(Huehoc.com) Cho mãi đến đầu thập niên bảy mươi, tên tuổi Bửu Chỉ (1948-2002) mới đến với tôi trong vùng chiến khu Thừa Thiên Huế với các tranh bút sắt dùng làm bìa các đặc san Đất Lành (Sinh viên Luật Khoa Huế, tháng 3/1969), Tin Tưởng (Đoàn SVPT Huế, Số 1, Phật Đản 2515, 1971), Đất Nước Ta (Đoàn Công tác xã hội SVHS Huế, 1971). Qua năm 1972, được xem tấm ảnh Bửu Chỉ nhỏ thó đội mũ nồi nghiêng như Ché Guevara đứng vẽ tranh biếm họa chống Mỹ trên tường Morin (Đại học Văn khoa Huế), anh Hoàng Phủ Ngọc Tường nhớ ra Bửu Chỉ là học trò cũ của anh ở trường Quốc Học Huế.
Không thể ngờ con người Hoàng tộc nhỏ thó ấy lại có thể vẽ những bức biếm họa đấu tranh mạnh mẽ đến như thế! Không lâu sau đó, chúng tôi lại được tin Bửu Chỉ cùng với một người bạn cũng vừa tốt nghiệp Đại học Luật khoa Huế là Nguyễn Duy Hiền bị bắt, chúng tôi rất xúc động. Thành ủy Huế bí mật vận động sinh viên học sinh Huế đấu tranh đòi thả Bửu Chỉ và Nguyễn Duy Hiền, đồng thời chỉ đạo những người cầm bút giải phóng chúng tôi viết bài gởi Đài Phát thanh Giải phóng và báo chí Hà Nội tố cáo chính quyền Sài Gòn bắt bớ giam cầm những sinh viên yêu nước vô tội.
Cùng xuất thân phong trào tranh đấu, với sự cảm phục nhau sẵn có, ngày thống nhất đất nước (1975), tôi gặp Bửu Chỉ lần đầu mà giống gặp lại một người bạn cũ như Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Tôn Thất Văn...Rồi từ ấy, chúng tôi cùng hoạt động văn nghệ Bình Trị Thiên, cộng tác với tạp chí Sông Hương, cùng phụ trách Hội Văn Nghệ Thành phố Huế (1988-1900)...trong một thời gian dài. Giữa chúng tôi, người nào cũng có cá tính, đôi khi cực đoan, cho nên nhiều lúc xảy ra chuyện đập bàn đập ghế cãi nhau tưởng chừng như không bao giờ còn nhìn mặt nhau nữa.
Nhưng rồi đâu lại vào đó, giữa chúng tôi “buồn ít hơn vui”, lại chơi với nhau. Vào đầu những năm 1980, có lần tôi đã cao hứng viết bài giới thiệu họa sĩ Bửu Chỉ trên Báo Ảnh Việt Nam. Đáp lại, Bửu Chỉ là người vẽ bìa cuốn sách Triều Nguyễn và Huế xưa đầu tiên của tôi (Hương Giang Cố Sự, 1986) và một số đầu sách khác do tôi biên soạn sau đó.
Trong đám bạn bè vong niên của tôi, Bửu Chỉ là người có tính cách đặc biệt nhất. Cái tính cách mà ai cũng nhận thấy nơi Bửu Chỉ là “chướng”, “ngạo”, “cực đoan”, và đôi khi “táo bạo”. Đối với những người không có cá tính, không có bản lĩnh, hay a-dua, thiếu trung thực Bửu Chỉ dứt khoát “không chơi”. Mà đã “không chơi” là tỏ thái độ rõ ràng chứ không úp mở, màu mè để đánh lừa người khác. Bửu Chỉ là một Hoàng tộc, cháu 5 đời của vua Minh Mạng, nhưng anh ít khi tham gia các lễ lạt của Nguyễn Phước tộc, của Phủ Tuy Lý. Năm rồi (2002) không thấy Bửu Chỉ tham dự lễ kỵ vua Thế Tổ nhân 200 năm đặt niên hiệu Gia Long, tôi hỏi lý do, Chỉ bảo :“Chuyện triều Nguyễn đã qua rồi, tôi không muốn gặp một số người tư cách rất kém mà xun xoe con vua cháu chúa, chướng lắm!”. Thái độ cực đoan của Bửu Chỉ đã làm cho nhiều bà con trong Hoàng tộc không hài lòng. Đối với Hoàng tộc mà còn như thế, cho nên xã hội khó tìm được sự chan hoà nơi anh.
Tôi làm Gác Thọ Lộc vừa xong, Bửu Chỉ lên thăm. Thấy cái phòng khách đẹp mà các bức tường chung quanh đang để trống, Bửu Chỉ chỉ vào bức tường chính giữa nhà và bảo tôi: “Ông dành cho tôi bức tường nầy, tôi sẽ mừng nhà mới của ông một bức tranh đã triển lãm ở Hồng Kông rất thích hợp với con người nghiên cứu Huế của ông nhưng với điều kiện ông không được treo thêm bất cứ tranh của ai trong cái phòng khách nầy nữa”. Thật là chuyện bất ngờ đối với tôi, tôi đồng ý. Mấy hôm sau bức Người Mang Dáng Cổ Thành “ngự” lên phòng khách nhà tôi. Các con tôi rất quý bức tranh của Bửu Chỉ nhưng không biết đã có một “cam kết” giữa tôi và Bửu Chỉ như thế nên chúng đã treo thêm ở phòng khách một tranh của Điềm Phùng Thị tặng tôi từ hồi bà mới ở Pháp về. Lên chơi, thấy có thêm bức tranh của bà Điềm (ông Bửu Điềm cùng một cụ cố với Bửu Chỉ), Bửu Chỉ không dám phản đối nhưng giận tôi đã không giữ lời hứa. Tôi phải giải thích mãi anh mới chịu bỏ qua.
Bửu Chỉ xuất thân trong một gia đình giỏi Pháp ngữ. Thân mẫu của họa sĩ là bà giáo Nguyễn Thị Trâm (1906) - người từng dịch truyện Kiều sang Pháp ngữ, dạy tiếng Pháp cho Bửu Chỉ từ khi Chỉ mới nói bập bẹ. Chỉ là em thứ 14 trong gia đình (em út), các anh chị của Chỉ cũng đều giỏi Pháp ngữ. Nhờ giỏi Pháp ngữ, Bửu Chỉ đã đọc được các sách hội hoạ thế giới trong tủ sách nghệ thuật của thân sinh - cụ Ưng Thuyên (1900), nên anh có kiến thức về hội họa khá vững, nhiều hoạ sĩ cùng lứa tuổi khó đuổi kịp anh. Từ hồi học Tiểu học ở trường Thế Dạ và trường Trung học Quốc Học, học môn sinh vật, Bửu Chỉ vẽ rất đẹp. Lớn lên nghiên cứu các trường phái cổ điển (classicisme), tả thực (réalisme), siêu thực (suréalisme), tượng trưng (symbolisme), lập thể (cubisme), ấn tượng (impressionnisme), các môn phái Flammand, Florence, Padoue.v.v. Bửu Chỉ biết mình đứng ở đâu và phải làm gì để tạo ra “trường phái Bửu Chỉ” riêng cho mình. Và, Bửu Chỉ không chỉ nghiên cứu hội hoạ, anh còn say mê đọc sách chính trị, đọc Kinh Dịch, và cuối đời còn nghiền ngẫm sách Phật. Trong tranh của Bửu Chỉ sau nầy ta thấy có mặt trời xuất hiện cùng với mặt trăng, màu đỏ đi bên cạnh màu đen. Đó là biểu tượng của âm dương trong Kinh Dịch. Và, không chỉ chuyện sách vở, Bửu Chỉ rất nhạy bén trước các vấn đề thời sự chính trị trong và ngoài nước. Là một nghệ sĩ, rất đam mê, dục tính mạnh, nhưng trong các cuộc hội thảo, các cuộc họp, bao giờ Bửu Chỉ cũng trình bày ý tưởng của mình một cách hùng biện (éloquence), khúc chiết và trí tuệ. Bửu Chỉ ít viết, mỗi khi cần phải viết thì anh viết như một người cầm bút thực thụ, văn hay, ý tưởng mới và dũng cảm. Bài Về Trịnh Công Sơn Và Những Ca Khúc Phản Chiến Của Anh của Bửu Chỉ đăng trong sách Trịnh Công Sơn (1939-2001) - Cuộc Đời Âm Nhạc, Thơ, Hội Họa và Suy Tưởng (Nxb Văn Nghệ TP HCM, 2001) là một tiểu luận (essay) rất được bạn đọc quan tâm. Qua tiểu luận nầy Bửu Chỉ đưa ra ý niệm nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn là tiếng nói của lương tâm. Ngày nay dù chiến tranh đã đi qua hơn ¼ thế kỷ rồi, “...chúng ta vẫn đang cần đến lương tâm, lòng nhân ái cho những việc lớn lẫn việc nhỏ. Và chúng ta đừng bao giờ nhìn về bi kịch con người bằng một cái nhìn đơn giản.” (Sđd. tr. 26).
Tôi không rành hội họa, tôi nhìn Bửu Chỉ dưới con mắt của người cầm bút. Chơi với Bửu Chỉ tôi có cảm giác anh vẽ theo luận đề. Tức là ý tưởng có trước và anh tìm hình tượng và màu sắc để vẽ ý tưởng ấy thành tranh. Ý tưởng thời tranh đấu vẽ bằng bút sắt mực đen là người dân bị áp bức vùng lên phá vỡ gông xiềng, đòi cơm áo, hòa bình, độc lập. Lúc tài năng chín muồi trong hòa bình với chất liệu màu dầu anh nghĩ về thân phận làm người hữu hạn trong cái vô hạn của không gian và thời gian. Anh hình dung đến những ngóc ngách phức tạp của thân phận làm người. Con người mong manh, sinh ra và mất đi rồi lại hoá kiếp. Trên thân tượng đá già cỗi nứt nẻ nẩy sinh những chùm hoa ngũ sắc xinh đẹp (Ngựa Đá), bức cổ thành khép chặt quá khứ đong đưa chiếc quả lắc đồng hồ, mang cả dĩ vãng đi vào tương lai (Người Mang Dáng Cổ Thành).
Con người không thể tránh được vực thẳm của hủy diệt. Nhưng cái vực thẳm hủy diệt của Bửu Chỉ chịu ảnh hưởng của đạo Phật nên không bi đát như triết học hiện sinh (existentialisme) của Albert Camus, của Jean P.Sartre. Dưới cái vực thẳm của số phận đôi khi loé lên một chấm son là vầng dương hy vọng.
Và không chỉ có hủy diệt, Bửu Chỉ còn có một số lượng tranh thể hiện ý tưởng sinh thành rất lớn. Nhiều người cứ nghĩ đó là tranh nuy (nu), tranh lõa thể khiêu dâm. Có lần tôi nghe Bửu Chỉ trao đổi với một nhạc sĩ rằng: “Đối với nhà Phật, ham muốn là tội lỗi, nhưng nghệ thuật mà hết ham muốn thì coi như kết thúc. Con người phải chịu tội ham muốn để còn tồn tại”. Bức tranh cuối cùng của một đời tài hoa, Bửu Chỉ vẽ con dê dành cho năm Quý Mùi. Bửu Chỉ bảo tôi : “Con dê hơi sex một chút mà gấm hoa, sự thịnh vượng của đất nước sẽ sinh sôi căng đầy như bầu sữa mẹ vậy”.
Những ý tưởng về Bửu Chỉ trong tôi - một người xem tranh không chuyên, có thể đúng và cũng có thể không đúng với Bửu Chỉ. Nhưng mỗi lần tôi nghĩ về sự nghiệp nghệ thuật của Bửu Chỉ tôi thấy sang trọng, chân thật, có nhiều tính người, khiến cho tôi ham sống nhưng bình thản trước sự đổi thay, hủy diệt.
Nhớ Bửu Chỉ, Mười năm đã qua đời (2002-2012)
Nguyễn Đắc Xuân