Từ thưở bình minh của văn minh nhân loại, ăn mặc là nhu cầu thiết yếu của cuộc sống con người. Trải qua hơn 4000 năm lịch sử, chuyện đời thường đó của dân tộc Việt đã trở thành văn hóa và cũng gánh chịu bao lần đổi thay theo vận nước thạnh suy.
Hình ảnh người Việt xưa đầu đội mũ cao, thân mặc trang phục: áo, váy, khố,...nhảy múa, chèo thuyền còn thể hiện rõ trên trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Quảng Xương, thạp đồng Đào Thịnh,...thuộc nền văn hóa Đông Sơn, cho chúng ta cảm nhận được sinh hoạt vui tươi lành mạnh của người dân trong thời nhà nước tự chủ.
Thời đại Hùng Vương chấm dứt, dân tộc mất chủ quyền, đất nước dần dần bước vào khúc quanh đen tối: thời Bắc thuộc kéo dài hơn 1000 năm (Từ năm 111 trước CN đến năm 905). Khi đó, một bộ phận nhỏ người Việt sống quanh các trung tâm hành chính, thương mãi đã tiếp thu văn hóa mới qua Tứ Thư - Ngũ Kinh do quan lại, nho sĩ thời Hán - Đường truyền dạy .Đa số người dân Việt sinh sống ở làng mạc, núi cao, rừng rậm xa xôi, cách biệt vẫn cố gìn giữ phong tục, tập quán của Tổ tiên. Nhuộm răng, ăn trầu, mặc theo kiểu Lạc Việt,...truyền từ đời này qua đời khác để phân biệt với Hoa Hạ.
Từ thế kỷ thứ 10, phong trào đấu tranh giành chủ quyền, độc lập càng ngày càng bùng nổ mạnh mẽ do các lãnh tụ như:
- Khúc Thừa Dụ đã chiếm giữ thủ phủ Đại La, xây dựng chính quyền tự chủ của người Việt, từ năm 905.
- Sau trận chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938, Ngô Quyền xưng vương ở Cổ Loa năm 939. Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Mùa xuân, vua bắt đầu xưng vương, lập Dương thị làm hoàng hậu, đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục”
Dẹp xong 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, lập ra triều Đinh (968 - 979), định đô ở Hoa Lư, sáng lập kỷ nguyên chính thống của nước ta, đặt quốc hiệu Đại Cồ Việt.
Năm 980, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi vua lập nhà Tiền Lê (980 - 1009). An Nam Chí Lược ghi: “Năm Thiên Phúc thứ 6 (985), vua cho sứ sang Tống dâng cống rùa vàng, chim hạc, lư hương, ngà voi, lụa trắng”.
Năm 1009, Điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn được suy tôn làm vua lập ra triều Lý, truyền ngôi 8 đời vua, kéo dài 215 năm. Chủ động tiếp thu, tiếp biến hai nền văn hóa Ấn - Trung, xây dựng nước Việt trở thành một cường quốc ở Đông Nam Á, các nước lân bang đều nễ phục. Trong nước đã dệt được các loại gấm, vóc , lụa là cao cấp để phục vụ nhu cầu sử dụng của triều đình và giới giàu sang. Về y phục vẫn còn lưu lại thông qua hình ảnh các tượng Phật, hộ pháp, nhạc công, vũ nữ,...kiểu cách rất tinh tế, trang trọng để lại dấu ấn rực rỡ trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam.
Năm 1225, ngai vàng chuyển qua nhà Trần (1225 - 1400). Đạo Phật vẫn là tín ngưỡng chính của dân tộc. trong dân gian vẫn giữ gìn truyền thống cũ, ăn mặc giản dị. Đàn ông lao động đóng khố, cắt tóc ngắn, xăm mình. Phụ nữ dùng áo tứ thân, váy thâm, yếm trắng. Phẩm phục triều đình có quy chế riêng. Tầng lớp quan lại, tăng lữ, nho sĩ thường dùng áo tràng vạt (giao lĩnh), tay rộng - hẹp tùy nghi. Ngày nay may mắn phát hiện được bức tranh “Đại sĩ xuất sơn đồ”, chúng ta có thể nhìn được nhiều kiểu trang phục của vua, quan, binh, lính, tăng nhân, đạo sĩ thời Trần.
Bước qua thế kỷ 15, Hồ Quý Ly phế bỏ vua Trần, bước lên ngai vàng (1400) gây nên thảm họa thuộc Minh (1407 - 1427). Nhà Minh quyết tâm hủy diệt văn hóa Việt bằng cách tịch thu, đốt phá văn vật, thư tịch, di sản,.. của nước ta. Buộc dân Việt phải thay đổi phong tục, tập quán, ăn mặc,...theo kiểu của họ chế ra. Rất may vận nước còn hưng thịnh, cơn ác mộng Bắc thuộc chỉ kéo dài 20 năm, người anh hùng Lê Lợi đã lãnh đạo nhân dân đuổi giặc Minh, giành quyền tự chủ. Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, khôi phục chính thống. Nhờ vậy mà, răng đen, khố vải, yếm thắm, váy thâm,... còn mãi với xóm làng trời Nam đất Việt. Nhìn chung, phong tục và y phục ở Bắc hà (từ sông Gianh trở ra bắc) từ triều Lê sơ (1428 - 1527) qua triều Mạc (1527 - 1592) rồi Lê trung hưng (1533 - 1789) chủ trương duy trì truyền thống, việc ăn mặc chung trong nhân dân rất ít thay đổi. Chỉ riêng phần phẩm phục, lễ, nhạc chốn triều đình thì mỗi triều đại có tiếp thu, tiếp biến vài yếu tố mới lạ từ Trung Quốc truyền sang.
Cuối thế kỷ 16, vua Lê cử Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận - Quảng, kiến tạo con đường nam tiến mạnh mẽ, nhanh chóng cho dân tộc. Với tư tưởng “cư Nho, mộ Thích” phù hợp với vùng đất mới. Dân Việt từ miền Bắc di chuyển vào cộng cư với cư dân bản địa như Chăm, Khmer, Hoa,...sớm ổn định cuộc sống, hết lòng ủng hộ và trung thành với chúa Nguyễn. Người Việt tiếp thu và giao lưu với văn hóa mới nên về tín ngưỡng phong tục, ăn mặc đa dạng, phong phú, mới lạ hơn. Y phục của thành phần giàu có, quan lại ít nhiều ảnh hưởng theo kiểu mẫu của người Minh hương (người Trung Quốc bỏ nước di cư sang Việt Nam chống lại nhà Thanh). Phụ nữ bỏ kiểu áo tứ thân, áo tràng vạt (giao lĩnh), váy, yếm mà mặc áo năm thân cổ dựng cài khuy đi đôi với quần hai ống (quần chân, áo chít) gần giống mẫu áo quần của phái nam. Người nghèo, lao động chân tay thì mặc áo cánh, quần đùi, hoặc đóng khố ở trần. Trong sách Hải ngoại kỷ sự, Hòa thượng Thạch Liêm được Minh vương Nguyễn Phước Chu mời sang Thuận Hóa năm 1695 có mô tả: “Quốc vương ngồi trên kiệu luy điền, quân khiêng kiệu gồm 16 người cao lớn, xõa tóc, mình trần. Chỉ có một vuông vải che phía trước rồi quấn lại cột chéo ra sau lưng...”, cho biết tục mình trần đóng khố trong sinh hoạt vẫn còn duy trì ở Nam hà.
Đến đời chúa Nguyễn Phước Hoạt (1714 - 1765), ở Thuận Hóa lan truyền câu sấm “ bát đại hoàn Trung đô” (Đến đời thứ 8 thì trở về với Thăng Long). Nhà chúa muốn thay đổi vận mệnh nên quyết định chính thức lên ngôi vương, xây dựng đô thành Phú Xuân, hạ lệnh đổi mới phong tục, y phục toàn cõi Nam hà. Bắt buộc dân chúng nam nữ đều phải dùng kiểu áo năm thân cổ dựng, cài khuy bên phải cùng với quần hai ống, trên đầu để tóc búi. Từ đây, áo bốn thân, váy, tóc vấn không còn xuất hiện ở phương Nam. Cuộc cải cách triệt để này kéo dài cho đến ngày cơ nghiệp chúa Nguyễn sụp đổ để lại dấu ấn quan trọng cho đời sau.
Năm 1774 (Giáp Ngọ), thừa cơ Nam hà rối loạn vì nạn quyền thần, phong trào Tây Sơn nổi dậy, Thịnh vương Trịnh Sâm cử danh tướng Hoàng Ngũ Phúc đem quân vào đánh chiếm Phú Xuân. “Lưỡng đầu thọ địch”, gia quyến chúa Nguyễn Phước Thuần xuống thuyền vượt biển vào dất Đồng Nai tỵ nạn (Biên Hòa - Gia Định).
Năm 1775, Lê Quý Đôn được triều đình Lê - Trịnh cử vào làm Hiệp trấn Thuận Hóa, Ông ghi nhận cuộc sống sung túc của nhân dân địa phương như sau: “...Ở đây dân chúng ăn mặc màu sắc tươi đẹp, sang trọng. Hơn nữa, trải qua thời Võ vương là người hào phóng nên dân bắt chước lâu ngày thành thói quen. Trong giới quan lại lớn nhỏ không người nào không làm nhà cửa chạm trổ, thềm đá, tường gạch, chăn màn đều dùng các hàng sa đoạn, đồ vật làm bằng đồng thau, họ ngồi sập cao, ghế tựa, ăn uống bằng mâm sứ chén kiểu, yên cương trang sức bằng vàng bạc. Quần áo may bằng các thứ gấm vóc, lụa là, chiếu đệm đan bằng mây hoa, cuộc sống rất phong lưu, phú quý, đua đòi hưởng thụ, khoe khoang,...Những người giàu có ngoài dân gian cũng bắt chước mặc các thứ hàng sa, đoạn, lương, địa hằng ngày, lấy việc dùng áo vải làm hổ thẹn với người chung quanh. Đàn bà, con gái đều dùng hàng tơ lụa, cổ áo thêu hoa, coi bạc vàng như cát, lúa thóc như bùn, xa xỉ thật là quá đáng”.
Sau khi xem xét thấy rõ điều kiện sinh hoạt ở địa phương, quan Hiệp trấn Lê Quý Đôn liền ra hiểu thị: “Địa phương này (Thuận Hóa - Huế) trước kia cũng tuân theo quốc tục trong việc ăn mặc. Ngày nay nhờ ơn đức Chúa thượng (Trịnh Sâm) đã dẹp yên được chốn biên phương, trong ngoài đã hợp đồng với nhau thì chính trị và phong tục cũng phải được thống nhất. Vậy những người nào vẫn còn bận thường phục theo kiểu áo quần đổi mới thì phải thay đổi theo truyền thống, phong tục nước ta. Muốn cải cách thay đổi cứ phải y theo thể chế nước nhà mà làm (tức theo kiểu ở Bắc hà). Vậy từ nay y phục phải đổi theo quốc tục thì quần áo nên may bằng vải lụa thông thường. Chỉ những quan chức mới được dùng thêm hàng sa, là, trừu, đoạn mà thôi. Những loại hàng gấm, vóc cùng những hàng màu dệt thêu rồng phượng thì nhất luật không được theo thói tiếm dùng mặc thường như trước. Từ nay trở đi, đàn ông, đàn bà chỉ được mặc thứ áo ngắn tay, cổ thẳng còn cửa ống tay áo rộng hay hẹp thì được tùy tiện. Áo thì từ hai bên nách trở xuống phải được khâu liền vào cho kín không được để hở hang. Duy đàn ông có muốn mặc thứ áo cổ tròn và cửa ống tay hẹp để làm việc cho thuận tiện cũng được phép. Còn áo làm lễ thì phải dùng thứ áo cổ thẳng và ống tay dài (giao lĩnh). Dùng vải màu xanh hay màu đen, hoặc màu trắng thì tùy tiện. Còn những cấp bậc nào thì được dùng các thứ áo viền cổ, áo kép đều phải tuân theo những điều đã hiểu thị tại năm trước mà chế dùng.”
Triều đình Bắc hà, cai trị Thuận Hóa được 12 năm (1775 - 1786). Năm 1786, Nguyễn Huệ đem quân Tây Sơn (Quy Nhơn) ra giải phóng Phú Xuân và tiếp theo ra Thăng Long giật đổ triều đình Lê - Trịnh. Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế tại Phú Xuân, đặt niên hiệu là Quang Trung, được nhà Thanh chính thức công nhận phong làm An Nam Quốc Vương thay thế nhà Lê (1789). Phú Xuân trở thành kinh đô nước Đại Việt dưới hai triều Quang Trung (1788 - 1792) và Quang Toản (1793 - 1801). Về y phục của nhân dân, vua Quang Trung trong chiếu lên ngôi đã ghi rõ cho phép: “y phục dân gian Nam hà, Bắc hà đều theo phong tục của mỗi miền. Chỉ có áo, mũ vào chầu của các quan thì nhất nhất phải tuân theo chế độ mới”.
Năm 1802, chúa Nguyễn Phước Ánh hoàn toàn chiến thắng nhà Tây Sơn, thống nhất đất nước lên ngôi hoàng đế, kế thừa chính thống, đặt niên hiệu là Gia Long, chọn Phú Xuân làm kinh đô của nước Việt Nam. Nhà vua họp bàn với đình thần về phong tục và dụ rằng: “ Dân Nam hà vốn thói tằn tiện, từ thời Tây Sơn quen thói xa xỉ, tiêu dùng không có tiết độ, nhiều người bắt chước, hư tệ từ đó sinh ra. Dân Bắc hà thì kiểu quần áo không đẹp. Phải nên một phen sửa định mới có thể thống nhất phong tục. Nhưng sửa đổi phong tục cũng phải dần dần.”
Qua triều Minh Mạng (1820 - 1840), vua theo lời tâu xin của sĩ, dân Bắc hà, cuối năm 1828, ban lệnh từ sông Gianh trở ra Bắc kể từ mùa xuân sang năm phải đồng loạt thay đổi y phục theo như kiểu thức của dân chúng từ sông Gianh trở về Nam. Từ thời điểm này áo dài năm thân cổ đứng chít 5 khuy bên phải kèm với cái quần hai ống được chính thức công nhận là quốc phục của nước Việt Nam, phổ biến từ trong cung đình ra dân gian. Phép vua là vậy nhưng lòng dân Bắc Hà “bằng mặt nhưng không bằng lòng”, người dân truyền các câu ca dao:
“Chiếu vua Minh Mạng ban ra
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng
Không đi thì chợ không đông
Đi ra phải lột quần chồng sao đang
Có quần ra quán bán hàng
Không quần đứng nấp đầu làng trông quan”
Không chỉ các cô, các bà phản ứng mỉa mai vì mất tự do tung tẩy với chiếc áo tứ thân và cái váy sồi, váy đụp truyền đời đã quá ngàn năm, trong cái nôi của dân tộc Việt. Ngay cả nam giới dù nho sĩ hay nông dân cũng bị tổn thương buồn giận! Vì cái váy đã để lại ấn tượng thân thương , êm đềm thời thơ ấu, họ tự hào đánh đố:
“Vừa bằng cái thúng mà thủng hai đầu,
Bên Ta thì có, bên Tàu thì không.”
Thời trai trẻ họ đã bao lần hứng cảm trào dâng nhờ sự hớ hênh của cái váy:
“Trưa hè Em để em ra,
Sợ Em thức giấc đứng xa anh nhìn vào
Cha đời! Một nắm thuốc lào
Thế gian thử hỏi thằng nào không say?”
Đậm đà đến nổi qua thế kỷ 20, khi tân học phổ biến, nam giới phần đông đã dứt khoát với khăn xếp, áo the mà nhà thơ Nguyễn Bính vẫn còn hờn dỗi người yêu:
Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!
Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?
Trào lưu tân học càng ngày càng lan rộng khiến đời sống xã hội thay đổi nhanh chóng. Thanh niên nam nữ thành thị không chấp nhận gò bó theo khuôn vàng thước ngọc của hệ tư tưởng Khổng - Mạnh nữa. Họ đòi hỏi tự do cá nhân, bình đẳng giới tính, bình đẳng giai cấp. Phụ nữ có điều kiện ra khỏi mái nhà tham gia hoạt động xã hội như nam giới. Họ khát khao được tôn vinh nhan sắc, phô diễn đường nét hấp dẫn của cơ thể. Khăn vấn, tóc búi, áo năm thân, quần ống sớ trở thành lạc điệu với nếp sống mới.
Vào thập niên 30 tại Hà Nội thủ phủ của xứ Đông Dương thuộc Pháp, hai họa sĩ tài hoa Cát Tường (1930), Lê Phổ (1934) tiếp thu một vài chi tiết của trang phục phụ nữ phương Tây sáng tạo ra nhiều kiểu áo dài cách tân nhằm đáp ứng thị hiếu lãng mạn đương thời của thanh niên nam, nữ ở các thành thị.
Sau cuộc Cách mạng mùa thu năm 1945, chế độ chính trị thay đổi từ đó áo dài cũng nổi chìm theo vận nước. Từ năm 1955 đến năm 1975, miền Bắc nổ lực xây dựng chủ nghĩa xã hội, thống nhất đất nước, nên áo dài mất bóng trong sinh hoạt đời thường. Miền Nam, áo dài vẫn phát triển phục vụ nhu cầu sử dụng của nữ giới cho đến sau mùa hè năm 1975 mới bị xem lạc hậu, lỗi thời, chìm dần vào dĩ vãng.
May thay! Từ năm 1986, nhà nước Việt Nam mở cửa giao lưu rộng rãi với quốc tế, cổ súy bảo tồn, phát huy di sản văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc. Nhờ vậy, áo dài có cơ hội phục sinh mạnh mẽ, uyển chuyển tung bay khắp phố phường nam bắc. Các nhà thiết kế thời trang, tạo mẫu, các nghệ nhân nghề đem hết tâm tình, cảm hứng tổ chức trình diễn nhiều bộ sưu tập áo dài muôn màu muôn vẽ. Chính những điều kiện thuận lợi này, giai nhân Việt Nam đăng quang với áo dài hết sức thẩm mỹ, sang trọng trên các sàn thời trang ở trong nước cũng như ở nước ngoài.
Sau bao nổi thăng trầm, nay bình tâm nghiệm lại, chúng ta thấy áo dài xứng đáng là nét đẹp đặc sắc của văn hóa của Việt Nam.