Ở Huế có những tuyến đường được mệnh danh là con đường vương phủ, như tuyến đường Kim Long – Nguyễn Phúc Nguyên, đường Bạch Đằng, đường Chi Lăng, đường Nguyễn Sinh Cung. Đặc biệt là đường Phan Đình Phùng, chạy dọc theo “sông An Cựu nắng đục mưa trong” lưu dấu nhiều phủ - đệ của các ông hoàng bà chúa với mật độ dày nhất.
Phía dưới cầu Bến Ngự có Lạc Tịnh Viên của Đông các Đại học sĩ Hồng Khẳng, con trai thứ 11 của Tùng Thiện Vương. Phủ được xây dựng vào năm 1889, qua nhiều lần trùng tu, chỉnh trang đến năm 1910 mới hoàn thiện với công trình nhà Vấn Trai. Lạc Tịnh Viên hiện là một trong những ngôi nhà vườn cổ đẹp nhất của Huế, thường xuyên có khách tới tham quan, thưởng lãm. Người ta còn biết đến Lạc Tịnh Viên nhờ danh tiếng của bà Trương Đăng Thị Bích, phu nhân của cụ Đông các Đại học sĩ, tác giả cuốn Thực phổ bách thiên, cuốn sách dạy nấu 100 món ăn bằng thơ.
Qua khỏi cầu Phủ Cam hơn 500 mét là Phủ Tùng Thiện Vương, con trai thứ mười của vua Minh Mạng. Tùng Thiện Vương Miên Thẩm (1819-1870) và bào đệ Tuy Lý Vương Miên Trinh là hai nhà thơ nổi tiếng của Huế, được người đương thời đánh giá: Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán/Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường. Sinh thời, Tùng Thiện Vương nổi tiếng đạo cao, đức trọng, tri thức uyên bác. Ông đến với mọi người đều bằng tấm lòng chân thực, khiêm tốn, không phân biệt địa vị, tuổi tác, sang hèn. Vương phủ của Tùng Thiện Vương cũng là một văn đàn. Tại đây ông mở Mặc Vân thi xã, tập hợp nhiều danh sĩ, trong đó có Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát. Tác phẩm tiêu biểu nhất của Tùng Thiện Vương là Thương Sơn thi tập, gồm 54 quyển với hơn 2.200 bài thơ.
Qua khỏi cầu Kho Rèn, cũng khoảng 500 mét, có ngôi nhà lưu niệm của Đoan Huy Hoàng thái hậu Từ Cung, bà Hoàng thái hậu cuối cùng của nhà nước phong kiến Việt Nam. Ngôi nhà này nguyên là của bà Ân Phi, cũng là vợ vua Khải Định. Do không có con nên bà Ân Phi bị thất sủng. Bà Từ Cung vốn là phủ thiếp nhưng sinh hạ được công tử Vĩnh Thuỵ vào năm 1913. Năm 1916, Phụng Hoá Công Bửu Đảo lên ngôi, niên hiệu Khải Định, địa vị của bà Từ Cung trở nên quan trọng trong Hoàng gia. Tháng 8-1945, một ngày sau lễ thoái vị, gia đình cựu hoàng Bảo Đại ra khỏi Hoàng cung, về ở tại Cung An Định. Năm 1955, khi Quốc trưởng Bảo Đại bị lật đổ, ông Ngô Đình Diệm lên làm Thủ tướng, chính quyền Việt Nam cộng hoà không cho phép bà Từ Cung ở trong Cung An Định. Bà Từ Cung mua lại ngôi nhà của bà Ân Phi, và đã ở trong ngôi biệt thự tư hữu này từ năm 1955 cho đến ngày qua đời - ngày 10-11-1980. Tầng trên của ngôi nhà dùng để thờ phụng. Gian giữa thờ các vua, chúa nhà Nguyễn. Gian bên phải thờ phật, thánh, thờ bà Nghi Quốc Công (mẹ bà Từ Cung); và thờ hai bà Thánh Cung, Tiên Cung (mẹ đích và mẹ đẻ của vua Khải Định). Gian bên trái sắp đặt một số tượng của vua Bảo Đại và ảnh Hoàng hậu Nam Phương. Sau khi cựu Hoàng Bảo Đại mất, phần trước của gian này được dùng để thờ ông. Ngôi biệt thự hiện nay có số nhà 147.
Khu vực từ nhà số 167 đến 171 hiện nay nguyên là đệ trạch của Ngọc Lâm công chúa, trưởng nữ của vua Đồng Khánh (hiện nay chỉ còn hai cái cổng và phủ thờ). Số 177 là biệt thự của Hoàng đệ Vĩnh Cẩn, Hoàng thân thân tín nhất của cựu hoàng Bảo Đại.
Địa chỉ 179 là Phủ Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai (1845-1876), còn gọi là Nội từ. Ông là con trai thứ 26 của vua Thiệu Trị. Kiên Thái Vương là thân sinh của ba vua Kiến Phúc (1883-1884), Hàm Nghi (1884-1885), Đồng Khánh (1885-1888). Trong ba vị vua là con của Kiên Thái Vương chỉ có Đồng Khánh được ở ngôi cho đến khi qua đời. Vua Kiến Phúc chỉ tại vị được tám tháng. Vua Hàm Nghi nối ngôi vua anh được một năm thì kinh đô thất thủ, phải ra sơn phòng phất cờ Cần Vương chống Pháp. Vua Hàm Nghi bị người Pháp bắt đem đày sang Algeria. Vì thế thời ấy ở Huế có câu: Một nhà sinh đặng ba vua/ Vua còn, vua mất, vua thua chạy dài.

Phủ Kiên Thái Vương ở đường Phan Đình Phùng, Huế
Hiện tại phủ Kiên Thái Vương thờ năm vua thuộc ba thế hệ: Đồng Khánh, Kiến Phước, Hàm Nghi, Khải Định, Bảo Đại. Ngay bên cạnh phủ Kiên Thái Vương là Cung An Định, do vua Đồng Khánh xây khi mới lên ngôi để tặng Hoàng tử trưởng Nguyễn Phúc Bửu Đảo. Bửu Đảo được phong tước Phụng Hoá Công nên công trình này nguyên có tên là Phủ Phụng Hoá. Năm 1916, Bửu Đảo lên ngôi, niên hiệu Khải Định, ông cho cải tạo Phủ Phụng Hoá thành lâu đài tráng lệ. Công trình kiến trúc chính là toà nhà ba tầng, có tên là Lầu Khải Tường, vua Khải Định dành tặng cho Hoàng tử Vĩnh Thuỵ. Hoàng tử Vĩnh Thuỵ đã ở tại đây cho đến năm 1922 thì qua Pháp học. Năm 1925, sau khi vua Khải Định băng hà, Hoàng tử Vĩnh Thuỵ từ Pháp trở về đăng quang với niên hiệu Bảo Đại. Khi tại vị cả vua Khải Định và vua Bảo Đại đều ở trong điện Kiến Trung. Sau lễ thoái vị vào ngày 30-8-1945, cựu hoàng Bảo Đại cùng gia đình về ở tại Cung An Định.
Trong khuôn viên Cung An Định có khá nhiều công trình kiến trúc. Các công trình tiêu biểu là: cổng chính (hai tầng), Đình Trung Lập (ở giữa sân), Lầu Khải Tường, Cửu Tư Đài (phía sau Lầu Khải Tường), vườn thú, cửa hậu (ở đường Nguyễn Huệ)... Lầu Khải Tường là công trình kiến trúc chính, chiếm diện tích mặt bằng 1.584 m2, gồm ba tầng, trông giống như một toà lâu đài cổ ở châu Âu. Kiến trúc và trang trí nội thất Lầu Khải Tường nói riêng, Cung An Định nói chung, ghi dấu giai đoạn giao thời giữa hai nền mỹ thuật, kiến trúc Đông - Tây ở đầu thế kỷ XX. Đặc biệt, nội thất lầu Khải Tường có sáu bức tranh tường ở sảnh đường, được vẽ theo kỹ thuật sơn dầu trên chất liệu vữa, mỗi bức có diện tích cỡ 1.8x1.4m hoặc 1.8x1.00m. Khung tranh được chạm trổ tinh xảo và thếp vàng.
Bên trái cung An Định, đối xứng với Phủ Kiên Thái Vương là Ngoại từ, nơi thờ phụng tiên tổ của Hoàng Thái Hậu Tiên Cung (1868-1944). Tiếp đó là phủ của An Hóa Công Bửu Tửng, con trai vua Đồng Khánh (số 185); Nguyễn Đức Đường Môn (số 189), phủ cũ của Bái Ân Công Chúa Nguyễn Phúc Lương Trinh (1830-1891), con vua Minh Mạng. Sau này phủ Bái Ân trở thành dinh của hậu duệ Phò mã Nguyễn Đức Huy.
Dọc theo đường Phan Đình Phùng – sông An Cựu, dựa theo đặc điểm địa lí và hệ thống di sản phủ, đệ theo tôi có thể xây dựng hai sản phẩm du lịch có tên gọi là “Con đường vương phủ” và “Nếp sống Hoàng gia”.
Cung An Định và Nhà lưu niệm Hoàng Thái hậu Từ Cung từ lâu đã được mở cửa đón khách tham quan nhưng hiệu quả khai thác chưa được như mong đợi. Tôi nghĩ là cơ quan chủ quản hai di tích này mới đầu tư phục hồi một phần “phần xác”, chưa thổi hồn cho di tích. Từ đó tôi nghĩ trên “con đường vương phủ”, ít nhất tại Cung An Định, nhà lưu niệm Hoàng Thái hậu Từ Cung và Phủ Kiên Thái Vương cần có sản phẩm thứ hai bổ trợ theo hướng phục dựng lại “nếp sống hoàng cung”. Du khách sẽ được chiêm ngưỡng không khí của một cung điện, vương phủ nguyên vẹn bằng những công trình nghệ thuật đã được trùng tu hoàn chỉnh, và bằng một hệ thống video diễn lại y như thật cuộc sống hàng ngày của các nhân vật lịch sử. Kèm theo đó sẽ có một số dịch ẩm thực Huế, ẩm thực cung đình phục vụ du khách có nhu cầu.

Cung An Định
Sản phẩm thứ ba là đã đến lăng Tự Đức thì đừng quên lăng mộ ông hoàng sinh ba vua. Huế có ba lăng tẩm được du khách tham quan nhiều nhất là lăng các vua Tự Đức, Khải Định và Minh Mạng. Lăng Tự Đức trữ tình, thơ mộng, một công trình kiến trúc thuộc loại đẹp nhất của Huế, một biếu tấu độc đáo của nghệ thuật kiến trúc triều Nguyễn. Hiện nay lăng Tự Đức thu hút rất đông du khách nhưng ít người quan tâm đến các di tích khác ở bên cạnh như lăng vua Đồng Khánh, lăng Kiên Thái Vương.
Lâu nay du khách ít vào lăng Đồng Khánh và lăng Kiên Thái Vương có lý do tình trạng di tích xuống cấp, hiện tại lăng Đồng Khánh đã được trùng tu toàn diện. Lý do khác là do quỹ thời gian hạn hẹp nên hai di tích này ít khi được các hãng lữ hành đưa vào tour tham quan. Lại thêm lý do dân ta ít biết sử ta. Du khách, và ngay cả người Huế, ít ai biết đầy đủ về thân thế của hai nhân vật này nên không có nhu cầu tìm hiểu, khám phá.
Trong lịch sử hiếm người được như Kiên Thái Vương. Ông có ba con, một cháu nội và một chắt nội làm vua. Sau ngày kinh đô thất thủ (23-5-1885 âm lịch), Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi ra sơn phòng. Tháng 9-1885, Ưng Đường lên ngôi, hiệu Đồng Khánh. Năm 1916 vua Duy Tân bị người Pháp bắt đi đày sau cuộc khởi nghĩa bất thành, hoàng tử Bửu Đảo (cháu nội Kiên Thái Vương) lên ngôi, hiệu Khải Định; rồi hoàng tử Vĩnh Thụy (chắt nội Kiên Thái Vương) nối ngôi, hiệu Bảo Đại.
Lăng mộ Kiên Thái Vương toạ lạc ở đỉnh ngọn đồi ngay phía sau lăng vua Đồng Khánh. Khi mới lên ngôi Đồng Khánh cho xây điện Truy Tư ở sườn đồi phía phía trước lăng mộ để thờ thân phụ. Công trình đang dở dang thì Đồng Khánh mất đột ngột. Khi tại vị Đồng Khánh chưa kịp chuẩn bị đất xây dựng lăng mộ cho bản thân. Lúc này triều đình đang gặp nhiều khó khăn nên vua Thành Thái kế vị đã quyết định dùng điện Truy Tư để thờ vua Đồng Khánh, và đổi tên thành điện Ngưng Hy. Lăng mộ vua Đồng Khánh được xây rất đơn giản, ở cách điện thờ khoảng 100 mét về phía bên phải. Năm 1916, 1921, 1923, dưới triều vua Khải Định, lăng Đồng Khánh mới được tu sửa hoàn chỉnh.
Lăng Đồng Khánh hình thành từ sự chuyển đổi chức năng của điện Tư Truy nên diện tích rất khiêm tốn, cấu trúc hai phần lăng và tẩm thiếu tính đồng bộ và thiếu đăng đối giữa các cụm công trình. Nhưng lăng Đồng Khánh lại có nét đặc sắc riêng. Đó là sự pha trộn giữa phong cách đông và tây. Vật liệu xây dựng truyền thống được kết hợp cùng xi măng, kính màu, đồ gốm sứ châu Âu. Đây là công trình thể hiện sự biến chuyển trong kiến trúc cung đình Huế, đánh dấu sự ảnh hưởng của kiến trúc hiện đại vào kiến trúc truyền thống Việt Nam, mở ra sự hòa hợp giữa hai dòng kiến trúc khi văn minh Tây phương xâm nhập vào Việt Nam. Nét độc đáo khác là toàn bộ hệ thống cửa, cửa sổ, các khung đố bản của điện Ngưng Hy đều được lắp kính màu của Pháp, tạo cho nội điện có màu sắc rực rỡ.
Trong khi đó lăng Kiên Thái Vương mỹ thuật thuần Việt. Đặc sắc nhất là các phù điêu trang trí bằng đất nung rất đẹp, và nghệ thuật khảm sành sứ với đề tài “Nhị thập tứ hiếu”. Nghệ thuật trang trí khảm sành sứ vốn xuất xứ trong dân gian đã đạt đỉnh cao khi du nhập vào nghệ thuật cung đình Huế. Dưới thời Tự Đức đã xuất hiện những công trình khảm sành sứ trang trí tuyệt đẹp như bức bình phong có đôi phụng uyển chuyển ở lăng Lệ Thiên Anh Hoàng Hậu (ngay trong khuôn viên lăng Tự Đức). Đến thời Khải Định, trang trí khảm sành sứ kết hợp thủy tinh màu phát triển rực rỡ với hàng loạt công trình kiến trúc như: Cung An Định, cửa Hiển Nhơn, cửa Chương Đức, Thái Bình lâu.v.v…Tiêu biểu nhất là nội thất lăng Khải Định.
Các lăng Tự Đức, Đồng Khánh, Kiên Thái Vương đều rất gần đồi Vọng Cảnh, một thắng cảnh nổi tiếng của Huế nhưng cho đến nay vẫn chưa được khai thác đúng tiềm năng vốn có của nó. Liên kết ba lăng này với đồi Vọng Cảnh sẽ tạo ra một khu di tích lịch sử, văn hoá và sinh thái hấp dẫn, phát huy được sức mạnh tổng hợp của các loại hình du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái - điền dã.
Thanh Tùng