Ngày trước, phường Ðúc là một công xưởng đúc đồng lớn, cung cấp cho xứ Ðàng Trong những sản phẩm bằng đồng quan trọng như binh khí, đồ lễ nghi, sinh hoạt... Nay, các nghệ nhân ở làng đúc đồng phường Ðúc (TP Huế, Thừa Thiên - Huế) vẫn sống được với nghề truyền thống và mặt hàng đúc đồng còn vươn xa và ngân nga ở các nước trên thế giới.
Cách trung tâm TP Huế khoảng 3 km về phía Tây Nam kinh thành Huế và nằm dọc bên bờ sông Hương, phường Ðúc nổi tiếng là một làng nghề đúc đồng có bề dày lịch sử hơn 400 năm. Theo gia phả của dòng họ Nguyễn - Kinh Nhơn, thủy tổ của nghề này là cụ Nguyễn Văn Lương, quê thuộc làng Ðồng Xá, huyện Siêu Loại (Bắc Ninh) đến Thuận Hóa từ đầu thế kỷ 17. Khi xây dựng Huế thành Kinh đô, các chúa Nguyễn trưng tập thợ khéo cả nước về đây làm những công trình, vật dụng cao cấp. Khi Chúa Trịnh và Tây Sơn đánh chiếm Phú Xuân, các công trường đúc đồng bị tan rã. Riêng chỉ có họ Nguyễn ở Kinh Nhơn vẫn ở lại tại chỗ và tiếp tục nghề đúc của ông cha.
Từ những lò đúc của các anh em trong dòng họ Nguyễn, nghề đúc ở làng Dương Xuân (ngày trước hầu hết dân làng làm nghề đúc đồng, cho nên từ lâu quen gọi là phường Ðúc) vẫn được duy trì và phát triển cho đến ngày nay. Những hiện vật bằng đồng nổi tiếng còn lưu lại tại kinh đô Huế hiện nay, như một minh chứng cho tài nghệ đúc đồng của những nghệ nhân làng Dương Xuân thời đó, như: khánh, chuông chùa Thiên Mụ (1710) và Diệu Ðế (1864); vạc đồng, nghi môn bằng đồng trong Ðại Nội; Cửu vị thần công (1803-1804) đặt trước Ngọ Môn và nhất là Cửu Ðỉnh (1835-1837) - bộ tác phẩm nghệ thuật với 162 hình khắc chạm nổi, thể hiện thành tựu rực rỡ của nghệ thuật đúc đồng Việt Nam hai thế kỷ trước.
Trong đời sống tâm linh của người dân Huế, việc thờ cúng tổ tiên, đồ tự khí trang trọng bằng đồng hầu như không thể thiếu vắng trên bàn thờ của mỗi gia đình. Nghề đúc đồ tự khí ở phường Ðúc tồn tại, phát triển gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng ấy, đồng thời chú trọng đến các mặt hàng thủ công mỹ nghệ để phục vụ tiêu dùng và khách du lịch. Trước năm 1975, ở phường Ðúc chỉ có khoảng 40 hộ làm nghề đúc đồng. Trải qua nhiều thăng trầm, song giai đoạn hiện nay vẫn được xem thời kỳ thịnh nhất. Ở phường Ðúc còn duy trì nghề đúc với hai hợp tác xã, hơn 60 hộ gia đình làm nghề đúc đồng, thu hút hơn 300 lao động thường xuyên. Ða phần, thợ làm nghề đúc đồng làm việc theo kiểu bán thời gian, một người thợ lành nghề có mức lương hơn 2 triệu đồng/tháng, thợ tập làm có mức thu nhập thấp hơn từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng/tháng. Doanh thu từ sản phẩm nghề đúc của phường Ðúc đã đạt từ 7 đến 10 tỷ đồng/năm.
Ở phường Ðúc còn nhiều nghệ nhân tâm huyết với nghề và đã được vinh danh như: nghệ nhân Nguyễn Văn Sính, Nguyễn Văn Viện, Nguyễn Văn Ðệ, Nguyễn Văn Trai, Nguyễn Trường Sơn... Các nghệ nhân này đã nỗ lực truyền nghề cho hậu thế. Nghệ nhân Nguyễn Văn Sính - đời thứ 11 của dòng họ Nguyễn - Kinh Nhơn đã kế nghiệp nghề đúc đồng, là một trong những người đào tạo được hơn 100 người trưởng thành với nghề đúc đồng và đã có 26 học trò của ông mở lò đúc ngay tại phường để duy trì nghề truyền thống. Ông được phong tặng là nghệ nhân dân gian nghề truyền thống đầu tiên ở Huế. Ông Sính còn có hai người con tốt nghiệp đại học, tiếp bước nghề đúc đồng của cha ông, đó là Nguyễn Trường Sơn và Nguyễn Phùng Sơn, chủ hai cơ sở đúc đồng ở Huế và Ðồng Nai.
Tinh hoa, hồn cốt của nghề truyền thống chính là văn hóa của nghề, làm thợ đúc đồng cũng cần phải có học vấn đầy đủ mới thành tài đó là quan niệm của nghệ nhân Nguyễn Văn Sính và được các con ông thực hiện thành công. Với biệt tài đúc chuông, vừa qua ông Sính và hai người con trai đã đúc thành công quả chuông Ðại Hồng Chung cao 5,5 m, đường kính 3,7 m, nặng hơn 30 tấn. Ðây được xem là quả chuông lớn nhất ở Ðông - Nam Á hiện nay. Trong vòng tám tháng, ông đã huy động hơn 60 thợ đúc, nấu và rót liên tục tám nồi đồng (mỗi nồi 2,5 tấn đồng) trong sáu giờ liên tục. Chỉ cần một chút 'sơ sẩy' như bị tràn hoặc xì ra ngoài khuôn đúc thì phải hủy bỏ tất cả. Ông Sính cho biết: 'Khi đúc chuông cần có sự dung hòa giữa tính nghệ sĩ với những tính toán khoa học. Ngoài kinh nghiệm gia truyền, đúc chuông cần phải có cái tâm của người thợ, như thế mới tạo ra những quả chuông có âm thanh hay và có độ ngân vang'.
Các mặt hàng sản xuất bằng đồng ở phường Ðúc ngày càng phong phú, song ít có sự can thiệp của kỹ thuật hiện đại. Những nghệ nhân nơi này dựa vào đôi tay khéo léo, kinh nghiệm và những công cụ giản đơn đã làm nên những sản phẩm giá trị được thế giới thừa nhận. Sản phẩm đúc đồng ở phường Ðúc có được chỗ đứng không chỉ ở trong nước mà cả thị trường thế giới như: Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Nê-pan, Ấn Ðộ... Kích thước chuông không những lớn, trọng lượng chuông không những nặng mà âm thanh của chuông dài, ấm, có độ ngân vang. Những bức tượng đồng cũng được nhiều người đánh giá có đường nét chính xác, sắc sảo, có hồn.
Quá trình kỹ thuật truyền thống vẫn được những người thợ ở đây gìn giữ. Ngoài việc thay chiếc bệ tạo gió thủ công bằng động cơ thổi khi nấu nguyên liệu, quy trình còn lại hầu như đều làm bằng tay. Anh Nguyễn Văn Mạnh, một người thợ đúc đồng ở phường Ðúc cho biết: Ðúc một lửa 'trọi' như người mẹ sinh đứa con khỏe mạnh. ''Trọi'' có nghĩa là đúc được các sản phẩm lành lặn, thể hiện phần ngoài đúng yêu cầu. Người thợ phải trải qua ba công đoạn chính: làm khuôn nấu, rót đồng và làm nguội. Nguyên liệu để làm khuôn đúc là đất sét vàng; đất làm lò có mầu đen hoặc trắng. Các thao tác đạp đất, ngâm đất, trộn đất đều rất công phu, nhất là khâu trộn đất phải chính xác, tránh để đất nở ra và đồng chảy không đều. Sau khi đã tạo hình, làm trụ cho sản phẩm thì đến bước nung khuôn. Ðây là lúc cần những bàn tay khéo léo của người thợ để sao giữ lửa nung phải đều. Than dùng để nấu đồng được nhiều nghệ nhân chọn than hoa (than củi) để lâu tàn. Thời gian nấu đồng mất khoảng tám giờ, sao cho trong, đều độ sôi và cách pha chế cũng là một bí mật của các chủ lò. Khi rót đồng phải đúng vào thời gian đổ khuôn và đồng phải chảy đều từ trên xuống dưới, không đóng cặn vào đỉnh sản phẩm. Nghệ nhân Nguyễn Văn Ðệ, nổi tiếng với nghề đúc trống đồng. Ông đã đúc thành công chiếc trống đồng có đường kính 60 cm, nặng 60 - 65 kg cho Bảo tàng Quang Trung (Bình Ðịnh). Ông cho biết: 'Bí quyết để những trống đồng có âm thanh chuẩn là ở cách tính toán để đạt độ chuẩn xác cao, từ khâu pha trộn hợp kim cho đến khâu nung chảy đồng để rót vào khuôn mẫu...'.
Tuy nhiên sản phẩm đúc đồng, ngoài những mặt hàng truyền thống các mặt hàng khác còn đơn điệu, nghèo nàn chưa tạo được dấu ấn về chất lượng, sự tinh tế, tính thẩm mỹ, trong khi nhu cầu ngày càng đòi hỏi phải đa dạng hóa. Bên cạnh đó, chưa có sự liên kết nghề nghiệp, hỗ trợ lẫn nhau giữa các cơ sở sản xuất, chủ yếu là quản lý theo kiểu gia đình. Mỗi lò đúc là một tổ sản xuất trọn vẹn, dưới sự điều hành của người cha hay ông trong mối quan hệ gia đình. Ðể xây dựng thương hiệu đúc đồng cần phải giải bài toán bảo tồn nghề, thay đổi nhận thức của người thợ, của cả làng nghề.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành kế hoạch 'khôi phục và phát triển một số nghề, làng nghề truyền thống và sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu năm 2009-2010'. Trong đó, làng nghề đúc đồng ở phường Ðúc (TP Huế) được ưu tiên tập trung khôi phục và phát triển. Nhiệm vụ chủ yếu được đặt ra cho nghề và làng nghề đúc đồng này là xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, cải tiến mẫu mã, sản phẩm đúc theo hướng đa dạng hóa, bảo đảm tính nghệ thuật truyền thống và thương mại cao. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ hỗ trợ cho các cơ sở, doanh nghiệp đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề nhằm nâng cao năng lực sản xuất của các cơ sở đúc đồng phường Ðúc theo hướng sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm, quà tặng phục vụ du lịch.
Phường Ðúc đã xây dựng được Trung tâm giới thiệu Làng nghề truyền thống Huế, trưng bày hình ảnh các sản phẩm cũng như lịch sử của nghề đúc đồng. Ngoài các sản phẩm truyền thống đặc trưng như lư đồng, bát hương, tam sự, ngũ sự, chuông, cồng, chiêng... các sản phẩm lưu niệm tinh xảo bằng đồng cũng được sản xuất phục vụ khách du lịch tại chỗ như tượng danh nhân, trống đồng, bình hoa, và các biểu tượng văn hóa tiêu biểu của Huế và đất nước... Các sản phẩm nổi tiếng của nghề đúc đồng như tượng Trần Hưng Ðạo cao 10,2 m, nặng 21,6 tấn đặt tại Công viên Vị Hoàng (Nam Ðịnh); tượng Như Lai cao 4,3 m đặt tại chùa Kim Thành - Plây Cu (Gia Lai); tượng Bác Hồ đặt tại Kim Liên (Nghệ An) và ở TP Huế; tượng Chủ tịch Tôn Ðức Thắng tại An Giang...
Chủ tịch Hội làng nghề đúc đồng Huế Nguyễn Văn Nhạn cho biết: Hiện nay, hội đang bắt tay triển khai xây dựng dự án, đồng thời tuyên truyền cho các thành viên trong hội về chủ trương này. Dù việc xây dựng thương hiệu chỉ mới bắt đầu triển khai nhưng nhiều thành viên của hội rất phấn khởi bởi điều đó cho thấy sự quan tâm của tỉnh trong việc khôi phục và phát triển nghề truyền thống nói chung, nghề đúc đồng nói riêng. Và khi có thương hiệu, sản phẩm đúc đồng sẽ được quảng bá, được bảo vệ và có nhiều cơ hội để phát triển.
VẪN còn không ít những khó khăn nhưng với hướng phát triển của TP Huế thì việc ưu tiên phát triển hàng thủ công mỹ nghệ là đặc biệt quan trọng. Có bề dày lịch sử và những tác phẩm bất hủ vượt thời đại của mình, phường Ðúc là một địa chỉ hấp dẫn cho khách du lịch, những nhà đầu tư trong nước và ngoài nước.
Nguyễn Công Hậu
Bài đăng trên báo Nhân Dân online ngày Thứ Bảy, 25-12-2010