THỜI GIAN THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH HOẠT ĐỘNG ĐẠO PHẬT Ở CẦU ĐẤT TRƯỚC NĂM 1954

Sau ngày thống nhất đất nước tôi lên Đà Lạt thăm gia đình mẹ tôi và đi xe đò về Cầu Đất (Entreraille) thăm gia đình o Cửu Ba (bà Đoàn Bá Quế, chị của ba tôi) - nơi ba tôi gởi má con tôi lên tá túc lúc tôi mới 4 tuổi (1941). Dượng Cửu từng làm sếp-săng-chê (chef chantier) sở trà Cầu Đất của ông Lord. Lúc mới lên Đà Lạt, má tôi được Dượng Cửu xin cho làm công nhân trong sở trà này. O dượng Cửu Ba cũng là một trong những người sáng lập ra Đạo Tràng Phật Giáo ở Cầu Đất nên rất có uy tín với dân địa phương.

Ở lại trong nhà O Dượng, tôi tò mò xem tủ sách của gia đình, bất ngờ tôi thấy có một loạt sách của Thầy Nhất Hạnh, trong đó có nhiều cuốn tôi đã từng cầm đi ấn tống, cũng có những cuốn ra đời sau khi tôi đã thoát ly theo kháng chiến (như cuốn Nẻo Về Của Ý), tôi chú ý đặc biệt đến cuốn Nói Với Tuổi Hai Mươi đã ra đời cách đó đúng 10 năm (1965-1975). “Bộ” sưu tập sách Thầy Nhất Hạnh gợi lại những hình ảnh về Thầy Nhất Hạnh đã chôn sâu trong tâm trí tôi.

Ảnh 1: Tại Thiền viện Vạn Hạnh, Thầy Nhất Hạnh vỗ đầu đệ tử  Phương Hải Đoàn Thị Thành, sau 40 năm gặp lại’ . Ảnh NĐX

Ảnh 1: Tại Thiền viện Vạn Hạnh, Thầy Nhất Hạnh vỗ đầu đệ tử Phương Hải Đoàn Thị Thành, sau 40 năm gặp lại’ . Ảnh NĐX

Tôi hỏi chị Đoàn Thị Thành - con của o tôi:
-“ Em không ngờ nhà o dượng ở cái đất Cầu Đất này lại có một “bộ” sưu tập sách của Thầy Nhất Hạnh nhiều đến vậy?”
Chị Thành giải thích:
-“Phần lớn các sách đó Thầy Nhất Hạnh gởi cho đó. Em không biết chớ hồi trước khi có Hiệp định Genève ba chị hay tổ chức cho Thầy về chùa Cầu Đất thuyết pháp lắm. Có khi Thầy bị bệnh mạ chị phải mời Thầy về nhà đây chăm sóc sức khoẻ cho Thầy, đến khi Thầy bình phục rồi mới rước Thầy trở lại chùa. Nhiều lần Thầy soạn kịch bắt chị và chị Lập đóng vai chính. Vui lắm. Do đó ngoài tình đồng đạo, đồng hương, Thầy còn coi gia đình ba mạ chị như một gia đình bà con của Thầy. Hồi Thầy còn ở Việt Nam bọn chị hay gặp Thầy luôn. Mỗi lần có tác phẩm mới Thầy đều gởi cho bọn chị!”
Ảnh 2: Cậu Đồng-Tư liệu luật sư đại diện Làng Mai gửi cho sân khấu IDECAF. Ảnh của báo Tuổi Trẻ.

Ảnh 2: Cậu Đồng-Tư liệu luật sư đại diện Làng Mai gửi cho sân khấu IDECAF. Ảnh của báo Tuổi Trẻ.

Chuyện chị Thành kể là một chuyện lạ đối với tôi. Tôi không thể tưởng tượng được trong ngôi nhà thời thơ ấu tôi đã sống qua ở Cầu Đất cũng là nơi Thầy Nhất Hạnh đã từng nằm dưỡng bệnh và viết kịch để rao giảng Đạo Phật cho giới trẻ. Do mối quan hệ đó mà về sau này mỗi lần muốn biết tin tức Thầy Nhất Hạnh tôi chỉ cần hỏi các anh chị trong gia đình o tôi là tôi có thể biết được. Đây là một chuyện ngẫu nhiên bất ngờ làm cho cuộc đời tôi thêm ý vị.
                                                                             (Trích Nguyễn Đắc Xuân, Đỉnh Xuất Kỳ Nhân, Nxb Thế Giới và Thái Hà Books, HN 2016, tr.27-29).
Bổ sung:
Sau năm 2005, chị Phương Hải Đoàn Thị Thành được đảnh lễ Thiền sư Thích Nhất Hạnh (xem ảnh 1), chị đã chuyển cho tôi kịch bản Cậu Đồng do Thiền sư chuyển thể từ Le Tartuffe của Moliè re mà Thiền sư đã chọn chị đóng một vai hồi trước 1954. Tôi đã gửi tặng lại Thầy. Thầy rất quý xem như một di cảo cũ nhất của Thầy còn lại. Rồi đến đầu tháng 9-2020, các con tôi ở TP HCM được tin Nghệ sĩ Thành Lộc dựng vở Cậu Đồng ở IDECAF (xem ảnh 2), các con tôi đã đến Quận 5, TP HCM đón chị Phương Hải Đoàn Thị Thành đi xem kịch Cậu Đồng. Nghệ sĩ Thành Lộc rất cảm động được gặp người giữ kịch bản Cậu Đồng mà lúc 14, 15 tuổi chị đã từng đóng một vai trong kịch. Chị Thành được mời lên sân khấu. Và bất ngờ người xem kịch được gặp một đệ tử xưa nhất của Thiền sư Thích Nhất Hạnh còn tại thế. Cuộc đời thêm một hạnh phúc. NĐX.

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang