THƠ NÔM THỜI GIA LONG (1802 - 1819)

Văn chương quốc âm gắn liền với vận mệnh của dân tộc để tồn tại và phát triển qua các thời đại lịch sử. Sau thời Lê, chữ Nôm càng được phổ biến, đến thế kỷ XVIII, kết quả vô cùng thịnh mãn. Bắc Hà có Nguyễn Gia Thiều, Phan Huy Ích, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương... Nam Hà, tiếp nối các tiền bối Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Hào đã có ngòi bút của Nguyễn Cư Trinh, Mạc Thiên Tứ, Huỳnh Quang... Chữ Nôm dùng để sáng tác đủ các thể loại văn học như truyện, tuồng, vãn, thơ ca. Đôi khi các văn bản hành chánh cao cấp của triều đình như dụ, cáo, biểu, lệnh truyền... cũng viết bằng chữ Nôm. Cuối thế kỷ XVIII phong trào cách mạng Tây Sơn bùng lên, lật đổ tất cả các thế lực thống trị của hai họ Trịnh - Nguyễn. Người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, sau những chiến công oanh liệt đã trở thành Hoàng đế Quang Trung vào năm 1788. Vua đặc biệt lưu tâm đến văn hóa dân tộc, giao cho La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp lập Sùng chính viện để phiên dịch kinh sách của đạo Nho ra quốc văn. Tiếc thay công nghiệp chưa thành thì vua Quang Trung đột ngột băng hà, triều Tây Sơn nhanh chóng suy thoái và bị tiêu diệt. Năm 1802, Nguyễn Phước Ánh thống nhất đất nước lên ngôi Hoàng đế xưng hiệu là Gia Long, mở đầu triều Nguyễn. Từ thuở còn bôn đào ở phương Nam, vua đã thích dùng chữ Nôm để ủy dụ tướng sĩ, quân dân. Điển hình:
* Văn tế Bi nhu Quận công Giám mục Thượng sư Bá Đa Lộc (1799).
* Đạo dụ ngày 26 tháng 3 năm Canh thân (1800).
Sau ngày chiến thắng, vua mệnh cho văn thần dùng quốc âm để nghĩ soạn:
- Hồi loan cửu khúc ca.
- Văn tế trận vong tướng sĩ.
- Văn tế Châu Văn Tiếp.
- Văn tế Võ Tánh và Ngô Tùng Châu.
Để góp thêm tư liệu cho văn học, tôi xin công bố hai bài thơ vào đầu thời Nguyễn. Hai bài này được ghi trên đồ sứ do triều Gia Long ký kiểu ở Trung Quốc vào năm Canh Ngọ (1810). Đặc biệt, trong năm này vua cho tổ chức đại lễ định vị thứ bầy tôi trung tiết thời khai quốc và các công thần thời trung hưng.
Bài I:
Tô kiểu “Nhất thi nhất họa”. Một mặt vẽ cảnh núi rừng trùng điệp, hùng vĩ. Quanh lối mòn có vài tiều phu gánh củi trở về, kèm bài đề vịnh Đường luật:
Nguồn tham, đò dục suốt chăng mang,
Bao nã đem mình ẩn núi Thương1.
Lưng vận búa trăng, chơi đủng đỉnh,
Chân chày ngàn tuyết, bước xênh xang.
Tấc tài dài vắn, tay thu thập,
Một gánh giang sơn, sức đảm đang.
Dù nhẫn mai ngơi vào thạch thất,2
Đành đành bắt chước thói chàng Vương3.
Quý Hạ vọng hậu, đề ở Thúy Liên Đường.4
Bài II:
Cùng kiểu thức với tô trên, tô thứ hai này vẽ cảnh sông hồ bát ngát, trời nước mênh mông. Ngoài xa khơi vài ba chiếc thuyền lênh đênh. Trên bờ là một xóm chài nằm ven núi non chất ngất. Thơ đề vịnh:
Xanh xanh chiếc lá nổi dòng La,
Khơi lộng năm hồ mặc thích ta.
Ngợi khúc Thương Lang5, vang nhịp bảy,
Ra tay thủ đoạn tóm giềng ba.
Sông đào mảng tưởng nguồn cơn thẳm,
Ngày bạc6 nào hay tuổi tác già.
Chớ sợ trầm lôi, vui chí Thuấn,
(Nghêu ngao)7 bốn biển lấy làm nhà8.
Quý hạ Vọng hậu đề ở Thúy Liên Đường.

----------------

1 Núi Thương: tức Thương sơn ở Trung Quốc, nơi ẩn của bốn cao sĩ (Tứ hạo) dưới thời Tần. Sau Hán Cao Tổ có cho sứ đến mời tứ hạo về triều nhưng họ từ chối.
2 Thạch thất: nhà bằng đá để chứa sách quý đời xưa hoặc nơi ở ẩn trong núi.
3 Chàng Vương: nhắc tích Vương Chất một hôm vào rừng đốn củi, tình cờ gặp hai vị tiên đang đánh cờ. Vương Chất chống rìu đứng lại nhìn, xem xong ván cờ thì cán rìu đã mục nát.
4 Viết ở Thúy Liên Đường, sau ngày rằm tháng 6.
5 Thương Lang: còn đọc là Thương Lương, tên một con sông ở Trung Quốc. Thiên Ly Lâu thượng sách Mạnh Tử có ghi bài Nhụ tử ca: “Nước sông Thương Lang trong chừ khá đem giặt mũ ta. Nước sông Thương Lang đục chừ khá đem rửa chân ta”.
6 Ngày bạc: tức “bạch nhật”, từ dùng để chỉ thời gian. Ví dụ: “Lân la ngày bạc qua hồi xuân xanh” - (Phan Trần).
7 Rất tiếc, bài thơ tôi sưu tầm bị mất hai chữ đầu ở câu tám. Tôi tạm thay chữ “Nghêu ngao” để đọc, trong khi chờ bổ túc.
8 Bốn biển lấy làm nhà: do chữ “tứ hải” người xưa thường dùng chữ bốn biển, như chữ bốn cõi hay bốn phương để chỉ khắp thiên hạ, khắp nước.
Ví dụ: “Túi giang sơn bốn biển cũng là nhà”.
(Nguyễn Công Trứ)
hay: “Anh hùng bốn biển giang sơn một nhà”.
(Phan Bội Châu)

Sau khi ngâm nga, thưởng thức hai bài thơ trên, vấn đề đặt ra: tác giả là ai? Đây là việc không dễ! Với những câu:
Tấc tài dài vắn, tay thu thập,
Một gánh giang sơn, sức đảm đang
Hay:
Ngợi khúc Thương Lang, vang nhịp bảy,
Ra tay thủ đoạn, tóm giềng ba
Ông tiều, ông ngư ở đây không phải là hạng tầm thường nơi chân trời góc biển. Đây phải là khẩu khí của bậc chân chúa, anh hùng mang hoài bão gánh vác giang sơn, tóm thâu thiên hạ. Nay chí lớn đã thành, phải chăng khách anh hùng có lúc cũng muốn theo gót chàng Vương tìm nơi tiên cảnh; hoặc vui theo cái chí của vua Thuấn, gây dựng cảnh thái bình thịnh trị cho muôn dân.
Thơ được chọn để ghi lại trên đồ sứ ngự dụng, có thể là do chính nhà vua làm ra. Nhưng đến nay điều này rất khó xác định, do vì chỉ có các tập thơ ngự chế bằng Hán văn mới được triều đình in ấn phổ biến. Rất tiếc chúng ta chưa phát hiện được các tập thơ Nôm của các vua triều Nguyễn để xác định tác giả.
Nếu không phải chính vua làm ra, thì có thể vua mệnh cho các văn thần làm thay. Theo ý tôi, ở giai đoạn này tác giả có thể là một trong các vị sau:
* Quốc Thúc Phước Long Công Tôn Thất Thăng
Đại Nam Liệt Truyện ghi: Thăng là chỗ rất thân trong họ nhà vua, được yêu quý không ai bằng... Mỗi khi Thăng vào chầu riêng, vua đứng dậy đón mời ngồi trên giường ngự, Thăng cố từ chối mà rằng: “Trời không có hai mặt trời, bề tôi là Thăng đâu dám ngồi ở đây”. Vua sai giải chiếu xuống đất cùng ngồi. Lúc Thăng ra về, vua đứng dậy tiễn. (Đ.N.L.T Tập I, tr. 64. Nxb Thuận Hóa - Huế 1993). Xem đoạn sử liệu này, đủ thấy vua Gia Long yêu kính, biệt đãi Tôn Thất Thăng đến mức độ nào.
* Tiền Quân Bắc Thành Tổng trấn Nguyễn Văn Thành (1757 - 1817)
Ông là bậc đệ nhất khai quốc công thần của Gia Long. Trong hàng võ tướng ông là người có học vấn cao, được giao trọng trách trấn giữ Bắc Hà vốn là nơi văn học rất thịnh, có nhiều sĩ phu uyên bác đương thời. Ông làm tổng tài soạn thảo Bộ luật Gia Long (Hoàng Việt Luật Lệ). Tương truyền áng văn Nôm: Văn tế tướng sĩ trận vong là do ông thay vua nghĩ soạn để đứng chủ tế tại Kinh đô Huế vào năm 1802. Sau này, do ông tỏ vẻ đắc chí thường tâu bày trái ý vua, lại ra mặt khinh thường các võ tướng ít học nên bị đồng liêu thù ghét. Năm 1817, nhân cái án văn tự của con ông là Nguyễn Văn Thuyên, triều đình dồn ông vào cái thế phải uống thuốc độc tự tử.
* Lễ bộ Thượng thư Đặng Đức Siêu (1751 - 1810)
Ông theo vua từ thuở phong trần ở phương Nam. Rất được tin cẩn, giao cho việc từ hàn nơi màn trướng. Chính ông được mệnh vua nghĩ soạn các bài dụ, văn tế bằng quốc âm. Sau ngày thống nhất, ông được giao chức Thượng thư bộ Lễ, chuyên trách việc soạn thảo, sửa đổi Lễ nhạc chốn triều đình. Ông là một tác giả lớn về văn học Nôm thời đầu Nguyễn, những danh tác vẫn còn truyền tụng đến nay.
Trên đây, chúng tôi chỉ xin nêu ra vài nhận xét ban đầu sau khi phát hiện được hai bài thơ trên. Rất mong được thỉnh giáo các bậc thức giả, nhất là các nhà chuyên nghiên cứu Hán Nôm.
*


THƠ NÔM THỜI MINH MẠNG (1820 - 1840)
Nhận lãnh ấn kiếm truyền quốc, Thái tử Đảm làm lễ đăng quang, chọn đế danh là Kiểu. Qua năm Canh Thìn (1820), cải nguyên Minh Mạng. Vua hết lòng sùng mộ đạo Nho, củng cố chế độ quân chủ trung ương tập quyền. Rất tiếc, Minh Mạng chủ trương “bế quan tự cường”, quay mặt với văn hóa Phương Tây, cấm đạo Thiên Chúa. Những điều đó đã gây tai hại về sau...
Về phương diện văn học, Vua là một tác giả lớn, đã có nhiều tác phẩm bằng Hán văn được in ấn phổ biến:
- Minh Mạng ngự chế thi tập.
- Minh Mạng ngự chế văn tập.
- Ngự chế tiểu bình Nam kỳ tặc khấu thi tập...
Ở đây, tôi xin giới thiệu tiếp hai bài thơ Nôm được ghi trên đồ sứ ngự chế.
Bài I. Tô sứ hiệu chữ Nhật # vẽ tích “Bá Nha - Tử Kỳ” ghi bài ngũ ngôn tứ tuyệt:
Hai kẻ bạn tri âm,1
Vui thay một khúc cầm
Non cao cùng nước biếc,
Rằng để ít ai ngâm.
Cẩn Bái
Tích Bá Nha - Tử Kỳ rất được các vua triều Nguyễn ưa thích. Trên đồ sứ ký kiểu thời Gia Long, tích này được đề vịnh bằng thơ chữ Hán, như:
Ty đồng khinh tháo lộng,
Lưu thủy ngộ tri âm2
(Tơ đồng nhẹ nhàng gảy,
Lưu thủy gặp tri âm)
Hoặc:
Ngẫu nhiên thành tuyệt điệu,
Bất giác ngộ tri âm
(Tình cờ đàn khúc tuyệt hay,
Không ngờ gặp bạn tri âm)

-----------------------------

1 Tri âm: Thời chiến quốc, Du Thụy tự Bá Nha, quan Thượng Đại Phu nước Tấn. Đêm trung thu, trên đường đi sứ về cho cắm thuyền ở bên sông Hán Dương, đem đàn ra gảy. Tình cờ, Chung Huy tự Tử Kỳ đốn củi trở về, nghe được tiếng đàn bèn ngồi lắng nghe. Hai người gặp gỡ, đàm luận tương đắc bèn kết nghĩa ae1. Sau Chung Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn, cho rằng trên đời không còn ai biết thưởng thức tiếng đàn của mình nữa. Trong văn chương thường dùng hai chữ “tri âm” để chỉ tình bạn thân thiết chân tình, hiểu được lòng nhau:

VD: “Nàng rằng: gió bắt mưa cầm,

Đã cam tệ với tri âm bấy chầy”

(Truyện Kiều)

Hoặc:

“Tri âm chẳng gặp tri âm,

Để ai mong đứng mong nằm sầu riêng”

(Truyện Quan Âm)

2 Ty đồng: giây tơ, gỗ ngô đồng, chỉ cây đàn cầm.

Lưu thủy: khúc đàn điệu Lưu thủy, Hành vân.


Bài II: Tô sứ hiệu chữ Nhật, # vẽ phong cảnh ở đế đô Huế. Đề vịnh bài ngũ ngôn bát cú:
Một thức nước in trời
Đò ai chiếc lá khơi
Non xanh xem vòi vọi
Dòng biếc thấy vơi vơi
Mảng khúc Thương Lang gảy
Ưa tình lữ khách chơi
Mong chờ yên sóng gió
Qua lại mặc người đời
Cẩn Bái
Loại đồ sứ ngự chế đặt làm tại Trung Quốc đưa về, được cất tại kho Trân Ngoạn ## Phủ Nội vụ, trong hoàng thành. Dùng để cung tiến vào cung Từ Thọ (mẹ vua), ban thưởng cho các hoàng tử khi xuất phủ (ra ở riêng), công chúa hạ giá (công chúa về nhà chồng). Nó có giá trị khác biệt với đồ sứ Tàu thông thường, do các thương nhân chở sang bán ở nước ta. Theo sắc chỉ năm Gia Long thứ 7 (1808) và Minh Mạng thứ 14 (1834), mỗi công chúa hạ giá ngoài số đồ nữ trang vàng bạc, được ban hai tô sứ bịt vàng, mười tô sứ bịt bạc vẽ tích Bá Nha - Tử Kỳ hoặc bờ liễu chơi thuyền hiệu chữ Nhật (Xem Đại Nam Hội Điển Sự lệ - Tập 14, quyển 241, tr. 361 - 364. Phủ Nội vụ. Bản dịch Nxb Thuận Hóa Huế 1993).
Các tác phẩm quốc âm (Nôm) của vua thường chỉ phổ biến hạn chế trong hoàng gia hoặc cận thần. Rất may chúng lại được bảo lưu trên đồ sứ ngự chế, nhờ đó mà ngày nay chúng ta có thể biết thêm tư tưởng, tình cảm của các vị đế vương xưa: họ cũng ca tụng tình bạn “tri âm”, cũng có lúc thả hồn bay bổng trong khoang thuyền bềnh bồng giữa cảnh non nước hữu tình... mơ ước được lạc vào chốn thiên thai, tiên cảnh.
Trần Đình Sơn

* Hình minh họa: website Bảo tàng lịch sử Quốc Gia

http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3096/62062/djo-su-ky-kieu-thoi-nguyen-o-nuoc-ngoai.html

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang