Tôi xin phát biểu một vài ý kiến cá nhân về “Môi trường xã hội trong kiến trúc đô thị Huế như tôi hiểu”. Phát biểu tản mạn, không có hệ thống, không tài liệu sách báo tham khảo. Nếu có những ý kiến hời hợt lạc đề kính mong được Hội thảo miễn thứ.
Từ ngày Huyền Trân Công chúa về Chiêm quốc (1306), đất Thuận Hoá ra đời tính đến nay đã ngót 700 năm. Riêng việc Huế được chọn làm thủ phủ / Kinh đô của xứ Đàng Trong/ Việt Nam thống nhất/ (và nay là tỉnh lỵ của tỉnh Thừa Thiên Huế) thì mới có 370 năm (1636-2005). Trong 370 năm ấy cảnh quan đô thị Huế đã có nhiều lần di dời và phát triển. Nhưng theo tôi có ba thời điểm cảnh quan-kiến trúc đô thị Huế để lại dấu ấn sâu sắc nhất đối với chúng ta hôm nay là:
- Năm 1804, vua Gia Long cho xây dựng Phòng thành Huế để làm Kinh đô của nước Việt Nam thống nhất;
- Năm 1885, người Pháp đô hộ nước ta, họ bắt đầu xây dựng Khu phố Tây ở bờ nam sông Hương; làm nơi đặt Toà Khâm sứ Huế cai trị cả đất Trung Kỳ, mở ra một số dịch vụ phục vụ cho người Pháp và những người Việt Nam làm việc cho Pháp và tầng lớp trên của xã hội Huế lúc ấy;
- Năm 1986, Việt Nam đổi mới, mở rộng quan hệ quốc tế, phát triển du lịch, đi dần vào nền kinh tế thị trường.
Nội dung phát biểu của tôi đề cập đến môi trường xã hội trong từng thời kỳ kiến trúc đô thị ấy. Nói rõ hơn là đề cập đến con người, vai trò của con người, quan hệ giữa con người trong những tầng lớp khác nhau, những thành phần quyết định nên tính cách của kiến trúc đô thị, sử dụng đất và tổ chức không gian đô thị trong từng thời kỳ ấy.
I. KIẾN TRÚC ĐÔ THỊ CỔ (1804-1885)
Kiến trúc đô thị cổ ra đời từ đầu triều Gia Long (1802-1819), lấy sông Hương làm trục chính. Ngoài Kinh thành bên bờ bắc sông Hương (ở vị trí tọa Càn hướng Tốn), ta còn tìm thấy dấu vết không gian của những vùng chung quanh và bên bờ nam sông Hương đối diện với Kinh thành với những chức năng khác nhau là: khu phố thị phía đông bắc (Bao Vinh-Gia Hội); khu lưu niệm thờ cúng (Kim Long-Linh Mụ); khu dành cho thủy quân hoàng gia (Bờ nam sông Hương đối diện với Kinh thành, nằm giữa sông Thọ Lộc và sông đào Lợi Nông); khu dành cho chùa chiền và đời sống ở thế giới bên kia (khu tây và tây nam Kinh thành); khu dành cho các Phủ phòng Nguyễn Phước tộc và các thân tộc (làng Vĩ Dạ). Kiến trúc đô thị cổ nầy do triều Gia Long thiết lập để phục vụ cho triều Nguyễn, nặng về chất đô hơn chất thị. Trải qua thời gian hơn 200 năm, chức năng của các khu đô thị đã bị thay đổi nhiều song cái hồn của nó vẫn còn cảm nhận được. Cơ quan giáo dục khoa học văn hoá Liên hiệp quốc (UNESCO) gọi cái đô thị cổ ấy là Tuyệt tác thơ đô thị (Chef d’oeuvre de poésie urbaine). Năm 1993, UNESCO công nhận Tuyệt tác thơ đô thị đó là di sản văn hoá của nhân loại. Trong mấy chục năm qua người Việt Nam và nhiều chuyên gia nước ngoài đã không ngừng nghiên cứu những di sản văn hoá văn minh của Tuyệt tác thơ đô thị ở Huế. Mặc dù chưa có công trình nghiên cứu nào xuất bản dành cho chuyên đề nầy, nhưng qua cảm nhận của nhiều người thì Tuyệt tác thơ đô thị của Huế đã để lại cho chúng ta nhiều hiểu biết và kinh nghiệm quý giá.
Kiến trúc Huế đẹp không phải lớn hay nhỏ mà do tỷ lệ với cảnh quan và tỷ lệ với chính nó. Nhiều công trình có tỷ lệ khớp với tỷ lệ vàng, như Ngọ Môn, Hiển Lâm Các. Nhiều người cho rằng cái chuẩn mà từ đó các kiến trúc lấy làm tỷ lệ là con người. Những ông quan đứng hai bên Bái đình các lăng đều be bé. Các ông quan đó hài hoà với các kiến trúc lăng, các kiến trúc lăng có tỷ lệ hài hoà với cảnh quan thiên nhiên, tạo nên một sự hài hoà gần gũi với con người. Lăng vua Tự Đức là một mẫu mực cho nhận định đó.

Cửa Ngọ Môn - Một trong những kiến trúc tiêu biểu thời nhà Nguyễn. NĐX sưu tầm
Đặc điểm thứ hai của kiến trúc đô thị cổ của Huế là kiến trúc phải phù hợp với thời tiết mưa dầm nắng gắt, lụt bão hằng năm. Bộ mái của nhà rường Huế chịu đựng được mưa gió, bão. Sống trong nhà rường trời nóng thì mát, trời lạnh thì ấm. Trong nhà có rầm thượng để phòng khi nhà bị ngập nước có chỗ cao để “chống lụt”. Nhà rường thường có 3 gian hai chái. Gian giữa thờ Phật và thờ tổ tiên, chái tây dành cho con trai sinh hoạt học hành, chái đông dành cho con gái may vá thêu thùa. Ba bốn thế hệ sống dưới một mái nhà, người chết (bài vị trên bàn thờ tổ tiên) hiện hữu trong đời sống hiện tại (chủ nhà) và tương lai (con cháu). Nhà rường thường dựng trong một khu vườn, trước nhà có sân, hồ và bình phong. Trời nóng sinh hoạt ngoài sân, mở hết cửa bảng khoa dựng qua một bên, kéo cái nội thất ra ngoại thất, ngược lại trời mát sinh hoạt trong nhà, mở hết các cửa bảng khoa kéo cái ngoại thất sân hồ cây cảnh vào nhà. Lúc ban đầu, nhà cửa các quan, các phủ phòng Nguyễn Phước tộc thường dựng ở gần sông. Trước hoặc sau các nhà đều có bến sông. Môi trường sống không những có cảnh quan nhà vườn mà còn có cả sông nước. Thiên nhiên hiện hữu trong đời sống rất đậm.
Đặc điểm thứ ba của kiến trúc đô thị cổ của Huế là tính cách tâm linh. Có một thế giới vô hình hiện hữu trong đời sống hữu hình. Kinh Thành lấy núi Ngự Bình làm bình phong, ngăn cản ma quỷ đến quấy phá, mỗi kiến trúc cho người sống (nhà rường, chùa) và người chết (lăng mộ) đều có bình phong. Cả vùng tây nam Huế dành cho chùa chiền, lăng tẩm, điện đàn cúng tế mang nặng tính chất tâm linh. Hồi đầu thế kỷ XX, Bác sĩ Sallet và ông Nguyễn Đình Hoè liệt kê có đến 63 nơi thờ cúng của nhà nước và dân gian trên đất Huế.

Hiển Lâm Các – kiến trúc tiêu biểu xây dựng từ đầu triều Nguyễn, đúng với tỷ lệ vàng. Bưu ảnh xưa do NĐX st
Ngày nay người Huế và cả người ngoài Huế (đặc biệt là người Nam bộ) đã thấy được cái đẹp và cái ưu việt của kiến trúc nhà rường Huế. Nhiều khu nhà rường hiện đại vừa ra đời hoặc mới được chỉnh trang lại: Phú Mộng (Kim Long), Hành Hương (Thủy Xuân), Biệt phủ Thảo Nhi (Cư chánh, Thủy Bằng), Ngự Hà (Thuận Thành), Vỹ Dạ Xưa (Vi Dã), Khu du lịch nước khoáng nóng Mỹ An (Phú Dương, Phú Vang)... Những khu nhà rường hiện đại nầy vững tâm trước mùa mưa bão của Huế. Nhưng tính cách tâm linh của vùng tây nam Huế không những không được bảo vệ để khai thác phục vụ du lịch tâm linh mà trái lại đang bị tàn phá một cách thô bạo để bán đất chờ hình thành những khu phố kệch cỡm học làm sang như ở nhiều huyện lỵ, thị trấn mới mọc hiện nay.
II. KIẾN TRÚC ĐÔ THỊ THỜI ÂU HOÁ (1885-1945)
Sau ngày thất thủ Kinh đô (7-1885), đất nước hoàn toàn lọt vào tay thực dân Pháp. Người Pháp thành lập Khu phố Tây ở bờ nam sông Hương để phục vụ cho bộ máy Toà Khâm sứ Trung kỳ. Khu phố Tây nầy lan toả dần từ bờ nam sông Hương đến An Cựu gần khớp với khu dành cho thủy quân hoàng gia (Bờ nam sông Hương đối diện với Kinh thành, nằm giữa sông Thọ Lộc và sông đào Lợi Nông) của đô thị cổ nêu trên.
Cấu trúc khu phố Tây được chia thành các khu đất, dựa trên 2 trục không gian chính và vuông góc với nhau (đường Lê Lợi và đường Hùng Vương ngày nay). Đoạn giao nhau này gần như được xem là khoảng không gian đẹp nhất của khu phố này, tiếp nối giữa khu phố cổ và khu phố mới thông qua cầu Thành Thái (cầu Trường Tiền). Dọc theo đường Jules Ferry bên bờ nam sông Hương, người Pháp dựng lên các công trình Toà Khâm sứ Trung Kỳ, Khách sạn Morin, sở Công chánh (Ủy ban Nhân dân thành phố Huế hiện nay), Câu lạc bộ Thể thao (11 Lê Lợi ngày nay), chi nhánh Ngân hàng Đông Dương (Trung tâm Học liệu Đại học Huế ngày nay), Bệnh viện Huế, Phủ Doãn (Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay), Trường Đồng Khánh (1917), trường Quốc Học (1896), Nhà Công sứ (Nhà Văn hoá Thiếu nhi ngày nay), Toà Công sứ (Nhà Bảo tàng Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện nay), Viện Dân biểu Trung Kỳ (Văn phòng Đại học Huế ngày nay.v.v. Các công trình dọc theo trục nam bắc (đường Hùng Vương) người Pháp xây dựng Đồn De Courcy (thường gọi là đồn Săn đá = soldats), Lầu Ông Sáu (quan Đại tá của Tây, khách sạn Duy Tân ngày nay), Bót Cò (Công an Thành phố Huế ngày nay) .v.v.và v.v.

Tòa Khâm Sứ Trung Kỳ Huế xưa
Các công trình được định vị trên trục không gian đường Jules Ferry tiếp giáp với sông Hương tạo nên một sự chuyển tiếp không gian rất nhẹ nhàng và đầy tính Huế khi để lại cho sông Hương một khoảng xanh cần thiết giống như bên bờ bắc sông Hương. Mặc dù khu phố mới bị coi là “khu phố thuộc địa”, nhưng có một điều may mắn là người Pháp đã quy hoạch và xây dựng khu phố Tây ở Huế một cách có ý thức. Họ tôn trọng giá trị tự nhiên của sông Hương nói riêng và vẻ đẹp hài hòa của tổng thể Kinh đô Huế nói chung, họ đã không tạo ra đối nghịch nào với phong cảnh tự nhiên và phong cách vốn có của Huế xưa. Các công ốc và dinh thự tân thời đều được xây dựng ở những vị trí hơi cách xa bờ sông Hương, phần lớn ở bên lề nam của đường Jules Ferry, khống chế chiều cao không quá hai tầng, có một hàng cây xanh làm giải phân cách không gian giữa khu phố Tây với sông Hương. Dành một dãy cỏ xanh trên bờ nam sông Hương để giúp cho bờ sông khỏi trơ ra vào mùa nước cạn giống như bên bờ bắc trước Kinh thành. Không những ở khu phố Tây các kiến trúc bị khống chế như thế, ngay cả nhà máy nước Vạn Niên trong khu vực ngoại vi lăng Tự Đức, trên thượng nguồn sông Hương, có kiến trúc giống như một khu lăng tẩm truyền thống của Huế (Kiến trúc sư Bossard, 1909).
Tuy nhiên việc sử dụng không gian Huế của người Pháp không phải chỗ nào và thời nào cũng tốt. Không gian Huế ở bờ nam sông Hương mắc phải hai cái ung bướu rất khó cắt. Đó là nhà máy vôi thủy Long Thọ (nay là nhà máy xi-măng Long Thọ) với cột khói đen thổi lên không trung cả thế kỷ qua và cái tháp nước (château d’eau) Dã Viên kệch cỡm sừng sững bên cầu sắt Dã Viên. Những người am hiểu giải thích cho sự sai lầm nầy là: Nhà máy vôi thủy do Bogaert phát triển từ lò gạch ngói của triều Nguyễn để lại chứ không phải do người Pháp tạo dựng lên từ đầu. Còn tháp nước thì xây thời chiến tranh Việt Pháp, lúc ấy những nguyên tắc về sử dụng không gian Huế không còn được quan tâm nữa. Nhưng dù sao cũng không thể chấp nhận cho hai cái “di hại” nầy tồn tại mãi được nữa. UNESCO đã đề nghị với chính quyền Thừa Thiên Huế chuyển địa điểm nhà máy xi-măng Long Thọ đi nơi khác để bảo vệ cảnh quan sông Hương, còn cái tháp nước thời Tây trên cồn Dã Viên thì chưa hề nghe Công-ty cấp thoát nước có kế hoạch di dời đi đâu cả.
Như chúng ta đã biết hình ảnh của một khu phố hay một đô thị là kết quả phản chiếu của một hoạt động kinh tế-văn hoá-xã hội và chính trị trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Dưới cái nhìn đó thì cho đến khi người Pháp đặt nền đô hộ lên xứ Việt Nam, các tỉnh lỵ chỉ là vài hình thức quần tụ của vài làng xóm xung quanh một thành trì, nơi sở tại của nền hành chánh dân sự và quân sự. Hoạt động kinh tế phát sinh với sự đô hộ của người Pháp, và sự hình thành những hệ thống giao thông, đã cống hiến nhiều điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của sinh hoạt tỉnh thành. Hơn nữa một đặc điểm quan trọng quyết định sự khác biệt của khu phố tây trong cấu trúc tổng thể của đô thị cũ, đó là sự phân chia rõ rệt thành những khu người Pháp và khu người bản xứ phản ánh sự phân biệt chủng tộc. Họ sống trong những khu riêng biệt tạo nên một xã hội khép kín, có những qui định, luật lệ riêng, họ rất ít khi tiếp xúc với người dân Việt, ngoài những tiếp xúc kinh tế hay hành chánh cần thiết (ngoại trừ những người hoạt động văn hóa như: Léopole Cadière, Dumontier, Sallet, Bezacier…). Vậy khu phố Tây là một thành phần cấu trúc đô thị mới được bổ sung vào đô thị cổ của Huế và nó càng làm tăng thêm tính đa dạng của hình thái không gian đô thị của miền núi Ngự-sông Hương. Khu phố Tây hài hoà với khu phố cổ bên bờ bắc sông Hương là một mẫu mực về kiến trúc không gian đô thị truyền thống và hiện đại, có giá trị như một di sản quý hiếm.
III. KIẾN TRÚC ĐÔ THỊ THỜI MỞ CỬA HỘI NHẬP
Trải qua hai cuộc kháng chiến, dưới con mắt của công nông khu phố Tây là “sào huyệt” của kẻ địch. Nhưng khi đất nước độc lập, hoà bình, hội nhập phát triển du lịch thì các khu phố Tây là tài nguyên du lịch của các địa phương (Đà Lạt, Hà Nội, Sa-pa…). Sau tháng 3-1975, khi Huế được giải phóng nhiều kiến trúc trong khu phố Tây vẫn còn giữ hầu như nguyên vẹn. Đặc biệt trên các đường Lê Lợi, đường Hoàng Hoa Thám, đường Lý Thường Kiệt, đường Hà Nội. Từ sau ngày đất nước mở cửa hội nhập, các kiến trúc trong khu phố Tây đã dần dần bị thay thế bằng một loại kiến trúc tạp-pí-lù, trăm hoa đua nở. Nhiều kiến trúc cao đến trên dưới mười tầng. KS Tân Hoàng Cung là một nỗi nhức nhối gây bức xúc đối với những người yêu Huế gần xa. Nó như một dấu than (!) giữa bầu trời phía nam sông Hương. Ôi! Di sản kiến trúc đô thị khu phố Tây nay còn đâu !
Sau ngày đất nước thực hiện chính sách mở cửa hội nhập quốc tế (1986) đi dần vào nền kinh tế thị trường, kiến trúc đô thị Huế theo đó cũng phát triển mạnh mẽ chưa từng thấy: Kiến trúc cũ nhỏ, thấp bị đập phá xây dựng kiến trúc mới cao, to (Bưu điện Thừa Thiên Huế); nhưng khoảng đất trống xen lẫn các kiến trúc cũ chuyển đổi chức năng, xây dựng vào đó những kiến trúc mới bất chấp yêu cầu phải hài hoà với kiến trúc cũ (KS Heritage đường Lý Thường Kiệt), kiểu mẫu kiến trúc mới (ảnh hưởng Thái Lan) xa lạ với kiến trúc Huế (truyền thống+ Pháp). Mặc dù chính quyền đã quan tâm đến việc qui hoạch (theo tôi ít nhất có trên năm lần qui hoạch Huế được chính quyền thông qua), nhưng trong thực tế chưa một qui hoạch nào được áp dụng. Nhiều khu đô thị mới ra đời: khu Thủy Phước, Trường An, khu Kiểm Huệ, khu Vỹ Dạ và đang hình thành nhiều khu mới như An Vân Dương .v.v.
Qui hoạch đô thị cổ (1804) và qui hoạch thời Âu hoá (sau 1885) đều lấy Kinh thành Huế (1993 đã được công nhận là di sản thế giới) làm trung tâm, sông Hương làm trục chính. Với việc xây dựng các khu phố mới ở bờ nam sông Hương hiện nay không rõ theo nguyên tắc nào, lấy cái gì làm trục chính và trung tâm đô thị Huế mới nầy nằm ở đâu (?). Chắc chắn không nằm ở Kinh Thành Huế nữa. Trung tâm thành phố giống như trái tim của con người, các con đường chảy về trung tâm giống như các mạch máu chảy về tim. Con người chỉ có một trái tim, một thành phố không thể có nhiều trung tâm chính. Đó là chưa đề cập đến vấn đề phong thủy, (Các nhà qui hoạch đô thị của thế kỷ mới xem phong thủy như một yếu tố đưa đến thành công của các công trình qui hoạch đô thị mới).
Tôi nhớ có một chuyên gia qui hoạch đô thị nào đó đã nói rằng: “Dưới góc nhìn của đô thị học, sự hình thành và phát triển đô thị phải được xây dựng trên quan điểm nối kết những thành phần cấu trúc qua các giai đoạn lịch sử để gìn giữ một mối liên hệ giữa Quá khứ-Hiện tại-Tương lai, như một phản chiếu những kế thừa sáng tạo và định hướng cho sự phát triển hợp lý ở tương lai”.
Hình như những người có trách nhiệm về qui hoạch, kiến trúc xây dựng ở Huế thời nay chưa quan tâm quan niệm nầy. Kiến trúc đô thị hiện nay sẽ để lại cho Huế một hậu quả xấu không lường hết được.
Những người quản lý qui hoạch kiến trúc ở Huế đã tỏ ra nhập nhằng giữa ý thức gìn giữ cái cũ để làm du lịch và cải tạo theo nhu cầu của cuộc sống đô thị hoá. Khu vực Vỹ Dạ và Kim Long là hai khu nhà vườn cổ quý hiếm. Người ta cho mở rộng đường để phục vụ du lịch bằng cách đập phá hết những cổng phủ đã tạo nên cái giá trị rất nổi tiếng của Vỹ Dạ, Kim Long. Thế thì mở rộng đường để làm du lịch cái gì ? Họ đã thay những kiến trúc nhà vườn cổ bằng những quái thai kiến trúc không thể hiểu nổi. Tiệm nhảy đầm VIP ở Vỹ Dạ là một cái sẹo trên khuôn mặt “chữ điền” “che ngang lá trúc” của Vỹ Dạ. Có người nhận xét rằng: “Chúng ta đang tự đào đất dưới chân mình”.
Trong tình hình xây dựng phát triển kiến trúc đô thị hiện nay Huế đang hình thành nhiều trung tâm đô thị nhỏ (tất nhiên). Những trung tâm đô thị nhỏ và mới nầy sẽ gắn bó với trung tâm đô thị chính của Huế như thế nào ? Chưa rõ. Nếu không tạo được sự gắn bó hữu cơ thì nó sẽ tắt (giống như máu chảy về tim), máu chảy về tim mà tắt thì nếu nó không gây “tử vong” thì ít ra nó cũng sẽ làm cho thân thể bệnh hoạn èo uột không phát triển được.
Huế chưa có một qui hoạch đáp ứng được yêu cầu của thành phố di sản văn hoá du lịch bền vững của thế kỷ mới. Càng kéo dài tình trạng thiếu qui hoạch nầy “Tuyệt tác thơ đô thị” mà cha ông chúng ta đã tạo dựng được càng bị phá hỏng từng ngày.
Qui hoạch, Kiến trúc tùy tiện làm cho Huế mất cái phong cách riêng, đô thị Huế sẽ được xem như các thành phố Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Đông Hà, Đồng Hới, Quảng Ngãi, Tuy Hoà... Tình trạng nầy mâu thuẫn với ý hướng của lãnh đạo Trung ương và địa phương muốn xây dựng Huế thành một thành phố đặc trưng văn hoá - du lịch - Đại học và công nghệ cao.
Như tôi đã thưa từ đầu, trên đây chỉ là những ý kiến phát biểu tản mạn có thể không sát với chủ đề. Nhưng nếu sau nầy có điều kiện tôi sẽ tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn tham khảo tư liệu và đi thực tế điều tra khảo sát để có được một tiểu luận khoa học đóng góp với địa phương. Tất cả những biểu hiện chưa tốt trong môi trường xã hội trong kiến trúc đô thị Huế đều do Huế chưa có một qui hoạch thích hợp bền vững phù hợp với thế kỷ mới. Để giải quyết vấn đề này dứt điểm, nên chăng Huế nên học tập TP HCM tổ chức một cuộc thi quốc tế qui hoạch xây dựng Huế? Nếu muốn ít tốn hơn nên chăng nhờ UNESCO, những tổ chức Việt kiều, cá nhân có uy tín đối với Pháp (như bà Tôn nữ Thị Ninh, GS Trần Văn Khê, nhà soạn nhạc Tôn Thất Tiết) và cả bộ Ngoại giao đề nghị chính phủ Pháp giúp qui hoạch cho Huế? Và, để làm việc với các đối tác (về qui hoạch), nên chăng địa phương thành lập một hội đồng tư vấn gồm những nhà chuyên môn + các nhà văn hóa am hiểu Huế ở địa phương, trong nước và ngoài nước để giúp cho địa phương? Những đề nghị nầy là lời cuối của bài phát biểu. Mong sao, những đề nghị nầy sẽ được những người có trách nhiệm trả lời.
Nguyễn Đắc Xuân
Hội thảo Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế