Rất nhiều loại hoa lá, cây cỏ trong thiên nhiên là hương liệu và dược liệu quý. Nhiều loại hoa lá, cây cỏ không phải qua chế biến, chỉ cần sử dụng làm thức ăn, nấu nước uống là đã thành thuốc chữa bệnh. Từ lâu đời dân ta truyền tụng rằng mọi loại lá được hái vào ngày mồng năm tháng năm âm lịch (5-5), và hái vào giờ ngọ, đều là lá thuốc.
Mồng 5-5 là tết Đoan Ngọ; còn gọi là tết nửa năm – vì ngọ là giữa; hay tết Đoan Dương - vì ngọ thuộc cung dương. Tháng 5 là tháng ngọ, tháng khí dương tràn ngập, giữa trưa là lúc khí dương thịnh nhất. Ngày 5-5 tiết trời nóng bức, sâu bọ nảy nở nhiều, nên các bệnh dịch rất dễ phát sinh. Vì thế ngày tết Đoan Ngọ, dân ta đều có ý thức bảo vệ sức khỏe bằng cách “diệt sâu bọ”, ngăn ngừa sâu bọ. Nhiều người chọn giải pháp ăn cơm rượu, làm cho “sâu bọ” trong người bị say; tẩy giun sán cho trẻ em; nấu các loại lá có tinh dầu, mùi thơm như: tía tô, kinh giới, lá sả, lá bưởi, lá tre… để tắm, rửa. Nước nóng, có hương thơm, lại gặp tiết trời nắng nóng, có giá trị như nồi nước xông, làm cho mồ hôi toát ra, người nhẹ nhõm, trị được cảm mạo. Ở nhiều vùng có lệ tục lấy cây ngải cứu buộc thành nắm, treo ở đầu hồi nhà và trước cửa để trừ tà ma. Thực ra thì hương thơm của ngải cứu giúp con người dễ chịu, khoan khoái, có thể làm giảm bớt nhức đầu, đầy bụng.
Dân gian truyền tụng bất cứ loại lá nào nếu hái vào đúng giờ ngọ ngày 5-5 đều là lá thuốc. Trong thực tế, người ta hái những loại lá vốn đã quen dùng hàng ngày, hợp khẩu vị, uống vào có tác dụng giải nhiệt, tiêu hoá tốt. Nhưng kinh nghiệm cho thấy, các loại lá ấy nếu hái vào ngày mồng 5-5, và hái đúng giờ ngọ, thì dược tính cao hơn, khi uống tác dụng chữa các bệnh cảm mạo, nhức đầu, mỏi gân cốt, tiêu chảy... sẽ nhanh khỏi hơn.
Nhiều vị lương y giải thích rằng, đây là ngày, giờ nóng nhất trong năm, khí nóng làm cho nhựa cây cô đọng lại trên lá, khiến lá tiêu hết độc tố và có dược tính cao.
Một kinh nghiệm khác, đến giờ ngọ (giữa trưa), những người bị đau mắt đỏ, hoặc đau mắt hột, nhỏ nước chanh vào mắt rồi ra sân nhìn thẳng vào mặt trời thì bệnh mau khỏi. Nhiều người áp dụng kinh nghiệm này đã giữ thói quen mỗi buổi sáng dậy tập thể dục và nhìn mặt trời chớp mắt nhiều lần thì không khi nào bị đau mắt.
Cộng đồng người Hoa và những gia đình người Việt trọng Nho học thì tết Đoan Ngọ còn là ngày tưởng nhớ Khuất Nguyên và Lưu - Nguyễn. Khuất Nguyên người nước Sở, làm quan đến chức Tả đồ. Ông là vị quan thanh liêm, cương trực, nên bị bọn nịnh thần ghen ghét, hãm hại. Những tấu trình của ông đều bị Sở Vương bác bỏ. Khi Sở Hoài Vương sang nước Tần, vì không nghe lời Khuất Nguyên can gián nên đã bị hại. Sở Tương Vương kế nghiệp cũng bị bọn gian thần thao túng, bắt Khuất Nguyên đi đày. Ông làm bài thơ Hoài sa rồi buộc đá vào người nhảy xuống sông Mịch La tự tử ngày 5-5. Người dân trong vùng làm cỗ thả xuống sông để ông hưởng; ném rất nhiều bánh trái xuống sông cho cá ăn để chúng không rỉa xác ông. Hàng năm vào ngày này trên sông Mịch La, người nước Sở mở hội đua thuyền (ý muốn vớt xác Khuất Nguyên) và làm cỗ cúng ông.
Còn Lưu Thần và Nguyễn Triệu, đời nhà Hán, làm nghề thuốc, nhân ngày tết Đoan Ngọ vào núi hái lá thuốc tình cờ gặp hai tiên nữ. Hai người ở với tiên nữ nửa năm thì đòi về thăm quê hương, gia đình. Hai tiên nữ ngăn mãi không được. Lưu - Nguyễn về đến cố hương thì vạn vật đều đã thay đổi, vì nửa năm ở cõi tiên bằng mấy trăm năm ở trần gian. Lưu - Nguyễn trở lại cõi tiên nhưng không tìm được tiên nữ nên ở lại trong rừng. Chuyện tình của hai chàng Lưu - Nguyễn đã trở thành thiên tình sử, thành điển tích và đề tài của thi văn.
Dân ta thì lấy việc hái thuốc trong ngày tết Đoan Ngọ gặp tiên của Lưu - Nguyễn để nuôi hy vọng có được vận may trong cuộc sống, mà trước hết là may mắn về sức khỏe.
Có thể nói rằng, hái lá mồng năm là một lệ tục được gắn liền với một niềm tin ngời sáng ánh nhân văn. Lệ tục này có sức sống truyền đời còn nhờ vào hiệu quả của hệ nước lá trong chữa bệnh tại nhà. Tri thức dân gian hàm chứa nhiều giá trị khoa học, hái lá thuốc ngày mồng năm là tập quán Nam dược trị Nam nhân, là khoa học y tế cộng đồng.
Vì thế, vùng Huế, và nhiều vùng khác, không chỉ ở các chợ quê mà phố thị cũng có những hàng quán bán các loại lá hoang dại dùng nấu nước uống thay cho trà xanh, chè tươi. Người ta tin rằng các loại lá này đều là vị thuốc nên gọi đó là “lá mồng năm”. Lá mồng năm là danh từ chung, nhưng tùy đặc tính thổ những, khí hậu của từng địa phương mà có sự thay đổi vài ba loại. Loại lá nào cũng có dược tính, thậm chí đó còn là những vị thuốc chính hiệu như ta thường thấy trong các thang thuốc Bắc, thuốc Nam. Xin dẫn một số loại “lá mồng năm” dưới đây mà người Huế ưa dùng:
Lá ngũ gia bì, có tác dụng dưỡng mái tóc mượt và đen, làm cho thức ăn chóng tiêu. Lá lạc tiên, còn gọi lá nắm nêm, lá ruốc, vốn là vị thuốc an thần, trị chứng mất ngủ. Nhân trần, cũng có tác dụng an thần, giúp dễ ngủ. Lá vằng, uống vào bổ huyết, tốt cho đường ruột, đặc biệt sản phụ ưa dùng hơn cả vì giúp tăng sữa và tốt sữa. Lá bò bò, cũng tăng sữa, kích thích tiêu hoá, lợi tiểu, chữa nhức mỏi. Bồ công anh, còn gọi là diếp dại, mọc hoang trong vườn, dùng chữa sưng vú, tắc tia sữa, mụn nhọt đang sưng mủ. Bướm bạc, dùng từ rễ đến thân, lá, hoa đều có nhiều tác dụng như: lợi tiểu, giảm đau, chữa tê thấp, khí hư…Lá mã đề, đọt nhánh tre (măng vòi) tính mát, lợi tiểu. Ngấy, còn gọi là mâm xôi, tác dụng kích thích tiêu hoá. Ngải cứu, tác dụng điều hoà khí huyết, trừ hàn, cầm máu, giảm đau, phụ nữ mang thai dùng rất tốt. v.v…Tất cả các loại lá hái về được phơi khô, trộn lại với nhau rồi chia thành từng bó nhỏ để dùng quanh năm.
Lá mồng năm chính là kinh nghiệm dân gian và tập quán chữa bệnh không cần thuốc, là thành tựu của y hoc dân tộc truyền thừa từ hàng ngàn năm nay. Trộm nghĩ, nên chăng lấy tết Đoan Ngọ làm ngày tết cổ truyền của ngành y học dân tộc? Ăn tết Đoan Ngọ nên có lễ hội cổ suý văn hoá dân tộc, tổ chức tôn vinh các vị y tổ của Việt Nam ta như Hải Thượng Lãn Ông, Tuệ Tĩnh. Người xưa quan niệm lời can gián cũng là một vị thuốc trị bệnh cứu người (thuốc đắng đã tật). Vì thế, ngày tết Đoan Ngọ tưởng nhớ Khuất Nguyên đồng thời nhắc nhở đến truyền thống trị bệnh cứu đời và y đức của người thầy thuốc.
THANH TÙNG