Vào đầu năm 1989, không rõ từ nguồn nào thầy giáo Võ Xuân Trang mời tôi giúp hướng dẫn cho đoàn nhà báo National Geographic (Địa Lý Quốc Gia) của Hoa Kỳ đi thực tế ở Huế. Tuy là một hướng dẫn du lịch không chuyên cho đến cuối thập niên 80 tôi đã hướng dẫn cho nhiều đoàn khách nước ngoài như Nga, Pháp, Úc, Nhật…cho nên việc hướng dẫn cho các đoàn khách nước ngoài tôi không có gì e ngại cả. Thế nhưng được mời hướng dẫn cho đoàn nhà báo Mỹ National Geographic tôi hơi lo. Thứ nhất là giữa Mỹ và Việt Nam chưa ban giao chính thức nhỡ có việc gì bất cập thì khó giải quyết, thứ hai tạp chí National Geographic là tờ tạp chí lớn nhất của nước Mỹ, người viết cho tạp chí là trí thức hàng đầu ở Hoa Kỳ, tôi sợ trình độ của mình không đủ sức phục vụ họ. Trước đó trong hành trình sưu tập Huế tôi có mua được tập tạp chí chí The National Geographic Magazine xuất bản năm 1931 đăng 14 tấm ảnh màu về Huế. Người bán cho tôi biết, nhiếp ảnh gia nào có một tấm ảnh được đăng lên tạp chí này được lãnh nhuận ảnh đủ sống trong một năm. Với bao nỗi lo trong tâm trí như thế tôi ra Khách sạn Hương Giang gặp đoàn nhà báo Mỹ. Tôi bước vào phòng tiếp tân thì thấy đoàn đứng dậy bắt tay đón tôi. Hai người Mỹ bắt tay tôi trước, cuối cùng là người Việt có vẻ lớn tuổi với phong cách nhẹ nhàng như một thầy giáo bắt tay tôi:
“Chào nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân!”
Ông chào đúng tên tôi với cái giọng Huế hiền lành ngọt ngào làm cho những lo lắng trong vơi bớt.
Buổi trao đổi công việc bắt đầu. Ông người Việt giới thiệu đoàn gồm hai người Mỹ là Peter T.White, David Alan Harvey, và một người Việt là Trần Văn Dĩnh (sinh năm 1923). Để thực hiện chủ trương vận động việc Mỹ bỏ cấm vận, thực hiện bang giao Mỹ Việt, Tạp chí National Geographic làm một số đặc biệt dành cho Việt Nam. Đoàn nhờ ông Võ Xuân Trang tìm hộ một người Huế hướng dẫn cho đoàn thâm nhập thực tế. Ông Võ Xuân Trang đã giới thiệu Nguyễn Đắc Xuân.
Tôi đã hướng dẫn cho đoàn đi thực tế nhiều nơi nhưng đoàn thích nhất là đời sống dân các Vạn đò, ngành mộc mỹ nghệ ở Kim Long và chùa Thiên Mụ - ngôi chùa đã được tạp chí The National Geographic Magazine giới thiệu từ năm 1931. Ngồi trên xe trên đường đi thực tế, ông Dĩnh kể những kỹ niệm Huế của ông. Ông là người Phú Lộc, cựu học sinh Trường Quốc Học. Nhà tôi ở gần Khách sạn Hương Giang nên buổi tối tôi hay ra khách sạn nghe ông nói chuyện Huế. Ông cho rằng giai cấp quý tộc thời Nguyễn đã tạo cho xứ Huế một nền văn hóa mang bản sắc của hai truyền thống văn hóa Bắc-Nam. Ông khuyến khích tôi đi sâu vào việc nghiên cứu cái bản sắc của văn Huế cho dân tộc mình. Tôi hướng dẫn cho đoàn đi thâm nhập thực tế Huế và không ngờ tôi lại được học Huế của người đi trong đoàn. Sau một tuần lễ đi thâm nhập thực tế Huế, đoàn chia tay tôi vào Thành phố Hồ Chí Minh rồi sau đó về Mỹ. Mỗi lần nhắc đến ông Dĩnh tôi nhớ ngay chuyện ông đau lưng không nằm nệm được. Vì thế hồi ông ở lại Huế khách sạn Hương Giang phải kê cho ông một bộ phản gỗ.
Tết năm Canh Ngọ (1990), ông Trần Văn Dĩnh đưa phu nhân là họa sĩ Nường về ăn tết Hà Nội. Ông mời tôi và anh Võ Xuân Trang ra chơi với vợ chồng ông. Gặp nhau ở Hà Nội lại nói chuyện Huế. Sau đó từ Mỹ ông gửi tặng tôi tờ tạp chí National Geographic đặc biệt Việt Nam (Tháng 11 năm 1989). Bài của ông và ảnh Huế của David Alan Harvey chiếm 10 trang tập chí. Bài viết của ông được đặt một cái tít rất lạ “HUẾ My City Myself”. Ông đề tặng tôi “Mến tặng anh Nguyễn đắc Xuân để cùng nhớ đến Huế mình trong dịp Tết Canh ngọ. Trần Văn Dĩnh.”. Để tưởng niệm 10 năm Trần Văn Dĩnh qua đời (4-10-2021) tôi nhờ Hương Lan (Hội viên Hội Nghiên cứu và Phát triển Di sản văn hóa Huế) dịch bài HUẾ My City Myself (sẽ đăng trong thời gian tới)..

Tạp chí National Geographic đặc biệt Việt Nam (Tháng 11 năm 1989)

HUẾ My City Myself
Đầu những năm 90 tôi có dịp liên lạc với ông qua thư từ. Ông cho biết ông đang tiến hành dịch các sách của Tổng Bí thư Lê Duẩn sang tiếng Anh, ông là người châu Á độc nhất được mời vào Ban biên tập Từ Điển Bách Khoa toàn thư quôc tế về truyền thông (International Encyclopedia of Communications) của Hoa Kỳ. Trong bộ Từ điển giá trij nầy Giáo sư Trần Văn Dĩnh viết muc AsiaTwentiethCentury (Châu Á, Thế kỷ thứ hai mươi) Ông gửi tặng tôi tuyển tâp WLA (War, Literature & Arts – Chiến tranh, văn chương và Nghệ thuât) trong đó có bài ông viết về Nguyễn Trãi với tựa đề A Lotus of Everlasting Fragrance (Đóa sen bất diệt), (tr.203-223). Sau này qua Mỹ tôi được biết thêm ông là một trí thức từng làm ngoại giao thời VNCH ở các nước Đông Nam Á, các nước Nam Mỹ, ở Liên Hiệp Quốc.. Ông là giáo sư chính trị và truyền thông quốc tế tại Đại học Temple, Philadelphia, Pennsylvania. Ông theo Đạo Phật có khuynh hướng đấu tranh cho hòa bình nên ông ủng hộ các hoạt động của Dr Martin Luther King Jr. ở Mỹ. Ông viết nhiều sách, tác giả hàng trăm bài đăng trên các báo nổi tiếng thế giới.
Trần Văn Dĩnh là một trí thức lớn của Mỹ gốc Huế. Tôi rất hân hạnh được ông xem như một người em yêu Huế. Và tôi cũng chỉ biết ông về Huế mà thôi. Tôi hy vọng sau này sẽ có người nghiên cứu về ông – một trí thức điển hình ở Hoa Kỳ gốc Huế. Người của “Huế mình” như thế đó. Công trình này ngoài khả năng của tôi. Niềm hy vọng này hiện ra trong tâm trí tôi giữa ngày tưởng niệm 10 năm ông đã giã từ cõi tạm ở Hoa Kỳ để hương linh ông về sống mãi với Huế của ông.
Huế, 4 tháng 10 năm 2021
N.Đ.X