Xã hội hóa dựng tượng Danh nhân

Ngân sách Nhà nước đã và đang đầu tư khá nhiều cho các công trình dựng tượng lãnh tụ, tượng danh nhân, tượng các anh hùng. Trong khi đó có nhiều danh nhân được các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp và các dòng họ vận động quyên góp dựng tượng để tỏ lòng tôn kính, tri ân.

Đầu thập niên 2000, từ ý tưởng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam mở cuộc vận động “Mỗi người một giọt đồng đúc tượng danh nhân”. Chưa đầy mười năm đã có hơn 100 bức tượng danh nhân được thực hiện. Ở Thừa Thiên Huế Hội KHLS đã thực thi được ba bức tượng bán thân, chất liệu đồng. Tượng Phụ chính Đại thần Tôn Thất Thuyết, tôn trí ở phủ thờ gia tộc ông tại xã Thuỷ Thanh, thị xã Hương Thuỷ. Tượng Nguyễn Tri Phương tôn trí ở đền thờ Nguyễn Tri Phương, tại xã Phong Chương, huyện Phong Điền. Tượng Phan Bội Châu, dựng ở Trường THCS Phan Bội Châu, thành phố Huế. Đây là bức tượng thứ hai của cụ Phan Bội Châu ở Huế.

Nhà yêu nước và cách mạng Phan Bội Châu quê ở Nghệ An. Cuối đời bị chính quyền Pháp giam lỏng ở Huế. Khi cụ tạ thế, bạn bè, đồng chí tổ chức lễ an táng và xây nhà thờ cho cụ ở dốc Bến Ngự, cạnh chùa Từ Đàm và chùa Linh Quang. Năm 1973, một nhóm trí thức, văn nghệ sĩ ở Huế đã tìm cách cổ vũ tinh thần yêu nước, phong trào tranh đấu chống chính quyền Sài Gòn bằng cách dựng tượng các nhà chí sỹ yêu nước. Họ lập ra một Uỷ ban dựng tượng danh nhân Việt Nam. Pho tượng đầu tiên là chân dung cụ Phan Bội Châu, với mục đích dùng hình tượng nhà yêu nước, bất khuất trước kẻ thù xâm lược để tỏ rõ thái độ trước thời cuộc. Pho tượng đồ sộ: cao 4,5m, rộng 3,5m, dày 2,5m, chất liệu bằng đồng.

Tác giả tượng Phan Bội Châu là nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn, giảng viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn, thỉnh giảng tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế. Đích thân tác giả và nhóm sinh viên khoa Điêu khắc thực hiện ngay tại trường CĐMT Huế. Họ đã dùng 20 tấn đất sét, đắp thành 12 mảng ghép lại làm mô hình. Công đoạn đúc đồng được một kíp thợ kỹ thuật cao ở Phường Đúc thực hiện theo phương pháp thủ công truyền thống. Công trình dựng tượng Phan Bội Châu mãi mãi là kỷ niệm đẹp của một thời, là một công trình tập hợp lực lượng, gây dựng phong trào yêu nước ở đô thị miền Nam. Bức tượng đang tạm dựng trong khuôn viên nhà thờ Phan Bội Châu. Trong thời gian tới sẽ được dựng ở bên bờ sông Hương, cạnh cầu Trường Tiền.

Danh nhân Đặng Huy Trứ cũng có hai bức tượng. Bức thứ nhất chất liệu xi măng trắng, do hậu duệ dựng ở nhà thờ gia tộc, tại xã Hương Xuân, huyện Hương Trà. Bức thứ hai chất liệu đồng, dựng ở sân trường THPT Đặng Huy Trứ, cùng huyện Hương Trà. Đây là công trình tưởng niệm ông tổ nghề nghiệp của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, kinh phí do hội viên trong cả nước đóng góp.

Nhiếp ảnh Việt Nam có từ thời Tự Đức (1848-1883). Nhiếp ảnh gia người Việt Nam đầu tiên là ông Trương Văn Sán, một nhân viên của Bộ Hộ được triều đình cử sang Pháp học nghề và khi trở về đã mở hiệu ảnh đầu tiên ở Huế vào năm 1878. Qua các sử liệu thì chưa thấy người Việt Nam nào hành nghề nhiếp ảnh trước Trương Văn Sán, nhưng đưa công nghệ nhiếp ảnh vào Việt Nam thì Đặng Huy Trứ (1825-1874) là người đầu tiên, với tiệm Lạc Sinh Công Điếm (sau đổi tên thành Cảm Hiếu Đường) mở ở Hà Nội vào năm 1869. Hồi ấy, đang làm việc ở Hà Nội, Đặng Huy Trứ đã sang Quảng Đông thuê Dương Khải Trí, người Trung Quốc, sắm một bộ dụng cụ nhiếp ảnh đem về Việt Nam. Khi mở tiệm cũng chính Dương Khải Trí là người trực tiếp hành nghề.

Trong Đại Nam nhất thống chí Đặng Huy Trứ được xếp vào hàng danh nhân. Tài năng của ông thể hiện trên nhiều lĩnh vực, ở lĩnh vực nào ông cũng có những đặc sắc riêng. Trong lĩnh vực kinh tế Đặng Huy Trứ sớm thấy vai trò của công, thương nghiệp và chính sách mở cửa. Ông chủ trương mở mang các ngành nghề, các kỹ nghệ mới, lập các cơ sở dạy nghề mời chuyên gia về dạy, cử thanh niên ra nước ngoài học tập để trở về xây dựng đất nước. Phan Bội Châu đánh giá Đặng Huy Trứ là nhà canh tân đầu tiên ở Việt Nam.

Trong các trước tác của Đặng Huy Trứ có tập Từ thụ yếu qui viết về nạn tham nhũng, hối lộ và đức thanh liêm của người làm quan. Từ thụ yếu qui là những nguyên tắc chủ yếu của việc không thể nhận (từ) và có thể nhận (thụ). Đặng Huy Trứ chỉ ra 104 kiểu hối lộ mà người làm quan không thể nhận. Từ thụ yếu qui là nghị lực phi thường của Đặng Huy Trứ, một việc làm nhằm cảnh tỉnh để bảo vệ đức thanh liêm và chống tệ nạn tham nhũng trong hàng ngũ quan lại. Suốt nhiều năm làm Ngự sử, làm kinh tế lo tiền bạc cho triều đình nên Đặng Huy Trứ có đủ cái nhìn sâu sắc ấy. Với Từ thụ yếu qui người ngày nay có quyền được tôn vinh ông là một trong những vị “tổ sư” về chống tham nhũng trong lịch sử Việt Nam.

Tháng 8-2011, Hội đồng họ Phạm Thừa Thiên Huế đã dựng tượng danh nhân Phạm Tu ở giữa sân nhà thờ họ Phạm làng An Ninh Hạ, phường Hương Long, thành phố Huế. Tượng bán thân, cao 0,9 mét, chất liệu đá sa thạch, do nhà điêu khắc Phạm Hồng và các nghệ nhân làng đá mỹ nghệ Non Nước (Đà Nẵng) thực hiện.

Phạm Tu là danh nhân họ Phạm xuất hiện sớm nhất trong chính sử Việt Nam. Các dòng họ ở Phạm Việt Nam đồng thuận suy tôn ông là Thượng thuỷ tổ. Năm 541 Lý Bí khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Lương, dù đã 66 tuổi nhưng Phạm Tu vẫn tập hợp trai tráng trong vùng đánh chiếm thành Long Biên, thủ phủ của chính quyền đô hộ. Khi quân Lâm Ấp ở phía nam tràn sang, Lý Bí cử Phạm Tu vào đánh dẹp. Mùa hè năm 543 ông đánh tan quân Lâm Ấp ở Cửu Đức (vùng Hà Tĩnh ngày nay), ca khúc khải hoàn. Năm 544 Lý Bí lên ngôi, xưng Lý Nam Đế, thành lập nhà nước Vạn Xuân, Phạm Tu được giao trọng trách đứng đầu Ban Võ của triều đình.

Khi Phạm Tu hy sinh, Lý Nam Đế truy phong ông tước Long Biên Hầu, ban tên thụy là Đô Hồ, sắc cho quê hương là Thanh Mộc ấp, được miễn sưu sai tạp dịch, để thờ Ngài làm “bản cảnh thành hoàng”, lưu truyền mãi mãi. Các đời sau: Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Lê Trung Hưng, Tây Sơn và triều Nguyễn đều có sắc phong Phạm Tu là Thượng Đẳng Thần, Đô Hồ Đại Thần, Đô Hồ Đại Vương. Năm 2010, họ Phạm làng An Ninh Hạ trùng tu nhà thờ, tiền đường xây thêm gác thượng, sử dụng gian giữa thờ Ngài Phạm Tu, có đầy đủ bài vị và di ảnh. Lễ an vị Ngài về thờ vọng được tổ chức trang trọng, theo đúng nghi thức truyền thống.

Nhà thờ An Ninh Hạ nằm trên đường Lý Nam Đế, phía đông gắn với đường Vạn Xuân, phía tây có đường Phạm Tu, nối đường Lý Nam Đế với đường Nguyễn Phúc Chu. Vừa duyên tiền định, vừa là nhân định. Quá trình đề cử danh nhân Phạm Tu vào quỹ tên đường và chọn đường Phạm Tu ở đây là sự chủ ý kết nối các các di tích, công trình liên quan đến vua tôi triều Tiền Lý và nhà nước Vạn Xuân. Như là một quần thể di tích tập trung giới thiệu về một chủ đề, một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, giúp dân ta hiểu sâu sắc hơn về sử ta.


Ở Việt Nam có lẽ Huế là thành phố có tỉ lệ tượng lớn nhất trên diện tích tự nhiên và dân số. Không chỉ nhiều về số lượng mà còn đạt đỉnh cao về chất lượng nghệ thuật, phong phú về đề tài, loại hình, phong cách thể hiện.

Nhóm tượng đề tài văn hóa Phật giáo chiếm số lượng lớn, tập trung ở các ngôi chùa, bảo tàng Mỹ thuật cung đình, các niệm phật đường, và trong các gia đình theo Phật giáo. Nhóm tượng văn hóa Chămpa, tập trung ở Bảo tàng Mỹ thuật cung đình, Bảo tàng Lịch sử và cách mạng, bảo tàng Văn hóa Huế, trường ĐHKH Huế, trong các di tích lịch sử, tôn giáo, trong dân gian. Nhóm tượng thờ và tượng trang trí ở các di tích lịch sử, văn hóa và các tôn giáo khác cũng chiếm số lượng khá lớn.

Nhóm tượng đạt đỉnh cao về nghệ thuật tập trung ở các nhà bảo tàng, đặc biệt là bảo tàng Mỹ thuật cung đình, ở trong các ngôi cổ tự. Nơi công cộng có ba bức tiêu biểu, đều là của điêu khắc gia Lê Thanh Nhơn: tượng Phan Bội Châu dựng ở công viên cạnh cầu Trường Tiền, tượng Quan Thế Ân dựng trước sân Trung tâm văn hóa Liễu Quán, tượng Cô gái Việt Nam dựng ở công viên trước trường THPT Hai Bà Trưng.

Nhóm tượng danh nhân và anh hùng dân tộc có: Tượng Phan Bội Châu; tượng Phạm Tu, dựng ở sân nhà thờ họ Phạm làng An Ninh Hạ (phường Hương Long, TP Huế); tượng Đặng Huy Trứ, dựng ở sân trường THPT Đặng Huy Trứ và ở nhà thờ Đặng Huy Trứ (thị xã Hương Trà); tượng Đặng Tất ở đền thờ Đặng Tất (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang); tượng Nguyễn Tri Phương ở nhà thờ Nguyễn Tri Phương (xã Phong Chương, huyện Phong Điền), tượng Tôn Thất Thuyết ở phủ thờ Tôn Thất Thuyết (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy); tượng đài Quang Trung dựng ở núi Bân; tượng Nguyễn Tất Thành, dựng ở sân trường Quốc Học; tượng Nguyễn Chí Thanh, dựng ở công viên văn hóa huyện Quảng Điền; tượng Lê Đình Thám ở vườn chùa Từ Đàm. v.v...

Nhóm tượng bảo tàng tư nhân tiêu có Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị, ở đường Lê Lợi.

Nhóm tượng anh hùng - danh nhân được dựng theo phương thức xã hội hóa phân bố rải rác như đã kể ở trên như tượng Phạm Tu, tượng Đặng Huy Trứ, tượng Phan Bội Châu, tượng Tôn Thất Thuyết, tượng Đặng Tất... do các tổ chức chính trị xã hội, các hội nghề nghiệp, các hội đồng dòng họ thực hiện.

Huế có rất nhiều tượng là điều không ai có thể phủ nhận. Nhưng, nhiều mà chưa đủ. Theo tôi Huế cần có thêm những tượng đài tri ân người mở cõi, tượng các vị vua chống Pháp và sĩ phu của phong trào Cần vương, tượng một số danh nhân gắn liền với Huế.

Về ý tưởng tri ân người mở cõi tôi đề nghị dựng thêm tượng chúa Nguyễn Hoàng. Khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ xứ Thuận Hóa đã mở ra những đợt di cư lớn của người Việt về phía Nam. Trong hai thế kỷ XVII và XVIII nền kinh tế Đàng Trong đã phát triển mạnh mẽ, không thua kém Đàng Ngoài, từ sản xuất nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ cho đến giao thương, và cả văn hóa đều phát triển. Các chúa Nguyễn đã xây dựng kinh đô ở Phú Xuân. Hệ quả lớn nhất là đã hình thành và phát triển tại đây nền văn hoá Phú Xuân mà ngày nay "ta có Huế tự hào" về văn hoá truyền thống, một lợi thế so sánh trong tiến trình hội nhập và phát triển.

Tại Trung tâm văn hóa Huyền Trân có tượng Huyền Trân Công chúa và tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông Nhưng tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông và tượng Công chúa Huyền Trân đều đang "ở trong nhà", và ở trên núi Ngũ Phong, xa trung tâm thành phố. Theo tôi cần được dựng thêm tượng bà Huyền Trân ở nơi công cộng, ở vị trí thích hợp.

Về sĩ phu cần vương hiện nay mới có tượng Tôn Thất Thuyết. Theo tôi cần có tượng vua ba ông vua chống Pháp là Hàm Nghi, Thành Thái và Duy Tân.

Năm 1994, 1995, khi làm đồ án “Quy hoạch tôn tạo cảnh quan hai bờ sông Hương”, KTS Nguyễn Trọng Huấn đề nghị đưa cồn Dã Viên vào khai thác dịch vụ văn hoá du lịch. Theo ý tưởng của KTS Nguyễn Trọng Huấn cồn Dã Viên được đầu tư đúng hướng sẽ trở thành một hoa viên đặc sắc giữa sông Hương thơ mộng với hệ thống nhà hàng theo kiểu đình tạ, lầu gác gắn với bến thuyền rồng, những chiếc thuyền chài lưới giăng thấp thoáng sau những luỹ tre xanh. Với quan niệm sông Hương là dòng sông nghệ thuật, dòng sông tâm linh và thể hiện sự tri ân những người đẹp đã tôn vẻ đẹp cho dòng sông thơm, Nguyễn Trọng Huấn còn đưa ra lời đề nghị dựng tượng nữ thần sông Hương ở đầu cồn phía đông, hướng về phía kinh thành; ở bờ bắc sông Hương thì dựng tượng hai người đẹp, hai nàng công chúa đến từ xứ bắc là công chúa Huyền Trân và công chúa Ngọc Hân, bờ phía nam dựng tượng hai người phụ nữ tiêu biểu đến từ miền Nam là bà Thái hậu Từ Dũ (vợ vua Thiệu Trị, mẹ vua Tự Đức) và danh tướng Bùi Thị Xuân.

Các vườn tượng thành quả của năm trại sáng tác điêu khắc quốc tế, quy tụ các nhà điêu khắc đến từ nhiều quốc gia, và nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam. Cuộc hội ngộ của đủ mặt các nhà điêu khắc đại diện cho nhiều nền văn hoá trên thế giới đã làm cho phong cách nghệ thuật các tác phẩm đa dạng, phong phú. Có những tác giả đã làm giàu thêm cho cố đô Huế bằng phong cách hoàn toàn mới lạ của một nền văn hoá khác. Trong đó có 2 vườn tượng ở ngoại vi thành phố, nằm trong khu du lịch Tam Giang và khu vui chơi giải trí Thiên An. 3 vườn tượng bố trí dọc hai bên bờ sông Hương, ở công viên Lý Tử Trọng (trước trường Quốc Học và trường Hai Bà Trưng), công viên 3-2 và công viên Phu Văn Lâu với gần 100 tác phẩm, chủ yếu bằng chất liệu đá.

Các trại sáng tác nói trên đáp ứng một phần nhu cầu tôn tạo cảnh quan bên bờ sông Hương, góp phần thúc đẩy sự phát triển nền điêu khắc hiện đại của thành phố Huế. Các nghệ sĩ đến dự trại đã phát huy tối đa năng lực sáng tạo của mình cho một dự án có mục đích. Họ tự do thể hiện tác phẩm phù hợp với chủ đề của trại theo các khuynh hướng nghệ thuật và sự tìm tòi sáng tạo cá nhân. Những tác phẩm điêu khắc đương đại, đậm đà bản sắc dân tộc và những tác phẩm thuộc nhiều nền nghệ thuật trên thế giới đã chung sống với di sản nghệ thuật cố đô bên bờ sông Hương thơ mộng.

Tuy nhiên, trong khuôn khổ của một trại sáng tác khó có thể để lại những tác phẩm xuất sắc. Một số tác phẩm chưa hài hòa với nghệ thuật truyền thống Huế. Sắp xếp, bố cục vườn tượng còn rối rắm, chưa hợp lý. Vì vậy, muốn phát huy hiệu quả thì các vườn tượng phải được quy hoạch lại. Chỉ giữ lại những tác phẩm tinh túy, mạnh dạn đưa một số tác phẩm không thích hợp tập kết về một địa điểm khác. Đồng thời cần được bổ sung thêm một số tác phẩm nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế.

Huế có đường Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Xuân Diệu, Văn Cao… Nhưng các bậc thi bá ấy đều chưa có tượng. Khi đã có thì tượng các nhà thơ lớn ấy nên dựng ở các công viên dọc bờ sông Hương. Du khách, và cả người Huế, khi dạo chơi sẽ tưởng như đang mơ màng với “Thiên Thai”, “Suối mơ”; như được thì thầm, trò chuyện cùng nhà thơ từng viết “Hương Giang nhất phiến nguyệt/ Kim cổ hứa đa sầu”; “Trường Giang như kiếm vạch thanh thiên”… Và miên man thế sự với người “Đem thân cho thế gian ngồi”, “Lòng trung ở với nước nhà”…

Tôi nghĩ đó là những tượng đài Sông Hương, sống mãi với thời gian.

TH.T


Tượng Phan Bội Châu

Tượng Cô gái Việt Nam của nhà điêu khác Lê Thành Nhơn

Tượng danh tướng Phạm Tu

Tượng Đặng Huy Trứ

Ảnh: Thanh Tùng.

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang