CHUYỆN CŨ VÂN ĐƯỜNG

    Những người chơi đồ cổ ở Sài Gòn mỗi khi gặp nhau thường nhắc đến tiền bối Vương Hồng Sển. Quả thật ông là một nhân vật độc đáo có công đầu tiên giới thiệu, cổ xúy việc sưu tầm, nghiên cứu cổ vật ở miền Nam. Các bạn trẻ thường hỏi: trong các tác phẩm của Vương Hồng Sển thấy ghi “Vân Đường phủ, Đạt Cổ trai”, không biết ý nghĩa như thế nào?

    Xin thưa, hơn 30 năm trước, có lần nghe tôi hỏi, Vương ông chúm chím cười rồi bảo: “Đạt cổ trai” là tên cái phòng nơi tôi hằng ngày mân mê thưởng ngoạn, tìm tòi, học hỏi đồ xưa vật cũ. Làm sao cho vỡ lẽ thông suốt được niên đại, tâm ý... của người xưa ẩn dấu trong cổ vật mà mình may mắn có được thế gọi là “đạt cổ”. Còn “Vân Đường” hả? Nghe đây:

Trời xưa từng rượu đẹp thơ hay,

Đâu biết còn thơ rượu gác mây.

Nửa bức không treo mà có mặt,

Ngàn chung ai uống cùng ta say.

Như cành mai trắng đôi lòng nguyện,

Khác tiệc mơ xanh một thuở bày.

Thiên hạ anh hùng ư chẳng lẽ,

Duy Hồng Vương đó, Bạch Vương đây!

     C.S. biết thơ của ai không? Nói nhỏ nghe cho biết: một bữa anh Vũ Hoàng Chương đến chơi, hai đứa tôi nằm trên chiếc quý phi sàng (sập 3 thành) này, cùng nhau tâm sự với ả phù dung. Anh Chương hứng cảm tức tịch viết tặng bài thơ này đó. “Vân Đường” là nhà mây, là nơi ẩn dật của những người đã già rồi, không làm gì được trong lúc đất nước phân ly, chiến tranh chỉ mong ẩn dật giữa thị thành suy nghiệm việc đời, làm người dân lương thiện...

    Sau ngày Vương ông cỡi hạc về tiên cảnh (9/12/1996), Vân Đường dần dần tàn tạ; Đạt Cổ trai tiêu điều, bộ sưu tập cổ ngoạn Vương Hồng Sển được đưa về Viện bảo tàng lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, trưng bày phục vụ khách tham quan.

   Nhiều người thưởng ngoạn hiện nay thắc mắc: Tại sao trong suốt 70 năm đam mê sưu tầm, nghiên cứu mà cụ Vương Hồng Sển không tìm được những món độc đáo, quý hiếm như “kim lũ ngọc y” (áo ngọc kết bằng chỉ vàng), “dạ quang minh châu” (ngọc phát sáng trong đêm tối) hay ít ra là cổ ngọc Tần-Hán, danh họa Đường, Tống, đồ sứ ngự dụng Minh, Thanh... như các nhà mới sưu tầm đồ cổ hiện nay?

Cụ Vương Hồng Sển

Cụ Vương Hồng Sển

     Nhớ lại có lần trao đổi về vấn đề này, Cụ Vương chân tình chỉ dạy tôi: “Nước mình chiến tranh, loạn lạc liên miên có vật gì quý báu, hi hữu thì bị ngoại nhân cướp bóc gần hết. May mắn còn sót lại chút ít thì mỗi lần thay đổi triều đại bị đập phá tan tành cho hả giận, hoặc khinh thường xếp vào loại tàn dư phong kiến cần bài trừ, nên cổ ngoạn cũng khiếp sợ lần lượt cao chạy xa bay ra nước ngoài cho yên thân.

     Ngày nay nếu mình gặp được bảo vật cũng khó đủ tiền mua tranh với thiên hạ cho kịp thời. Không khéo mua phải đồ giả cổ để chúng cười thêm xấu hổ. Theo tôi mình nên lục lọi, tìm kiếm những đồ vật của ông bà có liên hệ đến lịch sử, văn học, mỹ thuật Việt Nam mà chơi. Giữ gìn lại cho con cháu ngày sau biết được truyền thống, sinh hoạt của tổ tiên. Duyên may có được những đồ sứ men lam ký kiểu thời Lê, Trịnh, Nguyễn là quý lắm rồi. Suốt đời tôi chỉ say mê có hai thứ mà anh Đông Hồ ghẹo tôi bằng câu đối:

“Bán thế túy tâm cầu cổ ngoạn,

Nhất sinh trắc nhĩ thướng thanh ca.”1

      Giảng giải xong cụ Vương đi đến tủ sách lục tìm tập báo Lục tnh tân văn, chỉ cho tôi đọc bài nhàn đàm viết về một nhà sưu tầm cổ ngoạn ở Nam kỳ xưa.2

     Khoảng đầu thế kỷ 20, chế độ thực dân Pháp ổn định phát triển tạo nên tầng lớp thương gia, điền chủ rất giàu có ở miền Nam. Có một chủ điền lớn học đòi mấy ông Tây say mê sưu tầm cổ ngoạn. Tiếng tăm dậy khắp sáu tỉnh, ai có vật gì kỳ kỳ, quái quái cũng lặn lội tìm đến gạ bán, sẵn tiền ông mua tất. Chẳng bao lâu cơ ngơi của ông, từ trên nhà thờ xuống đến nhà bếp, từ trong phòng ngủ, phòng khách ra tận sân trước, sân sau đâu đâu cũng chưng bày toàn đồ xưa, vật cũ hằng trăm, ngàn năm! Dân ve chai miệt vườn tôn xưng ông là: Vua đồ xưa (VĐX). VĐX rất tự hào, thích thú tước hiệu này, ra sức thù tiếp tân khách đến chơi. Một vài thầy dùi kích VĐX nên tìm kiếm cho được vật báu thế gian “cổ, kỳ, quý” để chơi mới xứng danh. Từ đó VĐX già kén kẹn hom, đi đâu, gặp ai cũng đòi tìm cho được cổ vật thuộc loại quốc bảo của Tàu, Tây hay ít ra cũng của vua chúa An Nam dù mắc mấy ông cũng mua cho bằng được mới thỏa ý...

Vương Hồng Sển (trái) và học giả Giản Chi (ở hàng trước). Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn và vợ là bà Hồ Thị Hoàng Anh (hàng sau) tại Sài Gòn năm 1990.

Vương Hồng Sển (trái) và học giả Giản Chi (ở hàng trước). Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn và vợ là bà Hồ Thị Hoàng Anh (hàng sau) tại Sài Gòn năm 1990.

    Một bữa có khách phương xa đến xin ra mắt VĐX, y ba hoa một hồi “âm Tàu lời Việt” tán dương VĐX lên mây rồi cẩn thận mở khăn gói vải thô lấy ra cái bát đá cũ mèm, nâng hai tay trình trước mặt VĐX, giới thiệu đó chính là bát ăn cơm của Thành Thang, chế tạo bằng ngọc quý ở Kinh Sơn. Lần đầu gặp được món đồ tối cổ của vị thánh vương Trung Quốc, VĐX thích thú vô cùng. Chú ba Tàu được chiêu đãi một bữa rượu thịt no nê, giả vờ nể tình gia chủ nhượng rẽ báu vật đúng 300 đồng bạc đầm xòe rồi bái biệt.

    Vài tháng sau có ông trí thức tân thời lần mò hỏi nhà, tìm cho được VĐX gạ bán một món “Trung Hoa quốc bửu”. Mở hộp gỗ sơn mài cũ kỹ, ông trịnh trọng lấy ra bọc lụa đỏ gói ghém chiếc chiếu tre lên nước đỏ au. Ông lưu loát kể cho VĐX biết đây đúng là chiếu trúc Giang Nam tiến dâng lên vua Nghiêu dùng. Nguyên trân tàng trong cố cung, đến cuối trào Thanh bị liên quân tám nước tấn công Bắc Kinh, tranh nhau cướp bóc báu vật. Do đó chiếu quý bị tên lính Tây dương cắp được mang qua Sài Gòn bán đấu giá ở Ca-ti-na. Ông có vận may mua được nhưng nay cần tiền đầu tư kinh doanh muốn tìm người có mắt xanh nhượng lại vật quý mới thỏa lòng. Nghe nói đồ ngự dụng của vua Nghiêu sót lại, VĐX hí hửng quát gia nhân làm món nhắm nhanh tay đãi khách quý. Rượu vào lời ra đượm tình tri âm, tri kỷ. Cuối cùng VĐX tha thiết mua cho được chiếu “Trung Hoa quốc bửu” với giá 700 đồng bạc Đông Dương. Nhận đủ tiền, khách quý đánh bài tẩu mã...

    Không lâu, một dị nhân từ Đàng Ngoài tìm đến viếng biệt phủ của VĐX. Thấy ông cụ tiên phong đạo cốt, nói năng thông kim bác cổ, VĐX rất mực kính trọng mời khách phương xa lưu lại chơi vài hôm để đàm luận kinh điển thánh hiền. Sáng dâng trà Thiết Quan Âm, chiều mời Mai Quế Lộ, VĐX giới thiệu bộ sưu tập của mình được dị nhân vô cùng tán thưởng. Đặc biệt là hai ngoạn phẩm bát ngọc Kinh Sơn và chiếu trúc Giang Nam. Trước khi từ giã, dị nhân mở bao gấm lấy ra chiếc gậy gỗ lê chạm đầu rồng lên nước đen bóng tuyệt đẹp, đặt lên văn kỷ cho gia chủ xem. Chậm rãi dị nhân kể cho VĐX biết chiếc gậy này vốn là của đức Khổng phu tử đi chu du các nước cho đến lúc về già ẩn cư dạy học. Gậy thánh sau đó được thờ tại Khổng miếu ở Trung Quốc suốt mấy ngàn năm. Đến thời Cách mạng Dân quốc, chánh đạo suy tàn, miếu thờ hoang vắng quân gian vào trộm cắp hết đồ thờ tự. Gậy thánh do đó trôi nổi qua Bắc Việt, nhờ ơn trời đất lọt vào tay ông. Ông nghiệm chắc do thánh ý muốn trao trách nhiệm nặng nề, sau này chấn hưng Khổng giáo, rao giảng cương thường tái dựng xã hội Nghiêu Thuấn nên quyết tâm giữ gìn “thánh vật” đến nay. Khốn nỗi tuổi già vụt đến, lực bất tòng tâm nên cố theo dõi tìm người trao truyền bảo bối. Nay nghe danh tiếng của VĐX lặn lội tìm đến, quả thực trăm nghe không bằng mắt thấy. Vậy quý nhân đã có bát ngọc vua Thang, chiếu nằm vua Nghiêu cầm thêm gậy rồng của Khổng Tử, thế là đủ ba món “thánh vật” hội tụ một nhà. Chắc chắn ông đủ tài đức ngày sau chấn hưng Tam giáo của phương Đông, rạng rỡ nòi giống Nam Việt. Không biết già này có còn kịp thấy cảnh tượng thiên hạ thái bình không, tiếc thay!

    VĐX nghe tâm sự của dị nhân, lòng cảm thấy phấn khích vô cùng, bèn đứng dậy hai tay nâng gậy ngang mày vái dị nhân nhận lĩnh thánh ý. Tỉ tê ơn nghĩa một hồi VĐX hào sảng mở tủ sắt lấy đủ 1000 đồng bạc bà đầm, đáp tạ tình cảm tri kỷ rồi tiễn người lên đường vân du...3

   Từ ngày trong tay có đủ “tam bửu”, VĐX đóng một tủ kính lớn trân trọng trưng bày giữa nhà. Ngày qua tháng lại, bạn hiếu cổ đến tham quan tha hồ cao đàm, khoát luận. Vợ con lắc đầu ngao ngán chẳng biết làm cách gì cho VĐX tỉnh ngộ, bớt say mê “đồ khổ”, để lo lắng việc làm ăn đương hồi kinh tế khủng hoảng, kêu trời không thấu! Tài sản càng lúc càng hao mòn, ruộng vườn dần dà vào tay chủ khác, đến lượt đồ xưa đội nón ra đi, VĐX vẫn quyết tâm cất giữ “tam bửu” đến cùng. Gia đình tan đàn, xẻ nghé, lâm cảnh quẫn bách, túng thiếu VĐX nghe đâu có lễ hội, chợ phiên đông đúc cũng gắng gượng gói ghém ba món độc chiêu đến tìm chỗ bày trước công chúng. Mong gặp cao nhân có mắt ngọc nhìn ra báu vật như mình hồi trước để thỏa nguyện cuối đời. Vài người thấy lạ lân la đến xem, hỏi giá xong họ trố mắt nhìn ông già khúc khích cười bỏ đi mất...

    Hình ảnh ông già râu tóc phờ phạc, mặt mày hốc hác, tay cầm gậy đầu rồng đứng cạnh chiếu tre trên bày cái bát u uẩn nhìn xa xăm, trôi nổi khắp lục tỉnh. Khách thập phương thương cảm, thỉnh thoảng vài người ghé lại bỏ vào bát đá vài cắc bạc...

Tưởng niệm mười năm “Vân đường vắng bóng tiên ông”.

 

Ghi chú:

  1. Nửa đời say mê tìm cổ ngoạn,

    Trọn kiếp lắng nghe tiếng đờn ca.

  1. Đọc đã lâu nên không nhớ chi tiết, ngẫu hứng viết lại.
  2. Đầu thế kỷ 20, 1 lượng vàng khoảng 20 đồng bạc Đông Dương (tức bạc đầm xòe)

 

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang