Vừa qua, Sở Xây dựng Công bố 27 kiến trúc Pháp ở Huế, cần phải gìn giữ và bảo vệ, ngoài ra những kiến trúc khác thời Pháp xây dựng có thể phá bỏ để lấy mặt bằng phát triển Đô thị Huế. Tôi không chuyên nghiên cứu về kiến trúc Huế nên dành cho các kiến trúc sư chuyên về quy hoạch, dành cho Khoa Kiến trúc trường Đại học Khoa học thuộc Đại học Huế. Nhưng không hiểu sao, sáng nay có nhiều người đọc báo Tuổi Trẻ gởi cho tôi bài “Công bố 27 kiến trúc Pháp ở Huế, sẽ đập bỏ biệt thự 26 Lê Lợi”. Tôi hỏi vì sao các bạn gởi cho tôi? Các bạn ấy trả lời vì “Nguyễn Đắc Xuân là một nhà nghiên cứu Huế có nhận xét gì về ý kiến của ông Lê Toàn Thắng (phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế, đơn vị trực tiếp tham mưu cho UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế lập danh sách trên)”. Không thể từ chối được, nên tôi phải có ý kiến. Tuy nhiên tôi không tiện phản biện ông Lê Toàn Thắng mà chỉ có mấy ý kiến chung chung sau đây thôi:
1. Cần phải nhận thức lại. Phải phân biệt được kiến trúc thời Pháp do chính quyền bảo hộ lập nên, vua quan nhà Nguyễn hay do người Huế/Việt Nam xây dựng. Ví dụ: Lăng Khải Định, Điện Kiến Trung, Cung An Định, Đài Tưởng Niệm Chiến Sĩ Trận Vong (trước mặt trường Quốc Học) do triều Nguyễn thời Khải Định xây dựng; Tòa Lầu Mật Thám Trung Kỳ (nay là Sở Công an Thừa Thiên Huế) do người Pháp xây dựng; Nhà ông Cao Hữu Điền số 11 đường Phạm Ngũ Lão do gia đình ông Cao Hữu Điền xây dựng, nhà ông bà nhạc tôi ở 1/7 Nguyễn Công Trứ do gia đình họ Võ xây dựng. Hàng trăm kiến trúc trong ba loại đó đã hình thành nên nền kiến trúc Huế mới thời Pháp thuộc (ít nhất từ 1883-1954). Huế đã từng nổi tiếng với Quartier Européen (khu phố Tây) đó sao! Muốn giữ lại kiến trúc của một giai đoạn không phải lớn hay nhỏ mà là tiêu biểu cho từng loại. Kiến trúc 26 Lê Lợi là tiêu biểu cho loại biệt thự. Nếu đã có các biệt thự khác tiêu biểu hơn đã nằm trong danh sách được giữ thì có thể xóa 26 Lê Lợi, nếu chưa thì phải xem lại;
Kiến trúc 26 Lê Lợi là tiêu biểu cho loại biệt thự
2. Lịch sử phát triển Đô thị Huế đã trải qua nhiều thời kỳ, thời tự chủ (nhà Nguyễn, 1802-1883), thời Pháp thuộc (1883-1954), thời quan hệ Mỹ - Việt 1955-1975) và cuối cùng là thời Xã hội Chủ nghĩa (1975 đến nay). Huế thành phố cổ phải thể hiện rõ 4 thời kỳ ấy. Mỗi thời kỳ đều đã để lại một nền kiến trúc khá rõ nét. Ông Lê Toàn Thắng lãnh đạo quy hoạch xây dựng TTH hằng ngày bắt gặp Đài Chiến Sĩ Trận Vong có từ thời Khải Định mà gọi là Bia Quốc Học, liệt các nhà thờ Chính Tòa Phủ Cam (xây dựng năm 1960), nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế (Xây dựng thời Ngô Đình Diệm) là kiến trúc Pháp, không phân biệt được kiến trúc xây dựng thời Pháp thuộc đâu là kiến trúc do người Pháp xây dựng, đâu là do vua quan Triều Nguyễn hay của người dân Huế xây dựng mà dám quyết định phá bỏ kiến trúc hàng trăm năm trước để vẽ ra hình hài của đô thị Huế hàng trăm năm sau…thì quá táo bạo. Hiện nay Việt Nam nói chung và Huế nói riêng đang hội nhập quốc tế, lãnh đạo Thừa Thiên Huế phải có định hướng tính chất của Thành phố Huế bước vào giai đoạn phát triển 4.0 như thế nào để xứng đáng với di sản của một thành phố Cố đô. Còn như cứ giao phó cho một bộ phận tham mưu ít có khả năng như hiện nay quyết định thì kiến trúc Đô thị Huế nay mai sẽ trở thành một Thành phố tạp-pí-lù “mất cả chì lẫn chài” đắc tội với tiền nhân và con cháu mai sau.
Nhà thờ Chính Tòa Phủ Cam (xây dựng năm 1960)
3. Tôi là một nhà báo, một nhà nghiên cứu “khóc cười” với sự phát triển của Thành phố Huế hơn nửa thế kỷ qua. Với kinh nghiệm đó, tôi biết rõ người trong các cơ quan nhà nước nói chung và của tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng về chuyên môn văn hóa, kiến trúc, quy hoạch ít có người đủ trình độ làm công việc chuyên môn của mình. Tình hình chung hiện nay, trong bộ máy hành chính của nhà nước người làm được việc thì ít mà người vào các cơ quan nhà nước để mua bán chữ ký, có lương ổn định, được đi đào tạo, có biên chế ở Thành phố để làm việc khác thì nhiều. Họ vào đó bằng bằng thiệt học giả, bằng đút lót hối lộ, bằng thế lực con ông cháu cha và cả với “vốn tự có” của các kiều nữ nữa.v.v. Tôi không dám nói ngành xây dựng quy hoạch của tỉnh nhà cũng thế. Nhưng qua thực tế việc làm của họ như cho phép các nhóm lợi ích, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xây dựng các bãi đỗ xe trên đất di tích của các lăng vua Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định, như việc nhận tài trợ của Hàn Quốc xây dựng con đường lát gỗ lim trên sông Hương, để cho Chủ tịch Nguyễn Văn Cao bán các khu đất vàng ở Huế cho Bitexco .v.v. Vì thế tôi không tin những chủ trương phá bỏ hay cho xây dựng mới không bình thường của ngành xây dựng quy hoạch không có các nhóm lợi ích đứng sau lưng. Vì thế, để giải quyết những vấn đề có mang tính chiến lược lâu dài, thích hợp với sự phát triển chung của thế giới cần công khai, tổ chức những hội thảo hội nghị gồm có những người am hiểu có tâm có tầm ở địa phương ở trong nước và có thể có cả người Việt ở nước ngoài đóng góp ý kiến. Đồng thời tỉnh Thừa Thiên Huế khẩn trương mời các chuyên gia trong nước và ngoài nước giúp quy hoạch lại việc phát triển Đô thị Huế cho phù hợp với sự phát triển của Thành phố Huế thời 4.0 đang diễn ra. Khi đã có quy hoạch chính xác, có định hướng rõ ràng, biết phá cái gì, giữ cái gì, phát triển cái gì… công khai để nhà nước và nhân dân cùng làm sẽ tránh được những việc thiệt hại cho nhà nước, cho lịch sử và mất lòng dân vừa qua.
Phải chăng đây cũng là một cách cứu vãn Huế?