Một chút tâm tình với di sản của nước Đại Nam xưa

Triều Nguyễn trị vì 143 năm (1802-1945), có 36 năm lấy tên nước là Việt Nam (1802-1838), 107 năm tên nước là Đại Nam. Sáu mươi năm Pháp thuộc (1885-1945), người Pháp đã chia nước Nam thành  Bắc Kỳ, (Tonkin) Trung Kỳ (An Nam), Nam Kỳ (Cochinchine) với ba chế độ cai trị khác nhau, nhưng triều Nguyễn vẫn giữ tên nước là Đại Nam cho đến ngày vua Bảo Đại thoái vị trao quyền cho chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (30-8-1045). Nước Đại Nam sống bên cạnh nước lớn Trung Hoa, với hàng ngàn năm lịch sử bị uy hiếp, chiếm đoạt rồi lại bị chế ngự bởi văn minh vật chất của phương Tây nhưng không hề run sợ. Giặc đến là đánh, đánh không nổi thì hòa, thất thế không hòa được thì tìm mọi cách hạn chế sự thiệt hại. Lãnh thổ mất nay đã độc lập, hòa bình, thống nhất trên 40 năm. Di sản vật chất, di sản phi vật chất của nước Đại Nam đã trải qua 3 cuộc chiến tranh (1885, 1947, 1968) phá hoại vô cùng ác liệt, nhưng giống như một lực sĩ dù đầu mình chân tay bị cắt cụt, thân hình vẫn là thân hình của một lực sĩ. Dù chế độ Quân chủ đã bị thay thế hơn 70 năm, nhưng ngày nay vào tham quan điện Thái Hòa trong Hoàng thành Huế vẫn thấy lồng lộng tuyên ngôn của nước Đại Nam đính ở gian chính trung, ô chính giữa trên điện:   

Bài thơ ở gian chính trung, ô chính giữa trên điện Thái Hòa 

 

''Văn hiến thiên niên quốc

Xa thư vạn lý đồ

Hồng Bàng khai tịch hậu

Nam phục nhất Đường Ngu,

Dịch nghĩa 

Nước ngàn năm văn hiến

Mở rộng quy mô xưa

Từ Hồng Bàng mở cõi

Phương Nam một Đường Ngu. 

Đường Ngu ở Phương Nam ấy là nước Việt Nam/Đại Nam bên  bờ Thái Bình Dương.

Đại Nam nhất thống toàn đồ bên bờ Thái Bình Dương
có vẽ gộp hai quần đảo Hoàng Sa và Vạn lý Trường Sa

Sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam/ Đại Nam của triều Nguyễn bắt đầu từ sau ngày Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu là Gia Long (1802). Với sự trợ giúp kiến thức của các “chuyên gia” đến từ nước Pháp, vua Gia Long xây dựng Kinh thành Huế với kiến trúc Đông Tây kết hợp được đánh giá là vĩ đại nhất trong vùng Đông Nam Á thời bấy giờ. Tiếp tục công việc của vua cha, vua Minh Mạng đã hoàn thành việc xây dựng Kinh thành, Hoàng thành và Tử Cấm thành - Những kiến trúc chính trong quần thể di tích cố đô Huế mà sau nầy được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

I. Di sản của nước Đại Nam

Từ Kinh thành Huế, các vua đầu triều Nguyễn đã thiết lập được một chính quyền thực hiện những công việc vô cùng quan trọng của một nhà nước sau chiến tranh chia cắt ra nhiều vùng miền. 

1.1. Ban hành Hoàng Việt Luật Lệ hướng cho thần dân trăm họ sống trong khuôn khổ pháp luật;

1.2. Nhanh chóng thiết lập đường Thiên lý thống suốt từ Lạng Sơn xuống đến Mũi Cà Mau. Mệnh lệnh, chiếu, chỉ của triều đình Huế, trong vòng 6 ngày đêm ngựa trạm có thể chuyển đến các tỉnh tận cùng hai đầu đất nước;

1.3. Đào kênh, đắp đường vừa làm ranh giới quốc gia (kênh Vĩnh Tế), ranh giới các tỉnh phủ huyện, vừa dẫn thủy nhập điền, làm đường giao thông thủy cho tàu thuyền của nhà nước, quân đội và dân chúng đi lại;

1.4. Khuyến nông, sản xuất tiểu thủ công nghiệp; nền tảng kinh tế của xã hội;

1.5. Cùng với các nước Nhật Bản, Triều Tiên, triều Nguyễn vận dụng văn hóa chữ nghĩa của Đạo Nho xây dựng một nền văn hoá giáo dục riêng cho nước Đại Nam. 

1.5.1. Tổ chức giáo dục từ xã, huyện lên đến tỉnh. Tại Kinh đô mở trường Quốc tử giám đào tạo nhân tài cho đất nước. 

1.5.2. Xây dựng, Văn Thánh, Võ Thánh để thờ phụng tôn vinh những người tài có công trong lãnh vực văn và võ. Tôn trọng người có học, từ Kinh đô đến các tỉnh, huyện và cả xã đều có đền Văn thánh;  

1.5.3. Mở Quốc sử quán sưu tầm sách trên toàn quốc đem về Kinh đô, tuyển chọn người có tài giúp biên soạn sách sử (trường hợp Phan Huy Chú), tổ chức biên soạn in ấn quốc sử, quốc chí, tỉnh chí, thơ văn ngự chế.v.v. Các sách sử của Quốc sử quan triều Nguyễn là một di sản vô cùng quý giá đối với dân tộc Việt Nam trong mọi thời kỳ [Phụ lục ở cuối tham luận];

1.5.4. Đặt Khâm Thiên giám theo dõi thời tiết, làm lịch riêng cho dân Đại Nam;

1.5.5. Trùng tu chùa Thiên Mụ (thờ Phật), xây dựng Văn Thành (thờ Khổng Tử), nhà Nguyễn còn xây dựng Linh Hựu Quán (thờ Lão Tử) để thể hiện chủ trương Tam giáo đồng nguyên của nước Đại Nam.

1.5.6. Các vua Nguyễn đã xây dựng các lăng tẩm cho mình để họ được sống sau khi qua đời. Mỗi khu lăng mộ là một công trình kiến trúc tuyệt vời. Lăng Gia Long hùng vĩ, lăng Minh Mạng uy nghi, lăng Tự Đức thơ mộng và lăng Khải Định tráng lệ. Lăng Tự Đức là một mẫu hình kiến trúc phong cảnh ra đời từ giữa thế kỷ XIX;  

1.6. Quản lý xã hội, triều Nguyễn có những quy định, điển lệ để giữ trật tự xã hội rất sâu sát. Bộ sách Đại Nam Hội Điển Sự Lệ,  Đại Nam Hội Điển Sự Lệ tục biên qui định từ những việc nhỏ nhất như các món ăn, điệu nhạc, nhà cửa, áo quần, đến việc lớn như tiếp khách quốc tế, khách các nước lớn, khách nước nhỏ, lễ tết trong Cung đình.v.v. Những luật lệ, điển lệ có ảnh hưởng lớn đến sự tồn tại của chế độ quân chủ của nhà Nguyễn đến 143 năm là luật “Hồi tỵ” (quan lại không được đứng đầu địa phương của mình, không được đưa bà con nội ngoại của mình vào cùng làm việc một nơi, đi chấm thi nếu trong kỳ thi có con cháu nội ngoại đi thi thì phải hồi tỵ khai báo rõ để tránh bao che gian lận; luật tuyển dụng người phải công khai bằng hai cách là qua khoa cử và những người tài giỏi mà không qua khoa cử thì phải được địa phương đề cử; các điển lệ về “Đình nghị” (Cuộc họp các quan văn võ trong triều đình để thảo luận bàn bạc đề xuất với vua một vấn đề gì, những người dự họp đều phải có ý kiến), “Dưỡng Liêm” (Phụ cấp tiền cho những người đi thanh tra, điều tra, khám xét để tránh ăn hối lộ). Đặc biệt cấm đưa người họ ngoại của vua và Thái giám vào làm quan. (Để tránh người họ ngoại dựa vào thế của vợ vua hành xử bất chính và người sinh lý không bình thường xử lý việc quan sẽ không bình thường). Hai điển lệ nầy được khắc lên bia đá dựng ở Quốc Tử Giám để giáo dục sĩ tử.

1.7. Mặc dù nhà Nguyễn vận dụng văn hóa tư tưởng của Đạo Nho vào việc xây dựng đất nước và trị nước, nhưng nước Đại Nam có những thành tựu mà nước Trung Hoa to lớn gấp nhiều lần vẫn không có. Ví dụ như nước Trung Hoa trước thời hội nhập quốc tế chưa hề nghĩ đến nguồn tài nguyên biển. Do đó ngày nay họ rất thất thế trong việc tranh chấp chủ quyền các biển đảo với Phi Luật Tân và Việt Nam. Đứng trước nền văn chương văn hóa của nước Trung Hoa vĩ đại, nước Đại Nam không hề sợ hãi. Vua Tự Đức khen các văn thần và các Hoàng tử giỏi thơ văn của nước Đại Nam rằng: Văn như Siêu Quát vô tiền Hán

                                  Thi đáo Tùng Tuy thất thịnh Đường.

[Văn của Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát, thơ của hai ông Hoàng tử con vua Minh Mạng là Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương.]

Có nhà văn, nhà nghiên cứu Trung Quốc nào phê bình vua Tự Đức đã trịch thượng xem thường văn của thời tiền Hán và thơ thời Thịnh Đường của Trung Quốc đâu!  

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: Sự nghiệp văn chương văn hóa của nước Đại Nam thế kỷ XIX bằng 19 thế kỷ trước cộng lại. Sự nghiệp đó đã hình thành rõ bản sắc văn hóa Việt Nam từ thế kỷ XIX. Nhưng…

II. Di sản nghiệt ngã trong nhiều cuộc chiến tranh 

Di sản văn minh văn hóa vật chất và phi vật chất của nước Đại Nam đã trải qua những biến cố máu lửa vô cùng nghiệt ngã.

2.1. Sau ngày thất thủ Kinh đô (1885), thực dân Pháp đã cướp phá Kinh thành, họ cử một đại đội lính Pháp di chuyển của cải vật chất, trong đó có nhiều sách vở, cổ vật quý hiếm trong Hoàng thành xuống tàu đậu trên sông Hương. Công việc di chuyển nầy phải thực hiện ba tháng mới xong. Với một lực lượng như thế chuyển tài sản của triều Nguyễn trong 90 ngày mới xong như thế chứng tỏ số lượng tài sản của nước Đại Nam đã bị chiếm đoạt lớn đến chừng nào!

2.2. Ngày 30-8-1945, vua Bảo Đại thoái vị, nhà vua cùng với ông Phạm Khắc Hòe – nguyên Đổng lý Văn phòng của vua Bảo Đại, đem nộp cho Chính phủ VNDCCH ngoài ấn kiếm đã trao còn biết bao bảo vật quý như ấn triện bằng vàng, kim sách và nhiều bảo vật quý khác;

2.3. Cuối năm 1946, chuẩn bị toàn quốc kháng chiến, hầu hết sách vở quý của triều Nguyễn di chuyển ra làng Hiền Lương, huyện Phong Điền, một số khác người dân đem bán ở chợ Đông Ba, sử dụng làm giấy hút thuốc. Thực hiện chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”, hầu hết các kiến trúc chính năm trên đường chính đạo từ cửa Ngọ Môn ra đến cửa Hoa Bình đều bị phá sập hoặc đốt cháy, tiêu biểu nhất là các điện Cần Chánh, điện Càn Thành, cung Khôn Thái, điện Kiến Trung; 

2.4. Thời Ngô Đình Diệm (1954-1963), chính quyền sợ chiến tranh có thể xảy ra ở sông Bến Hải phía bắc Huế nên cho chuyển toàn bộ mộc bản Địa Bạ vào Sài Gòn, mộc bản sách sử vào Đà Lạt;

2.5. Năm 1968, quân đội Giải Phóng đánh chiếm và làm chủ thành phố Huế 26 ngày đêm, quân đội Mỹ và VNCH phản kích bằng máy bay và pháo hạm đội, 80% di tích trong Hoàng Thành đều bị hư hại nặng;

2.6. Sau năm 1975, thành lập tỉnh Bình Trị Thiên, cán bộ thiếu chỗ ở, chính quyền thiếu cơ quan làm việc, một số kiến trúc ở các lăng, trong Hoàng Thành bị trưng dụng như lăng Thiệu Trị làm kho chứa hàng viện trợ của các nước Đông Âu, cung Trường Sanh làm nhà in BTT, cung Diên Thọ làm cơ quan Xí nghiệp Truyền Thanh .v.v. ;

2.7. Chiến tranh lâu dài, nhiều quan tượng ở lăng Gia Long bị chặt đầu, điện Minh Thành hư hại nặng, lăng hoang phế. Lăng Thiệu Trị xuống cấp mãi cho đến nay vẫn chưa phục hồi lại được, lăng Dục Đức bị sử dụng làm đồn lính Tây. Cũng do chiến tranh dân nông thôn, dân nghèo đô thị chiếm đất dựng nhà trên Thượng Thành cho đến nay vẫn chưa giải tỏa hết được. Điều đáng sợ hơn nữa, Tổng Giám mục Ngô Đình Thục – anh ruột của Tổng thống Ngô Đình Diệm từng đề nghị sử dụng Hoàng thành Huế làm Câu lạc bộ Thanh niên. Thời tỉnh Bình Trị Thiên cũng đã có quan chức văn hóa thông tin đề nghị phá giở bớt Kinh Thành Huế để mở rộng Thành phố như mô hình ở Ba Lan. May mắn là những đề nghị ấy đã không thành hiện thực.

III. Thành tựu thật to lớn

Tiếp nhận một Di sản vĩ đại và nghiệt ngã như vậy, hơn 40 năm qua, dưới sự lãnh đạo về chuyên môn của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), sự trợ giúp về kỹ thuật và tiền bạc của quốc gia và quốc tế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã cứu vãn và phát huy được nhiều công trình di tích có ý nghĩa. Thành quả nầy Trung tâm có trách nhiệm thông báo với Hội thảo và dân chúng. Trong những thời gian khác nhau bộ Văn hóa Thông tin, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và ngành văn hóa tỉnh Lâm Đồng đã làm hồ sơ đệ trình UNESCO và Di sản vật chất và phi vật chất của nước Đại Nam đã được UNESCO công nhận 5 di sản:  

- Di sản vật thể: Quần thể di tích Cố đô Huế; 

- Di sản phi vật thể: Nhã nhạc, nghệ thuật diễn xướng cung đình, 

- Di sản tư liệu: Mộc bản; 

- Di sản tư liệu: Châu bản;

- Di sản tư liệu: Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế.

Sau ngày thống nhất đất nước (1975), Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào thăm Huế và nói chuyện với trí thức Huế. Thủ tướng nói “Giải phóng xong may ra còn có Huế để đối ngoại về văn hóa”. Với thành quả 4 di sản được UNESCO công nhận nêu trên đã chứng thực ý kiến của người đứng đầu Chính phủ lúc bấy giờ là đúng sự thực.   

Thành quả của TTBTDT Cố đô Huế đã thu hút khách tham quan trong và ngoài nước, giúp cho ngành du lịch Huế trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh TTH. Chỉ trong 8 tháng đầu năm 2016 nầy, doanh thu của Trung tâm đã đạt đến con số trên 192 tỷ đồng VN. Ngoài việc trùng tu, xây dựng lại, chống đỡ cứu vãn bao nhiêu di tích, TTBTDT Cố đô Huế còn phục hồi nhiều sinh hoạt cung đình như lễ tế Nam Giao, tế Đàn Xã Tắc, Múa hát Cung đình, Lễ hội truyền thống điện Huệ Nam (điện Hòn Chén).v.v. Điều ấn tượng nhất là qua quá trình trùng tu, xây dựng di tích với sự giúp đỡ kiến thức của nhiều chuyên gia quốc tế TTBTDT Cố đô Huế đã hình thành một trường phái trùng tu di tích Huế rất được giới trùng tu xây dựng di tích trong nước quan tâm. 

Thành quả thật to lớn nhưng ….

  1. Thực tế còn đòi hỏi nhiều hơn nữa

4.1. Số lượng di tích được trùng tu tôn tạo mới khai thác được cái võ (tham quan di tích), chứ chưa phục hồi tôn tạo được cái ruột. Khai thác phần vật chất chứ phần phi vật chất còn rất hạn chế;

4.2. Chưa giáo dục cho quần chúng vùng có di tích để họ tự hào góp phần với TTBTDT Cố đô Huế gìn giữ, bảo vệ. Trung tâm cũng chưa có chính sách cụ thể ưu tiên cho người địa phương có di tích phục vụ du lịch ở địa phương có di tích;

4.3. Trung tâm có một hội đồng tham vấn gồm các nhà nghiên cứu ngoài Trung tâm, nhưng chế độ đãi ngộ không khác gì những người ngoài hội đồng. Ngoài thù lao dự các cuộc họp giống như tất cả các thành viên khác ngoài hội đồng, các thành viên Hội đồng không có bất cứ  một quyền lợi nào khác do đó nghĩa vụ của họ cũng rất sơ sài;  

4.4. Hàng lưu niệm, xuất bản phẩm bán trong khu di tích chưa được kiểm định chất lượng, còn quá nhiều hàng của Trung Quốc; đặt chỗ bán hàng lưu niệm không đúng chỗ so với thông lệ các nơi trên thế giới;

4.5. Bộ phận thuyết minh nói tiếng Hoa quá nhỏ so với các ngoại ngữ khác;

4.6. Thư viện của Trung tâm, bộ phận nghiên cứu khoa học của Trung tâm mới quan tâm đến thông tin trong các sách sử tài liệu của triều Nguyễn, chứ chưa sờ đến mộc bản, thơ văn, câu đối liên quan đến triều Nguyễn trong các Phủ, Phòng của các ông Hoàng, bà Chúa, gia đình các đại tộc Thân Trọng, Nguyễn Khoa, Hà Thúc, Hồ Đắc.v.v. ở Huế. Chưa khai thác được các thông tin trong sách của người châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản đến Việt Nam viết về các chúa Nguyễn, các vua Nguyễn như Thích Đại Sán (thời chúa Nguyễn Phúc Chu), Jean Koffler, Pierre Poivre  (Thời Võ Vương), John Barrow (Thời Tây Sơn). Đặc biệt TTBTDT Cố đô Huế cũng chưa tích cực khai thác thông tin lịch sử trong bộ Đô Thành Hiếu Cổ (Bulletin des Amis du Vieux Huế, gọi tắt là BAVH) ấn hành trong 30 năm (1914-1944) với 121 tập và 1 tập danh mục có khoảng 13.000 trang in và hàng ngàn phụ bản, bảng khắc đen trắng hoặc màu. Như các nhà nghiên cứu Huế đã biết: BAVH là một nguồn tư liệu quý giá mà ngày nay chúng ta khó lòng thực hiện được. Nguồn tư liệu nầy còn giữ lại được nhiều hình ảnh, di tích đã bị chiến tranh hủy hoại, đồng thời nó cũng giúp cho ta soi sáng những góc khuất trong lịch sử, văn hóa, địa lý triều Nguyễn. 

Lời Kết.- Tôi viết bài nầy trong hoàn cảnh thị lực của đôi mắt tôi chỉ còn nhìn được một phần tư. Việc tra cứu tư liệu không thực hiện được. Những gì tôi viết ra đã có sẵn trong tâm trí tôi. Cho nên bài viết chỉ là một phát biểu chi tiết hơn là một tham luận khoa học.

                                                      Nguyễn Đắc Xuân

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang