THƠ ĐÃ CỨU TÔI THOÁT RA KHỎI “CỬA TỬ” NĂM 1965

Stt Nhờ người đẹp Diệm My tôi có dịp được kể lại chuyện xuất thần bài thơ Nhớ Paris được những người trong cuộc chia sẻ, tôi có thêm một duyên nợ đẹp với thơ. Thật tình bắt đầu thực hiện nghiệp cầm bút của tôi bằng thơ. Thơ giúp cho tôi có được những chuyện tình đẹp và thơ cũng chia sẻ với tôi những lúc phải tiếp con đường trọn kiếp đơn côi. Thơ là người bạn đời luôn có mặt với tôi suốt những năm đấu tranh ở đô thị và chín năm theo kháng chiến xuôi ngược Trường Sơn. Thơ đã giúp cho tôi thể hiện được tình yêu người, yêu nước được các bậc trưởng thượng (Thiền sư Nhất Hạnh, nhạc sĩ Phạm Duy, GS.TS Trần Văn Khê, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.v.v.) yêu quý, được vinh danh với Tâm Ca số 5 (Để Lại Cho Em) nhưng ít người biết tôi đã từng được Thơ cứu tôi thoát ra khỏi cửa tử. Vừa rồi có mấy người bạn ở TP. HCM chuẩn bị một hoạt động kỷ niệm 100 năm sinh nhạc sĩ Phạm Duy họ thuê người quay một Video nghe tôi nói về mối quan hệ của tôi với nhạc sĩ Phạm Duy như thế nào, trong đó có câu hỏi “Cơ duyên nào mà NS Phạm Duy đã chọn bài thơ Nhân danh của ông để phổ nhạc trong Tâm Phẫn Ca”. Và tôi đã trả lời như sau: Đây là một câu chuyện ly kỳ, tôi đã viết trong hồi ký Từ Phú Xuân đến Huế (T.2, Nxb Trẻ năm 2012). Tôi xin kể lại sau đây: Sau năm chế độ Ngô Đình Diệm cáo chung, sinh viên Huế vẫn tiếp tục đấu tranh chống các chính phủ VNCH như Nguyễn Khánh, Trần Văn Hương. Năm 1965 hai tướng Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ chấp chánh. Quân đội Mỹ đổ bộ vào miền Nam. Chiến tranh diễn ra rất ác liệt. Tổng thống Mỹ Johnson đưa ra chủ trương thả bom miền Bắc VN để triệt hạ lực lượng giúp cho Mặt trận Giải phóng Miền Nam. Tướng Nguyễn Cao Kỳ lấy ngày Ký Hiệp định Genève 20-7-1954 làm Ngày quốc hận, tổ chức một cuộc hội thảo cho tuổi trẻ chuẩn bị Bắc tiến vào ngày 20-7-1965. Tướng Kỳ nhờ Chính quyền Thừa Thiên mời đích danh một số sinh viên đã có “thành tích” tranh đấu ở Huế vào Sài Gòn dự Hội thảo. Danh sách mời trên 10 người nhưng tôi chỉ còn nhớ: Trần Xuân Kiêm, Trần Anh Tuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Vĩnh Kha, Nguyễn Đắc Xuân. Tướng Kỳ cho một chiếc Dacota quân sự ra Huế đón đoàn Sinh viên Huế.

Trần Xuân Kiêm và Hoàng Phủ Ngọc Tường trên diễn đàn Hội thảo ngày 20-7-1965 tại Nhà hát lớn Sài Gòn.

Trần Xuân Kiêm và Hoàng Phủ Ngọc Tường trên diễn đàn Hội thảo ngày 20-7-1965 tại Nhà hát lớn Sài Gòn.

Chúng tôi biết tướng Kỳ đã mời chúng tôi vào cửa tử. Nhưng không đi mất mặt Sinh viên Huế quá nên vui vẻ tham gia. Ủng hộ Bắc Tiến là tự giết mình. Chống lại là bị bắt đưa ra Tòa án quân sự vào tù ngay. Chúng tôi vào đến Sài Gòn, từ sân bay Tân Sơn Nhất xách hành lý vào thẳng Nhà hát lớn. Lúc đó Hội thảo đã bắt đầu lâu rồi. Cuộc Hội thảo được tổ chức liên tục trong 48 giờ liền. Thức ăn dọn sẵn hai bên hành lang ai đói tự động ra ăn rồi vô dự hội thảo tiếp. Tuổi trẻ thân tướng Kỳ thay nhau chủ tọa hội thảo. Họ nhắc lui nhắc tới chủ trương dội bom miền Bắc của Tổng thống Johnson và tuổi trẻ miền Nam phải Bắc tiến. Nhiều người phát biểu ám chỉ Sinh viên Huế sợ đi lính nên có xu hướng chống chiến tranh. Chủ tọa mời đoàn Sinh viên Huế phát biểu. Anh Hoàng Phủ Ngọc Tường được mời lên trước. Anh Tường lúc ấy là thầy giáo dạy triết ở trường Quốc Học, anh thích triết học Hiện sinh của Jean Paul Sartre và anh cũng thực hành triết học Hiện sinh. Anh chống chiến tranh. Anh phát biểu khá dài. Câu cuối cùng anh nói:- “Tôi không sợ đi lính. Nhưng tôi không muốn cầm súng bắn vào đầu bà con anh em đồng bào của tôi trên đất Bắc!” Râm ran trong hội trường có một số ý kiến phản đối nhưng phần lớn biết anh Tường là một trí thức, nổi tiếng học giỏi, theo triết học Hiện sinh nên không ai dám ra mặt phản đối anh. Sau anh Tường là sinh viên Đại học Đà Lạt, đại biểu một số tổ chức thanh niên, sinh viên khác. Tôi biết thế nào tôi cũng bị mời lên. Tôi khác anh Tường. Chỉ có hai con đường ủng hộ Bắc tiến hay chống lại. Con đường nào cũng dẫn vào cửa tử cả. Tôi lấy sổ tay viết vội bài thơ có tựa đề là Nhân Danh.Đúng như tôi đoán. Tôi được mời phát biểu. Các bạn trong đoàn Huế rất lo cho tôi: “Cẩn thận anh Xuân nghe”. Tôi rời ghế bước lên diễn đàn:- “Thưa chủ tịch đoàn, thưa Hội thảo. Mai giờ các bạn đã phát biểu nhiều ý kiến rất sinh động, tích cực. Để thay đổi không khí tôi xin phát biểu bằng một vài câu thơ sau đây.

Nhân danh

Vì giữ mình tôi phải giết mộtngười

Xin nhân danh ngồi dưới mặt trời

Vì giữ mình tôi phải giết một người.

Vì gia đình tôi phải giết mười người

Xin nhân danh hạnh phúc lạc loài

Vì gia đình tôi phải giết mười người.

Vì xóm làng tôi phải giết ngàn người !

Xin nhân danh ruộng đất hẹp hòi

Tôi phải giết ngàn người.

Vì giống nòi, tôi giết vạn người

Giết vạn người !

Xin nhân danh Tổ quốc đẹp ngời

Tôi phải giết triệu người.

Xin nhân danh giải phóng loài người

Vì lý tưởng tôi phải giết triệu người.

Vì nhân loại tôi phải giết trọn loài người

Xin nhân danh đường lối hoà bình

của Tổng thống Johnson, tôi giết luôn tôi.”

Đọc xong bài thơ tôi xem như hoàn thành nhiệm vụ trở lại chỗ ngồi. Không khí trong hội trường hơi bất ngờ có vẻ bẽ bàng. Những người không để ý đến câu cuối cùng của bài thơ thì cho tôi là tên khát máu có vẻ hợp với cuộc hội thảo Bắc Tiến. Người nghe rõ câu cuối cùng thì cho tôi đã chống lại chủ trương thả bom miền Bắc để có hòa bình của Tổng thống Johnson một cách quyết liệt. Chỉ có một người lên tiếng khen bài thơ của tôi là bà Ngô Bá Thành-con gái của một vị bác sĩ tranh đấu cho hòa bình bị chính quyền miền Nam đẩy qua sông Bến Hải ra miền Bắc. Mấy phút sau có một người bạn đến nói nhỏ bên tai tôi: “Anh kéo va-li ra sau hội trường thay quần áo rồi đi ngay chứ anh ở đây chút nữa ra cửa bọn Hố Nai, Gia Kiệm chúng giết anh ngay. Tôi hiểu nên thực hiện theo ý bạn. Khi ra sau Nhà hát lớn thì thấy nhạc sĩ Phạm Duy ngồi trên chiếc xe mui trần ngoắt tôi lại. Tôi đến, ông bảo: “Lên xe đi ngay không thô… Bài thơ em đúng quá. Đưa đây cho anh!” Lúc đó đầu óc tôi loạng quạng. Tôi hành động theo lệnhcủa người khác. Tôi leo lên xe ngồi bên Phạm Duy và đưa bài thơ Nhân danh cho ông và ông chở tôi về trốn trong nhà ông Bộ trưởng Giao thông Vận tải Ngô Trọng Anh ở đường Đoàn Thị Điểm. Ông Anh là một trí thức Phật giáo rất thương bọn Sinh viên Huế tranh đấu, ông đón tiếp tôi rất thân tình. Hôm sau ông lấy vé máy bay Air Việt Nam đưa tôi về Huế an toàn. Anh em Sinh viên Huế ở lại để có ý kiến với Nghị quyết cuối cùng của cuộc Hội thảo. Do ý kiến của đoàn Huế nên Nghị quyết Bắc tiến của Hội thảo không thành. Đoàn Huế đã hoàn thành nhiệm vụ nhưng không dám về Huế bằng máy bay của tướng Kỳ. Anh em về bằng phương tiện tự túc. Người đi xe đò, người đi Air Việt Nam. Sau đó một thời gian tôi thấy bài thơ Nhân danh được Phạm Duy phổ nhạc đăng trên một tờ báo của Phật giáo. Mùa hè năm 1966, trong Phong trào đấu tranh vận động hòa bình các bài nhạc Tôi ước mơ (Tâm ca số 1, thơ của Thầy Nhất Hạnh), bài Để lại cho em (Tâm ca số 5, Thơ Nguyễn Đắc Xuân), Kẻ Thù Ta (Tâm ca số 7, Ý thơ của thầy Nhất Hạnh) và bài Nhân danh (Tâm Phẫn Ca, thơ Nguyễn Đắc Xuân) được hát vang trên các đô thị miền Nam. Sau đó tôi bị ruồng bắt phải chạy ra vùng kháng chiến thì được tin nhạc sĩ Phạm Duy qua Hoa Kỳ. Bất ngờ mới đây tôi được GS Trần Quang Hải – trưởng Nam của GS.TS Trần Văn Khê chuyển cho tôi một đoạn phim truyền hình năm 1966. Nhạc sĩ Phạm Duy được PeterSeeger mời Phạm Duy hát trong chương trình Rainbow West. Bài hát đầu tiên của Phạm Duy hát trên đất Mỹ là bài Nhân danh, cả tiếng Việt và tiếng Anh). Một kỷ niệm bất ngờ của lịch sử của đời cầm bút của tôi.

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang