Khách tham quan đến Huế đều có chung nhận xét: kiến trúc Nguyễn dưới thời Khải Định (1916-1925) có một nét riêng, đó là sự gặp gỡ Việt - Pháp. Người được vua Khải Định tạo ra cái nét riêng ấy là ông thợ Nguyễn Văn Khả (1875-1964) - quê ở An Nong, thuộc huyện Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông Khả được vua Khải Định ban cho 4 chữ “đệ nhất xảo thủ“(bàn tay tài hoa bậc nhất).
1.Một người được biệt đãi:
Dưới con mắt của những người đố kỵ, xem thường lao động, người ta không quan tâm đến bàn tay tài hoa bậc nhất của ông Khả mà lại mỉa mai về những khen thưởng của vua Khải Định dành cho những thành quả lao động của ông. Những ai đã từng tiếp xúc với thơ ca châm biếm Huế hồi đầu thế kỷ hẳn còn nhớ bài thơ dán trên cửa Hiển Nhơn sau đây:
Chẳng phải khoa mục, chẳng con quan
Hàn lâm, Kiểm thảo sắc vua ban
Cui đục xuất thân trào Khải Định
Thợ chạm như mày thật quá sang
Nhiều tiền lắm bạc chỉ bàn tay
Hết kinh hết sách chẳng bằng mày
Lên xe xuống ngựa nghênh ngang quá
Lên mặt huênh hoang cũng có ngày
Vâng, ông Khả không có bằng cấp, không phải con cái quan lại, ông chỉ là một người thợ bậc nhất, được vua Khải Định trọng dụng và ban cho các chức Hàn lâm, Kiểm thảo.
Biết giá trị của người tài, vua Khải Định đã cho thi hành những biệt lệ đối với Nguyễn Văn Khả (Kiểm Khả). Năm 1917, sau khi lên ngôi được một năm, vua Khải Định được tin có thầy Nguyễn Văn Khả dạy chạm khắc ở trường Bá Công (Huế) rất giỏi nghề, ông cho vời thầy vào cung. Nhà vua chỉ đưa tay phác hoạ đôi nét, ông Khả biết ý ngay và làm ra những sản phẩm rất vừa ý vua. Sau khi thử tài, quả là danh bất hư truyền, nhà vua liền giao cho ông Khả làm Lãnh hành, lo việc thiết kế nội ngoại thất, trùng tu, xây dựng đền đài cung điện Huế. Để cho Nguyễn Văn Khả vào ra Đại nội lo liệu công việc được dễ dàng, vua Khải Định miễn giảm cho ông những lễ nghi bái lạy, cho phép xe kéo Nguyễn Văn Khả được tự do vào ra cung cấm. Những miễn giảm nầy chưa từng có trong các đời vua trước. Chính vì những miễn giảm nầy đã làm cho nhiều người mũ cao áo rộng phải ganh tỵ, nên làm thơ đả kích và đe doạ ông "Lên xe xuống ngựa nghênh ngang quá. Lên mặt huênh hoang cũng có ngày”.
Sự biệt đãi tột bậc của vua Khải Định dành cho ông Kiểm Khả được thể hiện qua sự việc sau: Năm 1924, chuẩn bị đại lễ Tứ tuần đại khánh (sinh nhật lần thứ 40), vua Khải Định giao cho Kiểm Khả đại trùng tu điện Càn Thành (điện dành riêng cho vua toạ lạc ngay sau bức bình phong lớn sau điện Cần Chánh). Công việc trùng tu sắp hoàn thành thì không may xảy ra vụ cháy thiêu rụi hết những gì đã làm được. Nguyên nhân do mấy tay thợ nấu dầu rái để trét trên xối thượng bất cẩn làm đổ dầu, khiến cho ngọn lửa gặp gió cháy lan trước sự bất lực của mọi người. Đây là một việc chưa từng xảy ra trong cung Nguyễn. Và đây cũng là một dịp để cho những người đố kỵ làm tội Kiểm Khả. Làm cháy tư điện của nhà vua, tội đáng một trăm lần chết. Kiểm Khả bị tống giam và chờ lệnh vua Khải Định để hành quyết. Bản án được dâng lên, vua Khải Định cân nhắc, đắn đo mãi và cuối cùng ông bảo đình thần: ”Khả có bị giết chết hắn cũng không đền hết tội. Nhưng giết hắn đi rồi thì biết tìm đâu người giỏi như hắn nữa! Nên chăng hãy để cho hắn sống mà đái công chuộc tội”. Đình thần không dám trái ý vua. Kiểm Khả được tha tội chết. Ra khỏi lao xá, ông dồn hết vốn liếng vật liệu, thợ thuyền làm việc không kể ngày đêm, sau ba tháng điện Càn Thành hoàn thành đúng vào dịp Tứ tuần đại khánh (9-1924). Kiểm Khả không những không bị tội mà còn được ban khen.
2.Đệ nhất xảo thủ:
Ông Kiểm Khả xuất thân là một thợ chạm khắc gỗ, nhưng ông có biệt tài nhìn qua đồ mớp cổ (meuble: bàn, ghế, tủ giường) hay nhà cửa ông có thể vẽ kiểu và làm lại y chang với mẫu. Nhưng ông thường không làm giống mẫu mà có pha phách một chút tân thời để cho hợp với thị hiếu của khách hàng đang buổi Âu hoá. Sau ngày vua Khải Định đi Pháp (1922) đem về nhiều Catalogue đồ gỗ của Pháp thời Louis, ông Kiểm Khả đã nghiên cứu và “chế” ra nhiều kiểu dáng kết hợp Việt Pháp, tân - cổ rất hài hoà. Nhiều sản phẩm kết hợp giữa gỗ và đá cẩm thạch, hoặc gỗ với sắt thép đã ra đời từ đây. Sản phẩm mộc mỹ nghệ của ông Kiểm Khả đã thổi một luồng sinh khí mới vào hàng mỹ nghệ Huế đầu thế kỷ XX.
Theo nhiều tài liệu cho biết hơn 50% công trình xây dựng và 100% đồ gỗ chạm trổ sơn son thếp vàng thời Khải Định đều do ông Kiểm Khả thực hiện. Ngày nay chúng ta có thể tìm thấy sự hiện thân của bàn tay tài hoa Kiểm Khả còn để lại ở kiến trúc cửa Chương Đức, lăng Khải Định, cung An Định, nhà Thương Bạc (1), ngai vàng, Bửu Tán trong điện Thái Hoà. Và toàn bộ đồ gỗ trong cung An Định cũng như trong nhà lưu niệm của bà Từ Cung ở 79 Phan Đình Phùng Huế.
Sau ngày vua Khải Định mất, năm 1925, nhân có Đấu xảo quốc tế hàng mỹ thuật trang trí và công nghệ tân thời tại Paris, ông Kiểm Khả đã làm một cặp tủ gương chạm trổ tinh vi gởi sang dự và được thưởng mề - đay vàng.
Để thực hiện được một khối lượng công việc đồ sộ nêu trên, vua Khải Định đã cấp cho ông Kiểm Khả 1.100m2 đất gần bờ nam hồ Tịnh Tâm để thành lập một khu sản xuất gồm sân bãi để nguyên vật liệu, nhà ở, nhà kho, xưởng thợ. Thợ lành nghề có cả trăm người, chia thành nhiều kíp ngày đêm làm việc không nghỉ. Không rõ ông đã học ở đâu mà tổ chức sản xuất giống như các xí nghiệp làm hàng thủ công ở các nước châu Âu. Ông vừa làm “giám đốc“ cơ sở sản xuất vừa cùng con trai trưởng Nguyễn Văn Chung thiết kế mẫu mã các mặt hàng mộc, hàng nề. Giúp việc cho ông có nhiều thợ cả nổi tiếng: Thợ Bạo (Phường Đúc) chuyên mộc mỹ nghệ, Cửu Ngô, Cửu Tín chạm khảm, Cửu Kiệm sơn son thếp vàng, Viên Từ thợ điện .v.v. Để nâng cao tay nghề cho thợ Huế, ông thường thuê các thợ kép Hà Nội vào truyền nghề với tiền thù lao rất cao (từ 1 đến 1,5 đ/ngày).
3.Ngôi nhà lưu niệm của một người thợ tài hoa:
Ngôi nhà ở trong khu sản xuất mỹ nghệ của ông Kiểm Khả, ngày nay vẫn còn nguyên vẹn và được người cháu nội của ông là anh Nguyễn Văn Trọng lưu giữ như nhà lưu niệm của một bậc tài hoa gần Hồ Tịnh Tâm (Huế). Ngôi nhà thanh mảnh đứng sau một hàng chè Tàu lúc nào cũng được cắt tỉa gọn gàng. Vào trong nhà, ở gian giữa thiết một bàn thờ gồm nhiều tầng bằng những cổ vật do chính ông Kiểm Khả sản xuất từ hồi đầu thế kỷ. Hai bên bàn thờ treo đôi câu đối của nhà sư trụ trì chùa Linh Quang (2) nhắc lại chuyện vua khen bàn tay thợ độc đáo của cụ Kiểm Khả.
Ngọc bút châu phê siêu quần bất nhị
Kim tiên chiếu chỉ xuất chúng vô song
(Vua dùng viết khen người siêu việt không có người thứ hai Vua dùng giấy khen người xuất sắc không có người thứ hai)
Ngước lên trên cao uy nghi tấm hoành phi sơn son thếp vàng óng ánh 4 chữ ĐỆ NHẤT XẢO THỦ (Bàn tay tài hoa bậc nhất). Đối diện với bức hoành phi mang 4 chữ nầy là bức hoành phi cũng sơn son thếp vàng khắc 4 chữ PHẢ ĐA XỨNG CHỈ (Làm việc gì cũng đúng với ý vua). Bức vách bên cạnh bức hoành phi nầy là khung gương lồng cái Bằng Chứng Nhận Mề - Đay vàng của ông Kiểm Khả trong Hội chợ Đấu xảo năm 1925.
Ngoài những hiện vật trên, còn có Salon Louis, Trường kỷ, Đoản kỷ, sập gụ...chạm khắc tỉ mỉ, tinh vi. Anh Trọng cho biết những gì còn lại là quá ít so với những thứ mà chiến tranh đã cướp đi trong mấy chục năm trước ngày giải phóng. Ông nội và thân sinh anh được tặng 16 Huy chương và 11 Bằng khen. Trong tuần lễ vàng hồi Cách mạng tháng tám -1945, ông đã đem toàn bộ Huy chương nộp cho Nhà nước mua súng chống giặc. Ông giáo dục các con trai ông về lý tưởng cách mạng. Nhiều con trai ông đã đứng vào hàng ngũ Đảng từ những năm 1945-1946. Những cổ vật trong nhà lưu niệm của ông Kiểm Khả thường được Thành phố Huế mượn đưa đi triển lãm nghề truyền thống Huế. Tuy nhà lưu niệm chỉ là một nhà thờ tư, không phục vụ khách tham quan nhưng nhiều đoàn nghiên cứu nghệ thuật Huế của nước ngoài (nhất là Nhật) thường đến thăm và nghiên cứu ở đây.
Khải Định là một ông vua bù nhìn của Pháp, ăn lương Pháp, làm việc theo lệnh Pháp. Không được làm chính trị, Khải Định quay qua xây dựng cung điện, lăng tẩm cho mình. Trong việc xây dựng ấy, vua Khải Định đã phát hiện và sử dụng được bàn tay vàng Nguyễn Văn Khả. Và ông Nguyễn Văn Khả nhờ vua Khải Định trọng dụng mà đã làm được nhiều công trình để đời. Và những công trình nầy đã giúp cho người đời sau còn nhớ đến vua Khải Định.
Giới thiệu Nguyễn Văn Khả và những công trình xây dựng, chạm khắc của ông không những để giúp cho chúng ta hiểu nghệ thuật kiến trúc Huế hơn, mà đồng thời còn góp phần nghiên cứu trả lại cái quyền tác giả cho người thợ Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Huế, tháng 11.1997
Nguyễn Đắc Xuân
Chú thích:
(1) Hiện nay ở phía chân móng trái (phía đông) nhà nầy còn lưu tấm bản đá cẩm thạch 20*12cm khắc dòng chữ nguyên van kha et fils entrepreneur-1936
(2) Được biết về sau nhà sư nầy được chuyển qua trụ trì chùa Bảo Quốc.