Mộc bản triều Nguyễn được Unesco công nhận là ký ức thế giới, còn mộc bản Việt Nam thì... sao?

Ngày 30-7-2009, thông tin từ chương trình Ký ức thế giới (Memory of the world) của Unesco cho biết: Mộc bản triều Nguyễn của Việt Nam đã được xếp vào Danh sách 193 di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới (MOW).

Mộc bản là bản gỗ, khắc chữ (Hán) ngược để in sử sách ngày xưa. Gỗ dùng để khắc chữ Hán là gỗ cây nha đồng (còn gọi là cây sống mật), thớ gỗ trắng, mịn, sáng ngời như ngà voi. Một bản gỗ thường khắc 2 mặt, mỗi mặt khắc hai trang, trang [a] bên phải, trang [b] bên trái, ở giữa hai trang là dòng chữ ghi tên sách, số quyển và số trang. Chỗ gập hai trang [a] và [b] dọc theo hàng chữ tên sách nầy và dùng làm lề sách (xem hai trang Đại Nam Nhất Thống Chí).
Kích thước mộc bản (bản gỗ) không đều, mộc bản in những bộ sử sách chính của nhà nước như các bộ Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, "Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục", "Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ", Ngự chế văn, Ngự chế thi.v.v do các vị hoàng đế nổi tiếng như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức sáng tác .....xê xích từ 30 cm x 24 cm đến trên 36 cm x 24 cm, dày khoảng 2 đến 2,5cm. (Bản gỗ in bản đồ hay in tranh có kích thước lớn hơn); Mộc bản in thơ hoặc các trước tác của các ông hoàng, bà chúa, các quan triều Nguyễn có kích thước nhỏ hơn, hoặc chỉ bằng 1/2 so với các bộ chính sử.


Quốc Sử Quán ra đời từ đầu triều Minh Mạng (1821) là cơ quan phụ trách biên soạn, in ấn sách sử và bảo quản các mộc bản của triều Nguyễn nói trên. Đến đời Tự Đức (1849) số mộc bản tăng lên quá nhiều nên nhà vua cho dựng thêm Tàng Bản Đường phụ thuộc Quốc sử quán.
Trải qua các cuộc chiến tranh vào năm 1885 và đầu năm 1947 ở Huế, nhiều mộc bản triều Nguyễn đã bị thất thoát, hư hại. Vì thế, vào năm 1959, đề phòng chiến tranh có thể xảy ra ở vùng Giới tuyến Trị Thiên, chính quyền VNCH đã cho dời toàn bộ mộc bản, cùng các Châu bản, Địa bạ nước Đại Nam lên Cao nguyên Đà Lạt. Sau năm 1975, tôi được bác Tôn Thất Lương (chuyên gia về lưu trữ) và anh Phạm Bạch Tần (bạn học cũ của tôi ở Đà Lạt trước 1954 làm quản thủ thư viện), cho xem “kho” mộc bản triều Nguyễn đặt trong một biệt thự gần thư viện Thành phố Đà Lạt ngày nay. Anh Bạch Tần cho biết việc bảo quản mộc bản ở Đà Lạt rất sơ sài, chưa sắp xếp nên rất lộn xộn. Có người thiếu chất đốt lén vào kho lấy mộc bản về làm củi đun, người giữ kho cũng không biết.

May sao, cách đây bốn năm năm, Cục Lưu trữ quốc gia tại Đà Lạt được nhà nước đầu tư nâng cấp và trở thành Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, lấy khu biệt thự cũ của bà Trần Lệ Xuân (bà Ngô Đình Nhu) rộng trên 13 ngàn mét vuông tại số 2 Yết Kiêu, thành phố Đà Lạt, làm kho lưu trữ. Toàn bộ mộc bản triều Nguyễn được tập trung về đó và được bảo quản trong các kho chuyên dụng, tiêu chuẩn quốc tế.

Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, số 2 đường Yết Kiêu thuộc phường 5, TP Đà Lạt

Theo thống kê, mộc bản triều Nguyễn còn giữ được tại Đà Lạt có đến 34.555 tấm của 152 đầu sách. Nếu sắp nối với nhau, số mộc bản nầy dài đến 16 km. Sau khi biết được giá trị của mộc bản, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV đã in dập, phân loại, hệ thống hóa, quét và ghi toàn bộ bản dập tài liệu mộc bản vào CD-Rom để lưu giữ, phục vụ mục đích tra cứu; xây dựng chương trình quản lý tài liệu mộc bản vào máy tính. Từ năm 2005, Ủy ban Quốc gia Unesco Việt Nam và Cục Lưu trữ quốc gia đã tập hợp tư liệu, làm hồ sơ mộc bản triều Nguyễn. Đến tháng 1/ 2008, hoàn thiện hồ sơ và đệ trình lên Chương trình Ký ức Thế giới của Unesco.
Theo tài liệu của Unesco cho biết: “Chương trình Ký ức của Thế giới" là ký ức của tập thể về những di sản tư liệu của toàn nhân loại. Những di sản tư liệu này thuộc tất cả các lĩnh vực: Chính trị; lịch sử; văn hóa; chúc thư..., biểu thị sự phát triển của tư tưởng, sự phát triển cũng như những thành tựu của xã hội loài người. Đây là di sản của quá khứ đối với cộng đồng Thế giới hiện tại và trong tương lai.

Chương trình Ký ức thế giới của Unesco bắt đầu từ năm 1997. Từ đó (1997), cứ 2 năm Ủy ban Tư vấn Quốc tế (IAC) về Ký ức thế giới họp một lần để xét duyệt các di sản tư liệu để ghi vào danh sách Ký ức thế giới, theo các tiêu chí về ý nghĩa thế giới và giá trị nổi bật toàn cầu. Các cuộc họp đã diễn ra tai Tashkent (9-1997), Vienna (6-1999), Cheongju (6-2001), Gdansk (8-2003), Lijiang City (6-2005), Pretoria (6-2007) và năm nay tại Bridgetown (29 đến 31 tháng 7-2009) nước Barbados. Đến nay đã có 193 di sản được công nhận. Mộc bản Triều Nguyễn là di sản tư liệu đầu tiên của Việt Nam được đưa vào danh sách này.
Cùng đợt này còn có 34 di sản của các nước khác cũng đã được công nhận. Đó là tài liệu về nô lệ ở vùng Caribbean thuộc Anh trong giai đoạn 1817-1834, các tác phẩm nghệ thuật của Norman McLaren (Canada), các cuốn phim âm bản gốc của Noticiero ICAIC Lationamericano, Cuba, tài liệu Bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng...
Mộc bản triều Nguyễn được Unesco công nhận là một hạng mục của Ký ức thế giới đã đem thêm cho văn hóa Việt Nam một vinh dự lớn. Ít nhất có được 152 đầu sách cổ không sợ bị thất truyền nữa. Các học giả trong và ngoài nước có thể đến nghiên cứu tham khảo các tài liệu gốc về lịch sử văn hóa triều Nguyễn một cách dễ dàng. Thành phố Đà Lạt có thêm một di sản được quốc tế công nhận thu hút thêm khách du lịch đến thưởng lãm. Ngoài những giá trị ấy, sự kiện nầy còn nhắc nhỡ các cơ quan chức năng bảo tàng, lưu trữ, các nhà nghiên cứu và đồng bào Việt Nam một sự thực là thời đại chúng ta đã không hiểu hết giá trị các di sản vật chất, phi vật chất, giá trị tinh thần, giá trị ký ức của ông cha để lại nên mắc phải nhiều thiếu sót, sai lầm với tiền nhân.
Mộc bản triều Nguyễn vừa được công nhận chỉ là một phần của mộc bản Việt Nam. Ở Huế, ngoài mộc bản của Nhà nước quân chủ lưu giữ trong Quốc sử quán, trong Tàng bản đường vừa được công nhận, còn có hàng ngàn mộc bản in văn thơ, in kinh, in tranh lưu giữ trong các Phủ đệ, các Tổ đình (chùa Quốc Ân, chùa Bảo Lâm, chùa Báo Quốc, chùa Trúc Lâm.v.v), các nhà quan lại cũ (mộc bản kinh Phật của gia đình họ Đặng của liệt sĩ bác sĩ Đặng Thùy Trâm), các làng có truyền thống in tranh (làng Sình). Nói đến mộc bản, người ta không thể không đề cập đến các tủ mộc bản của bộ Thương Sơn Thi Tập (Phủ Tùng Thiện Vương), bộ Vỹ Dạ Hợp Tập (Phủ Tuy Lý Vương).v.v.

Thương Sơn thi tập được người đời kính phục. Chung Ứng Nguyên người Bắc Kinh có thơ:
"Nhược xử nguyên tinh giáng Trung quốc/ Hàn tào Tô hải thi đồng lưu"

(Nếu sinh ra Trung quốc thì thơ văn ngang tài thi sĩ Hàn, Tô).
Trong tập Hà Thượng của Tùng Thiện có 2 câu :
"Thân tự bạch âu tuỳ xứ túc
Giao như hoàng diệp nhập thu sơ"
(Người an nhàn như con bạch âu thong dong theo ngọn nước / Bạn dù sơ giao mà lá vàng tán lạc với hơi thu).
Sứ thần nhà Thanh, Tiến sĩ Lao Sùng Quang khi đọc xong 2 câu trên đã thán phục viết:
"Độc đáo bạch âu hoàng diệp cú
Mãn hoài tiêu sắc đái thu hàn"
(Đọc đến Tùng Thiện Vương Miên Thẩm câu bạch âu hoàng diệp cả người lạnh cùng hơi thu).
Lê Tân (đời Thanh) bình về thơ Tùng Thiện Vương:
"Gián tác thi ca khấp quỉ thần" (Thơ ca lay động đến quỉ thần phải khóc).



Tại phủ Tuy Lý ở Vỹ Dạ còn giữ một số mộc bản bộ Vỹ Dạ Hợp Tập gồm 12 quyển, trong đó có 5 quyển văn, 6 quyển thơ, 1 quyển tự truyện. Tuy Lý Vương đã sáng tác nhiều bài về tình bạn bè, tình anh em, tình vợ chồng, đất nước, thiên nhiên.v.v.


Tôi nghĩ, ngoài Huế, nhiều tổ đình trên toàn quốc (đặc biệt các tổ đình ở hai miền Nam Bắc) cũng còn lưu giữ được nhiều mộc bản in Kinh, Luật Phật giáo. Mộc bản của nhà nước được lưu giữ và được Unesco đưa vào danh sách Ký ức thế giới như thế quá quý rồi. Còn mộc bản do các dòng họ, các tổ đình, các làng, các tư gia lưu giữ thì sao ? Dù nhà nước không giữ những mộc bản nầy nhưng đó cũng là di sản của dân tộc. Nhà nước có nên kiểm kê, lập danh sách và giúp phương tiện bảo quản thích hợp cho những nơi lưu giữ ngoài nhà nước ấy không?

Nguyễn Đắc Xuân

 

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang