Bỏ khoa cử đổi học thức
Thân Trọng Huề lớn lên khi đất nước đã bị thực dân Pháp xâm chiếm, chế độ thuộc địa bảo hộ đã ổn định, chính quyền bảo hộ muốn có một lớp quan lại mới được đào tạo có bài bản. Tư chất thông minh, xuất thân danh gia vọng tộc nên Thân Trọng Huế được chọn vào tốp 3 người đầu tiên đưa sang Pháp học trường Thuộc địa, vào năm 1889, cùng Hoàng Trọng Phu và Lê Văn Miến. Năm 1895, về nước, triều đình đặc cách cho hàm Biên tu, vào Viện Cơ mật và sung chức Ngự triều thị thư. Năm 1896 ông bị Tiết chế Đại thần Nguyễn Thân hạch tội và cách chức vì "gặp quan mà không xuống ngựa"! Vua Thành Thái phê rằng: "Ông là con nhà thế gia, chữ Hán chữ Tây đều thông hiểu. Muốn hỏi gì đều đáp được. Dẫu cách chức, nhưng cũng cho lệ vào Viện Cơ mật, phòng khi hỏi han việc gì". Năm 1897, ông được phục chức, năm 1901 bổ Án sát Khánh Hòa. Năm 1902 đi "biệt phái" giúp Phủ Toàn quyền, được phong Thái Thường Tự Khanh. Năm 1914 là thành viên Tòa Thượng thẩm Hà Nội. Năm 1915, thăng Tổng đốc sung vào Viện Thượng thẩm... Năm 1921 thăng Hiệp tá Đại học sĩ. Năm 1922 sung Cơ Mật Viện đại thần, đồng Thượng thư Bộ Học và Bộ Binh, kiêm Ngự sử Đô sát viện.
Trong quan trường Thân Trọng Huề là người liêm khiết, mẫn cán, giữ trọng trách nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ông có nhiều công trình nghiên cứu được người đương thời quan tâm như bản điều trần bãi bỏ thi Hương, thi Hội để tổ chức thi cử như phương Tây; Chủ biên cuốn Quốc triều Chính biên. Ông là người có chính kiến mạnh mẽ. Chính kiến của ông song hành với những chủ trương, những kiến nghị cải tổ, đổi mới.
Không phải chờ đến lúc được triều đình bổ nhiệm chức vụ Thượng thư Bộ Học (1922), mà năm 1905, Thân Trọng Huề đã tâu sớ đề nghị “bỏ khoa cử đổi học thức”. Lúc này ở Bắc kỳ và Trung kỳ khoa cử vẫn đang được duy trì, tuy đã có thay đổi ít nhiều. Hệ thống trường học đã dạy chữ Pháp, quốc ngữ và làm toán. Năm 1898, toàn quyền Đông Dương cho mở thêm kỳ thi phụ bằng tiếng Pháp trong khoa thi Hương trường Nam Định; từ năm 1903 ai đỗ cả 2 kỳ thi chính và phụ thì được ưu tiên bổ dụng. Lúc này ở Huế đã có hai trường Pháp Việt, trường Tiểu học Đông Ba và trường Quốc Học. Trường Tiểu học Đông Ba dạy đồng thời cả chữ Hán, Quốc ngữ và chữ Pháp. Chữ Hán được học ít dần đồng thời tăng giờ học chữ Pháp và Quốc ngữ. Trường Quốc Học Huế thành lập năm 1894, tuyển chọn con em quan lại và hoàng thân quốc thích. Học sinh học đồng thời tiếng Pháp, tiếng Việt và tiếng Hán trong 6 năm. Kiến nghị bỏ khoa cử đổi học thức của Thân Trọng Huề ra đời trong bối cảnh Bắc kỳ và Trung kỳ nền giáo dục đã có sự hội nhập giữa cựu học và tân học. Trong nhà trường lúc này đã xuất hiện “tam ngữ đồng nguyên”, Hán ngữ tồn tại cùng với Pháp ngữ và Quốc ngữ. Trong buổi giao thời giữa cựu học, và tân học, đạo nho suy đồi gắn liền với sự suy tàn của chế độ phong kiến, một lớp nho sĩ, ấm sinh đang bế tắc, thở than: Đạo học ngày nay đã hỏng rồi/ Mười đi học chín người thôi. Thần tượng và phẩm cách cao quý của nhà nho đã bị thay thế bởi một hình ảnh khác: Nào có ra gì cái chữ nho/ Ông nghè ông cống cũng nằm co. Vì thế, chủ trương “bỏ khoa cử đổi học thức” của Thân Trọng Huề đã cảnh tỉnh những người còn sùng nho học, vẫn đang muốn tiến thân trên con đường hoạn lộ bằng khoa cử phong kiến.
Xuất thân Nho học nhưng Thân Trọng Huề không sùng bái cựu học mà sớm nhận thức được chế độ khoa cử truyền thống đã bất cập, lỗi thời, bởi chủ nghĩa tư bản đã tấn công vào thành luỹ cuối cùng của chế độ phong kiến, ý thức hệ phong kiến đã lung lay, phong trào cải lương, duy tân đã lan rộng khắp cả nước. Đề nghị “bỏ khoa cử âäøi hoüc thæïc” của ông ra đời một năm trước cải cách giáo dục của Toàn quyền Beau. Cải cách của Beau năm 1905 vẫn duy trì khoa cử nhưng là kiểu khoa cử nửa tây nửa ta, chỉ taọ ra những ông cử ông nghè “cựu học không dày, tân học càng mỏng”. Nhà thơ Tú Xương đã tự cười cợt minh: Ông có đi thi kí lục không/ Nghe ông quốc ngữ học chưa thông? 15 năm sau cải cách của Toàn quyền Albert Sarraut mới được triệt để hơn, xác lập một nền giáo dục mới, đào tạo ra được những công chức đa nghề, đa lĩnh vực, có trình độ chuyên môn cao bên cạnh những công chức xuất sắc được đào tạo ở Pháp trở về.
Bỏ khoa cử kiểu cũ là sự sáng suốt, là chủ trương cải cách đầu tiên của Thân Trọng Huề, chấp nhận sự nẩy sinh mâu thuẩn gay gắt giữa hai phái tân học và cựu học: “Một bên thì không ngừng quay về với quá khứ, âm thầm chống đối những cải cách có nguồn gốc phương Tây; một bên dựa trên quá khứ nhưng lại hướng về và chuẩn bị cho những đổi thay cuả đất nước”. Nhiều sĩ phu đương thời có tư tưởng chống đối thực dân đã cương quyết không cho con cái học chữ Pháp, trường Pháp. Một số nhà nho cho con đi học trường Pháp với mục đích để con cái dễ có việc làm ở các công sở.
Nền giáo dục phong kiến chủ yếu dạy tứ thư, ngũ kinh. Từ đó dẫn đến nghịch lý chỉ học chuyên về văn chương, kinh nghĩa mà ra làm quan thì: “Lúc bổ giáo chức là một nhà giáo dục, lúc bổ chính chức là một nhà chính trị, lúc sung giám đốc công trường làm một nhà công nghệ, lúc sung chánh sứ đồn điền làm nhà thực nghiệm, lúc đi quân thứ làm một nhà tướng hiệu, mà hỏi ra chẳng có một cái học thức chuyên khoa nào”. Nền giáo dục mới kiến thức rộng hơn, là những phát minh, là thành quả khoa học của loài người được đưa vào giảng dạy trong các nhà trường. Tuy nhiên, theo Thân Trọng Huề, trong giáo dục phải biết ôn cũ tri tân: “Người nước ta, ở trong xã hội nước ta phải biết cái cơ sở của xã hội nước ta ở đâu, rồi mới lo mà bồi bổ cái nền ấy được, cái nền ấy là lễ nhạc, tư tưởng cơ bản của giáo dục phương Đông”.
Nền giáo dục “bỏ khoa cử đổi học thức” như kiến nghị của Thân Trọng Huề có hệ thống từ tiểu học, trung học, cao đẳng, đại học; phải làm sao cho “Cái ánh sáng văn minh thấu đến các công xưởng các làng mạc và những người làm thuê và trai cày đều biết đọc biết viết, không còn dốt nát như bây giờ... thời kỳ ấy tưởng còn xa nhưng không phải không đến được”.
Thân Trọng Huề thuộc thế hệ khoa cử nho học dở dang. Nhưng trong cái rủi có cái may, ông đã ứng xử thức thời, đã nhanh chóng hấp thụ tân học để tiếp nối truyền thống gia đình trong bối cảnh lịch sử mới, với vị thế mới. Kiến nghị của Thân Trọng Huề ở thời điểm lịch sử đầu thế kỷ 20 của đất nước Việt Nam có giá trị như một chủ trương cải tổ, đổi mới, một tư tưởng cách mạng tích cực trong giáo dục đào tạo.
Chấn chỉnh quan trường
15 trấn nhậm ở Bắc kỳ Thân Trọng Huề viết khá nhiều bài chính luận trên các báo Đông Dương tạp chí, Trung Bắc tân văn, Nam Phong... Dấn thân vào quan trường Thân Trọng Huề đã có bài học ngay trong gia đình, dòng họ, mà tấm gương về nhân cách, đạo đức là truyền thống rất đáng tự hào. Ông đã lấy cương vị một đại thần của Nam triều để phát ra chủ trương, khát vọng chấn chỉnh quan trường, bảo hộ quan trường, đề cao quan giám. Đó cũng chính là những mục tiêu, những đề xuất cải cách hành pháp của Thân Trọng Huề.
Để chấn chỉnh quan trường, Thân Trọng Huề đã sử dụng công luận chỉ rõ sự thối nát của đám quan lại trong bộ máy chính quyền hiện hành. Đó là tệ tham nhũng, ăn hối hộ của dân, đã thành một "lại tệ", một thứ ăn cướp như dân gian đã tổng kết: “cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”. Ông nhấn mạnh, các quan được mệnh danh là “phụ mẫu chi dân” mà bị đem so sánh như kẻ cướp thì thật là xấu hổ, “quan trường nước ta bị nhục đến thế là cùng!”. Thân Trọng Huề còn dẫn lại bài trên báo Avenir du Tonkin: "Một tên đầu đảng ăn cướp, ăn cướp một đời không bằng một ông quan lấy tiền của dân trong một năm!". Ông cũng trích một đoạn trong bài xã thuyết của báo Hải Phòng: "Người An Nam, cái tệ hối lộ không phải tệ riêng của bọn quan trường, tệ ấy đã thành tập tục cả nước. Dân mất tiền cho quan không lấy làm ca thán, quan muốn lấy tiền của dân, mà dân cũng muốn đem tiền lễ quan, cho là việc gì đến quan cũng phải tiền mới được, tự trên chí dưới, quan lấy làm thường, phải đợi ngày nào việc học mở mang, phong tục cải lương hết, quan dân đều giữ phong thể cả, may ra tệ ấy mới trừ được chăng?
Thân Trọng Huề chua chát khi luận bàn: "Dân đến hầu quan, quan nhỏ đến yết kiến quan lớn mà phải đem lễ vật là tại lẽ gì?... Có kẻ đem lễ để được các quan thương, không có thì các quan ghét. Nếu các quan tuỳ theo lễ nhiều ít mà rủ lòng thương ghét thì hẹp lượng lắm; nếu nhân có lễ vật mà đổi cái lương tâm thì cái lương tâm ấy bán rẻ quá!”
Ông khẳng định: “Chẳng có luật lệ sách kinh điển nào nói rằng dân phải lễ quan, quan nhỏ phải lễ quan lớn cả. Trái lại, nhà nước đã có luật nghiêm cấm. Trong bộ Hoàng Việt luật lệ, từ điều thứ 312-319 cấm cách tang hối; điều thứ 317 lại cấm dân trong hạt không được đem "thổ nghi lễ vật cho quan; người đem phải đòn 30 roi, người nhận phải đòn 40 roi"; Thổ nghi lễ vật thường mà còn cấm, huống chi là vật khác! Thế mà từ khi luật cấm đến bây giờ đã hơn 100 năm, mà tệ tục vẫn còn, có thêm mà không bớt, tựa hồ vật giá càng ngày càng cao, thì lễ quan cũng càng ngày càng hậu!... Cần phải bỏ cái tệ tục ấy đi thì nước nhà mau tiến bộ...".
Cũng trên báo Nam Phong, Thân Trọng Huề viết bài “Bảo hộ quan trường”, trình bày ý kiến: muốn bảo vệ được danh giá của quan trường, thì các quan phải trừ bỏ thói xấu như đã trình bày trong bài “Chấn chỉnh quan trường”. Ông lưu ý và nhấn mạnh: "có chấn chỉnh quan trường, rồi mới bảo hộ quan trường được". Ông tiếp tục nêu vấn đề quan giám (nêu gương trong nghề làm quan) nhằm hỗ trợ cho công cuộc cải tổ, "chấn chỉnh quan trường". Một lần nữa chúng ta lại bắt gặp quan điểm cải cách, đổi mới giáo dục của ông. Sau khi nhắc lại quan niệm xưa nay về nghề làm quan Thân Trọng Huề chua thêm: "Nhưng không thể chăm học cổ mà sơ việc học kim", "học ưu tắc sĩ” tức học giỏi thì làm quan. Như thế chưa đủ! Đó chỉ là mới học Kinh truyện đời xưa. Nay còn phải học nhiều thứ kiến thức "đông tây kim cổ" nữa, mới có thể đương nổi trách nhiệm được giao.”
Bài “Chấn chỉnh quan trường” sau khi đăng trên báo Nam Phong toà soạn đã nhận được rất nhiều bài biểu thị đồng tình với kiến nghị của tác giả. Một Nghị viên Bắc Kỳ ở Thái Bình viết: "Tôi chức phận nhỏ mọn, trước ngày cũng được hạ thuộc quan trường, hiện đương làm đại biểu thay mặt cho dân, thấy những sự quan tham lại nhũng, chỉ trời vạch đất, mong sao cái tệ ấy chóng được tẩy trừ, ấy là hạnh phúc của dân ta mai sau vậy".
Nguyễn Văn Tụng, Tiên chỉ làng Lệ Chi, Bắc Ninh viết: "Tôi xin theo ý và thay mặt tất cả lão thiếu, kể có mấy trăm con người sau khi nghe đọc bài báo của quan Thượng Thân tại đình làng mà nhiệt thành công nhận rằng: việc tang hối ấy nên tức khắc bỏ đi là phải, nếu không thì hơn 20 triệu con Tiên cháu Rồng cùng phải coi như con nhà "ăn cướp" cả. Vì các quan phần nhiều là "dân chi phụ mẫu", quan phụ mẫu bị công kích là "ăn cướp", thì dân tài nào tránh khỏi là con nhà "ăn cướp" được. Nếu không cải lương ngay đi, thì tiền bạc càng ngày càng đầy túi quan, mà dân tình càng ngày càng nghèo khốn. Dân tức là gốc trong nước, dân chúng bần hàn thì Nhà nước lấy đâu mà cường thịnh?”
Phạm Văn Thụ, Tổng đốc lĩnh Tuần phủ Thái Bình viết: "Ngày nay là ngày nên mở mang trí khôn cho dân, lại nên giữ gìn quyền lợi cho dân, chớ không nên mong dân ngu mãi, mà lợi dụng nghề riêng của mình. Nghề riêng ấy là gì? Tân thư Tàu gọi là nghề hà bao, tức cửa miệng ta gọi là nghề "đút túi" vậy. Lạ thay! nghề ấy ai dạy mà sành; tạo hóa không có, học ai mà tinh? Phép ngày càng nghiêm, tệ ngày càng sinh; lương tăng không bớt, luật mới không kinh; trước còn tư túi, sau đến công hành; lấy bệnh truyền nhiễm, quen thói đua tranh. Than ôi! Mọt gặm cứt sắt, bọ bỏ nồi canh; nói ra thẹn mặt, nghĩ đến giật mình!”...
Những ý kiến hồi âm, hưởng ứng lời kêu gọi “chấn chỉnh quan trường” của Thân Trọng Huề biểu thị sự đồng tình chủ trương cải cách hành chính, cải cách tư pháp, chống quan trường tham nhũng. Nhiều ý kiến mở rộng, bàn luận sâu thêm vấn đề. Các ý kiến hồi âm có đủ các thành phần: nhân sĩ, trí thức, quan lại về hưu, công chức, giáo học, điền chủ, tiên chỉ làng x㸠nghị viên, bạn đọc ở khắp cả nước. Không chỉ có ý kiến của giới chức phản đối tệ hại của quan trường, mà trong dân gian cũng có thơ ca hò vè hưởng ứng. Tuy nhiên, theo toà soạn Nam Phong bật mí thì phần nhiều ý kiến là của bạn đọc “ở trong quan trường không thấy mấy ngài hưởng ứng: hoặc là các ngài bận việc quan, hay là các ngài coi cái vấn đề đó không đủ kính trọng”. Ngay trong bài “Chấn chỉnh quan trường” cụ Phan Trọng Huề đã cho biết: “Có người đọc những bài báo ấy (đã dẫn ở trên -NV) tức giận bời bời, muốn cãi lại ngay mà không đủ lý lẽ; bởi vì các quan ta tất cả không phải là ăn cướp, mà tất cả cũng không phải trắng như tuyết trong như băng, cho nên khó cãi lại”. Thậm chí trong quan trường còn có những kẻ vô liêm sĩ đến mức nghe nói thì mỉm cười rằng: "Nhật báo nói chi thì nói, mặc kệ chúng nó, ai kể lời nói của họ ra chi!". Đó là chuyện rất phổ biến ở chốn quan trường xưa cũng như nay.
Với những kẻ loạn ngôn: “Nhật báo nói chi thì nói, mặc kệ chúng nó...” cụ Thân Trọng Huề ví với một loại người đời nhà Tống, bên nước Tàu: “Tiếu mạ hoàn tha tiếu mạ, hảo quan tự ngã vi chi!”. Có nghĩa là: Cười chê mạc thế cười chê/ Quan sang ta cứ làm nghề quan sang. Ông lo lắng cảnh báo: “Bây giờ là thời vô tuyến điện, một lời nói hay là một việc làm hay, cũng như một lời nói dở là một việc làm dở ở trong một xứ trong vài ba ngày đã nghe khắp cả toàn cầu. Nếu quan trường ta bị công kích mãi toàn cầu sẽ biết rằng người nước ta không có tư cách làm quan. ấy là hiểm tượng cho tiền đồ nước ta đó. Vì thế, người ta công kích mình, mình không thể cãi lại thì tìm cách mà sửa”.
Đọc những lời kêu gọi tâm huyết của một văn thần như cụ Thân Trọng Huề không ai không tin đó là sự thật mười mươi. Bởi đó là ý kiến của chính người trong cuộc biết tự vấn lương tâm, biết xấu hổ. Đó là ý kiến, là bầu tâm sự của một quan chức cấp cao, phẩm giá trắng ngần, gần mực mà không đen, “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”! Nhân cách của Thân Trọng Huề giữa quan trường đã được “nhất bách tri niên hậu”, và chắc chắn sẽ được lịch sử mãi mãi khắc ghi. Những kiến nghị về cải cách, đổi mới giáo dục; cải cách tư pháp, chấn chỉnh quan trường của ông dù lúc tại thế chưa được thực hiện bao nhiêu nhưng đã góp phần làm phong phú thêm tư tưởng cải lương và phong trào duy tân đất nước giai đoạn đầu thế kỷ XX của một lớp nho sĩ gặp thời loạn nhìn thanh gươm mà không hổ thẹn.
Ảnh:
Thượng thư Thân Trọng Huề
Thân Trọng Huề cùng vợ, quận chúa Như Sắc, và con gái Nam Trân