VÀI NÉT VỀ ĐỜI NGHỆ SĨ CỦA VUA HÀM NGHI

Cuộc đời bi tráng của vua Hàm Nghi cùng hoàn cảnh lịch sử đất nước từ khi ngài lên làm vua đến lúc Pháp bắt được và đày đi Algérie đã được nhiều người viết (chẳng hạn, xem “Vua Hàm Nghi” của Phan Trần Chúc, viết từ năm 1935), tả lại hình ảnh chân thực, đầy đủ và chi tiết.

Tuy nhiên, đời sống của vua Hàm Nghi từ lúc bị đày ở Alger đến lúc mất chưa được nói đến nhiều vì giai đoạn này thông tin liên lạc từ Alger đến Việt Nam bị Pháp kiểm soát, ngăn chặn. Về sau ít người quan tâm nghiên cứu, phần lớn có lẽ do thiếu tư liệu cũng như vua Hàm Nghi sống khép kín, xa lánh chính trị trong thời gian lưu vong.

Bài viết nhỏ này có mục đích điểm qua một số tư liệu, bài báo viết về đời nghệ sĩ của vua Hàm Nghi giai đoạn bị lưu đày ở Algerie, được xuất bản cách đây trên dưới 10 năm.

Từ khi vua Hàm Nghi mất (1944) cho đến sau này, phần lớn thông tin cũng chỉ đề cập tình cảnh gian khổ, tinh thần quật khởi của ngài khi ban chiếu Cần vương và những tháng ngày đầu bị an trí ở châu Phi. Cuối năm 1999, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân qua Pháp, duyên may mắn gặp được thứ nữ của vua Hàm Nghi, công chúa Như Lý (1908-2005), đã thực hiện cuộc phỏng vấn tìm hiểu cuộc đời vua Hàm Nghi trong thời gian sống trên xứ người.

“Qua những lần gặp gỡ và thư từ của Công chúa Như Lý gởi cho tôi sau đó, tôi biết được trong lâu đài De La Nauche có nhiều tranh, tượng, ảnh do vua Hàm Nghi sáng tác hoặc được người khác chụp, vẽ vua Hàm Nghi. Công chúa cho phép tôi được chụp lại một chân dung vua Hàm Nghi, một bức tranh và một số tư liệu khác.” [1]

Tác giả thỉnh di ảnh vua Hàm Nghi, ông Nguyễn Duy Thản, Công chúa Như Lý và cô Anne Dabat trong lâu đài De la Nauche

Tác giả thỉnh di ảnh vua Hàm Nghi, ông Nguyễn Duy Thản, Công chúa Như Lý và cô Anne Dabat trong lâu đài De la Nauche

Từ những tư liệu trên, Ô. Nguyễn Đắc Xuân đã viết cuốn sách nhỏ “Vua Hàm Nghi một tâm hồn Việt ở chốn lưu đày”, NXB Thuận Hóa, Huế 2008 (năm 2013 tái bản và bổ sung nhiều tài liệu, hình ảnh). Có lẽ đây tác phẩm đầu tiên tạo ra tiếng vang, thu hút công chúng quan tâm đến cuộc đời bí ẩn của vị vương gia ở xứ người.

Một sự kiện quan trọng khác xảy ra năm 2010, đó là cuộc đấu giá bán tranh ở Paris:

“Lần đầu tiên, một bức tranh của vua Hàm Nghi mang tên là Déclin du jour (tạm dịch Chiều tà hay Ngày tàn) được bán tại Paris. Hôm 24/11 (2010) vừa qua, phòng số 1 của nhà đấu giá Drouot đã mở cửa kể từ 11 giờ sáng để đón công chúng đến xem các hiện vật được trưng bày. Buổi đấu giá chỉ diễn ra hơn 3 tiếng đồng hồ sau đó nhưng số khách đến từ trước lại khá đông”. [2]

Có lẽ thông tin này kích thích cô cháu ngoại 5 đời của vua Hàm Nghi, cô Amandine Dabat (cháu kêu Công chúa Như Lý bằng bà cố ngoại), sinh năm 1987,  chọn đề tài “Hàm Nghi (1871-1944) Empereur en exil, artiste à Alger” (Hàm Nghi (1871-1944), vị vua lưu vong, nghệ sĩ ở Alger) để làm luận án Tiến sĩ về Lịch sử Nghệ thuật và khảo cổ ở Đại học Sorbonne,  Paris 4 và bảo vệ vào ngày 03/12/2015. (Tóm tắt [3])

“Nhờ những tư liệu của gia đình Cô thành công thực hiện được công tác khảo cứu nhờ đã khám phá ra vốn sách lưu trữ tư hữu Hàm Nghi gồm có 2450 lá thư, bản nháp thư từ và giấy tờ cá nhân. Đem đối chiếu với những hồ sơ thuộc địa (công bố, hành chính và chính thức), cô thiết lập được một danh mục sắp xếp lý lẽ về sự nghiệp của nhà vua. Thêm vào đó, 91 công trình lưu trữ (hình vẽ, tranh màu, tranh sơn, tác phẩm điêu khắc) đóng góp vào việc hình thành một tiểu sử đầy đủ vua Hàm Nghi.” [4]

Có lẽ căn cứ thông tin của luận án Tiến sĩ và các bài báo của cô Amandine Dabat,  các tác giả Võ Quang Yến và Phạm Trọng Chánh [4,5] cho biết  việc đi vào con đường nghệ thuật của vua Hàm Nghi như sau: (trích)

‘‘Vì muốn Pháp hóa vua Hàm Nghi, chính phủ Pháp nhận ra những thiên hướng của ngài đối với hội họa và đã đề xuất Marius Raynaud, họa sĩ theo trường phái Á đông, đào tạo vua. Qua trung gian của De Vialar, viên sĩ quan người Pháp được giao phó quản thúc, Ngài bắt đầu học vẽ với họa sĩ Marius Reynaud, đồng thời cũng theo dõi lớp giảng dạy ở Trường Mỹ thuật…

… Tác phẩm xưa nhất còn giữ là một bức Ngài tự họa theo ảnh năm 1896. Bức tranh dầu trên vải đầu tiên của Ngài thể hiện phong cảnh miền quê quanh Alger. Từ 1899 đến 1903, Hoàng thân mượn trong trường phái ấn tượng kỹ thuật nét bút sơn dầu kề nhau để thể hiện thể tích, hình dáng cây cối, ánh sáng và nhất là để phát tỏa cảm giác trên tranh. Bắt đầu từ 1904, sau khi Paul Gauguin từ trần, theo gót nhà họa sĩ tài hoa, Ngài cho thêm vào kỹ thuật vẽ của mình những màu sắc rực rỡ, diễn cảm như hồng, cam, đỏ son, hoa cà,…

… Qua màu sắc, Hoàng thân muốn diễn tả tạo hóa, muốn biểu thị vẻ đẹp thiên nhiên lên tranh, tất nhiên cảnh mặt trời lặn trở thành đề tài ưa thích sở trường của Ngài và trên đối tượng nầy Ngài đã mặc sức phối hợp màu sắc, biến cách sắc thái lên tranh của mình. ‘‘Trong hoàn cảnh lưu đày, đeo đuổi nghệ thuật là cơ hội cho vua Hàm Nghi giữ mối liên lạc với Đông Dương. Nghệ thuật như là một khoảng trời tự do, qua đó nhà vua có thể thoải mái diễn tả tình cảm gắn bó với quê hương của mình.’’…

… Nghệ thuật Hàm Nghi cũng được diễn tả qua điêu khắc. Bắt đầu từ năm 1899, Auguste Rodin dạy Ngài kỹ thuật điêu khắc trong nhiều năm ở Pháp, qua 1920 Ngài làm việc với Léon Fouquet ở Alger. Công trình điêu khắc của Ngài gồm có những tượng nửa người đàn ông hay đàn bà, tượng đàn bà, đầu người, ngay cả rập khuôn. Hiện còn lưu trữ những tác phẩm bằng đất, đồng, thạch cao. Ngài sử dụng nhiều cách xử lý đồng, phỏng theo cấu tạo cứng chắc của Rodin nên ảnh hưởng của nhà điêu khắc nầy thấy rất rõ trong các tác phẩm của Ngài. Không cần bán để có tiền sống, ít triển lãm (3 lần 1904, 1909  và 1926), công trình của Ngài chỉ được biết trong vòng thân hữu, một phần được phổ biến qua cuốn danh mục Catalogue d’exposition Cuộc triển lãm Hoàng thân An Nam (15-27.11.1926) tại Galerie Mantelet-Colette Weil, Paris…

Amandine – cháu năm đời của vua Hàm Nghi trước tủ sách Nhà Nguyễn và Huế xưa của tác giả ở Huế. Ảnh NĐX

Amandine – cháu năm đời của vua Hàm Nghi trước tủ sách Nhà Nguyễn và Huế xưa của tác giả ở Huế. Ảnh NĐX

Vua Hàm Nghi may mắn là được Pháp chu cấp tiền sinh hoạt đầy đủ (25.000 franc/năm) nên có thể sống một cuộc đời nhàn hạ trong xã hội thượng lưu Pháp thời bấy giờ. Ngài chơi thể thao, đánh kiếm, âm nhạc, vẽ tranh, điêu khắc. Ngài viếng thăm nhiều thắng cảnh ở Algérie, Maroc, mỗi năm hai lần qua Pháp.

Người Pháp theo dõi, giám sát vua Hàm Nghi trong suốt cuộc đời của ngài.  Do đó nhà vua chỉ có thể quan tâm đến nghệ thuật. Giai đoạn vua Hàm Nghi lên ngôi ở Việt Nam, nghệ thuật phương tây chưa được giới thiệu ở Đông Dương nên vai trò, tư cách nghệ sĩ được hiểu như ở phương tây cũng không tồn tại. Ở Á đông, chỉ có khái niệm thợ thủ công lành nghề có vị trí trong xã hội và được vua chúa trưng dụng. Cá nhân của nghệ sĩ không được nói đến, các thợ cả không có quyền lưu dấu vào các tác phẩm của họ. Việc để lại chữ ký trên các sản phẩm hoàn chỉnh là rất hiếm.

Có thể xem vua Hàm Nghi cùng với họa sĩ Lê Văn Miến (1873-1943) là hai người Việt đầu tiên đi vào hội họa sơn dầu theo phong cách phương tây. Vua Hàm Nghi đã ký vào một số bức tranh của ông với nghệ danh là "Tû Xuan" (Xuân Tử: 春子 tên gia đình gọi lúc nhỏ của Ưng Lịch, tức vua Hàm Nghi) để người Pháp dễ phát âm. Cách viết "Tû Xuan" cũng xuất hiện trên danh mục của cuộc triển lãm năm 1926: Triển lãm của Hoàng tử Tû-Xuan (Hoàng tử An Nam), từ ngày 15 đến ngày 27 tháng 11 năm 1926.  [3]

Ngoài việc thực hiện các hoạt động hội họa, điêu khắc ra, ngài còn giao du với nhiều nhà trí thức, nghệ sĩ Pháp như Léon Fourquet, Pierre Loti, Louis Massignon, Marius Reynaud, Pierre Roche, Georges Rochegrosse, Auguste Rodin, Camille Saint-Saëns.

Ngài có tình bạn vong niên với nhà văn nữ Judith Gautier (25/8/1845 - 26/12/1917) cho dù bà lớn hơn vua đến 26 tuổi. Số lớn thư từ trao đổi (gồm 93 lá thư trong những năm  từ 1900 đến 1916) giữa hai người cho thấy họ đã quan tâm đến nhau như thế nào. Nữ sĩ Judith Gautier đã làm nhiều bài thơ tặng vua Hàm Nghi [6], đặc biệt là bài với tựa đề Xuân Tử (Con của mùa Xuân) như sau [3]:

春子

Fils du Printemps! hélas! tes fleurs, à peine écloses,

S’effeuillèrent au vent d’un orage brutal,

Qui brisa, d’un seul coup, les espoirs et les roses,

Fis crouler les palais de laque et de santal.

Ton pays déchiré, ta race désunie,

Le matin de ta vie éclaboussé de sang;

A tes pieds, le Dragon tordant son agonie:

Hélas ! ce fut ton sort, Royal adolescent!

Mais tu seras grandi par la douleur féconde.

Le barbare attentat, l’infâme trahison,

T’ont fait perdre un royaume: ils te donnent le Monde,

En ouvrant devant toi tout l’immense horizon. (…)

(Tạm dịch)

 

Xuân tử! Than ôi! Cánh hoa vừa chớm nở,

Vùi dập đi bởi cơn gió bạo tàn,

Niềm hy vọng cùng những cánh hồng bỗng nát tan,

Cung điện sơn mài và gỗ đàn hương đều đổ sập.

Đất nước chàng bị giày xéo, chủng tộc bị chia cắt

Thuở bình minh đời chàng sớm nhuốm máu;

Dưới chân người, con Rồng vặn vẹo đớn đau:

Chao ôi! Thân phận của chàng, Hoàng gia niên thiếu!

Nhưng nỗi đau sẽ nâng chàng chóng trưởng thành

Cuộc tấn công man rợ, sự phản bội khét tiếng,

Làm chàng mất một vương quốc: thì chàng có cả Thế giới,

Bằng cách mở ra trước mắt một chân trời bao la. (…)

 

Về vài tác phẩm của vua Hàm Nghi (có hình ảnh kèm):

Tranh: Ngài vẽ nhiều tranh, có lẽ phần lớn còn được giữ lại ở các bộ sưu tập tư nhân. Trong cuộc triển lãm năm 1926, ngài có 50 bức, ký tên chữ Hán là Tử Xuân nhưng nay chỉ còn 15 bức.

Bức tranh “Chiều tà”

Bức tranh “Chiều tà”

Về bức tranh sơn dầu, bán đấu giá năm 2010, nguyên tác có tên “La route de El Biar” (Con đường của El Biar), được vẽ vào năm 1915, kích thước 35 x 46 cm. Tên tranh sau này đổi thành "Déclin du jour” (Chiều tà). Bức tranh này thể hiện phong cảnh của ngọn đồi El Biar, ở Algers, không xa nơi vua Hàm Nghi cư trú. Định giá ban đầu là 1000 euro, sau đó bán được là 8800 euro. Người mua được là ông Gérard Chapuis, một bác sĩ người Pháp gốc Việt, sở hữu nhiều tài sản văn hóa Huế. Qua thư gửi Ô. Nguyễn Đắc Xuân, Gérard Chapuis có ý định mang về trưng bày ở Huế để người Việt thưởng lãm nhưng đến nay chưa thực hiện được. [6]

Một bức tranh khác có tên  “Falaises de Port-Blanc” (Vách đá Port-Blanc (St-Lunaire)), sáng tác năm 1912, chất liệu sơn dầu kích cỡ 61 x 50 cm. Bức tranh vẽ cảnh biển và được triển lãm vào năm 1926 tại phòng trưng bày Mantelet (Colette Weil) ở Paris. [3]

Tượng điêu khắc: Từ năm 1904, vua Hàm Nghi tham dự các khóa học điêu khắc với Auguste Rodin. Ngài tạc tượng phụ nữ và tượng bán thân nữ và nam. Một trong những tượng phụ nữ, sáng tác năm 1925, đúc bằng đồng là "Eve",  có chiều 52 cm, thể hiện một người phụ nữ khỏa thân, tư thế đứng, tựa đầu vào cánh tay phải uốn cong, tay trái cầm một quả táo, tóc buông xõa đằng sau.  Sự quan tâm của vua Hàm Nghi và việc chọn các chủ đề điêu khắc trái ngược việc ông vẽ tranh vì hầu hết các bức tranh sơn dầu không có nhân vật. [3]

Tượng Eve, 1925

Tượng Eve, 1925

Âm nhạc: Trong tác phẩm “Vua Hàm Nghi”, tác giả Phan Trần Chúc cho biết vua còn đam mê âm nhạc nhưng cho đến nay chưa có thông tin rõ hơn đối với vua về bộ môn nghệ thuật này.

------------------------

Bức Chiều tà trong mắt giới chuyên gia hội họa   (Theo RFI) [2]

Tại nhà đấu giá Drouot, chúng tôi cũng đã gặp cô Cécile Ritzenthaler, chuyên gia về hội họa thế kỷ XIX và XX, và cũng là người đã dẫn dắt cuộc đấu giá hôm 24/11. Cô là người đã xét nghiệm tính xác thực của bức tranh Chiều tà Déclin du jour. Cô cho biết nhận xét của mình về tác phẩm của vua Hàm Nghi.

Cécile Ritzenthaler: Chiều tà (Déclin du jour) không phải là tựa đề chính xác của tác phẩm. Trong nguyên tác, bức tranh này mang tên là La route de El Biar (Con đường của El Biar). Riêng về cái tựa Déclin du jour được ghi chú trên một tấm giấy nhỏ kẹp vào khung gỗ ở đằng sau bức tranh. Trên tấm giấy, có ghi thêm hàng chữ, quà tặng của hoàng tử An Nam, vẽ vào năm 1915 tại Alger. Điều đó giúp cho chúng tôi tìm hiểu thêm về xuất xứ của tác phẩm, bởi vì ở một góc tranh nhà vua ký tên bằng Hán tự, dịch sát nghĩa là Con của mùa xuân (Xuân Tử). (Lời tòa soạn : nhiều nguồn khác thì cho rằng nghệ danh của vua Hàm Nghi là Tử Xuân).

Theo đánh giá của tôi, bức Chiều tà có những nét họa mang nhiều ảnh hưởng của trường phái Nabi, một phong trào hội họa hình thành vào cuối thế kỷ 19, thiên về chủ nghĩa biểu tượng. Chữ Nabi bắt nguồn từ tiếng Do Thái, nebiim có nghĩa là tiên tri, linh cảm. Bức tranh vẽ phong cảnh này có một gam màu sẫm, hàng cây chân trời đều có những đường viền màu xanh đậm, ánh nắng ban chiều thì ửng màu hồng tím. Cách vẽ này dùng những màu lấy thẳng từ các ống sơn, chứ không có nhiều pha trộn. Một điểm tiêu biểu khác nữa là trong tranh phong cảnh theo khuynh hướng Nabi, chân trời thường được vẽ ở phần nửa trên thay vì ở phần nửa dưới của tấm tranh. Sinh thời, nhà vua đã học vẽ với thầy là Maurius Reynaud và học tạc tượng với nhà điêu khắc lừng danh của Pháp là Auguste Rodin.

Đào sâu hơn nữa, chúng tôi mới khám phá ra rằng sinh thời nhà vua Hàm Nghi đã triển lãm một lần các tác phẩm của mình vào năm 1926 tại Paris. Điều đó phần nào giúp cho chúng tôi định giá tác phẩm, bên cạnh việc so sánh bức Chiều tà với các tấm tranh của các tác giả cùng thời. Ngay từ ban đầu, tôi đã nhận được nhiều cú điện thoại của những người muốn mua tranh, có cả người Việt lẫn người Pháp. Điều đáng chú ý là đa số những người này muốn mua vì lý do tình cảm nhiều hơn là nhằm mục đích kinh doanh. Đa số đều còn khá xa lạ với hình thức bán đấu giá, nên họ gọi tôi để tham khảo ý kiến. Phản ứng của họ hoàn toàn khác với những thương gia chuyên sống nhờ nghề buôn bán tranh.  (RFI)

-------------------------------------------------------

 

Tài liệu đã dẫn

[1] Nguyễn Đắc Xuân, Người cháu gái 5 đời của vua Hàm Nghi làm làm luận án Tiến sĩ về vua Hàm Nghi, http://www.gactholoc.com/c29/t29-63/nguoi-chau-gai-5-doi-cua-vua-ham-nghi-lam-luan-an-tien-si-ve-vua-ham-nghi.html

[2] Tuấn Thảo, RFI Phóng sự: Paris bán đấu giá tranh của vua Hàm Nghi

https://www.rfi.fr/vi/viet-nam/20101126-phong-su-paris-ban-dau-gia-tranh-cua-vua-ham-nghi

[3] Amandine  Dabat, Hàm  Nghi artiste: le peintre et le sculpteur

http://aejjrsite.free.fr/goodmorning/gm136/gm136_HamNghiArtistePeintreSculpteur.pdf

[4] Võ Quang Yến, Nửa đời Nghệ sĩ của vua Hàm Nghi,

http://chimviet.free.fr/truyenky/voquangyen/vyen_DoiNgheSiHamNghi_a.htm

[5]- Phạm Trọng Chánh, Tử Xuân Hàm Nghi (1872-1942) vị vua lưu đày thành nghệ sĩ, https://giaodiemonline.com/2016/02/hamnghi.htm

[6] Trần Trung Sáng, Hàm Nghi: Hồi ức con đường El Biarhttp://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c419/n28621/Ham-Nghi-Hoi-uc-con-duong-El-Biar.html

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang