NGUỒN MẠCH HUYẾT THỐNG-TÂM LINH CỦA TÂM MINH LÊ ĐÌNH THÁM (1897–1969)

      Dưới thời nhà Nguyễn (1802–1945), Quảng Nam là vùng đất thịnh đạt về Nho học, xuất sinh nhiều bậc sĩ phu, khoa bảng lỗi lạc; tiêu biểu như tiến sĩ Phạm Phú Thứ (1821–1882) là vị có tư tưởng tiến bộ, sớm đề xuất việc canh tân đất nước để tránh họa xâm lược của các nước phương Tây. Rất tiếc, triều đình thủ cựu đã không ủng hộ để cho thi hành những điều trần của ông. Bước sang thế kỷ XX, Phó bảng Phan Châu Trinh (1872–1926), vị lãnh tụ của phong trào Duy tân, xét thấy dân Việt Nam chưa đủ điều kiện sử dụng vũ lực để lật đổ chế độ Bảo hộ. Ông chủ trương “Pháp-Việt đề huề để “khai “dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, xây dựng chế độ Cộng hòa dân chủ thay thế cho chế độ quân chủ lạc hậu. Điều này không đáp ứng quyền lợi của thực dân Pháp nên đã bị đàn áp triệt để.

      Ở cái nôi truyền thống hiếu học, yêu nước đó có một bậc “thiện nam tử” ra đời trong vọng tộc Lê Đình tại làng Đông Mỹ, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc xã Điện Quang, huyện Điện Bàn).

Nguồn mạch huyết thống

     Cụ Lê Đình Đỉnh (1847-1933) đỗ Cử nhân khoa Canh ngọ (1870). Vua Tự Đức biết ông thanh liêm, cương trực nên bổ dụng làm chức Khoa đạo thuộc Viện Đô sát (chuyên trách thanh tra, kiểm soát quan lại). Ông thường được cử làm sứ thần đi sứ sang các nước trong khu vực để thăm dò công luận về việc quân Pháp xâm chiếm Việt Nam. Năm 1881, sau khi đi sứ Hương cảng trở về, ông tâu lên vua rằng: “Gần đây nước Nhật Bản học theo các nước phương Tây, mở rộng việc thông thương khắp nơi, nước Thanh cũng noi theo nước Nhật nên dần dần được giàu mạnh. Họ nhận xét nước ta sản vật phong phú, nhân dân phần đông thông minh. Nếu biết cải cách, tổ chức công việc đúng phương pháp thì có thể làm cho dân giàu nước mạnh chẳng khó khăn gì. Duy chỉ có việc hành chánh, văn thư rườm rà phiền phức, quan lại làm việc bày ra thủ tục, câu nệ gây trở ngại thật đáng trách!”1

     Sau đó ông được cử giữ chức Bố chánh tỉnh Hà Nội. Từ năm 1885 đến 1888, ông giữ chức Tổng đốc Hà Nội-Hưng Yên. Chừng kiến việc triều đình Đồng Khánh mất quyền tự chủ phải câu kết với quân xâm lược đàn áp đẫm máu phong trào yêu nước Cần Vương, Văn thân, ông dâng sớ xin từ nhiệm, trở về quê hương phụng dưỡng song thân. Một nho sĩ thành đạt nay phải bó tay chứng kiến sự sụp đổ dần dần của các giá trị tinh thần Nho giáo trong thởi đại “Bảo hộ”. Do đó, ông hướng dẫn con cháu nên từ bỏ lối học từ chương khoa cử để làm quan mà phải học tập các ngành khoa học thực dụng, đóng góp công sức vào công cuộc canh tân, phục vụ đời sống nhân dân. Ước nguyện ấy của ông đã thành tựu, năm người con trai của ông đều tốt nghiệp Y khoa. Trong số đó có y sĩ Lê Đình Dương tham gia “Việt Nam Quang Phục Hội” rồi tuẫn tiết trong nhà tù Ban Mê Thuột sau khi cuộc khởi nghĩa Duy Tân thất bại. Một người con trai khác của ông cũng đã lưu lại sự nghiệp rạng rỡ trong lịch sử Phật giáo Việt Nam: bác sĩ Tâm minh Lê Đình Thám.

Bác sĩ Lê Đình Thám

Bác sĩ Lê Đình Thám

     Bác sĩ Lê Đình Thám (1/ 5/ 1897–23/ 4/ 1969), ngay từ thuở niên thiếu đã nổi tiếng thông tuệ khác thường. Năm 1916, ông tốt nghiệp thủ khoa khóa Y sĩ Đông Dương tại Hà Nội. Năm 1930, ông tốt nghiệp Bác sĩ Y khoa ngạch Pháp quốc. Suốt 30 năm (1916-1945), ông hết lòng phục vụ bệnh nhân tại bảy bệnh viện ở miền Trung. Y đức, tài năng của bác sĩ Lê Đình Thám được nhân dân ngưỡng mộ, kính mến.

Nguồn mạch tâm linh

       Truyền thống “cư Nho mộ Thích” từ thời các Chúa Nguyễn đã hộ trì cho Phật giáo phát triển nhanh chóng, góp phần mở mang đất nước về phương Nam. Bước sang triều Nguyễn (1802-1945), ở giai đoạn còn chủ quyền, các vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị vẫn sùng mộ đạo Phật về mặt tín ngưỡng, nhưng lại ban hành luật lệ rất nghiêm ngặt để quản lý. Các vị danh tăng giỏi về khoa nghi, đàn tràng được tuyển chọn làm trú trì, tăng cang tại các quốc tự do Bộ Lễ quản lý, cấp lương bổng chi dụng. Các vị tăng quan này quanh năm họ chỉ lo việc luyện tập tăng chúng để phục vụ các nghi lễ như như lập đàn cầu an, cầu siêu, chúc thọ cho hoàng gia. Còn việc truyền dạy, quảng bá Phật pháp cho quần chúng trong xã hội bị hạn chế, không có điều kiện thực hiện. Vì vậy tăng-già dần biến thành tăng quan hoặc “thầy cúng” cao cấp phục vụ giới quyền quý. Những ông hoàng bà chúa cũng xây cất chùa chiền riêng để cầu cúng. Dân chúng thì có chùa làng, chùa tư, tùy theo thị hiếu, yêu cầu của thí chủ mà dung hợp với các tín ngưỡng dân gian như thờ Mẫu, thờ thần thánh cúng kiếng theo lối mê tín dị đoan nhằm trục lợi bất chánh. Sau biến cố “giặc Chày vôi” (1866), vua Tự Đức hết sức tức giận, đã ra lệnh triệt bỏ các ngôi chùa có liên hệ , sa thải tăng sĩ trẻ tuổi, không cho phép lập Giới đàn độ Tăng suốt thời gian dài. Tiếp đến thời kỳ Bảo hộ (1885-1945), tình trạng Phật giáo tại “Thiền kinh” Huế cũng như cả nước ngày càng suy vi, hủ bại.2  

        Đến đầu thế kỷ XX, các bậc tôn túc tăng-già nghĩ đến việc thừa tự Phật pháp, liên kết mở các lớp giảng dạy Kinh, Luật theo truyền thống “gia giáo” tại các sơn môn để duy trì mạng mạch. Từ thập niên 20 của thế kỷ XX, đại sư Giác Tiên, trú trì chùa Trúc Lâm, vì sống trong thời “Pháp nhược ma cường” nên phát tâm dõng mãnh vào Nam ra Bắc yết kiến các bậc “long tượng” của thiền môn để tham khảo việc đào tạo tăng tài, chấn hưng Phật giáo. Tấm lòng chí thành của đại sư đã được thượng nhân Phước Huệ ở tổ đình Thập Tháp, Bình Định, bậc “Tam tạng pháp sư” đương thời cảm thấu. Thượng nhân đã hứa khả, chống gậy thiền ra Huế giảng dạy kinh điển đại thừa cho hàng hậu học.

        Trong bối cảnh đó, năm 1928, bác sĩ Lê Đình Thám được thuyên chuyển về Huế giữ chức Y sĩ trưởng Viện bào chế và Vi trùng học Pasteur. Bước vào tuổi ba mươi, với gia thế, bằng cấp, địa vị xã hội thời ấy, ông có đủ mọi điều kiện để thụ hưởng cuộc sống vinh hoa phú quý giữa chốn đế đô. Nhưng không! tâm trí ông luôn thao thức về thân phận người dân mất nước, về tương lai của dân tộc. Duyên lành đưa đẩy ông tìm đến chùa Trúc Lâm vãng cảnh, và chính dưới mái chùa này, ông đã hội ngộ với thiền sư Giác Tiên. Từ đây, nguồn mạch tâm linh của vị thiện nam tử có đầy đủ phước đức trí tuệ Lê Đình Thám được khai thông. Ông phát tâm quy y tam bảo, thọ trì ngũ giới, được ban pháp danh là Tâm Minh, tự Châu Hải. Theo sự hướng dẫn của bổn sư, ông đến tham học với thượng nhân Phước Huệ. Nhờ căn tính thông tuệ, bén nhạy, ông đã lãnh hội giáo lý đại thừa rất uyên thâm, trở thành vị cư sĩ nổi tiếng đầy đủ ngũ minh,3 hành trì giới hạnh tại gia bồ-tát.

 

       Dù trên danh nghĩa là theo lễ thầy-trò nhưng giữa đại sư Giác Tiên với cư sĩ Tâm Minh là tấm tình tri kỷ, cùng tâm nguyện “hoằng dương chánh pháp, lợi lạc hữu tình”.

       Từ kinh nghiệm xương máu tại quê hương, trong gia đình, và chính bản thân, cư sĩ Tâm Minh đã chủ trương theo khuynh hướng “Pháp-Việt đề huề”,4 vận động thành lập Hội An Nam Phật Học, tạo điều kiện phổ biến Phật pháp, mở mang kiến thức đúng đắn cho quần chúng, làm phấn phát sức mạnh của nhân dân (khai dân trí, chấn dân khí). Theo ông, chấn hưng Phật giáo chính là chấn hưng nguyên khí dân tộc Việt Nam.

Tượng tưởng niệm bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám

Tượng tưởng niệm bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám

      Định hướng ấy đã được đại sư Giác Tiên chấp thuận và thuyết phục hầu hết chư vị tôn túc tăng-già hoan hỷ chứng minh. Các pháp lữ thuộc sơn môn Tây Thiên, tại gia và xuất gia, đều nhiệt tình hậu thuẫn, cộng tác.

      Kết quả, Hội An Nam Phật Học ra đời vào năm 1932 tại kinh đô Huế, sau đó lan tỏa khắp Trung kỳ (An Nam). Cư sĩ Tâm Minh được mọi người tín nhiệm suy cử làm Hội trưởng đầu tiên của Hội An nam Phật Học.

      Mặc dù bận rộn công vụ trong ngành Y tế (Giám đốc Bệnh viện Bài lao Huế) trải qua 13 năm (1932-1945), cư sĩ Tâm Minh vẫn tận lực điều hành và phát triển Hội An Nam Phật Học theo đúng lời thệ nguyện trước Tam bảo và trước di ảnh của bổn sư. Cư sĩ đã vượt qua mọi chướng duyên để thành tựu các Phật sự làm nền tảng cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong tương lai. Công đức của cư sĩ Tâm Minh mãi rạng ngời trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

      Để đạt được kết quả như vậy, chắc chắn Cư sĩ đã gieo trồng nhân duyên với Phật pháp từ nhiều đời nhiều kiếp, nên đời này phước báu chung đúc khiến ông tiếp thụ được cả hai nguồn mạch huyết thống và tâm linh tốt đẹp, cao quý tạo thành biểu tượng của hạnh nguyện Bồ-tát tại gia, mãi mãi làm tấm gương sáng cho Phật tử Việt Nam.

T.Đ.S

Tham khảo, chú thích:

  1. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, chính biên, đệ tứ kỷ, q. 2, LXVI.
  2. Sđd., đệ lục kỷ, q. 2.
  3. Năm môn học đại diện cho kiến thức căn bản vào thời cổ ở Ấn độ, dùng để để khai mở trí tuệ, giúp một hành giả Phật giáo có đù năng lực để tự giác giác tha, hoằng dương chánh pháp, mang lại lợi lạc cho thế gian. Ngũ minh gồm có: thanh minh, công xảo minh, y phương minh, nhân minh, và nội minh. Thanh minh là khả năng thông thạo về ngôn ngữ, văn tự. Công xảo minh là khả năng thông thạo về nghề nghiệp, toán học, khoa học, văn chương, triết lý thuộc ngoại điển. Y phương minh là khả năng hiểu biết về y lý, thuốc men, trị bệnh. Nhân minh là khả năng luận lý, phân biệt chánh, tà, đúng, sai.... Nội minh là khả năng thấu suốt ba tạng Kinh điển của Phật giáo và kinh nghiệm tu tập.
  4. Chủ trương của chí sĩ Phan Châu Trinh nhằm tránh nạn “tái nô dịch chủ”.

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang