Ngôi nhà của nhà soạn tuồng Đào Tấn ở Huế

Đào Tấn (1845-1907) là một nhà soạn tuồng vĩ đại. Quê cụ ở thôn Vinh Thạnh, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
Năm 1867, cụ thi đỗ Cử nhân, bốn năm sau được triệu ra Kinh đô nhận chức Hiệu thư (chuyên viết tuồng cho vua Tự Đức) và từ đó cụ bắt đầu cuộc đời làm quan và làm nghệ thuật tuồng ngót ba mươi năm. Trong suốt thời gian ấy cụ đã trải qua nhiều chức vụ quan trọng: từ chân Hiệu thư (1871) cụ đã được cất nhắc lên Tổng đốc An Tịnh rồi Thượng thư bộ Công, Thượng thư bộ Hình, Thượng thư bộ Binh và cuối cùng trở lại Thượng thư bộ Công (1903)
Ba mươi năm làm quan, trừ hai lần đi làm Tống đốc An Tịnh (10 năm), làm Tri phủ Quảng Trạch (2 năm), cụ đã sống trọn với Huế đúng 18 năm.
Đào Tấn có những mối liện hệ với Huế rất đặc biệt: Thân mẫu là cụ bà Hà Thị Loan gốc ở làng La Chữ (Hương Điền, Bình Trị Thiên). Cụ lấy vợ Hoàng phái: bà Đào Tấn là Tôn Nữ Nhuận Khanh (thường gọi là bà Diêu Tiên). Con trai của cụ là Đào Nhữ Tuyên làm rể cụ Hường Hàng (cháu nội vua Minh Mạng), con gái cụ là vợ ông Tôn Thất Bàng (ông nội của nữ nghệ sĩ đàn piano Nguyệt Minh). Hai lần làm Phủ doãn Thừa Thiên cụ được khen là “Liêm, Bình, Cần, Cán’’. Đào Tấn được giới nghệ thuật tuồng tôn là Hậu tổ, cụ đã có công đưa ngành nghệ thuật tuồng Việt Nam nói chung và nghệ thuật tuồng Huế nói riêng đến thời cực thịnh, sau cụ là vãn. Thế nhưng có một điều mà ngày nay ít ai biết là người cháu ngoại, anh chàng rể tài hoa Đào Tấn của Huế đã ở Huế trong suốt 18 năm trú ngụ nơi nào ?
Cách đây ba mươi sáu năm, trong lúc làm luận văn ra trường với đề tài Hát Bội, tôi đã cố tìm ngôi nhà của Đào Tấn ở Huế, nhưng chưa tìm được thì phải bỏ dở để đi kháng chiến. Mãi đến năm 1979, nhân được đọc một tài liệu của cụ Mạc Như Tòng - người đã có dịp ‘’ nghe biết nhiều điều’’ về Đào Tấn mà nhà thơ Quách Tấn đã giới thiệu với tôi từ năm 1964 - 1965, tài liệu ghi:” Năm Thành Thái thứ 9 (1895), Đào Tấn giữ chức Hình bộ Thượng thư. Tháng 5 này cụ bà thân sinh chết tại Kinh, nơi nhà nuôi mẹ là Mai Viên ở Đông Ba đi xuống (NĐX nhấn mạnh) chôn nơi quê ngoại, xã Cổ Bưu gần thôn La Chữ”

“Ở Đông Ba đi xuống ?’’ Nhưng chợ Đông Ba hay cầu Đông Ba? Đi xuống Gia Hội hay xuống Bao Vinh? Tôi không tự xác định được phương hướng để tìm ngôi nhà có tên là Mai Viên ấy. Tôi dự định hỏi nhà thơ Quách Tấn địa chỉ cụ Mạc để được trực tiếp nhờ cụ chỉ bảo thêm , nhưng rồi bao nhiêu công việc... đã làm cho thời gian tìm gặp cụ Mạc kéo dài. May thay, sau đó nhà nghiên cứu tuồng Vũ Ngọc Liễn đã cung cấp thêm cho tôi một chi tiết: “” Nhà văn Nguyễn Văn Xuân cho biết: nhà của cụ Đào Tấn ngày xưa chính là nhà của cụ thân sinh vợ nhà thơ Thái Can ngày nay”. Thế là không đợi đến lúc tìm liên lạc được với bà Thái Can, tôi liền nhờ các cụ ‘’ hiểu biết Huế xưa’’ chỉ dẫn cho tôi về ngôi nhà đó.
Bà Thái Can là con gái cụ Nguyễn Đôn, cháu nội cụ bà Thượng Trừng (một người đàn bà nổi tiếng có tài giao thiệp với các giới trong chính quyền phong kiến và Pháp đầu thế kỷ XX). Thầy Bửu Kế đã đưa chúng tôi đến của nhạc gia nhà thơ Thái Can tại số 24 đường Ngự Viên (nay là Nguyễn Du). Đây là một ngôi nhà ngói ba gian hai chái đựng trên một cái nền cao ở giữa môt khu vườn rộng. Trải qua bao nhiêu biến cố và chiến cuộc, ngôi nhà vẫn được giữ gìn nguyên vẹn, đặc biệt là bộ sườn gỗ xưa...
Tôi rất mừng: ngôi nhà ấy đã nằm đúng trên hướng từ “ Đông Ba đi xuống’’ như chỉ dẫn của cụ Mạc Như Tòng. Tuy vậy, chưa thể xác nhận được, vì ngoài lời nói của anh Nguyễn Văn Xuân, chưa tìm được một tài liệu gì cụ thể chứng tỏ ngôi nhà hay mảnh đất này là nơi cụ Đào Tấn đã sống qua. Tôi viết môt lá thư với hàng chục câu hỏi nhờ người thân ở TP Hồ Chí Minh tìm đưa tận tay bà Thái Can.
Nhiều tháng trôi qua không có hồi âm, không để mất thời gian một cách oan uổng, tôi vẫn tiếp tục tìm tòi nghiên cứu ở Huế. Trong một dịp lên thăm chùa Linh Mụ, tôi phát hiện ở đầu chái tây mới dựng thêm một hòn non bộ với những viên đá cũ hình dáng rất mỹ thuật. Viên đá dựng đứng ở giữa khắc hai chữ “Linh Phong’’, bên cạnh có dòng chữ nhỏ ‘’ Thành Thái Giáp Ngọ’’ (1894). Một vị sư cho biết:” hòn non bộ ấy nguyên là của một ngôi nhà cũ ở Huế bị bỏ phế lăn lóc lâu năm, vừa rồi một Phật tử liên hệ với địa phương xin đưa lên dựng ở bên chùa - Vị sư giải thích thêm- Sở dĩ Phật tử đã cố xin hòn non bộ nầy là vì cái tên Linh Phong của nó có liên quan đến các từ của bức hoành ‘’Linh Thước Cao Phong’’ ra đời dưới thời Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725) hiện đang treo chính giữa tiền tích chùa Linh Mụ.’’


Xem cách đẽo gọt từng viên đá, quan sát nét chữ của cái tên Linh Phong tôi nghĩ rằng chủ nhân xưa của hòn non bộ này chắc chắn là một nghệ sĩ rất tài hoa! Tôi hỏi xuất xứ của hòn non bộ, nhà sư trả lời không biết. Vì sợ bị hiểu lầm, tôi không dám hỏi thêm, nhưng tâm trí cứ bị hai chữ Linh Phong của hòn non bộ ấy ám ảnh... Bỗng một hôm, thật tình cờ, tôi đang làm việc, cháu T.A con đầu tôi đang học lớp hai lên tiếng hỏi:”Núi Linh Phong là chi , ba?” Tôi giật mình và có cảm tưởng là cháu đã đọc được những suy nghĩ còn nằm trong tâm trí tôi lúc ấy. Tôi hỏi:” Tại sao con lại hỏi như thế?”. Cháu chỉ một mãnh báo ảnh Việt Nam đang dùng gói kẹo có bài giới thiệu núi Linh Phong trong mục “ Đất nước con người”.
Bài viết báo: “Núi Linh Phong là một trong 24 cảnh đẹp thiên nhiên đã được xếp hạng với nhiều sự tích hấp dẫn của tỉnh Nghĩa Bình... Trên đỉnh núi có ngôi chùa Linh Phong xây từ thời Mênh Mệnh (1820 - 1840)”. Tôi sực nhớ đến một đoạn tiểu sử của Đào Tấn rằng: có lần Mai Xuân Thưởng - lãnh tụ phong trào Cần vương của Bình Định, đến mời Đào Tấn tham gia, ông lấy cớ bận phụng dưỡng cha mẹ nên không đi được. Sau đó Đào Tấn đi tu ở chùa Linh Phong (tục gọi chùa Ông Núi, huyện Phù Cát. Tôi nhận thấy ngay có sự liên hệ mật thiết giữa hòn non bộ, mới dựng ở chùa Linh Mụ với ngôi nhà cụ Đào Tấn ở Huế. Tôi cảm thấy tự thẹn: mình là người cầm bút mà vốn hiểu biết về đất nước quá ít ỏi, nhưng mừng vì đã có thêm chút ánh sáng về ngôi nhà cụ Đào Tấn ở Huế.
Tôi tiếp tục khảo sát ngôi nhà số 24 đường Ngự Viên xưa. Phía bên trái của ngôi nhà (phần trước sân) còn dấu vết của của một hòn non bộ vừa bị bốc đi, nhiều viên đá cùng loại với những viên đá xây hòn non bộ thấy được ở hiên tây chùa Linh Mụ còn vùi sâu dưới nền đất chưa bị bới hết. Một người láng giềng xác nhận là hòn non bộ tại chùa Linh Mụ ấy hiện nay trước đây đặt trước ngôi nhà này.
Như thế, có lẽ khi trở lại làm việc với các triều đại sau Hàm Nghi, Đào Tấn đã mượn tên hòn núi Linh Phong đẹp đẽ, thanh cao của quê hương Bình Định để biểu thị chí hướng của mình ở Kinh đô Huế. Những suy nghĩ này làm tôi rất thích thú.
Liền sau đó, tôi nhận được một hồi âm của bà Thái Can do người anh ruột của bà là ông Nguyễn Tự viết trả lời những câu hỏi của tôi về lai lịch ngôi nhà 24 Ngự Viên. Ông Tự cho biết: “ Nguyên thủy ngôi nhà ấy là của cụ Đào Tấn, sau cụ nhượng lại cho ông Nguyễn Hữu Khâm, Phò mã đô úy, vào tháng tư năm 1910 (tức tháng 2 Duy Tân thứ tư). Rồi sau đó ông phò mã đọan mãi cho cụ thân sinh tôi là cụ Nguyễn Đôn. Vào tháng 3/1946 cụ thân sinh tôi cho tôi sở vườn nhà ấy làm của riêng’’.
Ông Nguyễn Tự, thừa kế chính thức ngôi nhà 24 Ngự Viên đã xác nhận ngôi nhà ấy nguyên thủy là nhà cụ Đào Tấn. Nhưng những đặc điểm của ngôi nhà ấy ra sao? Cụ Đào Tấn đã làm nhà từ lúc nào? Qua thời gian gần một thế kỷ nó đã bị thay đổi như thế nào?
Qua tờ đoạn mãi (Acte de vente définitive) ký ngày 7-4-1910 của Phò mã Nguyễn Hữu Khâm, ta biết được các chi tiết căn bản của sở vườn nhà cụ Đào Tấn năm xưa:
“Tôi ký tên dưới đây là Nguyễn Hữu Khâm, Phò mã đô úy, có mua một bất động sản gồm có ba căn nhà và một sở vườn cây ăn quả đo được trên một mẫu. Bất động sản này gồm có về phía đông gần ao hồ, một hàng tre dài 189 thước, về phía tây, một cống đi vào và một bình phong bằng gạch tiếp giáp quan lộ; về phía nam gồm những căn nhà thờ của hoàng tử Thọ Xuân và công chúa An Các và nhà của tri phủ Hồ Huyến, về phía bắc, một hàng tre dài 100 thước gồm sở vườn của Thập Thái, sở vườn của người Tàu Hồng Xương và của chủ sự Huyến. Bốn vị trí ấy đã được ghi vẽ trong bản đồ đính kèm. Trong sở vườn có ba căn nhà bằng gạch, một hòn non bộ, tất cả đều tọa lạc trên đất Đông trì, phường 6”
Sở vườn nhà ấy cụ Đào Tấn bán cho phò mã Nguyễn Hữu Khâm. Ông phò mã chưa sửa chữa gì thì đã bán lại cho ông Nguyễn Đôn.
Thế thì cụ Đào Tấn dựng tạo sở vườn nhà nói trên vào thời điểm nào? Phải chăng đó là ngôi nhà triều đình ban cho quan đương nhiệm? Hay cụ Đào Tấn đã mua lại của một người nào đó?
Cho đến nay, chúng tôi chưa trả lời được một cách đích xác. Nhưng bằng vào niên đại ghi khắc trên hòn non bộ Linh Phong (hiện được giữ tại chùa Linh Mụ-Huế) thì có lẽ cụ Đào Tấn đã tạo dựng sở vườn nhà này vào năm Thành Thái Giáp Ngọ (tức Thành Thái thứ VI (1894)). Đây là thời điểm cụ rời chức Tổng đốc An Thịnh trở về Huế giữ chức Thượng thư bộ Công (lần thứ I). Khẳng định như thế chúng tôi dựa vào hai lẽ:
- Thứ nhất: Cụ không thể tạo dựng nhà khi ở Huế trong khi còn ngồi ở dinh Tổng Đốc An Tịnh (1889 - 1893);
- Thứ hai: Cụ không thể dựng hòn non bộ trước khi tạo mãi nhà vườn, mà non bộ Linh Phong mang niên đại Thành Thái Giáp Ngọ (1894);
Trải qua gần một thế kỷ sở vườn nhà ấy đã chịu nhiều thay đổi lớn:
- Ba ngôi nhà gạch của cụ Đào Tấn đã bị ông chủ mới triệt hạ cách nay chừng 80 năm, thay vào đó một ngôi nhà ngói 3 căn hai chái, sườn nhà bằng gỗ mít chạm trỗ tinh vi, và nhiều đồ bảng khảm cẩn xà cừ...
- “Mai viên’’ phía sau nhà mọc lên nhiều ngôi nhà mới rất hỗn độn, có nhà hiện nay đang bắt đầu xây móng.
- Hòn non bộ (như đã nói trên) đã bị chuyển lên chùa Linh Mụ;
Mặc dù có sự thay đổi lớn, sở vườn nhà 24 Ngự Viên (nay là đường Nguyễn Du) đến năm 1990 vẫn còn giữ được phần nào không khí trầm mặc tịch liêu, ‘’dấu xưa’’ của nghệ sĩ Đào Tấn;
Trong thời gian sinh sống ở đây cụ Đào Tấn đã ghi nhiều kỷ niệm lớn tại sở vườn nhà mang tên là ‘’ Mai viên’’ này.
- Cụ đã lập nơi đây một “ Học Bộ đình’’ để tiếp tục công việc đào tạo nghệ nhân hát Tuồng (như các học bộ đình cụ đã lập ở Quảng Nam và Nghệ Tĩnh)
- Năm 1897, bà Hà Thị Loan, thân mẫu cụ ốm và qua đời dưới mái nhà này và an táng tại Huế (mãi về sau mới dời về Bình Định)
- Nơi đây, cụ đã tiếp đón nhiều nhà yêu nước đến bàn quốc sự dưới danh nghĩa đi xem hát bội, ‘’chính khách’’ quan trọng nhất là cụ Sào Nam Phan Bội Châu, cụ Nguyễn Sinh Sắc...
- Và cũng chính nơi đây cụ đã bị vu oan và bị thực dân Pháp cùng bọn gian thần nhà Nguyễn giam lỏng cho đến ngày bị buộc phải về hưu trí ở quê nhà Nghĩa Bình.

Tuy Mai Viên đã phải trải qua nhiều chủ: từ Phò mã Khâm chồng bà chúa Tám (chị vua Thành Thái) đến Thượng thư Nguyễn Đôn... nhưng nó vẫn được những nhà nghiên cứu xem như một sân khấu tuồng cho đến trước ngày Cách mạng tháng tám 1945 thành công. Có lẽ vì thế mà sau ngày anh em Ngô Đình Diệm về ‘’chấp chánh’’ (1954) họ đã cho người đến thương lượng mua để đem qua dựng làm bảo tàng ở La Mã, nhưng những người chủ của sở nhà lúc đó vẫn giữ được. Rất tiếc trong mấy năm gần đây, trước sự khó khăn về tài chính, ngành văn hoá Thừa Thiên Huế đã để mất ngôi nhà lưu niệm của vị tổ Hát tuồng vào tay một Việt kiều. Sự mất mát nầy không riêng gì của Huế mà của dân tộc. VTV3 của Đài truyền hình Việt Nam phải phát lên một chương trình tỏ nỗi thương tiếc mất mát nầy.

Nguyễn Đắc Xuân


Chú thích:
1. Đại Nam thực lục, tập 37, tr.257
2. Mạc Như Tòng. Những điều nghe biết về Đào Tấn, trong kỷ yếu về Đào Tấn, Nhà thơ, nghệ sĩ tuồng xuất sắc Quy Nhơn 1978, tr.
3. Báo ảnh Việt Nam số ? tháng ? năm
4. Mịch Quang, Thân thế và sự nghiệp nghệ thuật tuồng Đào Tấn - Kỷ yếu về Đào Tấn, nhà thơ, nghệ sĩ tuồng xuất sắc. Quy Nhơn 1978, tr.26
5. Hiện ở tại số nhà 443/42 Điện Biên Phủ Q3 TP Hồ Chí Minh
6. Con trai Nguyễn Hữu Độ, chồng bà chúa Tám (con gái vua Dục Đức)
7. Thư ngày 27.12.1983
8. Nguyên văn Pháp ngữ:” Je, soussigné Nguyễn Hữu Khâm, Phò mã đô úy, ai attendu que jai acheté une propriété composée de trois maisons et dun iardin mesurantt phus de 1 mẫu avec des arbres fruitiers. Cette propriéte comprenamt à 1 Est près de Ao hồ unne rangée de bambous dune longueur de 189 thước; a L Ouest, une porte dentrée et un écran en briques to
9. Theo thư ông Nguyễn Tự
10. Mai Viên đang bị tổ hợp gò hàn Phú Cát mượn làm văn phòng và nơi sản xuất
11. Theo tài liệu riêng của Nguyễn Đắc Xuân
12. Theo lời bác sĩ Nguyễn Vinh, em ông Nguyễn Tự.

 

 

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang