Một người cầm bút trưởng thành trong không gian nhà rường Huế

           Do mắt kém và thời gian hạn hẹp nên tôi không thể nghiên cứu để có một tham luận cho Hội thảo “Phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật của nhà rường Huế”. Để đáp lại thịnh tình của Ban tổ chức Hội thảo đã nhớ mời tôi. Thay cho tham luận tôi xin phát biểu những ấn tượng về nhà rường – không gian tôi đã trưởng thành người cầm bút xứ Huế.

          Tôi xa Huế từ năm 3 tuổi. Đến năm  15 tuổi (1952) từ Đà Lạt tôi mới về Huế thăm ông bà nội tôi sống trong một ngôi nhà rường ở làng Dã Lê chánh thuộc Phường Thủy Vân ngày nay. Ngôi nhà rường thật xa lạ với dân nghèo Đà Lạt nhà cửa toàn đóng bằng váng ngo (thông). Mãi đến năm  19 tuổi (1956), gia đình ba tôi ở Đà Nẵng gặp khó khăn kinh tế nên đã gởi tôi và chú em về làng sống nhờ đồng lương hưu của ông Nguyễn Đắc Tiêu - Đội trưởng Đội Nhạc chánh Nam triều. Cho đến năm đó tôi mới học Đệ ngũ Quốc Học (ngang với lớp 8 ngày nay), nói tiếng Quảng, xa lạ với Huế nên tôi mang trong lòng mặc cảm nhà quê dốt nát. Để khắc phục phần nào sự dốt nát của mình tôi rất chăm học. Học ở nhà trường, học trong sách vở, học cuộc sống Huế. Chuyện gì tôi cũng muốn biết. Người thầy kể chuyện triều Nguyễn cho tôi là bác Nguyễn Đắc Vọng – Ngũ đẳng Thị vệ đời Khải Định, bác từng theo hầu vua Khải Định sang Pháp năm 1922. Người dạy cho tôi nếp sống của người Huế là ông nội tôi.

           Nhà tôi có ba gian hai chái và một dãy hiên rộng. Gian giữa phía trước thờ Phật, phía sau thờ ông bà cố và những người thân đã khuất mặt. Gian bên phải, phía trước đặt bàn tiếp khách, uống trà, phía sau là giường ngủ của ông nội tôi. Gian bên trái phía trước dành cho bà nội tôi tiếp khách nữ và con cháu gần xa. Phía sau là đặt cái rương gỗ cất giữ tất cả những gì quý giá của gia đình và cũng là giường ngủ của bà nội tôi. Chái bên phải (chái tây) là nơi anh em tôi học tập, có tủ sách, bàn học, giường ngủ của anh em tôi, trên vách gỗ ngăn gian bên phải với chái tây treo mấy cây đàn mà ông nội tôi thỉnh thoảng dùng khi có bạn tri âm đến chơi. Chái phía bên trái (chái đông) phía sau là cái liêu (phòng) bằng gỗ đóng kín, xem như cái kho của gia đình, phía trước là giường nằm của của các cháu trong gia đình. Dọc theo các hàng cột treo các câu đối mà học trò của ông nội tặng ông nội ngày ông về hưu. Trên gần nóc gian giữa có một bức ván dày lát theo chiều dọc của nhà nối hai hàng cột cái nằm trên các trến. Ông nội tôi bảo đó là cái rầm thượng.

Ngôi nhà rường của Chánh đội nhạc chánh Nguyễn Đắc Tiêu ở Dã Lê Phường Thủy Vân

Ngôi nhà rường của Chánh đội nhạc chánh Nguyễn Đắc Tiêu ở Dã Lê Phường Thủy Vân

Hàng cột sau cửa bàng khoa

Hàng cột sau cửa bàng khoa

             Công dụng của rầm thượng là để cất lúa vào mùa lũ lụt. Thời kháng chiến nhiều cán bộ Việt Minh đã ẩn mình trên đó rất an toàn. Mỗi buổi sáng pha trà, chén trà đầu tiên ông nội tôi sai anh em tôi bưng vào bàn thờ thắp hương mời “ôn mệ” rồi mới quay ra uống trà với ông. Tôi nghĩ “ôn mệ” là ma nên hơi sợ. Ông nội tôi quát: ”Ôn mệ mình chớ răng mà ma!”. Tôi được giải thích có bốn đời sống trong ngôi nhà rường này. Ôn mệ linh thiêng lắm. Ông kể: “Năm năm mươi lính Pháp về đốt hết cả làng. Khi chúng đến chuẩn bị đốt nhà mình thì vô tình chúng vào bàn thờ thấy tấm hình ông đứng với các vị nhạc chánh, chúng nghĩ đây là người của vua chúa chứ không phải Việt Minh nên chúng quay ra. May mắn nhà mình còn giữ được. Trong làng nhà cụ Thượng Song, nhà ông Quảng Liễu đều bị đốt hết”. Ông nội tôi rất thương cái nhà. Mỗi lần tôi đóng đinh lên các cột, vách vách ngăn để treo áo mũ hay ảnh đều bị ông la. Ông kể hồi ông mới năm mươi tuổi nhờ người dẫn ra Quảng Trị tìm mua được một ngôi nhà rồi tháo giở thuê đò chở vô ráp nên cái nhà này. Tất cả cột kèo ráp với nhau đều bằng liên kết mộng chớ không dùng bất cứ một cái đinh nào”. Hầu hết nhà rường ở Huế đều mua ở Quảng Trị. Nhà tôi nghe nói có đến 56 cái cột, kê trên đá táng tròn.  Người trong nhà gọi đúng tên các cột nào là cột cái, cột con, cột hiên, cột quyết.v.v. Tôi chưa bao giờ đếm các cột và cũng không tài nào nhớ hết tên các cột.  Thời học Trung học tôi thích Thơ mới, học đàn Mandoline nên tôi không thích các hoành phi câu đối trong nhà tôi. Như câu: Phong tống địch huyền vinh nhập diệu/ Hoa nghinh kiếm bội khánh thăng giai. Ông nội tôi dạy: “ Vua quan dân chúng mình từ xưa đến nay theo Đạo Khổng nên dùng chữ Hán, chứ chữ quốc ngữ mới đây chỉ những người theo Tây học dùng thôi. Chính những hoành phi câu đối đó cho biết người chủ nhà là ai, điều gì họ được quý trọng nhất. Chỉ có chữ Hán súc tích được những điều đó thôi”. Nhớ lời ông nội dạy, lên Đại học tôi chọn thi vào Ban Việt Hán Đại học Sư phạm Huế.

Gian giữa thờ Phật (trước) và thờ linh (sau);

Gian giữa thờ Phật (trước) và thờ linh (sau);

           Nhà dựng trên một cái móng cao ba cấp, phía trước có một dãy hiên rộng, lợp hai lớp ngói liệt, độ dốc mái cao nên chịu đựng được những mưa bão hằng năm. Trước có sân rộng. Ở mép ngoài của sân xây một cái bể cạn chưa nước mưa để nấu ăn và nấu nước pha trà. Phía ngoài bể cạn là một khu vườn mít, thanh trà, nhãn vãi. Quanh năm rợp bóng. Vào mùa hè anh em tôi thường ra treo võng nối các cây lại với nhau, nằm đọc Tự Lực Văn Đoàn. Dọc theo mép vườn ông nội tôi trồng hoa mộc, hoa sói để uống trà. Hồi Tết Mậu Thân 1968, một quả bom Mỹ rơi xuống đúng khu vườn, đào một hố sâu, cây trái trong vườn tan nát hết. Nhà tôi bị tốc mái, nước mưa trút vô nhà, tủ sách gia đình ký cóp bao năm ươt đẫm được người nhà hốt ra lấp hố bom. Sau ngày thống nhất (1975) tôi sống ở Huế. Tôi được bà Nguyễn Đình Chi-đại biểu Quốc Hội, xem như một người con văn hóa Huế. Tôi và các anh Lê Văn Hảo, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Dương Đình Châu, Tô Nhuận Vỹ thường có những sinh hoạt văn hóa ở vườn nhà An Hiên. Cái nhà rường của ông Đội trưởng Nhạc chánh trong tôi được nâng cấp lên với ngôi nhà rường của quan Thượng và phu nhân là người phụ nữ miền Trung đầu tiên đỗ Tú Tài Tây. Nhà vườn An Hiên cũng ba gian hai chái nhưng cao rộng hơn nhà ông nội tôi. Ngôi nhà dựng trên một khu vườn rộng, phía trước có hồ, bình phong, ngoài xa có cổng An Hiên. Trong nhà đố, bảng chạm khắc hoa văn rất đa dạng. Ở góc ngoài vườn có một cụm những cây cao dành cho ma quỷ, trong vườn đủ các loại cây ăn trái thanh trà, mang cụt, dâu, nhãn, vãi. Hai bên con đường dẫn từ cổng trước vào nhà trồng hai hàng mai trắng. Dưới gốc hai hàng mai là hai hàng hoa hải đường. Những khi có hội họp đông người chúng tôi được tháo hết các cửa trước dựng qua một bên nối nội thất ngôi nhà với khoảng sân rộng và hồ nước. Tôi vốn là thành viên trong Mặt trận Liên Minh với bà An Hiên hồi kháng chiến và là người yêu văn hóa Huế nên được bà An Hiên tin cẩn. Trong ngôi nhà An Hiên tôi được bà chỉ dạy cho tôi từ việc nhỏ như cách thức pha trà tiếp khách, các màu áo dài tiếp khách tùy theo cấp bậc xã hội và tuổi tác cho đến việc lớn phải làm gì để bảo vệ văn hóa Huế. Nhà rường là nét đặc trưng của Huế nên đã có hàng chục phim trong nước và ngoài nước đã lấy cảnh quan nhà vườn An Hiên dựng chuyện. Tôi được cùng bà An Hiên tiếp khách trong nước và quốc tế. Tôi còn nhớ nhất là tiếp đoàn cán bộ UNESCO, tiếp đoàn bà vợ đầm của vua Duy Tân, tiếp đoàn Nxb Terre Bleue của Pháp làm công trình Viet Nam L’Invitation. Tất cả những kỷ niệm, những điều tôi được học hỏi ở An Hiên đã được thể hiện trong cuốn Nhánh Tùng Vườn An Hiên, nxb Thuận Hóa xuất bản năm 2011. Năm 1997 bà An Hiên qua đời tôi và các thân hữu của An Hiên tổ chức đám tang cho bà. Hai hàng hoa hải đường dọc con đường bà ra vô hàng ngày bỗng héo hết. Người nhà phải xé vải trắng quấn cho từng cây hoa. Hải Đường để tang bà An Hiên.

Bà An Hiên bên bàn thờ Phật gian giữa nhà An Hiên (ảnh Việt Nam L’Invitation)

Bà An Hiên bên bàn thờ Phật gian giữa nhà An Hiên (ảnh Việt Nam L’Invitation)

Phim Giữ Hồn Cho Huế (VTV1) dùng cảnh quan Nhà vườn An Hiên.

Phim Giữ Hồn Cho Huế (VTV1) dùng cảnh quan Nhà vườn An Hiên.

          Tôi chưa có cơ hội nghiên cứu về nhà rường, những gì tôi biết do trực tiếp sống và hoạt động trong không gian nhà rường mà thôi. Tuy nhiên, qua giao tiếp tôi thường nghe anh bạn Dương Đình Vinh (nay đã qua đời) nói về nhà rường. Trong đầu tôi luôn nghĩ nhà rường là một di sản văn hóa độc đáo của Huế. Với tinh thần nghiên cứu và phát triển di sản văn hóa Huế mà tôi đã và đang theo đuổi thì nhà rường đối với tôi có những giá trị sau đây:

          - Nhà rường phổ biến có ba gian hai chái. Hàng cột cao nhất phụ thuộc vào chiều cao của cây rừng mà gia chủ có thể mua được (phổ biến là gỗ mít). Gỗ các bộ phận khác cao thấp ngắn dài theo tỷ lệ của dãy cột cái. Mái nhà có độ dốc cao để nước mưa chảy thoát nhanh. Như vậy ngôi nhà không cao quá các cây cổ thụ, hạn chế tác động của gió bão, hài hòa với cảnh quan sân vườn chung quanh. Đó là yếu tố cơ bản cho kiến trúc phong cảnh mà thế giới đang hướng đến;

- Do được cấu tạo theo kiểu lắp ghép đơn nguyên nên kết cấu bộ khung nhà rường phù hợp cho nhiều qui mô công trình và nhiều loại hình công năng khác nhau. Nếu không cố tình phá bỏ thì nhà rường có tuổi thọ đến vài trăm năm, được tháo ráp dựng lên trên nhiều địa điểm khác nhau, rất tiết kiệm;

- Qui mô của nhà rường phù hợp cho nhiều tầng lớp từ thấp đến cao (một gian hai chái, ba gian hai chái, năm hay bảy gian hai chái, thành cung điện), từ người bình dân đến quan to, ông hoàng bà chúa, vua Nguyễn;

- Nội thất nhà rường thiết kế nề nếp gia phong của gia đình, nhiều đời sống chung một mái nhà, các thế hệ nối tiếp, giữ vững truyền thống. Cái hồn Việt được giữ vừng. Giúp cho dân tộc hòa nhập mà không bị hòa tang.

- Nhà rường vườn Huế là một di sản văn hóa Huế của văn hóa dân tộc khác với nhà vườn Trung Quốc và Nhật Bản. Huế nên phục hồi một khu nhà vườn Huế để làm mẫu kiến trúc Huế, phát triển thành công viên, thu nhỏ để xuất khẩu.

Bể cạn trước nhà

Bể cạn trước nhà

Chái tây ngày nay

Chái tây ngày nay

Kết luận:  Nhà rường vườn Huế với trang phục và món ăn Huế là nếp sống sang trọng tiêu biểu nhất của Việt Nam. Huế phải gìn giữ và phát triển cho dân tộc.

                                                                    Huế, Tháng 10 năm 2021.

                                                                            Nguyễn Đắc Xuân          

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang