LĂNG CÔ MẶN MÒI TÌNH BIỂN

 

     Gần 30 năm tôi lại được trở về Lăng Cô - nơi gắn bó một thời dạy học - nơi đã cho tôi bài giáo khoa thư đầu tiên về “biển bạc” của Tổ quốc và tình yêu biển. Như bao làng biển dọc chiều dài đất nước, ngư dân Lăng Cô ngày đêm vẫn vượt sóng ra khơi đắp đổi mưu sinh, gian nan khó nhọc, tai ương hiểm họa…thế nhưng họ vẫn kiên cường bám biển giữ nghề và ghi dấu phần chủ quyền đất nước. Từ nhỏ đến giờ vẫn thế tôi thích sãi chân trên cát, hít thở vị mặn của muối, đêm nằm nghe tiếng biển rì rầm sóng vỗ và được nghe chuyện nghề biển của ngư dân - những đứa con trùng dương lưng trần nắng rám làn da sạm căng bóng ăn sóng nói gió…

Vịnh Lăng Cô. Ảnh Internet

Vịnh Lăng Cô. Ảnh Internet

     Có nhiều cách giải thích tên gọi Lăng Cô. Thuở xa xưa thời chúa Nguyễn Hoàng trấn thủ đất Thuận Hóa, Lăng Cô là làng chài An Cư. Thời thuộc Pháp, quan chức thường đến đây tắm biển nghỉ ngơi - An Cư được phiên âm ra tiếng Pháp là “L’Anco”, lâu dần được người Việt gọi trại ra thành Lăng Cô. Cũng có một giả thiết  khá thú vị cho rằng: Vùng này thuở xưa là nơi nhiều cò đến trú ngụ giữa hè và thu nên cư người gọi dân dã Làng Cò. Khi định danh tên gọi vào văn tự sổ bộ vị Lý trưởng và chức sắc đã gọi trại âm Làng Cò thành Lăng Cô…

     Nhìn từ trên cao, làng chài trông như dãy lụa uốn lượn giữa hai ngọn đèo Phú Gia phía Bắc và Đệ nhất hùng quan Hải Vân phía Nam. Cây cối ở đây tốt tươi, nước xanh biêng biếc, nhà cửa lô nhô, đặc biệt xa xa mây phủ đầu non tạo nên một nét huyễn hoặc quyến rũ khó cưỡng. Biển Lăng Cô đẹp tuyệt trần - dù là người du lịch ngoại đạo hay người bản địa cố xứ đều cảm nhận có mẫu số chung: Đó là cảm giác choáng ngợp, nín thở trước thiên nhiên kỳ vĩ. Lăng Cô quả là thiên đường biển, khí hậu ở đây luôn ôn hòa ở mức 25-26 độ. Trên bờ, Lăng Cô đã có đầy đủ dịch vụ du lịch từ hạng trung đến hạng sang dành cho du khách thỏa sức nghỉ dưỡng tắm biển. Cảm giác và ấn tượng lần này của tôi là độ hoành tráng của hệ thống khách sạn nhà hàng resort Lăng Cô - một bãi biển ở một thị trấn dịch vụ du lịch như thế là vừa đủ vừa tầm cho du khách. Mơ ước của người dân làng chài Lăng Cô là họ được thụ hưởng phúc lợi tập thể - xã hội để làm tốt hơn nghề biển tự bao đời…

     Làng biển và học trò cũ dang rộng vòng tay đón tôi trở lại Lăng Cô. Tiếng của ai đó cất lên: Thầy về đây mọi nơi chốn là nhà của thầy đi đến ở bao lâu cũng được, chúng em sẽ thay nhau hàn huyên đón đưa thầy…Người dân làng biển bao đời nay vẫn vậy - chân tình hào sảng, yêu thương đoàn kết, bao dung chia sẻ. Nhìn mặt ai cũng tươi rói bừng sáng niềm vui, nụ cười loé hàm răng sáng trên gương mặt rám nắng. Buổi sáng ra bãi thuyền đón tàu cập bờ - mỗi tàu chỉ một vài con cá vậy là có tới mấy ký cá - rứa là đủ cá ăn hai ba ngày mà đâu chỉ riêng tôi - người nghèo và người già neo đơn ở Lăng Cô đều có cá tươi được biếu tặng không mất tiền - yêu thương lắm các chàng trai khỏe như vâm của làng chài. Tôi nhận cá mà lòng áy náy phân vân, hóa ra lâu nay mình quen nếp người thành phố tiền trao cháo múc còn người làng biển… nhẹ tênh…chuyện đổi trao cá mú! Vẫn nụ cười giọng nói lấn át cả sóng biển - họ bảo: Cá đầy ghe rộng như lòng biển - cho bớt đi hôm nay để ngày mai nhận lại…đầy thêm…thế thôi. Ôi! Lăng Cô…tình biển!

     Nghề biển cũng như làm ruộng, lúc được mùa lúc gặp khó là chuyện thường tình. Nhưng đã trót gắn với biển thì làm răng dứt ra được. Lao động biển bây giờ khó kiếm, phụ nữ cùng chồng đi biển là chuyện khá phổ biến - làng biển Lăng Cô cũng thế! Vợ chồng anh Vũ Văn Hồi sắm được thuyền 340CV, cả gia đình trở thành đội thuyền đánh bắt xa bờ. Anh Hồi vốn là học trò cũ của tôi giờ đã tuổi trung niên, tâm sự: Có tàu lớn thu nhập khá nhưng nhiều cái khổ và nhiều mối lo thầy ơi. Con cái lớn khôn phải rèn tập theo nghề biển bỏ chuyện học hành. Đi biển dài ngày sợ nhất là “tàu lạ”, nếu gặp phải coi như mất trắng - mình bị động vì giữa biển khơi làm sao phòng tránh được, tàu em đã một lần bị tấn công mất sạch sành sanh mọi thứ trên tàu cả mấy trăm triệu…Chưa bao giờ tôi nghĩ làng biển Lăng Cô của tôi lại đau đớn và nổi giận như vậy. Những ngày qua, hỏi nhiều người quen chuyện cướp biển giữa ban ngày để rồi buồn giận và nổi sóng trong lòng. Bởi biển của mình, dân làng mình đã sống đời này kiếp nọ bỗng dưng bị xâm lấn, uy hiếp bởi những con tàu lạ, những kẻ lạ với lòng tham vô đáy muốn biển tất cả là cõi riêng mình…Top of Form

     Lăng Cô tôi yêu xưa kia và bây giờ, cả ngày lẫn đêm tối nhiều khi không cần khép cửa, bởi hàng xóm từ bao đời tin nhau, họ hiểu cái giới hạn nào là nhà mình. Hiểu nhau và tin nhau nên không có chuyện nhà này “xâm phạm” nhà kia, còn kẻ lạ xấu xa thì đừng hòng đem những cặp mắt cú vọ vào làng. Ở trên biển cũng vậy, mỗi chiếc thuyền đều có vùng đánh bắt quen thuộc truyền cho nhau qua nhiều thế hệ. Và thế, không có chuyện thuyền này lấn vùng của thuyền khác để tạo nên cái gọi là “tranh chấp ngư trường”.

     Làng chài Lăng Cô hôm nay còn điểm đến du lịch tuyệt vời. Lăng Cô sẽ trở thành điểm du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng trong cụm du lịch sinh thái Lăng Cô - Bạch Mã - Cảnh Dương, vòng cung điểm đến đầy ấn tượng của du lịch biển Việt Nam. Vào những ngày cuối thu, Lăng Cô đắm chìm trong làn sương mờ ảo, khiến du khách choáng ngợp, người đi tưởng chừng không dám thở mạnh, cứ ngỡ chỉ một hơi thở thôi sẽ làm tan biến mất làn sương mỏng manh như khói đang bao phủ. Chiều chiều, từng đàn cò trắng kéo nhau bay rợp trời về vùng đầm Lập An tìm chỗ ngủ tạo nên một phác thảo hội hoạ đầy chất nghệ thuật đậm phong cách thủy mặc.

      Sẵn địa thế nằm gần khu du lịch sinh thái vườn quốc gia Bạch Mã, Lăng Cô đã trở thành một điểm đến đầy thu hút khi kết hợp được không gian còn hoang sơ của rừng núi với nhịp sống nhộn nhịp của vùng biển nhiều tàu thuyền qua lại. Nhịp sống làng chài là sức hút tự nhiên đối với du khách ưa khám phá nét sinh hoạt dân bản địa. Tính tình người làng chài bao đời nay hiền hòa chất phác, cần cù chịu khó, đoàn kết tương trợ lẫn nhau. Nếu lần đầu nói chuyện với một ngư dân, nhiều người có thể giật mình với giọng nói nặng sang sảng đậm chất miền Trung của họ. Nhưng khi tiếp xúc mới biết, dù ăn to nói lớn nhưng họ rất dễ gần và nhiệt tình giúp đỡ, kể cả những người chỉ mới gặp lần đầu. Giữa những lo toan bộn bề của cuộc sống, người dân làng chài vẫn giữ vững tình làng nghĩa xóm, không chỉ những lúc vươn khơi mà cả trong cuộc sống thường nhật. Vào mỗi bình minh hay chạng vạng những thanh niên khỏe mạnh, xốc vác cùng nhau đưa thuyền xuống biển trong tiếng “dô hò hò dô” như thể hiện sức mạnh và tình đoàn kết của con người trước thiên nhiên. Đặc thù đầm phá giữa nước lợ và nước mặn dễ nuôi các loài hải sản như tôm hùm, tôm sú, tôm bạc, tôm he, tôm vằn, tôm đất, cua, sò huyết, hàu… Đặc biệt hàu ở Lăng Cô có vị ngọt mặn đậm đà xen chút hương béo rất riêng. Hàu như là sản vật mà thiên nhiên hào phóng ban tặng cho làng chài ven vịnh Lăng Cô từ bao đời. Du khách từ phương xa đến đây được thưởng thức thịt heo luộc chấm các loại mắm tôm chua, mắm sò huyết, kèm theo rau thơm đủ loại thơm ngon khoái khẩu đến miếng cuối cùng. Những du khách sành điệu nhất cũng phải đồng ý ăn hải sản ở Lăng Cô thì đúng nghĩa tuyệt vời.

     Từ trung tâm thị trấn Lăng Cô, mất khoảng 15 phút trên xe máy theo đường phía Tây đầm Lập An sẽ đến khu vực Hói Mít. Từ đó ngược lên con đường mới khoảng 500 mét là đến thác Mơ. Trên đường đi, bạn sẽ có cảm giác thích thú khung cảnh làng quê bình dị với dốc núi, đồi nguyên sơ tĩnh lặng. Vừa đến nơi, chúng ta sẽ thấy một thác nước lớn từ rừng già Trường Sơn tuôn chảy liên tục, bọt tung trắng xóa. Dòng thác chảy thẳng đứng luồn qua những tảng đá lớn nhỏ chen chúc dưới một cánh rừng nguyên sinh khá dày thảm thực vật và bắt đầu tạo nên các ao vũng tắm đẹp đến mê hồn. Có khoảng 20 ao tắm lớn, nhỏ do thác nước kéo dài tạo nên. Mỗi ao có nét đẹp riêng ấn tượng, với diện tích trên dưới 100m2 cho mỗi ao. Hai bên suối là những tán rừng nguyên sinh chưa bị bàn tay con người can thiệp. Khi ban mai hay chiều tà, thác Mơ quanh co hiện ẩn như một tấm gương khổng lồ in bóng giữa bầu trời xanh mây trắng...Bạn có thể lên ngồi trên các phiến đá cuội ghi lại những khoảnh khắc đẹp cùng thiên nhiên, hoặc nghỉ ngơi bên những lán trại tranh tre nứa lá, thưởng thức các món ngon dân dã. Đặc sản ở thác Mơ là gà nuôi vườn nướng, xôi vò và các món rau trộn như xà lách, vả, cải, bắp chuối được trồng ven chân núi và giữa các thung lũng xanh của làng quê dưới đèo bắc Hải Vân. Ngoài ra còn có các món hải sản tươi ngon từ biển, đầm Lăng Cô chế biến tại chỗ... Du khách có thể men theo các vách đá bắt cua, cá suối, nhặt đá sắc màu hay chơi máy bay lượn trên không... Chính vì thế, trong một chuyến đi tuần du ngang qua nơi này vào năm 1916, vua Khải Định đã thốt lên: “Quả là chốn bồng lai tiên cảnh” và cho xây dựng hành cung Thác Mơ làm nơi nghỉ dưỡng.

     Với Thác Mơ, Lăng Cô đang có thêm một địa chỉ du lịch sinh thái lý tưởng thu hút du khách gần xa trong mùa hè. Có một điều không chỉ riêng tôi mong ước, nếu địa chỉ này có thêm một con đường vào thuận lợi, khoảng 500 mét nối khu dân cư Hói Mít lên thác Mơ được thảm nhựa và mở rộng thì quả thật quý hoá lý tưởng.

     Trở lại chuyện làng chài nặng tình biển. Lăng Cô của tôi yêu biển vươn khơi bám biển, không một ngày rời xa biển, không chỉ là chuyện mưu sinh mà còn góp phần giữ gìn và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá thị trấn Lăng Cô kêu gọi bà con ngư dân: Bên cạnh việc kịch liệt lên án các hành vi ngang ngược của Trung Quốc, cần tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước đoàn kết, giữ gìn và bảo vệ Tổ quốc, quyết tâm bám sát ngư trường, vươn khơi bám biển dài ngày. Giữ gìn và bảo vệ biển chính là bảo vệ không gian sinh tồn của chúng ta. “Cho dù Trung Quốc có cản trở và gây khó khăn, thậm chí là uy hiếp đến tài sản và tính mạng của chúng tôi như thế nào đi nữa thì ngư dân chúng tôi vẫn tiếp tục vươn khơi bám biển, không một ngày xa biển, vì biển là không gian sinh tồn của chúng tôi bây giờ và các thế hệ con cháu mãi sau này”- giọng ông chắc nịch!

     Những ngày cả nước đang oằn lên chống đại dịch covid 19, tôi nhận tin nhắn liên tục từ messenger, email, facebook, zalo của nhiều học trò cũ từ Lăng Cô cố quận. Các em bảo: Lúc này Lăng Cô chộn rộn lắm thầy ơi, nhiều cở sở lưu trú, khách sạn, resort đang làm khu cách ly cho bà con từ Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai…về quê lánh nạn do đại dịch. Anh Lê Tuỳ khoe chuyện thiện tâm: Nhóm tụi em nấu hàng ngàn xuất cơm ra quốc lộ gửi hỗ trợ bà con trên đường đi về quê bằng xe gắn máy vô vàn nguy hiểm, bất trắc thiếu thốn... Nghề biển chúng em đang chậm lại. Hiện Lăng Cô đã có đội tàu đánh bắt xa bờ với công suất lớn trên 400CV, chúng em đang chuẩn bị chuyến đi biển dài ngày - mùa này biển động nhưng ngư trường đang có nhiều hải sản quý như cá thu, cá ngừ, cá hố, cá khoai…Điều khó nhất đang hiện hữu là bế tắc đầu ra, nhiều tàu cập bến đành chấp nhận phơi khô hay làm từ thiện cá. Người làng chài năm nay chắc là khốn đốn thất bát! 

      Tôi đang ngồi viết những dòng này thì nhận thông tin trên các phương tiện thông tin truyền thông: Luật an toàn hàng hải của Trung Quốc tiếp tục xuất hiện những diễn giải luật pháp mơ hồ theo cách của nước này càng cho thấy rõ hơn tham vọng bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông bất chấp các công ước quốc tế Phó đô đốc Michael F. McAllister nhấn mạnh các yêu cầu mới của Trung Quốc trên vùng biển này là trái với luật pháp và nguyên tắc quốc tế. "Sẽ có bất ổn và xung đột nếu các yêu cầu này được thực thi", lòng tôi bỗng gợn lên nỗi bồn chồn lo lắng. Nghề chài Lăng Cô và chuỗi dài làng biển trên đất nước sẽ ra sao nếu Trung Quốc thực thi Luật an toàn hàng hải trên Biển Đông? Khó khăn nhọc nhằn càng chồng chất vùng biển quê tôi!

     Từ tâm dịch Tp. Hồ Chí Minh, tôi thầm thì cầu nguyện: Đất nước sẽ vượt qua đại dịch “Quốc thái dân an”, Tổ quốc tôi hiên ngang thẳng tới chiến thắng covid 19 hung hãn, Lăng Cô yêu dấu của tôi sẽ vươn tới chân trời biển sáng đẹp!

Lê Quang Kết 

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang