NHÀ LƯU NIỆM TRẦN VĂN KHÊ TRONG LÒNG TÔI

  Đời cầm bút hoạt động lịch sử văn hóa của tôi có hạnh phúc được gọi nhà thơ Tố Hữu, nhà dân tộc nhạc học Trần Văn Khê và nhạc sĩ Phạm Duy bằng “anh”. Tôi đã viết về “anh Tố Hữu”, viết nhiều bài về “anh Phạm Duy”. Năm nay (2021), nhân 100 năm sinh nhà dân tộc nhạc học Trần Văn Khê tôi rất vinh dự được viết những kỷ niệm của tôi với “anh Khê”.

  Sau ngày anh Khê qua đời (2015), Nhóm thân hữu của nhà dân tộc nhạc học Trần Văn Khê đã xuất bản cuốn sách TRẦN VĂN KHÊ TÂM & NGHIỆP (Nxb Lao Động & Thaihabook xuất bản, 2016), trong đó có bài Với nhà dân tộc nhạc học Trần Văn Khê: “Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình” (tr.94-117) của tôi. Năm mươi năm ấy thời gian có đứt gãy nhiều đoạn nhưng khi được nối lại thì tình cảm huynh đệ càng thân thiết hơn.

Từ sau năm 1975, anh Khê có nhiều dịp về Huế - quê ngoại của anh. Anh có nhiều đóng góp cho Huế trong việc lập hồ sơ Nhã nhạc đệ trình UNESCO xin công nhận là Di sản văn hóa nhân loại. Những lần đến Huế nếu quá bận không đến thăm gia đình tôi được thì anh nhờ người gọi tôi đến khách sạn hay Nhà khách của Tỉnh để cho Anh gặp. Anh bảo “Về Huế mà chưa gặp em thì xem như chưa đến Huế”.  Nghe anh nói thế tôi phải thốt lên: “Ôi, được anh thương, em hạnh phúc quá ! Cảm ơn anh”.

Bài viết trích từ cuốn "Trần Văn Khê trăm năm Tâm và Nghiệp"

Bài viết trích từ cuốn "Trần Văn Khê trăm năm Tâm và Nghiệp"

GSTS Trần Văn Khê thăm Gác Thọ Lộc

GSTS Trần Văn Khê thăm Gác Thọ Lộc

Nghệ sĩ Điềm Phùng Thị mời cơm GS.TS. Trần Văn Khê

Nghệ sĩ Điềm Phùng Thị mời cơm GS.TS. Trần Văn Khê

Tặng tôi cuốn sách Marrionnettes sur eau du Viet Nam, (Huế, 3/11/1993), anh Khê xem tôi là: “Một người bạn đồng hành trên con đường tìm hiểu và phổ biến văn hóa Việt Nam[1]. Với anh, em là “đứa em tinh thần của anh để nhớ những lúc gần nhau tại quê nhà, tại nước Pháp và trong lòng của hai anh em mình[2], là “một người em theo tuổi tác, một người bạn đồng hành trong công việc nghiên cứu, một người đem sức mình cống hiến cho đất nước Việt Nam và cộng đồng thế giới những tài liệu quý giá về lịch sử văn hóa của nước Việt yêu thương”[3] để nhớ lại những lúc anh em mình nói chuyện về Phạm Duy lúc mới gặp nhau và những lần cùng gặp Phạm Duy trên đất nước thân yêu”[4].

Anh đã cho em những tác phẩm quý giá của anh. Anh đã góp phần hun đúc cái hồn Việt, hồn Cố đô Huế trong huyết quản của em.

          Mỗi lần về Huế, ngoài những lúc làm việc với ngành văn hóa, anh thường bảo tôi đưa anh đi thăm Huế. Đi thăm nhà cố nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba, thăm vườn An Hiên, thăm nghệ sĩ Điềm Phùng Thị, thăm chùa Từ Đàm và nói chuyện Nhạc Phật ở Thuận Hóa Phú Xuân, dự lễ khai trương Không gian nghệ thuật Lê Bá Đảng…

GS.TS. Trần Văn Khê thăm Tỳ Bà trang của nhạc sư Nguyễn Hữu Ba ở Huế.

GS.TS. Trần Văn Khê thăm Tỳ Bà trang của nhạc sư Nguyễn Hữu Ba ở Huế.

GS.TS. Trần Văn Khê thăm Hòa thượng Thích Thiện Siêu chùa Từ Đàm.

GS.TS. Trần Văn Khê thăm Hòa thượng Thích Thiện Siêu chùa Từ Đàm.

        Hồi đầu năm 2002 chị Điềm Phùng Thị qua đời, được tôi báo tin, từ Paris, anh gửi cho tôi một lời điếu chị Điềm và yêu cầu vợ chồng tôi tổ chức thắp hương, dâng hoa và đọc lời điếu trước mộ chị Điềm. Lời điếu của anh là một bình luận đánh giá tài năng kiệt xuất của chị Điềm.

        Đến thăm cơ sở trưng bày nghệ thuật do tỉnh Thừa Thiên Huế cấp cho chị Điềm Phùng Thị và Không gian Lê Bá Đảng, anh Khê ước mong được thành phố Hồ Chí Minh cấp cho anh một cơ sở như thế để anh lưu giữ  hàng tấn tài liệu sách vở, sản phẩm âm nhạc dân tộc và thế giới mà anh đã sưu tập trên 50 năm còn để bên Pháp về lưu giữ và giới thiệu truyền bá âm nhạc dân tộc cho tuổi trẻ Việt Nam và thế giới.

          Tháng 4 năm 2001 anh và nhạc sĩ Phạm Duy cùng có mặt ở Thành phố Hồ Chí Minh. Anh Khê nghỉ tại khách sạn Majectic (số 1 Đồng Khởi), Phạm Duy ở lại nhà một người quen ở đường Nguyễn Kiệm (Phú Nhuận) gần nhà tôi ở đường Phan Xích Long. Tôi rất hân hạnh được đón hai anh đi thắp hương cho một người bạn tôi, là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở 57 Phạm Ngọc Thạch. Nhiếp ảnh gia Phong Quang tháp tùng chúng tôi và chộp được tấm ảnh ba người đang rảo bước trên đường phố Sài Gòn. Thắp hương cho Trịnh Công Sơn xong, mọi người đứng trước bàn thờ chụp ảnh chung với em trai, em gái, em dâu, em rể của Trịnh Công Sơn.

GS.TS. TRần Văn Khê thắp hương cho nhạc sĩ  Trịnh Công Sơn. (Ảnh Phong Quang 18/4/2001)

GS.TS. TRần Văn Khê thắp hương cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. (Ảnh Phong Quang 18/4/2001)

GS.TS. Trần Văn Khê cùng nhạc sĩ Phạm Duy chụp hình chung với toàn thể em trai, em gái, em dâuem rể của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. (Ảnh Phong Quang)

GS.TS. Trần Văn Khê cùng nhạc sĩ Phạm Duy chụp hình chung với toàn thể em trai, em gái, em dâuem rể của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. (Ảnh Phong Quang)

Năm 2002, anh Khê về dự Festival Huế. Một buổi sáng, anh gọi tôi đến khách sạn và tươi cười báo với tôi: “Anh may mắn quá em ơi, hôm qua gặp được lãnh đạo Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh. Họ hứa sẽ giúp anh mang toàn bộ tư liệu của anh về để lưu trữ trong một căn nhà, và sẽ là nhà lưu niệm Trần Văn Khê sau này.”

          Tôi hết sức bất ngờ. Duyên lành sao mà đến sớm vậy! Tôi mừng quá. Tôi liên tưởng đến khối lượng tài liệu, sách báo, nhạc khí sắp đầy mấy gian nhà bên Pháp của anh. Tôi bắt tay chúc mừng anh. Tôi nghĩ tỉnh Thừa Thiên Huế đã dành hai ngôi biệt thự tọa lạc trên những khi đất vàng dành cho Điềm Phùng Thị và Lê Bá Đảng, thì việc thành phố Hồ Chí Minh dành cho Trần Văn Khê một biệt thự như thế cũng không có gì khó khăn cả. Tôi mừng cho Anh Khê, mừng cho ngành dân tộc nhạc học Việt Nam và cũng mừng cho tôi có thêm một địa chỉ thân thiết ở TP Hồ Chí Minh để lui tới trau dồi thêm sự hiểu biết về văn hóa Việt Nam của tôi.

          Rời Huế anh Khê trở lại TP Hồ Chí Minh rồi qua Pháp. Ngày 28 tháng 6 năm 2002, từ Paris, anh gửi nhờ tôi chuyển cho lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế một cái thư dài 8 trang, anh nhận xét về Festival Huế 2002.

        Đọc thư góp ý Festival của Trần Văn Khê, các vị lãnh đạo Festival Huế nhận xét: “Đây không những là góp ý cho Festival 2002 mà còn rất quý cho các Festival sắp tới. Không những của Huế mà có lẽ của các Festival quốc tế ở các tỉnh khác. Cảm ơn GS.TS. Trần Văn Khê.” 

          Đến mùa hè năm 2006, từ Thành phố Hồ Chí Minh, anh gọi tôi:

- Em Xuân ơi, vào Sài Gòn đi, anh không ở khách sạn nữa, từ cuối năm ngoái anh đã có nơi cư trú… ước mơ của anh sắp thành hiện thực.

- Ôi vui quá! Ở đâu anh?

- 32 Huỳnh Đình Hai, gần chợ Bà Chiểu, Bình Thạnh.

- Rứa hả. Em biết khu vực ấy gần nhà cụ Vương Hồng Sển - thầy em, gần nhà kỹ sư Bùi Hữu Lân – bạn em và cũng gần nhà em ở Phan Xích Long, phường 2, quận Phú Nhuận. Em sẽ vô.

Tôi chúc mừng anh. Cái địa chỉ 32 Huỳnh Đình Hai nằm giữa ba địa chỉ thân thiết của tôi. Tôi bay vào Thành phố Hồ Chí Minh. Đưa hành lý về nhà gặp con cháu một lúc rồi gọi xe ôm xuống 32 Huỳnh Đình Hai ngay. Trời ơi, một ngôi biệt thự khang trang tọa lạc trên một con đường yên tĩnh nép sau một khu phố chợ sầm uất. Cây cảnh xanh tươi, nhiều kiểu, nhiều vẻ. Tôi được thăm anh trong gian phòng khách rộng, trên tường treo đầy tranh, ảnh, nhạc khí với một kệ thờ thân sinh, thân mẫu của anh. Nhiều kỷ vật tôi đã thấy treo trong phòng khách ở Paris (1996). Nhiều thứ tôi đã được anh giới thiệu rằng chúng đã gắn bó với anh trong suốt những tháng năm bôn ba khắp bốn biển năm châu, hoặc là những món quà kỷ niệm do bạn bè trao tặng anh.

Mừng Anh Khê có nơi lưu trú và sẽ trở thành Nhà lưu niệm ở 32 Huỳnh Đình Hai, Q. Bình Thạnh

Mừng Anh Khê có nơi lưu trú và sẽ trở thành Nhà lưu niệm ở 32 Huỳnh Đình Hai, Q. Bình Thạnh

Nhớ nhà Anh ở 44 Clément  Perrot, Vitry-Sủ-Seine, Pháp. (Ảnh Nguyễn Đại Bảng)

Nhớ nhà Anh ở 44 Clément Perrot, Vitry-Sủ-Seine, Pháp. (Ảnh Nguyễn Đại Bảng)

Từ đó, tôi thường có mặt ở 32 Huỳnh Đình Hai. Vui mừng thấy được hàng tấn sách vở, nhạc khí quý giá mà tôi đã thấy ở Paris nay được đem về đây sắp xếp đầy một kho. Đây là thư viện nghiên cứu dân tộc nhạc học chưa từng có ở Việt Nam. Những ngày sinh nhật, quan chức, bạn bè, người ái mộ đông vui như ngày hội.

Nguyễn Đắc Xuân, Phạm Duy và Tăng Kim Tây dự sinh nhật nhà dân tộc nhạc học Trần Văn Khê tại 32 Huỳnh Đình Hai

Nguyễn Đắc Xuân, Phạm Duy và Tăng Kim Tây dự sinh nhật nhà dân tộc nhạc học Trần Văn Khê tại 32 Huỳnh Đình Hai

Ăn sinh nhật với bạn bè thân hữu.

Ăn sinh nhật với bạn bè thân hữu.

Qua đây tôi gặp lại anh Huỳnh Văn Tươi, thư ký của anh Khê ở Paris – người đã giúp quay cho tôi cuốn video trong chuyến tôi đi thăm Công chúa Như Lý, con gái vua Hàm Nghi ở Vigeois/Corrèze, gặp Hồ Thủy Tinh (Ba Thanh) cháu anh Khê – người có công nhất trong việc sắp xếp thuê tàu thủy chở tài sản vô giá của anh về Việt Nam. Sau ngày anh Khê qua đời, tôi tiếp tục kế hoạch thành lập quỹ học bổng Trần Văn Khê cho đến bây giờ.    

Trong ngôi nhà này, anh Khê được Thành phố làm lễ chính thức công nhận anh là Công dân danh dự của Thành phố. Các Hội đoàn hay chính quyền Thành phố thường đưa khách trong nước và khách nước ngoài đến tham quan một nhân vật văn hóa tiêu biểu của Thành phố. Riêng tôi được anh cho phép mời bạn tôi và gia đình tôi đến thăm anh. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lệ - Chủ tịch TMA ở Công viên phần mềm Quang Trung đã được anh tiếp, đã kết nối thành công một nhà văn hóa lớn với Bảo tàng TMA.

Nói chuyện hoạt động âm nhạc truyền thống là giữ cái hồn Việt cho dân tộc với TS. Nguyễn Hữu Lệ TMA và BS Trần Viết Phồn.

Nói chuyện hoạt động âm nhạc truyền thống là giữ cái hồn Việt cho dân tộc với TS. Nguyễn Hữu Lệ TMA và BS Trần Viết Phồn.

GSTS Trần Văn Khê thăm không trưng bày cổ vật của TMA và chụp hình lưu niệm trước tượng nhà soạn tuồng Đào Tấn .

GSTS Trần Văn Khê thăm không trưng bày cổ vật của TMA và chụp hình lưu niệm trước tượng nhà soạn tuồng Đào Tấn .

       Anh Khê cũng đáp lại bằng cách đến thăm TS. Nguyễn Hữu Lệ TMA và Bảo tàng TMA. Anh bất ngờ khi chứng kiến Bảo tàng TMA chiếm một không gian khá lớn trưng bày nhiều cổ vật văn hóa Việt Nam như bộ công cụ nông nghiệp, công cụ làm nông, các bộ trống, bộ cồng chiêng Tây Nguyên, đàn đá, trống đồng, ngọc lũ,… ở một trung tâm phần mềm. Rất quý và sang trọng, trải dài suốt nhiều gian tầng trệt một tòa cao ốc. Anh hết lời khen TMA về chủ trương giới thiệu văn hóa Việt Nam với  các kỹ sư sản xuất phần mềm cho thế giới. Dù làm việc gì, ở đâu thì người Việt Nam cũng phải biết mình là người Việt Nam như thế nào.

       Tại 32 Huỳnh Đình Hai, tôi rất hân hạnh được anh chia sẻ nhiều việc như: Việc tái bản những ca khúc Tân nhạc đầu tiên được giới thiệu bên Pháp, việc viết bài giới thiệu về Phạm Duy trên Kiến Thức Ngày Nay số Tết năm Quý Tỵ (2013)… Đặc biệt, việc tổ chức đám tang nhạc sĩ Phạm Duy, anh nhờ tôi và anh Trần Bá Thùy (phu quân của Tôn Nữ Hỷ Khương) giúp cho con trai trưởng Trần Quang Hải của anh để tang lễ được chu đáo theo di nguyện. Những việc anh chia sẻ, tôi đã hoàn thành chút đỉnh, còn lại hầu như do hoàn cảnh nên chưa ai thực hiện được. Mọi người còn nợ anh.

        Mỗi lần nhớ đến việc trả nợ cho anh, tôi không thể không nhớ đến Nhà lưu niệm Trần Văn Khê ở 32 Huỳnh Đình Hai. Ngôi nhà đó gắn liền với quãng đời Trần Văn Khê được sống hạnh phúc nhất. Nơi anh ở được mọi người yêu mến, cất giữ toàn bộ khối tài sản văn hóa anh đã ky cóp gần cả một đời người. Khối tài sản vô giá đó được bảo vệ ngay trên quê hương Việt Nam, không còn sợ rủi ro, mất mát. Một ngày anh sống là một ngày có ý nghĩa cho anh, cho Thành phố Hồ Chí Minh, cho văn hóa Việt Nam. Cái bóng của anh phủ lên không gian chứa đầy của cải tinh thần, vật lưu niệm của anh. Bởi thế khi phải tạm thu xếp các hiện vật để có không gian tổ chức lễ tang cho anh, tôi đã chụp hình hết, từng cổ vật, từng ngõ ngách trong phòng và tôi đã thắp hương khấn xin phép anh và báo với anh, rằng sau 49 ngày anh qua đời, cơ quan văn hóa Thành phố sẽ phục hồi lại Phòng lưu niệm như cũ cho anh. Các cán bộ của ngành văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đã rất thận trọng tháo hạ các cổ vật gói bọc lại bằng giấy xốp, bảo đảm sự an toàn tuyệt đối.

       Tháng 6 năm 2015, giáo sư Trần Văn Khê qua đời, được hỏa táng ở Nghĩa trang Bình Dương. Hủ tro cốt được đưa về theo ý anh đặt trên kệ thờ thân sinh thân mẫu anh trong Nhà32 Huỳnh Đình Hai. Tôi rước Hòa thượng Phước Trí chùa Vạn Phước cúng tuần cho Anh.

       Sau lễ cúng thất tuần, chiều ngày 14 tháng 8 năm 2015, theo quyết định của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện gia đình và các thân hữu của giáo sư Trần Văn Khê đã bàn giao căn nhà 32 Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh cho Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị di tích Thành phố Hồ Chí Minh quản lý. Bàn thờ thân sinh thân mẫu anh phải chuyển về quê ngoại của anh ở Vĩnh Kim, Tiền Giang. Tôi thấy mình thật có lỗi với anh Khê. Tôi đã thay mặt Ban lễ tang thắp hương khấn hứa với anh, tang lễ xong sẽ phục hồi không gian lưu niệm của anh như cũ. Giờ đây… “ngoài khả năng của Nhóm thân hữu và gia đình của anh, anh ơi”.

        Nhà lưu niệm của anh trở thành nỗi khao khát của Nhóm thân hữu và tất cả những người yêu âm nhạc dân tộc, yêu văn hóa dân tộc. 

       Cuối năm 2015 ấy nhà tôi rời cõi tạm. Nỗi đau dồn dập. Tôi buồn quá không khóc mà nước mắt cứ chảy hoài. Đến tháng 7 năm 2016 mắt tôi bị xuất huyết võng mạc không còn đọc được nữa. Mọi việc liên quan đến anh Khê ở Thành phố Hồ Chí Minh tôi đều vắng mặt. Mắt mù mọi việc đời đều tập trung trong đầu, một ý tưởng nảy ra trong óc tôi. Tôi không chờ đợi Thành phố phục hồi lại Nhà lưu niệm 32 Huỳnh Đình Hai nữa. Nếu được phục hồi thì tôi cũng không còn thấy. Trong lòng tôi đã có đủ hình ảnh Nhà lưu niệm của anh từ 2006 đến 2015 rồi. Tôi nghĩ đến việc đi gặp anh Khê ở chốn vĩnh hằng. Nghĩ đến lời xin lỗi khi gặp anh. May sao bệnh viện Mắt của Huế đã tìm được thuốc Eylea chích vào mắt tôi. Sau ba lần chích thuốc, mắt tôi dần dần sáng lại. Tôi có thể đọc và viết được chút đỉnh. Tôi mừng như được sống lại lần thứ hai. Tôi vào Thành phố Hồ Chí Minh dự lễ Kỷ niệm 99 năm sinh Trần Văn Khê và chuẩn bị hồ sơ lập Qũy học bổng Trần Văn Khê.

       Cuộc đời đã cho tôi sáng mắt lại. Cho sáng mắt lại để tôi có thể giải bày nỗi lòng mình nhân 100 năm sinh của anh Khê. Tôi chỉ có một ước mong đất nước sẽ cứu vãn những giá trị văn hóa lịch sử dân tộc để hình ảnh Việt Nam ngày càng đẹp hơn trên con đường hội nhập thế giới.

       Liệu ước mong đó có viễn vông không? Lẽ nào!

                                                             Huế, Mùa Đông năm 2021.

                                                               Nguyễn Đắc Xuân 

                                        (Ban sáng lập Qũy học bổng Trần Văn Khê)

                         (Bài viết được trích ra từ cuốn "Trần Văn Khê trăm năm Tâm & Nghiệp) 

 

[1].Lời đề tặng Marrionnettes sur eau du Viet Nam, Huế 3-11-1993;

[2] Lời đề tặng ngày 12-4-2001, Hồi ký Trần Văn Khê, tập I

[3].Lời đề tặng Tự truyện Trần Văn Khê, Những câu chuyện từ trái tim,ngày 8-3-2011

[4] (Lời đề tặng Tính dân tộc trong âm nhạc Phạm Duy & Tình bạn Duy Khê, ngày 4-10-2013);   

 

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang