Lễ Ban sóc và chiếc ấn Đại Nam hiệp kỷ lịch chi bửu

Mùa Xuân, triều đình Huế có nhiều lễ lạc cúng tế linh đình. Trong những lễ lạc ấy có lễ Ban sóc - tức là lễ ban phát lịch của nhà vua cho năm mới, là một hoạt động văn hóa có ảnh hưởng sâu rộng trong dân chúng.

1. Lễ Ban sóc
Hôm ấy, các ông hoàng, các quan văn võ mặc lễ phục tề tựu đông đủ ở Ngọ Môn. Một vị quan cao cấp của bộ Hộ tuyên báo lễ ban phát Bửu Lịch(2) (2) (dành cho các quan) và Khâm Thiên Giám Lịch (dành cho trăm họ) sắp bắt đầu. Mọi người hướng về nhà vua đang ngồi trên ngai vàng và lạy năm lạy để tạ ơn. Nhiều năm nhà vua không có mặt trong buổi lễ Ban sóc, mọi người vẫn lạy chiếc ngai bỏ trống. Ví dụ lễ Ban sóc năm Duy Tân thứ 8 (15-1-1915) vắng mặt vua Duy Tân. Lạy tạ xong, các viên chức của bộ Hộ phân phát lịch. Đây là một cuộc lễ phát cho các quan và phát tượng trưng cho dân. Trong thực tế sau khi đóng ấn Hiệp kỷ rồi, Khâm Thiên Giám đã gởi về các địa phương nhân bản để ban phát ở địa phương trừ tờ bìa có dấu ấn Hiệp kỷ đóng tại Huế.
2. Về chiếc ấn Đại Nam hiệp kỷ lịch chi bửu
Ấn được đúc thời vua Thiệu Trị (8.1847), nặng 125 lạng 5 chỉ 4 phân (# 4kg707) khuôn ấn vuông, mỗi cạnh 111mm, mép viền 12mm, đế dày 13mm. Núm ấn chạm hình kỳ lân đứng. Năm 1885, quân Pháp đánh vào Kinh thành Huế, cướp hết các tài sản quý giá của triều Nguyễn, nhưng may mắn chiếc ấn trên thoát khỏi bàn tay giặc. Năm 1942 nhà lưu trữ cổ tự Paul Boudet(3) (3) được ông Phạm Quỳnh, với sự đồng ý của vua Bảo Đại, cho xem các tỷ, ấn của các vua Nguyễn bảo quản tại điện Càn Thành, cho biết các vua Nguyễn có đến 46 chiếc tỷ và ấn mà phần lớn được chế tạo sau thời Minh Mạng cho đến thời hiện đại. Paul Boudet trích dẫn cụ thể một danh sách 11 chiếc, trong đó có chiếc Đại Nam hiệp kỷ lịch chi bửu.
Như độc giả đã biết, sau ngày Cách mạng Tháng tám 1945 thành công, vua Bảo Đại đã xin thoái vị dâng ấn kiếm cho Chính phủ Cách mạng (30-8-1945). Tiếp theo đó như ông Phạm Khắc Hoè - nguyên là Ngự tiền văn phòng của vua Bảo Đại, cho biết: ”Tất cả các loại tài sản quý giá (khác) đều được giao lại cho Chính quyền nhân dân đầy đủ và có giấy tờ minh bạch. Người thay mặt Chính phủ Cách mạng lâm thời để kiểm nhận tài sản (của triều Nguyễn) là ông Bộ trưởng Lê Văn Hiến”(4) (4) . Sau đó Chính quyền chuyển tất cả những báu vật của quốc gia ra lưu giữ tại Hà Nội. Phải chăng chiếc ấn Đại Nam hiệp kỷ lịch cũng đã được bàn giao trong dịp ấy? Trải qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, không rõ số phận của chiếc ấn ấy hiện nay ra sao
3.Quyển sách lịch cuối cùng của triều Nguyễn

Một trang Đại Nam Hiệp kỷ lịch
Như trên đã trình bày, lịch Hiệp kỷ là một cuốn sách quý, nhưng khác với các loại sách khác ở chỗ giá trị sử dụng của nó chỉ trong vòng một năm rồi người ta hủy hoặc đốt, ít nhà giữ lại. Vì thế, sau ngày chế độ quân chủ của nhà Nguyễn không còn nữa, những cuốn lịch cũ ấy trở nên hiếm hoi. May mắn nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh ở Huế trên đường đi sưu tầm sách cũ đã mua được cuốn lịch Hiệp kỷ cuối cùng của triều Nguyễn mang tên Đại Nam Bảo Đại nhị thập niên tuế thứ Ất Dậu Hiệp kỷ lịch. Trong bài Quyển Sách Lịch Cuối Cùng Của Triều Nguyễn Hồ Vĩnh viết:
“Sách lịch Hiệp kỷ gồm 40 trang chữ Hán, khổ 15,6 x 23,8 cm, in mộc bản, trên giấy dó, chữ in chân phương rõ nét. Trên trang 1 in dòng chữ: “Đô Thành Thừa Thiên phủ tiết khí thời khắc”, tức là thời giờ, thời tiết của đô thành (Huế) và phủ Thừa Thiên; phía bên trái trang này phần trên có in chữ son: “Hưng quốc khánh niệm sơ nhị nhật ngũ nguyệt thiếu” (ngày mồng 2 tháng 5 (Nhâm tuất 1802) ngày lễ Hưng quốc). Riêng trang 5,6 in thời giờ, thời tiết các địa phương và phân chia 12 tháng của năm Ất Dậu (1945) thành 23 thời tiết để chỉ sự biến đổi thời tiết bốn mùa trong năm: Vũ thủy, Xuân phân, Thanh minh, Lập hạ, Lập thu, Lập đông... Trong đó thứ tự các địa phương theo như kinh độ địa đồ các tỉnh: Hà Tuyên, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hưng Hòa, An Giang, Sơn Tây, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hưng yên, Nam Định, Cao Bằng, Hải Dương, Vĩnh Long, Quảng Bình (trang 5). Định Tường, Quảng Yên, Lạng Sơn, Biên Hòa, Gia Định, Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Thuận, Quảng Nghĩa, Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên (trang 7). Ngoài các tỉnh thành nước Đại Nam, sách còn in thời giờ, thời tiết của Cao Miên, Thủy Xá và Hỏa Xá(6) (6).
Từ trang 9 đến trang 32 in vượt khung khắc rõ những ngày sinh nhật, húy kỵ của các bậc tiên đế từ Triệu tổ Nguyễn Cam trở xuống. Chẳng hạn như trang 10 ghi ngày sinh nhật vua Gia Long: 15 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ (8-2-1762). Ngày kỵ 19 tháng Chạp năm Kỷ Mão (3-2-1820). Và trong phần niên kỷ (trang 33-36) sách khắc ghi những năm đồng triều và nhuận triều từ vua Gia Long đến Bảo Đại.
Trang cuối ghi chức tước, nhiệm vụ của các quan làm lịch, tương tự như chịu trách nhiệm xuất bản sách lịch: “Kiêm quản Khâm thiên giám sự vụ Hiệp tá Đại học sĩ lãnh lễ công bộ Thượng thơ sung Cơ mật viện đại thần. Thần: Ưng Úy”(7).
Việc biên soạn và ban phát lịch Hiệp kỷ là một hoạt động văn hóa thể hiện chính sách quý dân và trọng nông của triều Nguyễn. Cuốn lịch đó giúp cho dân biết sống thuận theo sự vận hành của trời đất, tạo được sự yên ổn tinh thần trong công việc làm ăn. Một việc làm của nhà nước có tác dụng đến từng gia đình. Ngày xưa, ông bà ta mua một cuốn lịch là rước cái ơn vua, rước chúa Xuân về nhà. Trần Tế Xương, nhà thơ tài tử ở sông Vị (Nam Định) đã từng viết:
Xuân từ trong ấy mới ban ra
Xuân chẳng riêng ai, khắp mọi nhà.
Ngày nay, nhân dân ta bắt chước Tây phương tự làm lịch để dùng. Cuốn lịch không còn mấy giá trị so với những quà cáp, đồ dùng khác. Mùa xuân đến chúng ta có vô số lễ lược xuân hấp dẫn với kỹ thuật điện tử tân kỳ. Nhưng khi nói đến một nước có truyền thống văn hóa như nước ta thì những gì ta có hiện nay chưa đủ. Văn hóa Việt Nam là cái toàn bộ di sản tinh thần vật chất của các thời kỳ để lại, trong đó có lễ ban phát lịch Hiệp kỷ và chiếc Đại Nam hiệp kỷ lịch chi bảo. Nếu chiếc ấn Hiệp kỷ nầy không còn trong kho tài sản của dân tộc ta thì quả tiếc lắm thay.
Gác Thọ Lộc, cuối năm 1999,
Nguyễn Đắc Xuân
(1) Quốc sử quán triều Nguyễn, ĐNTC Chính biên, tập.4, Nxb Sử học, Viện Sử học, Hà Nội,1963, tr.173
(2) Có tài liệu cho biết trên Bửu lịch phát cho Gia đình nhà vua và các quan đóng ấn Tri lịch minh thời chi bửu; tồn nghi nầy chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu.
(3) Les Archives des Empereurs d’ Annam et l’ Histoire Annamite (V. Les Sceaux), BAVH Juillet-Sep.1942, tr.253.257
(4) Phạm Khắc Hoè, Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, Thuận Hoá Huế 1987, tr.82
(6) Hai bộ lạc ở phía Tây tỉnh Phú Yên (Theo ĐNTL, tập 1, tập 2, tập 3)
(7) Hồ Vĩnh, Dấu Tích Văn Hóa Thời Nguyễn, Nxb Thuận Hóa Huế -1998, tr.14-15
________________________________________
(1) Quốc sử quán triều Nguyễn, ĐNTC Chính biên, tập.4, Nxb Sử học, Viện Sử học, Hà Nội,1963, tr.173
(2) Có tài liệu cho biết trên Bửu lịch phát cho Gia đình nhà vua và các quan đóng ấn Tri lịch minh thời chi bửu; tồn nghi nầy chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu.
(3) Les Archives des Empereurs d’ Annam et l’ Histoire Annamite (V. Les Sceaux), BAVH Juillet-Sep.1942, tr.253.257
(4) Phạm Khắc Hoè, Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, Thuận Hoá Huế 1987, tr.82
(6) Hai bộ lạc ở phía Tây tỉnh Phú Yên (Theo ĐNTL, tập 1, tập 2, tập 3)
(7) Hồ Vĩnh, Dấu Tích Văn Hóa Thời Nguyễn, Nxb Thuận Hóa Huế -1998, tr.14-15

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang