Từ trước tới nay, trong các bài viết của mình tôi vẫn thường trăn trở một vấn đề xuyên suốt là làm sao, làm như thế nào để biến các giá trị văn hóa Huế thành sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là thành sản phẩm du lịch để phục vụ chính người dân Huế mình và phục vụ du khách gần, xa đến với Huế.
Tôi đã có ít nhất là hai lần trực tiếp trao đổi với Giáo sư Trần Văn Khê về bảo tồn và phát huy các giá trị âm nhạc truyền thống Huế với tinh thần này. Lần thứ nhất vào đầu năm 1995, tại Tỳ Bà Trang, khu lưu niệm của nhạc sĩ, nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Hữu Ba, khi GS Trần Văn Khê cùng các chuyên gia quốc tế trở lại Huế nghiên cứu về Nhã nhạc trong khuôn khổ dự án “Phát huy văn hóa phi vật thể vùng Huế” do Bộ Văn hóa Thông tin Việt Nam và UNESCO thực hiện. Khi đăng báo tôi đặt cái tít bài là “Chuẩn bị cho thế hệ trẻ làm hồi sinh âm nhạc truyền thống”
Thanh Tùng (TH.T): Thưa giáo sư ! Chuyến nghiên cứu âm nhạc truyền thống Việt Nam tại Huế lần này các chuyên gia của ta và bạn sẽ tập trung vào vấn đề gì?
Giáo sư Trần Văn Khê (GS TVK): Ngoài việc tiếp tục ghi âm, ghi hình những bài, bản nhạc tuyền thống Huế chúng tôi muốn bảo tồn một cách tích cực hơn, làm cho nó có chức năng, vị trí trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
TH.T: Xin giáo sư cho biết rõ hơn về ý tưởng này ?
GS TVK: Chúng tôi muốn những nhạc công, những nghệ nhân cao niên có “đất” để truyền nghề cho thế hệ trẻ, gây được hào hứng cho tuổi trẻ hôm nay trong học hỏi và trong nghiên cứu nhạc truyền thống Huế. Các chuyên gia quốc tế muốn có được một trường cấp đại học để dạỵ cho các thế hệ sau hiểu được Nhã nhạc Việt Nam, có điều kiện đối chiếu, so sánh với Nhã nhạc Nhật Bản, Triều Tiên, Trung Quốc. Các bạn sẽ tìm nguồn học bổng cho những sinh viên say mê và có khả năng học, nghiên cứu Nhã nhạc.
Trong dự án của tôi xây dựng có bốn bước. Bước một đã được thực hiện năm trước (1994), mời Đoàn múa hát truyền thống Huế qua biểu diễn, giao lưu ở Nhật Bản. Bước hai nghiên cứu sâu. Bước ba hình thành một trường dạy Nhã nhạc. Bước bốn là làm sao để thế hệ trẻ hiểu Nhã nhạc Việt Nam và Nhã nhạc Việt Nam được mời ra biểu diễn ở các nước như các đoàn nghệ thuật khác.
TH.T: Chúng ta đang ngồi ở Tỳ Bà Trang. Theo giáo sư, vị trí của Tỳ Bà Trang trong sinh hoạt âm nhạc Huế như thế nào ?
GS TVK: Tỳ Bà Trang có cả một lịch sử âm nhạc Việt Nam truyền thống được lưu giữ lại. Các bạn Nhật Bản rất mê vì Tỳ Bà Trang đã giữ được rất nhiều hình ảnh của đoàn Việt Nam dự liên hoan nghệ thuật truyền thống các nước châu Á ở Osaka 1970. Các bạn Nhật đã cất công đi tìm những hình ảnh này nhưng mỗi nơi chỉ giữ được một ít. Thật không ngờ khi phát hiện ra ảnh tư liệu về liên hoan Osaka ở đây lại nhiều và phong phú đến thế.
Tỳ Bà Trang giữ lại được nhiều bài bản cổ. Đó là những công trình theo suốt cuộc đời của một người nhạc sĩ ôm ấp khát vọng chấn hưng quốc nhạc khi đất nước còn bị ngoại xâm. Nội việc làm này đã rất xứng đáng để chúng ta gìn giữ và phát huy. Tôi hy vọng chính quyền địa phương sẽ quan tâm nhiều hơn đến Tỳ Bà Trang. Bởi Tỳ Bà Trang không chỉ là của riêng nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba mà đã hòa mình, đã gắn liền với nền âm nhạc Việt Nam. Tỳ Bà Trang là nơi nhìn vào sẽ thấy cả một đời lao động, cống hiến cho nền âm nhạc dân tộc của một nhạc sĩ đáng kính.
TH.T: Theo giáo sư, trong dự án có vấn đề truyền nghề và dạy Nhã nhạc cho thế hệ trẻ. Có phải giáo sư quan tâm đến sự chuyển giao thế hệ trong lĩnh vực nghệ thuật này ?
GS TVK: Đúng vậy. Khi đã bảo tồn, gìn giữ được các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có âm nhạc truyền thống, chúng ta phải nghĩ đến vấn đề chuyển giao cho thế hệ trẻ để nó trở nên quen thuộc, gần gũi với thế hệ trẻ và chuẩn bị cho thế hệ trẻ Việt Nam tự mình đủ sức làm hồi sinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Tác giả và GS Trần Văn Khê ở sân trường Quốc Học Huế, năm 2013.
***
Hơn một năm sau (ngày 26-4-I996) tôi gặp lại Giáo sư Trần Văn Khê ở trường Đại học Nghệ thuật Huế (nay đã tách thành Học viện Âm nhạc và Đại học Mỹ thuật) trong ngày khai giảng lớp Nhã nhạc đồng thời với cuộc hội thảo khoa học “Âm nhạc và múa cung đình Việt nam”. Ông dành cho tôi một cuộc trao đổi nhanh về lớp học này. Đó là sự tiếp nối của câu chuyện năm trước ở vườn Tỳ Bà. Nội dung trao đổi xoay quanh về những vấn đề liên quan đến lớp cử nhân Nhã nhạc khóa đầu tiên của Việt nam sẽ tốt nghiệp vào năm đầu thế kỷ 21.
TH.T: Thưa giáo sư, lần đầu tiên nhã nhạc được vào đào tạo ở một trường đại học của Việt Nam, có phải đó là thành quả đầu tiên của dự án “Phát huy giá trị văn hóa phi vật chất vùng Huế” do Unesco và Bộ Văn hóa Việt Nam thực hiện ?
GS TVK : Đúng vậy, đó là kết quả của các bước chuẩn bị trong nhiều năm qua. Tác động lớn nhất là cuộc hội thảo các chuyên gia quốc tế để triển khai dự án phát huy giá trị văn hóa phi vật chất vùng Huế. Sau khi nghiên cứu kĩ về Nhã nhạc Việt Nam các chuyên gia Nhật Bản đã quyết tâm tìm nguồn tài trợ để giúp chúng ta mở lớp đào tạo Nhã nhạc nắm trong trường ĐHNT Huế, nhằm giúp cho tuổi trẻ Việt Nam hiểu Nhã nhạc, yêu mến Nhã nhạc và có trách nhiệm bảo tồn một bộ môn nghệ thuật truyền thống, một di sản văn hóa quí giá của dân tộc. Đây là một phương thức bảo tồn tích cực mà thế hệ trẻ Việt Nam phải nhận trọng trách tiếp thu kiến thức để làm hồi sinh các giá trị văn hóa truyền thống.
TH.T: Vậy thì Nhã nhạc sẽ trở thành một khoa của trường ĐHNT Huế hay là một bộ môn của khoa Nhạc dân tộc ?
GS TVK : Là bộ môn mới hoàn toàn nên trước mắt một nhóm giảng viên có trách nhiệm vừa làm vừa nghiên cứu để xây dựng một giáo trình hoàn chỉnh, thông qua hội đồng khoa học và qua các hội thảo khoa học với sự giúp đỡ của các chuyên gia Quốc tế để thẩm định.
TH.T: Nhã nhạc sẽ trở thành một khoa của trường ĐHNT Huế hay là một bộ môn của khoa Nhạc dân tộc? Khoa Nhã nhạc được dựa theo mô hình của trường đại học nào trong khu vực ?
GS TVK : Không có mô hình cụ thể nào cả. Ở Nhật Bản người ta đào tạo Nhã nhạc trong Hoàng cung và đào tạo để có lực lượng bổ sung cho những dàn Nhã nhạc trong Hoàng cung. Còn ở Huế ta đào tạo Nhã nhạc là do bức xúc tự thân về bảo tồn văn hóa truyền thống của Huế. Việc không thể không làm khi đã có cơ hội, Quĩ giao lưu văn hóa Nhật Bản giúp ta về kinh phí, các nghệ nhân nhạc cung đình đã cao niên cho nên trước mắt phải tích cực tổ chức dạy và học theo phương pháp truyền ngón song song với học các môn văn hóa khác. Các em sinh viên sẽ học cả âm nhạc phương tây nhưng thời lượng không nhiều như sinh viên các chuyên ngành khác. Trong học nhạc dân tộc cũng có định hướng rất rõ để sinh viên Nhã nhạc không chỉ trở thành một nghệ nhân đánh đàn mà phải có đầy đủ tri thức, hiểu biết về âm nhạc.
TH.T: Với chương trình “giật gấu vá vai” như thế, theo giáo sư chúng ta có thể yên tâm với mặt bằng kiến thức của sinh viên lớp Nhã nhạc đầu tiên này được không?
GS TVK: Có thể nói là chưa yên tâm nhưng chúng ta không thể chờ. Ở Việt Nam đầu vào của nhiều ngành đào tạo thường không có sẵn, không như ý, nhưng chúng ta phải tự đào tạo lấy, những chỗ còn khập khiễng chúng ta phải tìm cách cân bằng lại. Ở lớp Nhã nhạc này điều đáng quí là các em sinh viên đã có năng khiếu về nhạc dân tộc và có tâm huyết với nhạc dân tộc. Đó cũng là điều rất đáng quí ở tuổi trẻ bây giờ mà chúng ta cần nâng niu. Điều quan trọng là với năng khiếu sẵn có các em ngay lập tức có thể tiếp thu được kiến thức theo phương thức dạy và học truyền ngón bởi thời gian không chờ đợi chúng ta. 4 - 5 năm sau ra trường các em có khả năng giảng dạy, truyền ngón lại cho các thế hệ tiếp nối hoặc có khả năng nghiên cứu hay không là trách nhiệm của đội ngũ giảng viên hôm nay.
TH.T: Xin cám ơn giáo sư về cuộc trao đổi thú vị này. Mong thay những ý tưởng hay sẽ trở thành những hiện thực đẹp và rất đẹp.
THANH TÙNG