Gặp gỡ nhà nữ điêu khắc Điềm Phùng Thị

Điềm Phùng Thị, sinh năm 1920 tại Huế, là nữ điêu khắc gia Việt Nam thành danh ở Pháp trong mấy mươi năm qua, bà là nghệ sĩ tạo hình Việt Nam duy nhất cho đến nay được chọn ghi tên và sự nghiệp vào tự điển “Larousse về hội họa và điêu khắc thế kỷ XX” bà cũng là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được mời làm Viện Sĩ Viện Hàn Lâm Khoa Học - Văn Nghệ Châu Âu. Bà đã có 38 tượng hoành tráng dựng trên đất Pháp. Cuối tháng 2/1994 vừa qua, tại Huế - quê hương của bà, đã khánh thành nhà trưng bày Điềm Phùng Thị gồm trên 200 tranh tượng đem từ pháp về, tặng cho nhân dân sông Hương núi Ngự.
Nguyễn Đắc Xuân (NĐX): Thưa bà, báo chí trong và ngoài nước đã giới thiệu tiểu sử và sự nghiệp của bà. Tuy thế, vẫn còn khá nhiều độc giả chưa hiểu vì sao bà lại có cái tên Điềm Phùng Thị?
Điềm Phùng Thị (ĐPT): Tên thật của tôi là Phùng Thị Cúc, chồng tôi là Bửu Điềm cháu bốn đời của ông hoàng Tuy Lý Vương. Theo người Pháp, thông thường tên phải đặt trước họ, người phụ nữ khi đã lập gia đình phải lấy tên chồng. Điềm Phùng Thị - Điềm là tên chồng tôi. Phùng Thị là họ gốc của tôi. Nhưng theo tập quán Việt Nam, tên đặt sau họ cho nên có nhiều người nhầm gọi tôi là “Thị”, người quen xưa thì gọi tên Cúc, người biết kỹ mới gọi là Điềm. Nhưng tác giả các tranh tượng của tôi thì chỉ có một tên là Điềm Phùng Thị mà thôi !

NĐX: Nhiều người cho rằng hình như vì một lý do nào đó mà bà ít khi nhắc đến chuyện “chồng con”, có đúng vậy không, thưa bà?
ĐPT: Tôi hoạt động nghệ thuật, nên chỉ nói đến nghệ thuật, còn chuyện gia đình, và khi cần nói thì tôi cũng nói chứ có ngại gì đâu. Chúng tôi không có con. Cách đây gần 10 năm, anh Bửu Điềm - chồng tôi, bị mất trí nhớ vì ngã từ lầu cao xuống đất.

Tôi đã chạy khắp nơi, mà không một thầy thuốc nào chữa được. Tôi thấy chuyện chăm sóc chồng cũng quan trọng như chuyện sáng tạo nghệ thuật. Tôi ít nói đến tên chồng tôi, nhưng cái tên Điềm Phùng Thị trong “Larousse XXème siède” và trong danh sách Viện Sĩ Viện Hàn lâm khoa học và Văn nghệ châu Âu là tên anh ấy, chứ không có tên Cúc của tôi. Có lời nhắc nhở nào hơn thế nữa đâu!
NĐX: Tôi được nghe nhiều người kể, và được xem các tập ảnh cũ của các cựu nữ sinh Đồng Khánh cùng thế hệ với bà. Thời là nữ sinh Đồng Khánh và sinh viên Nha khoa ở Paris, bà đẹp lắm. Nhiều người đã mất ăn mất ngủ vì bà, nhưng cuối cùng chỉ có một ông Bửu Điềm! Phải chăng ông Điềm hợp với bà nhất?

ĐPT: Đối với tôi, anh Điềm là nhất. Nhưng ở đời, chuyện vợ chồng đều do ông trời định đoạt cả. Tôi tin như thế.
NĐX: Trước đó, bà đã có mối tình nào chưa?
ĐPT: (Ngập ngừng) Tôi đã đính hôn với một người. Anh ấy tên là Hoàng Xuân Hà, em ruột anh Hoàng Xuân Hãn, nhưng anh ấy đã mất khi chiến tranh chống Pháp bùng nổ (ngậm ngùi).
NĐX: Đàn ông Pháp có ai phải lòng bà không ?
ĐPT: Có, nhưng không ai lại kể tên những người đã yêu mình mà mình không đáp lại. Mấy chục năm qua cũng còn nhiều người theo, nhưng không phải theo tôi mà theo mua tác phẩm của tôi!
NĐX: Như thế người Pháp đã có con mắt tinh đời, sớm thấy được tài năng của bà. Xin bà cho biết họ phát hiện tài năng của bà từ khi nào? Có phải là từ khi bà tìm ra được 7 mẫu (module) làm nền tảng cho ngôn ngữ điêu khắc của bà không?
ĐPT: Cuộc triển lãm đầu tiên được giới mộ điệu Pháp lưu ý. Người xem rất đông, có nhiều người tình nguyện ở lại gác phòng triển lãm đến 11 giờ đêm. Họ cho rằng đây là một cuộc triển lãm mang tính Á Đông, hóm hỉnh, tinh nghịch, nhưng không kém phần thâm thúy, triết lý. Ngôn ngữ điêu khắc của tôi dựa trên nền tảng của 7 mẫu mà sau này ông bạn của nhà văn André Malreaux - là Raymond Cogniat gọi là “mots sculptés” (ngôn ngữ điêu khắc) của Điềm Phùng Thị.
NĐX: Xuất thân là một Nha sĩ, lý do nào bà đã sống trọn đời với điêu khắc?
ĐPT: Đầu những năm 60, chiến tranh ở quê nhà diễn ra rất ác liệt. Cảnh chết chóc được truyền hình chiếu lại, làm cho đầu óc ai cũng căng thẳng. Để giữ thăng bằng, tôi đi học võ, học làm đồ gốm để thoát ra khỏi sự chật hẹp của cái mồm của nghề răng! Một hôm đi ngang qua một cái xưởng nặn tượng đất sét, tôi dừng lại đó rồi không đi đâu khác nữa. Hình như, có một sức hút nam châm thu hút tôi, giữ tôi lại. Tôi không xác định được tôi tìm đến điêu khắc hay điêu khắc đã chọn tôi.
NĐX: Xin bà cho biết bà đã tìm ra bảy mẫu (module) trong trường hợp nào và sử dụng chúng ra sao?
ĐPT: Đây là một sự mò mẫm tình cờ. Sau khi rời cái xưởng ấy, tôi vào xưởng tạc tượng đá của một trường tiểu công nghệ. Ở đây có những khối đá khổng lồ, các sinh viên trẻ lực lưỡng đục, đẻo, cưa, xẻ... rộn ràng. Nhìn những rẻo đá rơi xuống đất tự dưng tôi thấy thèm... Tôi âm thầm đi nhặt những rẻo đá ấy - có hình dáng khác nhau. Tôi mày mò mài nhẵn, sửa sang rồi lắp ghép, chồng chất lên nhau, với sự tưởng tượng đây là một bà mẹ, một đứa trẻ, một con vật hay một cái gì na ná, chứ không giống hệt. Tôi xóa đi và sắp lại không theo hình mẫu nữa, tôi được một lọat hình trừu tường hài hòa và đẹp hơn. Trong đống rẻo đá đó, chỉ có bảy miếng là hay dùng nhất, tôi bỏ hết những mẫu thừa và chỉ giữ lại bảy miếng ấy. Phải chăng có một sự ngẫu nhiên huyền bí nào đó dẫn dắt tôi từng bước theo cách trao đổi, diễn đạt của người Trung Hoa xưa. Thí dụ khi họ muốn chỉ con người họ vẽ cái đầu, cái mình, 2 tay, 2 chân và thành chữ nhân.
NĐX: Xin bà cho biết người thưởng ngoạn nghệ thuật đã nói gì về 7 mẫu ngôn ngữ điêu khắc của bà?
ĐPT: Mỗi cái module (mẫu) không có nghĩa gì cả, nhưng khi được xếp lại, chúng trở thành hàng trăm tác phẩm điêu khắc. Như tôi đã nói, nhà văn Raymond Cogniat là người nhận ra giá trị của 7 cái mẫu ấy sớm nhất. Chính ông là người giới thiệu cho chính phủ Pháp mua tác phẩm La Terre (Trái đất) của tôi. Các nhà Đông Phương học so sánh 7 mẫu ấy có sự sinh hóa giống như ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) sinh ra vạn vật trong Kinh Dịch. Giáo sư Nhạc sĩ Trần Văn Khê lại so sánh 7 mẫu giống như 7 nốt (do, ré, mi, fa, sol, la, si) đã làm ra thế giới âm nhạc.
NĐX: Bà có nghĩ đến việc đặt tên cho 7 mẫu ấy không?
ĐPT: Chưa, nhưng những người thợ giúp việc cho tôi vẫn gọi là cái đầu, cái chân, cái tay.
NĐX: Người xem Việt Nam ngắm tranh tượng của bà, lại có cảm nghĩ khác nhau. Người thì bảo bà chịu ảnh hưởng chữ tượng hình (figuration) của người Hán, người thì nói giống với tượng cổ của khảo cổ học người khác nói bà chịu ảnh hưởng kiến trúc cung điện chùa, miếu ở Huế. Và ngược lại, cũng có người nói tranh tượng của bà gần gũi với văn hóa dân tộc ít người ở Tây Nguyên. Bà nghĩ sao?
ĐPT: Người xem có thể liên tưởng và nghĩ theo cách nghĩ của họ. Còn tôi chỉ là Điềm Phùng Thị.
NĐX: Xem Catalogue của bà, tôi biết khá nhiều nơi trên đất Pháp đã dựng tượng của bà ở các công viên, trường học, bệnh viện... Trong những cụm tượng đó bà thích cái nào nhất?
ĐPT: Tôi thích nhất cụm tượng Acrobates (những người nhào lộn) ở một trường mẫu giáo Paris. Có thể sắp xếp khác đi, để trở thành đấu võ, hoặc đánh trận.
NĐX: Thưa bà, ở châu Âu, ai là người sưu tập tranh tượng của bà nhiều nhất?
ĐPT: Tác phẩm của tôi hơi đắt. Ví dụ “La Terre” giá bán đến 250.000 franc. Do đó, nhà nước Pháp là người sưu tập tranh, tượng của tôi nhiều nhất!
NĐX: Tranh tượng của bà có quá nhiều hình tượng chắp tay, nguyện cầu, phụ nữ thì ngơ ngác đứng giữa bầy trẻ thơ, có đúng vậy không? Vì sao lại như thế?
ĐPT: Thời kỳ sáng tạo sung sức nhất của tôi rơi đúng vào thời gian chiến tranh đang diễn ra ác liệt ở Việt Nam. Như tôi đã nói hàng ngày xem T.V thấy cảnh chết chóc, đói nghèo diễn ra trên quê hương, tôi cảm thấy lo lắng, sợ hãi. Tác phẩm của tôi phải cầu nguyện cho hòa bình, cho tình thương. Vì chiến tranh, đàn ông phải ra trận. Mỗi lần về nhà gặp vợ thì để lại cho vợ một đứa con. Phụ nữ trở thành đá vọng phu. Cần có nhiều trẻ con để bù đắp những hy sinh mất mát.
NĐX: Bây giờ, hết chiến tranh rồi, bà đang nghĩ gì về đất nước?
ĐPT: Ai cũng muốn nghệ thuật Việt Nam vươn lên ngang tầm thời đại. Ta làm một tượng đài mà đời con ta phá đi để làm lại là không được. Giữ hay phá là quyền của tương lai. Nếu ta dựng được một tượng đài có giá trị nghệ thuật thực sự thì con cháu của chúng ta lo giữ chứ không phá. Muốn làm được thế phải có nhiều nghệ sĩ tài năng phải có đầu tư đào tạo đúng mức! Phải có giao lưu quốc tế rộng rãi.
NĐX: Thưa bà, bà là người Việt Kiều đầu tiên đem tài sản nghệ thuật vô giá của mình về tặng đất nước, xin bà cho biết nhà trưng bày nghệ thuật Điềm Phùng Thị ở Huế đã hình thành ra sao, hoạt động như thế nào ?
ĐPT: Tôi về nước đã gần một năm, nhà trưng bày đã mở cửa hơn bốn tháng. Lúc đầu, cũng gặp nhiều khó khăn nhưng chính quyền địa phương đã xem trọng tầm quan trọng của nghệ thuật, nên mọi khó khăn rồi cũng qua. Huế đã dành cho tôi ngôi nhà xây từ năm 1930 có sân vườn rộng rãi, Hội bạn Điềm Phùng Thị (Association des Amis de DPT) tại Paris đã bỏ kinh phí sửa chữa, nâng cấp. Tôi đã chuyển về đây 200 tranh tượng để hình thành nhà trưng bày này. Nhà trưng bày nghệ thuật hiện đại đầu tiên ở Việt Nam được khánh thành vào ngày 25-2-1994. Sau 3 tháng mở cửa, đã đón nhận hơn 5000 lượt khách trong và ngoài nước. Mới đây, ông Phan Quang, Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam đã đến thăm, ghi vào sổ vàng lưu niệm:
“Trí tôi tỉnh lại
Tưởng tượng tôi đến với hư vô
Nhưng cảm thấy yêu con người và đất nước”.
NĐX: Thưa bà, nghe nói bà có ý định lập tại đây một xưởng tranh tượng?
ĐPT: Vâng, hiện nay, nhiều cá nhân và nhiều cơ quan nhà nước đang cần tranh, tượng, tượng đài, tôi không thể từ chối yêu cầu ấy. Muốn thỏa mãn nhu cầu này, phải lập hẳn xưởng làm việc tại một nơi giao lưu năng động như Thành phố Hồ Chí Minh chẳng hạn.
NĐX: Nhiều nhà nghiên cứu Pháp và Việt Nam nói nghệ thuật của bà là chiếc cầu nối hai thế giới như thế có đúng không, và bà có phấn đấu cho “chiếc cầu đó không?

ĐPT: Tôi là người Việt Nam, hấp thụ sâu sắc văn hóa Việt Nam. Cái tâm hồn Việt Nam của tôi được phát triển trong môi trường văn hóa Pháp, được sự giúp đỡ của phương tiện và kỹ thuật hiện đại. Tác phẩm đó chắc chắn chịu ảnh hưởng của hai nền văn hóa. Có lẽ vì thế mà các nhà phê bình nói tranh tượng của tôi là chiếc cầu nối Đông và Tây chăng? Nếu được thế, quả là vinh dự lớn.
NĐX: Xin cảm ơn bà. Chúc bà sức khỏe và có thêm nhiều tác phẩm mới ở quê nhà. Kính chào bà.
Nguyễn Đắc Xuân

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang