Từ Huế vô Nam thường gọi các loại mỹ nghệ phẩm được làm ra khoảng trăm năm về trước là Đồ Xưa, ở Bắc Hà dùng từ Đồ Cổ. Thú chơi Đồ Xưa phát sinh trong xã hội loài người rất lâu và khắp nơi trên thế giới. Người Trung Hoa bản tính hiếu cổ, qua các triều Đường, Tống, Minh, Thanh các vị hoàng đế thường cho truy tầm cổ khí, văn vật từ thời Hạ, Thương, Châu để làm vật quốc bảo. Bên phương Tây, giai cấp thống trị, quý tộc từ thế kỷ XV về sau đã say mê đua đòi tìm kiếm cổ vật của phương Đông.
Riêng nước ta thì thế nào? Dưới chế độ quân chủ chuyên chế, Đồ Xưa cũng như những thứ quý hiếm khác, dành riêng cho vua, quan sử dụng. Nhân gian nếu có cũng để thờ Phật, phụng Phật ở đình chùa hoặc để cúng tế tổ tiên dịp lễ, tết. Luật lệ của triều đình Việt Nam không cho phép thường dân xây dựng nhà cửa to lớn, sử dụng đồ vật sang trọng, quý báu như người có chức tước, phẩm hàm. Đồ Xưa không phải là vật phẩm để chơi như quan niệm hiện nay. Cuối thế kỷ XIX, khi nước ta hoàn toàn lệ thuộc vào đế quốc Pháp, trật tự xã hội đảo lộn, uy quyền của vua quan suy yếu, thế lực giai cấp địa chủ, thương nhân mạnh lên. Chính thành phần mới giàu sang này đã nghĩ tới việc chơi Đồ Xưa, nhằm thỏa mãn ước mơ lâu đời, nay mới có điều kiện thực hiện. Chơi Đồ Xưa, chính là đồ sành sứ, đồ gỗ gia dụng sản xuất ở Việt Nam, Trung Quốc vào thời cổ. Mục đích là để trang hoàng, bày biện nhà cửa, địch thể với giới quyền quý cũ. Kiến thức về khảo cổ, mỹ thuật được lớp tân học tiếp thu rồi phổ biến trong dân chúng. Song song với các hoạt động của trường Viễn Đông Bác Cổ - Hà Nội, hội Đô Thành Hiếu Cổ - Huế, các viện bảo tàng được thành lập khắp 3 kỳ để triển lãm cổ vật cho quần chúng tham quan rộng rãi. Tại kinh đô Huế, vua Khải Định (1916 - 1925) là vị vua rất ham thích Đồ Xưa. Dưới triều ông, viện bảo tàng Khải Định được mở ra để trưng bày các bảo vật của hoàng gia, mà từ lâu được cất giữ bí mật. Các hoàng thân quốc thích, các đại thần cũng đua nhau chơi Đồ Xưa. Trong các phủ đệ, dinh thự vàng son rực rỡ, Đồ Xưa dùng để phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày, lúc yến tiệc hay cúng tế.

Bộ sưu tập đồ cổ của một gia đình. Ảnh Internet
Nhà buôn Đồ Xưa tiếng tăm lừng lẫy ở Huế lúc bấy giờ là ông Tham Hòa, ông Nghè Hưng, ông Cửu Sung. Thời này ở Bắc Hà, ngoài những nhà quan khét tiếng như Khâm sai Hoàng Cao Khải, Tổng đốc Hoàng Trọng Phu, Tổng đốc Vi Văn Định mà bảo vật, kỳ trân chưng bày la liệt từ ngoài sân cho đến nội thất dinh thự. Giới thương gia lớn cũng say mê chơi Đồ Xưa. Hà thành đến nay vẫn còn nhắc chuyện bà Bé Tý, cô Tư Hồng, hoặc những tay chơi sành sỏi như ông Hương Ký (tiệm ảnh), ông Mỹ Thắng (hàng bạc), ông Nguyên Ninh (bánh cốm), nhà buôn kỳ cựu có cụ Hàn Liên ở phố Hàng Trống mà tiếng vang khắp cõi Đông Dương tới tận Ba Lê. Nam bộ, hồi đầu thế kỷ, theo cụ Vương Hồng Sển kể lại, thì Sài Gòn có bà Đốc phủ Hà Minh Phải, Vĩnh Long có ông Phán Nuôi là đệ nhất. Buôn bán loại hàng này có tiệm Pháp Vũ đường Catina, (nay là Đồng Khởi) chuyên cung cấp các món quý lạ cho khách sành điệu. Chành Đào Ngọc ở Chợ Lớn bán loại bình thường cho người chơi miệt vườn lục tỉnh. Thú chơi Đồ Xưa ngày càng lan rộng, từ chốn thị thành đến tận nông thôn. Trình độ người chơi, sưu tầm cũng được nâng cao, tựu trung có thể chia làm hai trường phái chính:
- Trường phái Cổ Đồ
Chơi “Cổ Đồ” là dùng đồ xưa để bày biện theo đúng quy cách mỹ thuật cổ điển. Cách chơi này phổ biến ở miền Bắc, chịu ảnh hưởng truyền thống Trung Hoa. Để bày “Cổ Đồ” không đòi hỏi phải có nhiều hiện vật, mà đòi hỏi phải có vài món Đồ Cổ đích đáng, hội đủ ba điều kiện: “Cổ, Quý, Kỳ”. Món được chọn phải toàn bích; men màu, hình dáng, kích thước phải hoàn hảo, không thể chê điểm nào được. Thưởng ngoạn “Cổ Đồ” cần có một không gian rộng rãi, sáng sủa, một số đồ gỗ tuyệt khéo và hài hòa để làm nền. Quan trọng nhất là chủ nhân phải thông hiểu bài bản, quy tắc trang trí của các thời đại cổ Trung Quốc. Thường thì người chơi “Cổ Đồ” chỉ đem những món ruột, độc đáo ra bày vào dịp lễ, tết quan trọng hay khi gặp được bạn tri âm. Bên đỉnh trầm hương, chủ nhân tự tay pha trà, chuốc rượu mời khách để cùng nhau săm soi phẩm bình.
- Trường phái Sưu Tập
Chơi “Đồ Xưa” theo cách này là người chơi phải quyết định chọn cho mình một đề tài chuyên môn để sưu tập. Ví dụ như sưu tập bình vôi ăn trầu, ấm chén uống trà hay gốm Lý - Trần. Phái này thịnh hành ở miền Nam. Chịu ảnh hưởng phương pháp Âu - Mỹ. Người “Sưu tập” không đòi hỏi phải có điều kiện quá cao về kinh tế hay kiến thức về lịch sử mỹ thuật Trung Hoa. Điều cần thiết là phải bền chí và có thời gian. Có những phẩm vật xưa rất rẻ tiền và dễ kiếm, nhưng khi góp thành bộ sưu tập đầy đủ lại hóa ra vô giá. Người sưu tập, ngày này qua năm khác, nhặt nhạnh, tìm kiếm, dần tích lũy sự hiểu biết chuyên sâu về bộ môn của mình. Thường xuyên tiếp cận với hiện vật trong tay, tạo điều kiện dễ dàng đưa họ bước vào lãnh vực nghiên cứu. Phần thưởng sung sướng nhất dành cho họ là sau bao năm, miệt mài, âm thầm “góp nhặt cát đá” tình cờ họ phát hiện ra những bí ẩn trong món Đồ Xưa, hay hoàn thành bộ sưu tập độc đáo, được dư luận tán thưởng, quan tâm. Trường phái “Sưu Tập” một thời cực thịnh trong Nam quả thực nhờ công lao của lão sư chưởng môn Vương Hồng Sển. Những công trình nghiên cứu trước tác của ông trong nửa thế kỷ nay, đã hướng dẫn, cổ động ảnh hưởng rất nhiều với người sau. Không biết có phải nhờ hưởng lạc thú chơi Đồ Xưa không, mà nay lão sư sống gần trọn thế kỷ XX, tinh thần vẫn sáng suốt, thân thể vẫn tráng kiện.1 Cùng thời, còn có các tiền bối như giáo sư Dương Minh Thới, kỹ sư Vương Văn Khuê. Kế thừa có họa sĩ Nguyễn Văn Rô, nhà văn Ngọc Sơn. Các vị đều rất uyên bác, lịch duyệt về chuyên môn cũng như trường đời Âu Á; đã giữ lại cho Sài Gòn, Gia Định những bộ sưu tập “tuyệt kỹ công phu”.
Xét cho cùng, thú chơi đồ xưa, vốn có tính văn hóa rất cao, không những có ích cho bản thân, gia đình mà cho xã hội nữa.
Chính những bộ sưu tập của tư nhân đã bổ sung hỗ trợ cho các viện Bảo tàng Nhà nước khi cần thiết. Trong nhân dân càng có nhiều người biết quý chuộng, ham thích sưu tập Đồ Xưa, thì lo gì chẳng góp phần tích cực vào việc ngăn chặn “Bệnh Chảy Máu Đồ Cổ” một cách hữu hiệu. Nhưng muốn đạt được điều đó, ngoài việc tuyên truyền, phổ biến những kiến thức chuyên môn, Chính phủ còn cần tạo những điều kiện thuận tiện, khích lệ những người chơi Đồ Xưa ở trong nước. Giải tỏa những quy định phiền hà, không phù hợp với thực tế như hiện nay: “Bắt buộc người chơi đồ xưa phải có giấy phép của bộ Văn hóa. Khi mua bán hay chuyển nhượng xê dịch phải trình báo với chính quyền”. Sự quy định chặt chẽ đó, chỉ nên áp dụng đối với những Di Tích Lịch Sử Văn Hóa hay Bảo Vật Quốc gia. Thực sự nó không “khả thi” đối với các loại đồ xưa thông thường, tư hữu của nhân dân.
Hy vọng công cuộc canh tân, phát triển đất nước thành công tốt đẹp. Rồi đây, nền kinh tế thịnh vượng, cuộc sống vật chất đầy đủ thì không chừng Việt Nam lại trở thành nước phải “nhập máu đồ cổ”. Biết bao nhiêu đồ xưa quý hiếm, danh họa thời Đông Dương gần đây từ Âu Mỹ đã chắp cánh mà bay về tổ quốc Việt Nam. Vì sao?
Ở đời muôn sự của chung! Chẳng qua mỗi người “làm mọi giữ của” một lúc. Những ai đã và đang định “làm mọi giữ của cho đời” cứ suy đi nghĩ lại cho kỹ rồi Tha Hồ Chơi Đồ Xưa.
T.Đ.S
------
1 Cụ Vương Hồng Sển mất năm 1996.