TÌM ĐÂU THẤY DI SẢN QUY HOẠCH KIẾN TRÚC KHU PHỐ TÂY Ở BỜ NAM SÔNG HƯƠNG TRONG ĐỊA CHÍ TTH ?

 

Cách đây vài ba năm tôi có dịp cùng John Tuệ, Nguyễn Trung Trực (em rể ns Trịnh Công Sơn) tiếp ông Đại sứ Mỹ tại Hotel La Résidence (5 Lê Lợi) nói chuyện về NS Trịnh Công Sơn. Biết tôi là người nghiên cứu lịch sử văn hóa Huế, ông Đại sứ hỏi tôi:
- Sau năm 1975 đến nay, ở Huế ông thấy những gì không thay đổi và những gì đã thay đổi ?”
Hơi bất ngờ, tôi không có thời gian suy nghĩ, tôi nói ngay những gì đã ó sẵn trong đầu:
- “Kiến trúc cảnh quan bên bờ nam sông Hương nói chung vẫn giữ được như cũ, không thay đổi, trong Đại nội khắc phục hậu quả chiến tranh nhiều công trình được trùng tu tôn tạo phục vụ tham quan du lịch rất tốt”.
Ông Đại sứ khen tôi trả lời đúng.
Qua câu chuyện vô tình ấy, tôi nhớ lại ông bạn Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính có giới thiệu với tôi ông có viết một bài trên tạp chí hay báo gì đó (tôi quên) với nội dung “Quy hoạch xây dựng khu phố Tây (Quartier Européen) ở bờ nam sông Hương là một di sản quý ở Huế”. Tôi cảm ơn KTS Hoàng Đạo Kính đã đánh giá cao quy hoạch xây dựng ở Khu phố Tây ở Huế tôi. Trong bộ tài liệu Huế ông Jean Cousso (Cháu ngoại ông chủ KS Morin) tặng tôi có giới thiệu về KTS người Pháp đã quy hoạch đôi bờ sông Hương và cũng là người thiết kế xây dựng sân vận động Bảo Long (sau này đổi tên là sân vận động Tự Do). Trên khu phố Tây có một biệt thự nhỏ nhìn ra Đập Đá cuối đường đường Lê Lợi của gia đình Morin. Nay là quán cà-phê Sông Xanh bên cạnh nhà tôi. Do đó hằng ngày, với cái đạo nghiên cứu Huế tôi không thể không nghĩ đến kiến trúc thời Pháp trên đất Huế. Từ hồi còn học Quốc Học (1956-1960) cho đến nay, trừ 9 năm đi kháng chiến, tôi sống và đi lại trên đường Lê Lợi hình ảnh các kiến trúc Pháp đã hằng trong tâm trí tôi: Nhà ga Huế, trường Pellerin (nay là Nhạc viện Huế), Văn phòng Đại học Huế (Viên Dân biểu Trung Kỳ ngày xưa), Trường Quốc học, trường Đồng Khánh (nay là Hai Bà Trưng), Nhà thương Huế (nay là Bệnh viện Trung ương), Câu lạc bộ thể thao (Cercle Sportif), Nhà hàng Khách sạn Morin.v.v.và hàng chục kiến trúc Pháp khác ở phía nam đường Lê Lợi như Ngân hàng, Bưu điện, trường Lê Lơi (Chaigneau cũ),trường Providence (Trường Thiên Hựu), nhiều kiến trúc đã bị tân trang hay xóa bỏ xây lại theo kiến trúc mới. Nhưng vẫn hằng trong đầu tôi. Tôi chưa có dịp khảo sát thống kê, qua thông tin trên mạn xã hội tôi được biết hiện nay Huế còn giữ được 27 công trình kiến trúc Pháp.
Kiến trúc sở Công chánh thời Pháp thuộc

Kiến trúc sở Công chánh thời Pháp thuộc

Đại học Huế, (Viện Dân biểu Trunng Kỳ cũ)

Đại học Huế, (Viện Dân biểu Trunng Kỳ cũ)

Theo dõi việc nghiên cứu và phát triển thành phố trên bờ nam sông Hương qua các thời kỳ tôi còn nhớ mấy điểm:
- Khu phố Tây là trung tâm thành phố Huế;
- Để không phá vỡ cảnh quan Kinh thành Huế bên bờ Bắc, các kiến trúc Pháp phải được phân cách bằng một giải cây xanh và đường Lê Lợi; Kinh đô Huế Á châu được chuyển tiếp qua Âu một cách hài hòa;
- Kiến trúc bên trong đường Lê Lợi không quá hai tầng, không cao hơn cây long nảo dọc đường Lê Lợi,
- Những kiến trúc trên bờ nam sông Hương thuộc triều Nguyễn vẫn giữ phong cách của triều Nguyễn như cổng trường Quốc Học, Đài Chiến sĩ trận vong (Monument aux Morts);
- Các công trình kiến trúc được xây dựng với nhiều phong cách khác nhau “tạo nên một quỹ di sản kiến trúc có giá trị”;
- v.v.
Tôi không phải là nhà quy hoạch xây dựng kiến trúc, tôi ghi lại những ý kiến trên của một người cầm bút xứ Huế bình thường mà thôi. Đi sâu lĩnh vực này xin nhờ các chuyên gia.
Cổng trường Quốc Học

Cổng trường Quốc Học

Đài Chiến sĩ trận vong xây dựng thời vua Khải Định

Đài Chiến sĩ trận vong xây dựng thời vua Khải Định

Sau đây tôi ghi lại một trường hợp tôi đã có dịp chạm phải. Đó là trường hợp:
Xây dựng nhà máy nước Vạn Niên
Nhà máy nước Vạn Niên

Nhà máy nước Vạn Niên

Đến trước và sau ngày Thất thủ Kinh đô (7-1885), người Pháp đặt nền đô hộ lên kinh đô Huế, do yêu cầu dùng nước sạch (eau potable) của người Phương tây, dù muốn dù không chính quyền Bảo hộ cũng phải xây dựng một nhà máy nước. phải có nước máy để phục vụ đời sống của người Pháp đến làm việc tại Tòa Khâm sứ, Tòa Công sứ và các công sở trực thuộc tại khu phố Tây (Quartier Européen), phục vụ quân đội Pháp tại khu Nhượng địa (Concession Francaise) Mang Cá, phục vụ cho Triều đình Huế do người Pháp bảo hộ trong Kinh Thành Huế và phục vụ cho đô thị Huế vừa mới ra đời. Đến đầu thế kỷ XX lại cần có nước máy để phục vụ Nhà thương Huế, phục vụ phát triển du lịch Huế. Nhưng cho mãi đến năm 1909 nhà máy nước Huế mới được xây dựng ở Vạn Niên. Tính đến nay nhà máy nước Huế - nay là Công ty Cấp thoát nước Thừa Thiên Huế - vừa đến tuổi 113 (1909-2022).
Sở dĩ có sự chậm trễ như thế vì các cơ quan chức năng của Pháp lúc ấy phải khảo sát nhu cầu dùng nước của người Pháp và người Việt, phải bàn thảo nghiên cứu nơi đặt nhà máy và đặc biệt phải chọn lựa cho được kiểu dáng kiến trúc làm sao cho hài hòa với cảnh quan của Kinh đô Huế hồi đầu thế kỷ XX. Sau nhiều cuộc bàn thảo, chọn lựa và đưa ra đấu thầu, bản thiết kế kiến trúc nhà máy của kiến trúc sư Bossard được chấp nhận và nhà thầu Francois Lyard trúng thầu xây dựng.
Nhà máy được hoàn thành (đợt 1) vào năm 1911. theo những bản sao tư liệu gốc do Kỹ sư Bùi Hữu Lân(1) mới tìm giúp cho Công ty Cấp thoát nước Huế thì Nhà máy nước đầu tiên được nhà thầu Francois Lyard thi công với tổng cộng số tiền xây cất được quyết toán vào tháng 6-1912 là 116.571, 65 frans do Khâm sứ Trung kỳ Mahé duyệt.
Lúc còn ngồi trên ghế nhà trường Quốc Học, lần đầu tiên được đi thăm lăng Tự Đức, đồi Vọng Cảnh, tôi thấy trên bờ sông Hương bên tay phải có một cái đình tứ giác, với hai tầng mái dựng giữa vườn hoa cây cảnh hài hòa đẹp mắt. Đặc biệt nhất là ở ba góc đình hướng về phía sông có nhiều người qua lại có mấy trụ biểu (pylônes gigantesques) cao vút. Hồi ấy tôi định hỏi: “cái đình tứ giác ấy là di tích gì vậy?” nhưng ngại không dám hỏi. Bởi vì trước khi đến đó tôi đã bị thầy Văn Đình Hy (thầy dạy Việt văn của tôi) la cho nhiều trận vì cái tội hay hỏi “lạc đề” của tôi. Thật như thế, trên vùng đồi phía tây nam Huế qui mô như cái đình nêu trên còn nhiều lắm, gồm chùa, khuôn hội phật giáo, lăng mộ ông hoàng, bà chúa.v.v. Lúc ấy chưa có nhiều tài liệu sách vở nghiên cứu giới thiệu Huế như bây giờ, nên ít người biết các di tích bậc trung ấy là những di tích, công trình gì. Do vậy, đối với thầy trò chúng tôi, chuyện hỏi ngoài chương trình phải luôn luôn tế nhị, hạn chế. Sau này làm nhà nghiên cứu Huế, nhiều lần tôi muốn tìm hiểu giải đáp cái thắc mắc thời học trò của tôi. nhưng rồi không hiểu sao tôi cứ hẹn rày hẹn mai, cái đình vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt trước sự mù tịt của tôi. May sao, cách đây gần ba mươi năm vô tình tôi được đọc cuốn Hướng dẫn du lịch Việt Nam (Guide de l'annam) của Ph. Eberhardt (thầy dạy văn minh văn hóa cho vua Duy Tân), do học giả Hoàng Xuân Hãn ở Paris gởi tặng thành phố Huế, tôi mới vỡ lẽ: cái đình ấy không phải chùa chiền, lăng mộ ai cả mà là cái nhà máy cung cấp nước cho thành phố Huế do kiến trúc sư Bossard thiết kế xây dựng vào năm 1909 và hoàn thành vào năm 1911.
Sở dĩ kiến trúc sư Bossard phải thiết kế kiến trúc nhà máy nước giống như một cái lăng cổ hoặc một cái chùa như thế là để cái nhà máy của phương Tây này hài hòa với cảnh quan khu vực lăng Tự Đức - đồi Vọng Cảnh của phương Đông. Với một tấm lòng yêu Huế thiết tha, với một sự trân trọng văn hóa Huế tuyệt vời, kiến trúc sư Bossard mới thiết kế được kiến trúc nhà máy nước Huế đẹp như thế. Đó là một người phương Tây yêu Huế, làm việc cho Huế trước khi hội Những người bạn Huế xưa (L’ Association des Amis du Vieux Hué) của L. Cadièrre được thành lập đến 4 năm (1909-1913). Kiến trúc nhà máy nước Huế (cũng gọi là nhà máy nước Vạn Niên) là niềm tự hào của trí thức Pháp có mặt ở Việt Nam lúc bấy giờ. Bởi thế Ph. Eberhardt mới viết chuyện xây dựng nhà máy nước Huế vào cuốn sách Hướng dẫn du lịch Việt Nam (Guide de l'Annam) xuất bản năm 1914 tại Paris của ông. Khách đến thăm lăng vua Tự Đức và lăng vua Đồng Khánh xong không thể không thăm nhà máy nước Vạn Niên. Khách du lịch phương Tây phải khó nhọc đi tàu biển hàng tháng trời để du lịch Việt Nam lại phải mất thì giờ đi xem một cơ sở của chính người phương Tây làm tại Việt Nam quả là một chuyện lạ. Ph. Eberhardt tiếp thị với khách du lịch về nhà máy nước Vạn Niên trong Hướng dẫn du lịch Việt Nam (Guide de l'annam) như sau:
“Nếu không có nhiều thời gian, sau khi tham quan hai lăng (Tự Đức và Đồng Khánh) du khách nên thăm ngay nhà máy nước, công trình được xây dựng để chuyển về Huế nguồn nước uống sạch. Nhà máy nước Huế hấp dẫn vì nó đã được kiến trúc sư Bossard thiết kế mang bản sắc thuần Việt Nam” (Si l’on est pressé par le temps, il faut tout de suite, après la visite à ses deux tombeaux, jeter un coup d’oeil sur l’usine des eaux, bâtiment construit pour envoyer à Hué de l’eau potable. Il mérite l’attention, car il a été concu dans le style annamite d’ une facon très heureuse par l’ architecte Bossard) (p.167).
Một trong những người khách đến tham quan nhà máy nước Vạn Niên là nhà văn lớn của Pháp - ông Roland Dorgelès (1885-1973). Sau chuyến đi du lịch dọc đường thiên lý Việt Nam, Roland Dorgelès viết cuốn ký sự nổi tiếng trong văn học pháp mang tựa đề Sur La Route Mandarine (Con Đường Cái Quan). Tuyển tập những bài viết và hình ảnh lưu trữ lớn (Les Grands Dossiers de L’illustration) về Đông Dương vừa in ở Ý, có đăng lại một bài dài của Roland Dorgelès khi ông đến Huế (tháng 3-1925) và in hai tấm ảnh nhà máy nước Huế. Lời chú thích tấm ảnh trên có cái trụ biểu cao ngất rằng:
“Cái ống khói của nhà máy được ngụy trang giống như cây bút lông của nhà Nho” (La cheminée de l’usine “camoufflé” en symbolique pinceau du Lettré).
Nhà máy nước Huế không lớn hơn bệnh viện Huế xây dựng trước đó mười mấy năm, không lớn bằng các Tòa Khâm sứ, Tòa Công sứ, Kho bạc, Nhà bưu điện... nhưng được quan tâm bởi sự độc đáo và cũng bởi một kiểu kiến trúc biết tôn trọng cảnh quan, tôn trọng văn hóa bản địa của một kiến trúc sư người Pháp.
Quan điểm xây dựng một kiến trúc mới trong khu di tích cổ của kiến trúc sư Bossard là quan điểm được nhiều giới chức và kiến trúc sư Pháp lúc đó quan tâm. Nghiên cứu lịch sử khách sạn nhà hàng Morin tôi được biết khi thiết kế các kiến trúc trong khu Tây (Quartier européen) ở bờ nam sông Hương, các kiến trúc sư thời ấy rất đắn đo.
Để khỏi phá vỡ cảnh quan kiến trúc Kinh thành Huế ở bờ bắc sông Hương, các ông Tây thiết kế khu vực nam sông Hương đã đề ra 3 nguyên tắc rất nghiêm ngặt: một là các kiến trúc mới phải nằm xa bờ sông Hương (vào phía bên trong đường Lê Lợi ngày nay), hai là các kiến trúc không được cao quá hai tầng và ba là phải được che chắn bởi một dải cây xanh. Nhờ tinh thần tôn trọng cảnh quan ấy mà ngày nay nhà máy nước Vạn Niên vẫn còn được gìn giữ và không ngừng phát triển trong tinh thần tôn trọng cảnh quan khởi sự từ đầu thế kỷ XX.
Kiến trúc Pháp ở bò nam sông Hương là một di sản quý báu của Huế. Rất tiếc Địa Chí TTH không hề biết đến. Rất mong được bổ sung để để tỉnh TTH tránh được nỗi đau của những thế hệ đã dày công xây dựng TTH có Cố đô Huế.
Huế, ngày 12-2-2022
Nguyễn Đắc Xuân
------
(1) Người Huế, tốt nghiệp trường Bách khoa Paris, hiện thường trú tại TP. HCM.

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang