Việt Nam xưa có nhiều ngành nghề truyền thống, nhưng có ít ngành nghề nào có nhiều nhà giàu và tồn tại được trong nền kinh tế thị trường hiện nay như nghề thợ vàng thợ bạc. Vì thế ở cố đô Huế, trừ các lăng vua, không có lăng mộ ông chúa, ông quan nào to lớn, uy nghi bằng lăng mộ các ông tổ thợ vàng. Từ thời vua Khải Định các vị tổ thợ vàng đã được sắc phong là “Dực Trung Hưng lịnh phò chi thần”. Năm 1990, khu lăng mộ của các ông tổ nầy cũng được bộ Văn hóa nước CHXHCN Việt Nam công nhận là Di tích lịch sử quốc gia” (QĐ số 168/ VH/QĐ ký ngày 2-3-1990) với khuôn viên 2.200m2 tại phường Trường An TP. Huế. Nhân dịp lăng mộ các vị tổ thợ vàng đang được đại trùng tu chúng tôi đến thăm và trò chuyện với ông Đặng Hữu Thiện (người làng Kế Môn, 76 tuổi) - tộc trưởng họ Kim Hoàn ở Huế.
Nguyễn Đắc Xuân (NĐX) : Thưa bác, nhiều khách du lịch đi ngang tộc đường họ Kim Hoàn ở số 7 đường Chùa Ông, mé sau chùa Diệu Đế (P. Phú Cát) đều không hiểu họ Kim Hoàn cũng giống như các họ Đinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn...?
Đặng Hữu Thiện : (ĐHT) : Không phải. Kim Hòan là kiềng vàng, xuyến vàng (Collier en or), nghĩa rộng là thợ vàng thợ bạc. Thợ vàng, thợ bạc chúng tôi là dân trăm họ nhưng cũng được truyền nghề từ một ông tổ mà ra, tự nguyện xem mình cùng họ hàng với nhau để gìn giữ và phát huy nghề vàng và bạc của mình.
NĐX : Thưa bác, nhân buổi xuân về, thời gian thuận lợi nhất để cho con cháu nhớ về tổ tông, xin bác nói rõ về hành trạng của các vị tổ ?
ĐHT: Tổ sư của chúng tôi là cụ Cao Đình Độ (sinh năm Giáp Tý, 1774) người gốc tỉnh Thanh (làng Cẩm Thủy), chuyên nghề ngân tượng (thợ vàng, thợ bạc), ngài có một người con trai là Cao Đình Hương (Quý Tỵ, 1773). Năm Quý Mão (1783), quân Trịnh đánh chiếm Phú Xuân, đường vào Thuận Hóa thông thương, ngài cùng với con trai khăn gói men theo bờ biển vào Nam và dừng chân tại làng Kế Môn (huyện Phong Điền) bên bờ phá Tam Giang. Ở đây ngài đã truyền nghề cho con và một số đệ tử thuộc hai họ Huỳnh Công và Trần Mạnh. Về sau hai họ Hùynh, Trần truyền nghề cho con cháu, một số họ khác và dần dần biến làng Kế Môn thành làng thợ vàng bậc nhất ở xứ Đàng Trong. Năm Canh Tuất (1790), dưới triều Quang Trung hai cha con ngài được vời vào cung thành lập Cơ vệ Ngân tượng (đơn vị thợ làm vàng bạc), ngài được phong chức lãnh binh và con ngài được phong phó lãnh binh. Đến đời Nguyễn, hai vị tổ của chúng tôi vẫn được trọng dụng, trong lúc ngài cha chuyên lo làm đồ trang sức cho cung đình thì ngài con tích cực truyền nghề cho hậu thế. Ngài Cao Đình Độ tạ thế vào ngày 28 tháng hai năm Gia Long thứ IX (1810), ngài Cao Đình Hương qua đời vào ngày 8 tháng 2 Minh Mạng thứ II (1821). Lăng mộ của hai ngài đều táng tại ấp Trường Cửu (thường gọi là Trường Cởi, phường Trường An thành phố Huế ngày nay). Nghề nghiệp hai ngài truyền đến chúng tôi đã được mười hai đời. Đến nay thì đệ tử của hai ngài đã phát triển ra khắp đất nước và ra cả thế giới.
NĐX : Thời ấy, Phú Xuân là kinh đô, chung quanh nó có những làng nghề (trong đó có thợ vàng bạc) để phục vụ cho kinh đô, chuyện ấy đã rõ. Thế họ Kim Hòan có biết ai đã đưa nghề vàng bạc vào miền Nam ra sao không ?
ĐHT : Thời vua chúa, thợ vàng bạc được xem như lính. Mà lính là làm việc cho vua chúa không có lương. Nước sông công lính mà ! Vì thế thợ giỏi thường phải trốn đi làm ăn xa. Mai táng ngài Cao Đình Hương xong, ba ngày sau, có sáu người học trò là các ông Trần Điền, Trần Điện, Trần Hòa, Huỳnh Nhật và Hùynh Bảo theo ghe buồm vào Nam. Vào đến Phan Thiết, một ông họ Hùynh kiệt sức, tạ thế, hai ông họ Hùynh còn lại không đi được nữa đành ở lại Phan Thiết và lập ra nhánh kim hòan Phan Thiết tồn tại cho đến ngày nay. Ba ông họ Trần vào được Nam bộ, lập nghiệp ở Chợ Lớn và truyền nghề cho cả vùng nước non Lục Tỉnh. Sau đó ba ông sang Nam Vang (Pnompênh) truyền nghề cho người Campuchia, người Lào và cả người Thái Lan. Ba ông mất ở nước bạn. Đệ tử lập nhà thờ thờ phụng các ông. Năm 1957 ông Bùi Tín (hiện nay ủy viên đối ngoại của Hội kim hòan Việt Nam tại Hoa kỳ) và ông Lâm Văn Ca đã qua Nam Vang dự giỗ tổ (ngày 8 tháng 2 Âm lịch, ngày ông Cao Đình Hương tạ thế). Các đệ tử kim hoàn ở Chợ Lớn tưởng nhớ đến các thầy đã lập chùa Lê Châu thờ các ông. Hằng năm 1975, những người thợ vàng xin định cư ở nước ngoài thành lập ở Hoa Kỳ một tổ chức gọi là Hội Kim Hoàn Việt Nam (hải ngoại), Hội này có nhiều thành viên là người Kế Môn, cũng cúng giỗ vào ngày 8 tháng 2.
NĐX : Sao không lấy ngày mất của ông Độ (28 tháng 2) làm ngày giổ truyền thống mà các nơi lại lấy ngày mất của ông Hương (8 tháng 2) làm giỗ?
ĐHT : Ở Huế chúng tôi vẫn tổ chức kỵ cả hai ngày. Các nơi chỉ kỵ ngày 7 tháng 2. Theo tôi có lẽ dưới triều Gia Long ông Độ làm việc trong cung đình không truyền nghề cho ai cả, còn ông con Cao Đình Hương thì lại truyền nghề cho nhiều người. Có lẽ vì thế mà các lớp đệ tử về sau chỉ biết đến thầy trực tiếp của mình nên mới kỵ giỗ như thế
NĐX : Việt Nam có nhiều ngành nghề nhưng hiếm thấy có một ngành nghề nào có lịch sử rõ ràng, các thành viên gắn bó với nhau thân thiết và ngày càng phát triển rộng rãi như nghề kim hòan. Vậy thì họ kim hòan làm gì và có bổn phận với “con cháu” thợ vàng bạc mình ra sao?
ĐHT : Họ tộc kim hoàn có trách nhiệm lo hai ngày giỗ hai vị tổ sư Cao Đình Độ và Cao Đình Hương, xây dựng và chăm sóc lăng mộ hai vị, lo giáo dục truyền thống cho con cháu, nghĩa là con cháu phải lo luyện tập nâng cao tay nghề của mình sao cho ngày càng tinh xảo, phải thật thà để giữ lòng tin với khách, và học tập các vị tổ, phải truyền nghề cho hậu thế.
NĐX : Tay nghề phải như thế nào mới được xem là tinh xảo?
ĐHT : Trong nghề thợ vàng có ba môn : làm trơn, đậu, và chạm. Ít ai giỏi được cả ba môn. “Trơn” : ví dụ như làm kiềng, làm một cây kiềng đeo ở cổ với số vàng một hai chỉ như làm một chiếc nhẫn đeo ở ngón tay thật là một việc rất khó; “đậu” là dùng những chấm vàng tạo nên những hoa văn chim thú, ví dụ anh Châu ở Kim Long “đậu” một đôi tằm đeo tai hình con phụng đã được biểu dương số một trong triển lãm Thủ công nghiệp toàn quốc vừa qua (20-11-1994); cuối cùng là “chạm”: khắc lên đồ dùng, vật trang trí bằng vàng, bạc những hình tượng mỹ thuật.
NĐX : Còn đối với quyền lợi của con cháu trong “họ” thì sao?
ĐHT : Trước năm 1975, để bảo vệ quyền lợi cho thợ vàng chúng tôi có xin thành lập Nghiệp đòan Kim Hoàn do ông Triệu Mân (chủ tiệm vàng Vĩnh Hòa làm chủ tịch, ông nhạc tôi là Lê Viết Khả (Chủ tiệm vàng Mỹ Lợi) làm thủ quỹ và tôi làm thư ký. Học trò trước khi ra hành nghề phải được nghiệp đòan xác nhận tay nghề, những người nghề nghiệp chưa vững chưa được hành nghề. Nghiệp đòan theo dõi giá vàng trên toàn miền Nam lúc ấy rồi ra giá chuẩn để các tiệm theo giá chuẩn đó cùng mua bán một giá, nghiêm cấm lưu hành vàng giả. v.v...
NĐX: Hiện nay ngành kim hoàn chưa có nghiệp đoàn, những việc của nghiệp đoàn làm trước kia ngành vàng bạc của nhà nước ngày nay đang đảm trách. Vậy thì họ tộc Kim Hoàn do bác làm tộc trưởng có đóng góp gì cho ngành vàng bạc của nhà nước Thừa Thiên Huế không?
ĐHT : Chúng tôi thường được cửa hàng nhà nước mời giám định tay nghề cho các cửa hàng, được mời tham dự các cuộc triển lãm nghề thủ công, giúp các cửa hàng của nhà nước về mặt chuyên môn.
NĐX : Được biết Bảo tàng TTH và họ tộc Kim Hòan trong và ngoài nước đang tích cực đại trùng tu khu lăng mộ hai vị tổ sư Kim Hoàn ở phường Trường An TP. Huế. Đó là một tin vui của giới thợ thuyền truyền thống, đề nghị bác sơ lược vài dòng về sự kiện này?
ĐHT : Gần hai trăm năm qua, hai ngôi mộ tổ sư của chúng tôi đã được trùng tu nhiều lần. Lần cuối cùng với kinh phí hơn 600 lượng vàng kết thúc vào năm 1971. Lần trùng tu nầy trụ biểu, bình phong, nhà bia, hương án được chắp hình nổi và khảm sành sứ rất tráng lệ. Đến năm 1985, khu vực lăng mộ bị lọt vào khu giải tỏa. Với sự giúp đỡ của các nhà nghiên cứu, các nhà bảo tàng và đặc biệt ông Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Đình Ngộ can thiệp, khu lăng mộ Kim Hoàn được giữ nguyên chổ cũ. Năm năm sau, khu mộ và nhà thờ Kim Hoàn được bộ Văn Hóa công nhận là di tích quốc gia. Để xứng đáng với niềm vinh dự nầy bà con họ tộc Kim Hoàn chúng tôi dự định dùng một kinh phí chừng 50.000USD để xây 240m la thành bao bọc khu di tích 2.200 mét vuông, xây cửa tam quan, nhà bia, nhà bảo tàng, vườn hoa cây cảnh trong lăng, tôn tạo nhà thờ họ tộc Kim Hoàn, vườn hoa trước nhà thờ ... Công việc đã tiến hành hơn chín tháng qua và sẽ kết thúc đợt một trước Tết Nguyên Đán Ất Hợi. Chúng tôi hy vọng trong vài năm tới ở Huế sẽ có thêm một điểm du lịch dành riêng cho thợ thuyền đến thăm vùng núi Ngự sông Hương nầy.
NĐX : Xin cám ơn bác.