc động viên dân chúng vào định cư sinh sống ngày càng đông. Chính ngài Đoàn Như Hải và Hoàng Hối Khanh đã đặt tên cho vùng đất này là xứ Thụy Lôi để ghi nhớ xuất xứ nơi quê hương miền Bắc vào lập nghiệp. Vùng Thụy Lôi mới này dần dần có nhiều họ tộc định cư như: họ Hồ , Lê, Nguyễn, Huỳnh (Hoàng), Đoàn,Trương, Trần, Phạm, ...

Xứ Thụy Lôi này khá rộng lớn (từ Kim Long về Bãi Dâu qua Bao Vinh lên An Hòa ngày nay).Ở đây dân đến cư trú ngày càng đông đúc và trở thành nơi đô hội đầu tiên tại miền Nam đất nước ta bấy giờ. Sau đó các ngài cai quản và cao niên cho rằng hai chữ Thụy Lôi không phản ảnh được tính chất trù phú, xinh tươi, sông nước trong lành, quang cảnh thơ mộng của xứ này nên bèn tâu trình lên triều đình cho đổi tên Thụy Lôi thành Phú Xuân. Cũng có sách nói rằng: khi chúa Nguyễn Phúc Thái dời dinh từ Kim Long về nơi đây thì xứ Thụy Lôi đổi thành Phú Xuân vào năm 1687. Về sau, lập ra tổng xã Phú Xuân gồm các làng: Phú Xuân, Vạn Xuân, Diên Phái, An Vân, An Hoà, An Mỹ, An Biều (An Bảo), Thế Lại.

Nhưng tên làng Phú Xuân có chính xác từ năm nào thì cho đến nay, nhiều nhà nghiên cứu dịa danh Việt Nam cũng chưa khảng định chắc chắn. Theo bài: "Làng cổ Phú Xuân và những dấu tích" (trang 170,trong sách:" Phú Xuân - Huế từ đô thị cổ đến hiện đại" của UBND thành phố Huế, NXB Thuận Hoá - Huế 1999),có ghi là:"Cuối thế kỷ thứ XVII, Thụy Lôi bắt đầu thời kỳ "đô thị hoá", đánh dấu bởi sự kiện chúa Nguyễn Phúc Thái (1650-1691) chọn phủ chính từ nămĐinh Mão (1687), từ đó làng thay đổi tên mới là Phú Xuân..."

Một số tài liệu khác thì cho rằng làng Phú Xuân có trước năm 1687,v.v... Vấn đề này sẽ tìm hiểu chính xác dần. Nhưng có một điều có thể khẳng định rằng: làng Phú Xuân được đổi từ tên làng Thụy Lôi mà ra và chỉ hình thành trong khoảng thời gian từ sau năm 1553 đến năm 1687. Bởi vì theo sách" Ô châu cận lục "của Dương Văn An (xuất bản năm 1553) đã ghi: "xã Thụy Lôi thuộc huyện Kim Trà, Phủ Triệu Phong..." (tức thuộc huyện Hương Trà của tỉnh Thừa Thiên sau này). Như thế, rõ ràng đến quá giữa thế kỷ XVI vẫn còn tên làng Thụy Lôi tại vùng đất Châu Ô.

Phú Xuân về sau trở thành dinh của chúa Nguyễn được xây dựng vào năm 1687. Khi Nguyễn Phúc Khoát xưng vương lấy làm đô thành(1744), Tháng 1-1775, quân của Trịnh Sâm do tướng Hoàng Ngũ Phúc kéo vào chiếm thành Phú Xuân. Ngày 15-6 -1786 (tức 20-5 Bính Ngọ), quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ, Nguyễn Hữu Chỉnh và Vũ Văn Nhậm đánh chiếm Phú Xuân. Năm1788, Nguyễn Huệ đăng quang lên ngôi Hoàng đế hiệu Quang Trung tại thành đình Phú Xuân, rồi đến núi Bân (gần núi Ngự Bình) làm lễ tế Trời Đất. Sau đó xuất quân ra Bắc đánh tan hơn 20 vạn quân Mãn Thanh năm Kỷ Dậu (1789).

Phú Xuân được vua Quang Trung chọn làm kinh đô thống nhất đầu tiên cho cả nước. Ngày 12-6-1801, Nguyễn Ánh đánh lấy lại thành Phú Xuân. Năm sau Nguyễn Ánh lên ngôi vua, đặt hiệu Gia Long và lấy trung tâm làng Phú Xuân xây dựng thành một kinh đô hùng tráng, xứng đáng với vương triều nhà Nguyễn. Năm 1802, vua sai Giám thành là ông Nguyễn Văn Yến lo việc đóng cọc, khoanh vùng để chuẩn bị xây dựng kinh thành mới. Quy hoạch cho thấy rằng hầu hết đất làng Phú Xuân nằm gọn trong vùng cần giải toả. Theo Địa bộ làng này để lại thì riêng đất quan thổ lấy vào trong kinh thành là 336 mẫu, 1 sào, 3 thước, 2 tấc. Vua đã ra lệnh cho tất cả dân chúng, nhà cửa, đền, chùa, miếu mạo... thuộc các tổng xã Phú Xuân phải thu xếp di tản ra khỏi vùng xây dựng kinh thành mới. Tuy vậy, nhà vua cho giữ lại ngôi đình Phú Xuân, nhưng dời lui phía sau Hoàng thành. Còn dân làng thì vua cho phép tự đi tìm kiếm nơi thích hợp để định cư. Từ đó, một số dân làng Phú Xuân di tản ra các vùng lân cận kinh thành hoặc đi xa ra các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, hoặc vào Quảng Nam, Quảng Ngãi. Còn việc tế lễ hàng năm, vua giao cho Bộ Lễ lo lễ vật cúng tế (trâu, heo, dê) được tổ chức vào buổi sáng ngày mồng 6 tháng 6 Âm lịch như một buổi tế chính của triều đình. Buổi chiều là lễ bồi tế của dân làng. Con cháu gốc làng Phú Xuân đi các nơi đều được về tham dự để tỏ lòng thành kính nhớ ơn các vị tiên liệt làng Phú Xuân.

Hiện nay, theo chúng tôi được biết ở Thừa Thiên Huế không có một tên làng Phú Xuân gốc nào cả mà chỉ có một làng Phú Xuân ở A-Lưới do dân ở huyện Phú Vang đi kinh tế mới tạo lập sau năm 1976.

Rất tiếc là ngày xưa đã có tồn tại một số tên thôn hoặc làng Phú Xuân. Như phía Tây kinh thành đã lập ra thôn Phú Xuân gồm có 4 xóm: 1-Hà Dương, 2-Vĩnh Ấm, 3-An Lạc, 4-Phú Mộng. Nay thuộc địa Phận phường Kim Long các xóm trên và thôn Phú Xuân thì mất tên. Một số di tản về phía Đông vùng Bãi Dâu, xóm Bàu Cháu, Hợp Phố đã lập thành làng Phú Xuân. Đến đời Minh Mạng thì gọi là Phú Hiệp cho đến nay gọi là phường Phú Hiệp. Phần còn lại, di tản về phía Đông Nam lập thành làng Phú Xuân (gồm các xóm Xuân An, Xuân Cát, Xuân Đài...) thuộc huyện Hương Trà, sau năm 1950 nhập vào huyện Hương Thủy và đổi Phú Xuân ra xã Thuỷ Phú. Sau Năm 1975 xã Thuỷ Phú sát nhập vào thành phố Huế và đổi thành phường Xuân Phú. Như thế tên làng Phú Xuân ở các nơi thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế đều bị biến mất. Làng Phú Xuân ở gần làng Phước Tích cũng đã nhập với Phước Tích thành làng Văn hóa Phước Phú ở xã Phong Hòa, Phong Điền.Thật là đáng tiếc! Riêng tại huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị còn có 2 thôn gốc làng Phú Xuân Huế . Đó là Thôn Phú Long (thuộc Xã Hải Phú bây giờ) và thôn Phú Xuân (thuộc xã Hải Xuân). Đối với thôn Phú Long, theo bộ "Đồng Khánh địa dư chí" (Q2) có tên là phường Phú Xuân gần làng Tích Tường thuộc Tổng An Thái, Hải Lăng, Quảng Trị).

Theo tài liệu của ông Lê Đình Đắc (người làng Phú Xuân) về"lịch sử làng Phú Xuân và đình Phú Xuân" (XB tại Huế 1994-2002)có ghi rằng:" làng Thụy Lôi ngày xưa thuộc vùng đồng bằng Sông Hồng, Thụy Lôi rộng lớn có mặt ở cả hai phủ: Khoái Châu và Lý Nhân, thuộc Trấn Sơn Nam Thượng".Còn tài liệu:" Phú Xuân - Huế, từ đô thị cổ đến hiện đại"(trang 171), đã ghi là:"làng Thụy Lôi thuộc huyện Lý Nhân, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam Thượng...".Cả hai cách ghi trên đều chưa chính xác và cho đến nay cũng chưa biết rõ làng Thụy Lôi gốc ngoài Bắc thuộc xã, huyện nào và có tồn tại đến bây giờ hay không?

Vì tổ tông tôi cũng là dân gốc làng Phú Xuân đã di tản ra Quảng Trị, nên tôi cũng rất muốn hiểu kỹ về cội nguồn xứ sở xa xưa của mình. Tôi đã cố gắng đi hỏi các vị cao niên ở Huế hiện nay là con cháu lâu đời thuộc các họ gốc làng Thụy Lôi (về sau là Phú Xuân) để tìm hiểu, nhưng các vị đều không biết chính xác. Tôi cũng đã tìm gặp các nhà nghiên cứu Huế để hỏi thêm. Có người nói rằng: làng Thụy Lôi, chắc là cũng còn cái tên các làng cổ ấy ở phủ Khoái Châu, hoặc Lý Nhân ngoài Bắc. Thế là tôi cứ tập trung vào tìm các tài liệu về làng xã của huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên và huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Tôi có nhờ thêm mấy người bà con, bạn bè ở Hà Nội tìm kiếm nữa, nhưng vẫn chưa có kết quả gì. Có lẽ người ta không quan tâm mấy đến chuyện này. Qua đó tôi nghĩ rằng có lẽ làng cổ Thụy Lôi ấy ngày nay không còn nữa, nhưng cũng phải biết cái vùng đất gốc đó nay đã đổi thành làng nào, xã nào, huyện nào, tỉnh nào chứ? Thế là gần một năm trời tôi đã cố gắng tìm lại một xứ sở gốc đã "trắng tay". Tôi vẫn chưa chán nản, tôi vẫn còn hy vọng một lúc nào đó tôi sẽ tìm hiểu rõ điều này.

Sang đầu năm 2004, tôi có nhờ nhiều người bà con, bạn bè có gốc gác từ làng Phú Xuân tìm giúp thêm. Sau đó, họ đã thông báo cho biết làng Thụy Lôi không có ở huyện Lý Nhân mà ở tại huyện Kim Bảng tỉnh Hà Nam hiện nay. Như vậy đã rõ rồi, tôi rất mừng, nhưng có gì để làm bằng chứng sự thật đó? Tôi quyết định gửi thư cho vị chủ tịch UBND huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam để hỏi cho chính xác. May quá, ông Chu Đức Thọ (chủ tịch uỷ ban huyện này) đã gọi điện vào ngay cho tôi và cho tôi biết huyện ông có xã Thụy Lôi, có thôn Thụy Lôi. Lúc đó tôi rất phấn khởi, cám ơn ông Thọ và liền biên thư gửi ra cho UBND xã Thụy Lôi. Chỉ mấy ngày sau, ông Trần Minh (phó chủ tịch xã này) đã điện vào báo tin cho tôi biết xã này có 3 thôn: thôn Thụy Lôi (tức thôn Gốm), thôn Hồi Trung và thôn Trung Hòa.Thế là tôi đã biết khá cụ thể địa chỉ cần tìm rồi. Ngoài ra tôi còn nhờ cô Bùi Xuân Ninh ở Bưu điện Huế cho tôi biết thêm một số địa chỉ trên mạng để tìm các đơn vị hành chính trong cả nước. Tôi cũng tìm thấy xã Thụy Lôi ở huyện Kim Bảng tỉnh Hà Nam, nhưng không có các làng cụ thể của xã này. Sau đó, tôi lại gặp may được thầy Nguyễn Đình Thảng đi công tác tại Hà Nội về và có đem theo bộ"Đồng Khánh Địa dư chí "(gồm 3 quyển lớn) do Viện Hán -Nôm biên dịch, NXB Thế Giới ấn hành năm 2003. Tôi và thầy cùng tìm thì sau đó tôi đã reo lên như người đã đi tìm ra kho báu. Tôi cười và sung sướng, chỉ vào sách và nói với thầy Thảng:" Đúng là Thụy Lôi đây rồi, chính xác làng Thụy Lôi đây rồi thầy ạ". Tôi liền ghi lại một đoạn trong quyển 2 của bộ sách trên với nội dung như sau:

Huyện Kim Bảng có 6 tổng, trong đó có Tổng Thụy Lôi. Trong Tổng Thụy Lôi có 15 xã (tức thôn làng ngày nay) : 1-Thụy Lôi Hạ , 2-Hương Khê, 3-Thụy Lôi Thượng, 4-Thụy Lôi, 5-Mã Não, 6-Hồi Trung, 7-Trung Khê, 8-Đình Xá, 9-Khả Phong, 10-Khuyến Công, 11-Tam Chúc,12-Đồng Sơn, 13-Trại Bái Lễ, 14-Thức Cốc, 15-Thôn Cốc.

Tôi có tìm tên làng Thụy Lôi ở những nơi khác như xã Thụy Lôi thuộc tổng Thụy Lôi, huyện Tiên Lữ thuộc phủ Tiên Hưng, tỉnh Hưng Yên, một làng Thụy Lôi ở Đông Anh, nhưng các địa danh này không phù hợp với các tài liệu đã nêu . Vì thế, tôi có thể khẳng định rằng:

Làng Thụy Lôi gốc ở miền Bắc, thuộc phủ Lý Nhân, Trấn Sơn Nam Thượng ngày xưa, nay là làng Gốm thuộc xã Thụy Lôi, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Như vậy, từ nay con cháu gốc làng Phú Xuân Huế biết chính xác được xuất xứ nguồn gốc xa xưa của mình. Vì thế, chúng tôi kính cẩn đề nghị các vị chức trách nghiên cứu viết các tài liệu về lịch sử làng Phú Xuân và bài diễn văn tế lễ, nghi thức hàng năm trước đây, nên ghi lại rõ thêm về nguồn gốc làng Thụy Lôi chính xác theo địa danh đã nêu trên. Mặt khác, cũng mong rằng chính quyền thành phố Huế nên chăng đổi tên phường Tây Lộc thành phường Phú Xuân để hoài niệm gắn bó với một phần địa danh của làng Phú Xuân ngày xưa mà nay đang tồn tại ngôi đình Phú Xuân (đã được Bộ VHTT công nhận là Di tích Văn hóa). Nếu được như thế thì sẽ làm tăng thêm ý nghĩa và giá trị tinh thần văn hoá của ngôi đình Phú Xuân tại đó.

(Nguyễn Hồng Trân - cựu GV Đại học Khoa học Huế)

 

Các tài liệu tham khảo:

1-"Sổ tay địa danh Việt Nam" của Đinh Xuân Vinh (NXB Lao Động, HN 1996).

2-"Phú Xuân- Huế, từ đô thị cổ đến hiện đại " của UBND thành phố Huế, (NXB. Thuận Hoá Huế 1999).

3-Bộ sách "Đồng Khánh Địa dư chí"và đĩa CD của Viện Hán-Nôm(NXB.Thế giới-H2003).

4-"Kinh thành Huế" của Phan Thuận An (NXB. Thuận Hoá -Huế 1999).

5-"Tên làng qua các thời ở Thừa Thiên Huế" của Huỳnh Đình Kết (In tại Huế 1998).

6-"Lịch sử làng Phú Xuân-Đình Phú Xuân" của Lê Đình Đắc (In tại Huế 1994,2002) .

7-"Ô châu cận lục " của Dương Văn An, do Viện nghiên cứu Hán- Nôm biên dịch (NXB Khoa học xã hội, Hà nội 1997).

8-"Danh bạ hành chính Việt Nam" của địa chỉ trên mạng : danhba.vdc.com.vn

9-"Việt Nam, những thay đổi địa danh và địa giới hành chính... của Nguyễn Quang Ân (Viện Sử học), NXB thông tấn 2003.

Ghi chú: Bài này đã đăng trong tạp chíHuế Xưa & Nay của Hội Lịch sử Thừa Thiên Huế, số 65. 9-10/2004.

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang