Một ít tư liệu về họa sĩ Lê Văn Miến

Họa sĩ Lê Văn Miến sinh năm 1874, quê ở làng Kim Khê, huyện Nghi Lộc, Nghệ Tĩnh (nay là xóm Sào Nam, xã Nghi Long, Nghệ Tĩnh). Cụ sinh trưởng trong một gia đình sĩ phu yêu nước. Thân sinh là cụ Lê Văn Nghiêm xuất thân là một vị quan nhỏ của triều Nguyễn. Sau khi Pháp chiếm Bắc Kỳ, cụ Nghiêm lấy lý do về để tang rồi nán lại ở nhà luôn chứ không chịu tiếp tục làm quan, làm tay sai cho giặc.

Lúc nhỏ Lê Văn Miến nổi tiếng là một thanh niên xuất chúng, học đâu nhớ đó. Vì thế cuối triều Đồng Khánh (1885-1888), Lê Văn Miến là một trong ba thanh niên Việt Nam đầu tiên được chọn gửi sang Pháp học trường thuộc địa[1]. Trong thời gian học, tên hiệu trưởng có đầu óc kỳ thị chủng tộc, thiên vị học sinh Pháp, Lê Văn Miến đã lãnh đạo học sinh các thuộc địa học cùng lớp bãi khóa, viết đơn tố cáo gửi lên Bộ thuộc địa đấu tranh, bị cảnh sát Pháp xịt nước đàn áp.

Chân dung Họa sĩ-thầy giáo Lê Văn Miến.
Ảnh TL do ông Lê Văn Yên (con trai của họa sĩ Lê Văn Miến) cung cấp cho NĐX

Khi tốt nghiệp trường thuộc địa, hai người Việt Nam cùng du học với cụ là Thân Trọng Huề và Hoàng Trọng Phu liền về nước và được cất lên làm quan to cho Triều Nguyễn và bọn thực dân Pháp. Muốn tránh thân phận làm tay sai cho giặc, cụ Miến xin ở lại Pháp và thi vào trường Mỹ thuật Paris. Ở đây, cụ tiếp tục bị bọn thực dân làm khó dễ song cụ vẫn kiên trì học tập và trở thành họa sĩ với bằng tốt nghiệp xuất sắc! Năm học cuối cùng, cụ Miến được Hội đồng Mỹ thuật của nhà trường đề nghị sang Ý trang trí và vẽ tranh cho Tòa thánh Vatican, nhưng vì có ý kiến tổng trưởng thuộc địa, về vụ đấu tranh trước đó, cụ Miến bị xóa tên trong danh sách những họa sĩ sẽ sang Ý.

Trong thời gian học ở Pháp cụ cố gắng tìm hiểu cái hay, cái đẹp của văn minh văn hóa Pháp. Cụ tiếp xúc thường xuyên với quần chúng Pháp. Cụ hay lui tới chơi thân với Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cầm-một thanh niên thông minh sớm có những hành động chống Pháp và bị Pháp bắt giam bằng cách đưa sang Algérie du học và đã trở thành người Việt Nam đầu tiên đỗ Tú Tài Pháp. Vào những kỳ nghỉ hè, cụ Miến tranh thủ đi du lịch. Cụ đã đặt chân lên nhiều nơi trên đất Ý, Tây Ban Nha, Ru-ma-ni, An-ba-ni…

Năm 21 tuổi, cụ về nước (1895) với hai mảnh bằng trong tay, thế nhưng cụ không vào Huế xin làm quan mà lại về thẳng quê thăm viếng gia đình rồi ra Hà Nội xin làm “trình bày” (mise) cho nhà in Schneider, nhà in đầu tiên ở Bắc Kỳ. Nhờ cái nghề tự do này mà cụ có điều kiện lui tới với các sĩ phu, quan lại còn chút tình cảm yêu nước trên đất Bắc.

Đến năm 1908, nhà lý luận và sáng tác tuồng nổi tiếng – cụ Đào Tấn được vua Thành Thái cử ra làm Tổng đốc An Tịnh lần thứ hai, qua mối liên hệ giữa hai bên họ Lê – Đào, cụ Đào Tấn đã mời Lê Văn Miến về Vinh làm việc với mình. Năm 1902, Đào Tấn bị triệu về Kinh giữ chức Thượng Thư bộ Công, Đào Tấn lại mòi Lê Văn Miến vào Huế làm hành tẩu bộ Công dưới quyền của mình. Công việc của Lê Văn Miến lúc nầy là vẽ các kiến trúc trong nội phủ cho triều Nguyễn, đồng thời làm một số việc đặc biệt do vua Thành Thái yêu cầu. Những hành động đó đã làm cho thực dân Pháp nghi ngờ, chúng đã ra tay chia rẽ Thành Thái, Đào Tấn và Lê Văn Miến. Trước tiên, Đào Tấn bị bức về hưu với cái tội “đã cho đấu giá một số gỗ cũ khi chưa có lệnh các cấp trên”, Lê Văn Miến bị đẩy ra Nghệ An với nhiệm vụ rất “văn hóa” là giúp cho nhà nước Bảo hộ mở trường Pháp-Việt đầu tiên ở Vinh.

Người cuối cùng là Thành Thái bị tống giam vào điện Cần Chánh trước khi bị đày vào Vũng Tàu rồi sau đó lưu đày sang dảo Réunion thuộc Pháp trên Ấn Độ dương.

Trở về quê hương, Lê Văn Miến có dịp gặp lại các bạn học cũ, gặp các sĩ phu yêu nước như Phan Bội Châu, Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế. Sau đó Cụ được“mời”vào dạy tại trường Quốc học Huế từ niên khóa 1907-1908.

Năm 1913, thực dân Pháp chuyển cụ lên làm Quản đốc trường Hậu bổ[2]. Mười năm sau, 1923, họ lại chuyển cụ vào làm Tế tửu Quốc tử giám. Ở trong hoàn cảnh nào, ở bất cứ chức quan gì, cụ Lê Văn Miến cũng không để cho bọn Pháp đè đầu cưỡi cổ. Cụ cũng tìm cách khuyến khích, giúp đỡ, che chở cho những người yêu nước.

Cụ về hưu tại Huế lúc 56 tuổi vì bị mù. Cụ mất ngày 6 tháng 6 năm 1943.

Họa sĩ Lê Văn Miến là người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp trường Mỹ thuật Paris và cũng là người họa sĩ Việt Nam sử dụng chất liệu màu sơn dầu đầu tiên ở nước ta. Nhưng vì sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất, bản thân không giải đáp được vấn đề vẽ cái gì và vẽ cho ai, cho nên họa sĩ vẫn bế tắc, không vẽ được gì nhiều. Họa sĩ chỉ vẽ chân dung cho một số người thân quen và một số rât ít ỏi tranh sinh hoạt của đời sống xã hội.

Tác phẩm sơn dầu đầu tiên của họa sĩ đã được biết có lẽ là bức chân dung họa sĩ vẽ cho ông Nguyễn Văn Mại nhân ông nầy đi sứ sang Pháp năm 1894. Trong niên kỷ của mình, ông Nguyễn Văn Mại còn ghi: “Lúc ta đi Ba Lê, ông Lê Văn Miến là con thứ tư của thầy ta là Lê Kim Khê, người Nghệ An, cùng hai ông Thân Trọng Huề và Hoàng Trọng Phu, du học ở Pháp. Ông Lê Văn Hiến tinh về nghề vẽ gặp nhau mừng lắm. Ta có xin ông ta họa chân dung ta. Ông dùng một tấm vải tây và dầu vẽ cho ta một bức bán thân. Mỗi buổi sáng đến vẽ một giờ, ba buổi thì xong. Khi về nhà trình cho mẹ ta xem, mẹ ta nói rằng mặt mũi đề giống hệt ta” (Lô Giang tiểu sử, tr.88).

Sau nầy ngày về nước (1895), nhân về thăm nhà, cụ vẽ mấy tác phẩm:

- Chân dung cụ Lê Văn Nghiêm – thân phụ họa sĩ (Đến nay vẫn còn giữ tại Nghi Long-Nghi Lộc-Nghệ Tĩnh)

- Chân dung tổ phụ ông Hồ Liệu – một người đã cho gia đình họa sĩ mượn một số tiền mà lâu ngày gia đình không trả được. Họa sĩ vẽ chân dung nầy để trả nợ (Nay vẫn còn thờ ở gia đình con cháu ông Hồ Liệu ở Nghi Long)

- Có lẽ cũng trong thời gian về thăm quê và ở lại với gia đình ba bốn tháng nầy họa sĩ đã vẽChân dung lương y Nguyễn Vinh Mâu– một sĩ phu yêu nước, đã từng chữa khỏi bệnh hiểm nghèo cho thân mẫu họa sĩ. Bức chân dung nầy hiện nay được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Trong cuốn Lược sử Mỹ thuật Việt Nam, tác giả là họa sĩ Nguyễn Phi Hoanh đã viết về bức tranh nầy như sau:“ Bức chân dung nhà nho Nguyễn Vinh Mâu cho thấy nghề nghiệp của ông Miến khá vững vàng. Họa sĩ đã biết kết hợp kỹ thuật Tây Âu với tinh thần dân tộc”.

- Sau năm 1908, Lê Văn Miến kết bạn vong niên với Đào Tấn. Vì mến tài năng lý luận và sáng tác kịch bản tuồng – và trọng tinh thần yêu nước sâu sắc của họ Đào, Lê Văn Miến đã vẽ cho Đào Tấn đến mấy bức chân dung. Bức thứ nhất vẽ bán thân, Đào Tấn đội khăn xếp mặc áo sa mỏng (hiện nay được in lại ở đầu tập Kỷ yếu về Đào Tấn do Ty Văn hóa Thông tin Nghĩa Bình xuất bản). Bức thứ hai là một chân dung khá đẹp: Vẻ mặt Đào Tấn vui, đầu búi tóc, chit khăn vành, mặc áo sa mỏng màu đen quần trắng, chân đi giày hạ. Bức chân dung nầy có lẽ được chụp lại và in trong cuốnHoài niệm Việt Nam (Souvenir d’Annam) của ông Baile.

- Vào những năm cuối thế kỷ 19, họa sĩ vào Huế vẽ chân dung cho cụ Nguyễn Khoa Luận (1897-1900), sau nầy là nhạc gia của họa sĩ. Bức chân dung nầy vẽ bằng chất liệu phẩm màu, 60x80, hiện còn được bảo quản hầu như còn mới nguyên tại chùa Ba La (Vỹ Dạ, Huế).

- Trong những năm 1902-1904, họa sĩ được Đào Tấn mời vào làm hành tẩu bộ Công. Đào Tấn đã tiến cử cụ vào Nội vẽ chân dung cho vua Thành Thái và kể chuyện văn minh văn hóa phương Tây cho vua Thành Thái nghe. Khi họa sĩ vẽ xong bức chân dung vua Thành Thái ngồi chơi hóng mát ở nhà Lương tạ (trước Phu Văn Lâu), Thành Thái thích thú mời họa sĩ ngồi ăn cơm với vua. Đây là một cử chỉ chưa từng có trong chốn cung đình.

- Ngoài các bức chân dung, Lê Văn Miến còn vẽ một số tranh miêu tả cảnh sinh hoạt xã hội. Năm 1970, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã mua được bức tranh màu dầuBuổi t lớp học chữ Nho xưacủa Lê Văn Miến do một gia đình ở phố Khâm Thiên cất giữ. Phỏng đoán bức tranh được vẽ vào khoảng 1898-1905. Bức tranh miêu tả sáu cậu học sinh, khăn áo chỉnh tề, đang quây quần ngồi nghe một cụ đồ râu tóc bạc phơ, tay cầm sách giảng bài. Với bút pháp sử dụng các mảng màu phẳng và rộng khác nhau, đã làm cho hình tượng “thầy và trò” nổi lên lồ lộ trong không khí học tập, đồng thời cũng gợi cho người xem cái không gian tạo hình rất gần gũi với người Việt Nam. Bức tranhBuổi học chữ Nho xưa(sau được Bảo tàng Mỹ thuật đổi tên làBình văn) gợi cho chúng ta liên tưởng đến bút pháp của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh thể hiện trong bức họa nổi tiếngChơi ô ăn quansáng tác năm 1932.

Bức tranh Bình Văn của Lê Văn Miến, khổ 67X97 cm, treo tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội)

Ngoài những chân dung và tranh nêu trên, chúng tôi nghe nói họa sĩ còn vẽ thêm một số tác phẩm nữa, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được tông tích. Người đương thời ca ngợi họa sĩ Lê Văn Miến vẽ chân dung giống hệt như thật, tranh vẽ có thần sắc tươi đẹp. Với học vấn và tài năng nghệ thuật như thế, nếu họa sĩ muốn kiếm được nhiều tiền và leo lên cái thang danh vọng không phải là một chuyện khó. Họa sĩ không vẽ thuê. Họa sĩ vẽ vì lòng mến phục, vì ân nghĩa. Lúc họa sĩ dạy trường Quốc học, tên Công sứ đem vợ con đến nhà họa sĩ tha thiết mong được họa sĩ vẽ cho một bức chân dung - không thể từ chối được, họa sĩ phải cầm cọ vẽ. Họa sĩ vẽ với ý định tỏ cho người Pháp biết người Việt Nam không đến nỗi bất tài, họa sĩ không nghĩ đến việc lấy tiền. Lúc vẽ xong, tên Công sứ rất thích thú và hỏi hết bao nhiêu tiền công để trả. Họa sĩ nhìn tên Công sứ kém văn hóa cười thầm trong bụng “Mi chẳng hiểu chi nghệ thuật cả. Vẽ cho mi uổng công. Nghệ thuật làm gì có giá!”. Cuối cùng họa sĩ bảo tên Công sứ tiền công ba mươi đồng. Ba mươi đồng là một cái gia tài nho nhỏ lúc ấy. Tên Công sứ sợ mất mặt phải bấm bụng móc tiền trả. Tiền vừa vô tay, họa sĩ gọi anh thợ mộc đóng khung vảo cho cả ba mươi đồng trước mặt tên Công sứ. Lúc ấy, tên Công sứ mới hiểu được giá trị của bức chân dung ấy là vô giá.

Trong thời gian họa sĩ làm Tế tửu Quốc tử giám (tương đương với chức vụ Viện trưởng Viện Đại học quốc gia ngày nay), vua bù nhìn Khải Định mời họa sĩ vào Nội vẽ chân dung cho ông ta. Đó là một dịp may hiếm có để cho họa sĩ thăng quan tiến chức rất tốt. Nhưng không ngờ, họa sĩ lại từ chối với lý do “tuổi già mắt kém không vẽ được!”. Khải Định than với người thân cận của mình rằng: Ông Tế Miến rất kiêu! Ông vẽ chân dung cho đức Thành Thái mà lại từ chối vẽ chân dung cho trẫm”. Có người không hiểu có ý trách họa sĩ, họa sĩ trả lời: “Ông Khải Định thích mấy người thợ tô son tô hồng chớ có thích chi nghệ thuật mà mình vẽ”. Sống trong hoàn cảnh rất khó khăn, họa sĩ Miến vẫn không để cho tiền tài và quyền thế làm vẩn đục cái nghề làm đẹp của mình./.

Tham khảo: Hồi ức của ông Lê Văn Yên – con trai út của cụ Lê Văn Miến thường trú tại làng Vỹ Dạ). và nhiều tài liệu khác.

Bài đã đăng Nghiên cứu Lịch sử Việt Nam, đầu những năm 80, không nhớ số

Nguyễn Đắc Xuân

[1] Ba thanh niên ưu tú ấy ồm Hoàng Trọng Phu, Lê Văn Miến và Thân Trọng Huề

[2] Nơi tọa lạc của Nhà hát Hưng Đạo trên đường Trần Hưng Đạo ngày nay.

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang