Lời nói đầu: Bài viết nầy ra đời đã gần ¼ thế kỷ (năm 1990). Trong thời gian ¼ thế kỷ ấy Bệnh viên Trung ương Huế đã có quá nhiều thay đổi, to lớn, hiện đại hơn năm 1990 rất nhiều. Tôi giữ lại bài nầy xem như một chút lịch sử Bệnh viện Trung ương Huế ra đời như thế nào. Những thay đổi sau năm 1990 tôi xin dành lại cho các nhà nghiên cứu trẻ. Xin thông cảm cho sự thiếu sót của tôi. Đa tạ.
Bệnh viện Trung ương Huế là một cơ sở khoa học kỹ thuật phương Tây được xây dựng sớm ở cố đô Huế. Trong gần một thế kỷ qua có mấy ai chưa một lần đến khám và chữa bệnh tại BVTWH? Có bao ngàn người đã ra đời ở BVTWH? Có bao người đã được cứu sống ở đây? Và, có bao ngàn người có người thân đã trút hơi thở cuối cùng trong vòng tường trắng bệnh viện này? Nhưng có lẽ có rất ít người biết đích xác BVTWH đã ra đời lúc nào. Vì thế việc nghiên cứu để trả lời câu hỏi đó là rất cần thiết
Căn cứ trên sử sách của Quốc sử quán triều Nguyễn và tài liệu của các vị thầy thuốc tiền bối của BVTWH, tôi viết nên tiểu luận này
I. Tây y truyền bá vào đất Huế:
Huế là thủ phủ của các chúa Nguyễn ở xứ Đàng Trong. Lợi dụng chính sách cởi mở của các chúa, các vị truyền giáo Tây phương đi vào Huế qua cảng Thanh Hà và cảng Hội An. Phát thuốc, chữa bệnh là một trong những biện pháp các vị truyền giáo đã sử dụng để thâm nhập vào dân gian và cung đình của các chúa . L.m.Langlois làm nghề thầy thuốc ở Huế vào cuối thế kỷ XVII. Hiền Vương (1648-1685) cũng có thể cả Ngãi Vương (1686-1691) rất tin yêu L.m.Barthélemy dAcoata. Các chúa xem l.m như một ngự y luôn hầu cận bên mình. Langlois được cấp một khoảng đất rộng gần cung điện để mở một bệnh viện có thể thu nhận được 300 bệnh nhân. L.M. Bénigne Vachet được mời đến phủ chúa chữa bệnh cho một vị đệ tam tướng quân anh em với vị chưởng dinh. L.m.J.B.Sanna (người Sardre) và l.m. Sébastien Pirès (người Bồ Đào Nha) là hai ngự y của chúa Minh Vương (Nguyễn Phúc Chu). L.m.Jean Koffler đóng vai trò quan trọng nhất về phương diện y học dưới thời Nguyễn Phúc Khoát. Koffler đã xây dựng trong kinh thành Phú Xuân một bệnh viện nhỏ để chữa bệnh cho hoàng gia, ông cũng được phép xây dựng một giáo đường nhỏ gần đó để hành lễ. J.Koffler được Võ Vương giao việc chữa bệnh cho bà Chiêu Nghi bà hoàng được Võ Vương sủng ái nhất. Khi bà chết được an táng tại một nơi gần chùa Từ Hiếu ngày nay. Không rõ chúa có dụng ý gì mà cho dỡ cái nhà thờ đẹp đẽ của F.Koffler trong Thành nội đem lên dựng lên mộ của bà Chiêu Nghi (Nay vẫn còn di tích).
Vua Quang Trung không thích sự có mặt của các nhà truyền giáo Tây phương ở VN, nhưng đến khi bà chánh hậu của ông bị bệnh nặng, năm 1791, ông đã phải nhờ một đại thần người theo đạo Thiên chúa, mời l.m.Girard đến chữa bệnh cho bà. Tiếc thay khi Girard đến thì bệnh của bà chánh hậu đã quá nặng không thể chữa được nữa, bà đã mất trước mặt Girard.
Thời Gia Long ở Huế có ông Despiau là một tây y sĩ, ông không có gia đình ở Huế nên thường ở chung với hai ông quan người Pháp trong triều đình Huế là Vannier và J.B.Chaigneau. Năm 1820, Despiau được vua Minh Mạng cử sang Ma-Cao để tìm thuốc chủng đậu. Despiau làm việc này rất tốt.
Trước đó một năm, 1819, vua Gia Long đã triệu nhà phẫu thuật Treillard trên tài Le Henri vào cung chữa bệnh cho công chúa. Trong những ngày vô ra chữa bệnh cho công chúa, Treillard cũng được mời chữa bệnh cho vua Gia Long một cách kín đáo.
Sau Treillard và Despiau không còn một người thầy thuốc Tây y nào được mời vào Nội để chữa bệnh cho vua quan nhà Nguyễn nữa. Từ đầu triều Minh Mạng (1820) cho đến lúc kết thúc thời kỳ độc lập (1885) việc chữa bệnh cho người VN đều do Thái y viện và thầy thuốc VN đảm nhiệm
II. Những cơ sở chữa bệnh trước khi bệnh viện Trung ương Huế ra đời
Trong những năm đầu chiếm đóng Huế (từ năm 1884 đến 1887), ở Huế chỉ có một cơ sở y tế dành riêng để chữa bệnh cho binh lính Pháp. Các quân y sĩ Ufoltz, Arami, và Maurel thay nhau phụ trách cơ sở y tế này.
Đến năm Đồng Khánh nhị niên (1887), người Pháp cho thiết lập một trạm y tế bằng tranh sát bờ sông Hương trên miếng đất nối liền LCB Thuận Hóa và UBND TP Huế ngày nay. Trạm y tế này có nhiệm vụ chẩn bệnh, phát thuốc và chủng đậu.
Trạm y tế sông Hương tồn tại được hai năm, đến năm 1889 trạm ấy được dời đến một mảnh đất phụ thuộc Tòa Khâm sứ Huế (ĐHSP ngày nay). Trạm y tế này chỉ có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho công chúa ở Tòa khâm. Người đầu tiên phụ trách trạm y tế này là bác sĩ hạng nhì thủy quân Barrat và Normand cũng đều là thầy thuốc thủy quân.
Đầu năm 1894, dưới quyền của bác sĩ Normand, người ta lập một trạm y tế lớn hơn ở giữa cánh đồng gần kho bạc (ngân hàng TTH ngày nay). Trạm này có 4 phòng được chia ra như sau: Phòng thăm bệnh, Phòng bán thuốc, phòng băng bó và phòng dưỡng bệnh cho chừng 10 người.
Trạm y tế này bằng tranh, tổ chức vụng về không đủ sức thỏa mãn nhu cầu của bệnh nhân ngày càng tăng. Vì thế người ta giao trạm này cho một ông giám binh ăn lương của tỉnh Thừa Thiên coi sóc và chỉ chữa cho gái mại dâm. Thành lập một bệnh viện dân sự tại Huế là một công việc bức bách.
III. Bệnh viện Trung ương Huế ra đời:
Vào hạ bán niên Thành Thái thứ VI (1894) với sự giúp đỡ về chuyên môn của ngành y tế thuộc Tòa Khâm Huế, triều đình VN quyết định thành lập Bệnh viện Trung ương Huế.
Bệnh viện tọa lạc trên đất cũ của trại lính thủy của nhà vua thuộc phòng Đệ bát Kinh thành Huế. Bệnh viện nằm giữa những con đường về sau được đặt tên như sau:
- Mặt trước dọc bờ sông Hương, Bệnh viện tiếp giáp với đường Jules Ferry;
- Mặt sau giáp với con đường lên Phú Cam mang tên Rheinard;
- Phía tây được phận định với Phủ doãn Thừa Thiên bằng con đường mang tên Dominé;
- Phía đông giáp giới với đường Marc Pouppe, góc đông bắc bị cắt một đoạn bởi đường Rivière
Kinh phí xây cất do triều Thành Thái chi, vật liệu lấy từ một tòa nhà của Nội vụ bị phá hủy
Bác sĩ Gaide cho biết bệnh viện mới xây đầu tiên dài đến 60 mét gồm có phòng thăm mạch, phòng băng bó và 6 phòng dành cho bệnh nhân nằm dưỡng bệnh
Sách Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc sử quán triều Nguyễn soạn từ năm 1906 đến năm 1910 đem khắc in, cho biết: Năm Thành Thái thứ VI (1894):
- Cất một tòa nhà trước 3 gian, 2 chái;
- Một dãy nhà sau 5 gian và nhà bếp
Năm Thành Thái thứ VII (1895):
- Cất một chỗ 7 gian làm nơi dưỡng bệnh; đến nay (tức từ năm soạn sách ĐNNTC đến năm đưa khắc in 1906-1910) dần dần cất thêm:
- Một tòa nhà chính trung ngó về hướng đông: 3 gian, 2 chái (làm chỗ ở cho quan tư Pháp cư trú);
- Gần phía nam cất lầu 2 tầng (dành cho người Âu)
- Gần phía Bắc cất hai nhà cổ lầu ở hai bên cổng bắc: nhà phía tây cổng văn phòng cho người Tây và người Nam làm việc; nhà bên đông làm chỗ khám bệnh và cho thuốc người bệnh.
Một con đường chạy bên phía bắc tòa nhà chính trung thẳng lên phía tây. Ở gần cuối con đường là nhà tắm gội, phía sau nhà tắm gội sát với tường thành là nhà để hủy các uế tạp và nơi nằm chờ của những người hết phương cứu chữa.
Ở đầu đường (phía tây nhà chính trung) là cửa Tam quan 3 gian, cánh trái và cánh phải của cửa đều nối với một cái nhà 2 gian. Nhà bên trái (phía bắc) làm chỗ mổ xẻ cho người bệnh, nhà bên phải (phía nam) là nhà hậu phẫu
Hai bên con đường chính có:
- Phía Bắc cất ba lớp nhà:
+ Lớp thứ nhất cất một tòa nhà 2 gian 2 chái làm chỗ lâm sản dưỡng bệnh (số 18 sơ đồ năm 1906)
+ Lớp thứ hai gồm 2 dãy nhà dài, mỗi dãy đều 9 gian 2 chái, một nhà để đàn ông, một nhà dành cho đàn bà nằm chữa bệnh. (hai dãy nhà này ứng với số 5 và số 6 trong sơ đồ 1906, nhưng sơ đồ lại ghi có 32 giường dành hết cho phụ nữ);
+ Lớp thứ ba gần la thành phía bắc cất 3 nhà ( đều ba gian 2 chái): nhà thứ nhất làm nhà chứa thuốc, nhà thứ hai cho nữ quan Pháp hộ sản, nhà thứ ba nữ quan Việt hộ sản ở. (Sơ đồ 1906, chỉ vẽ hai nhà số 7 và số 8, mỗi nhà có 32 giường cho phụ nữ.
- Phía Nam cất 4 lớp nhà:
+ Lớp thứ nhất gần phía Nam con đường cất 1 nhà (2 gian, 2 chái) dùng làm chỗ cho thông ngôn ký lục nằm chữa bệnh (Sơ đồ 1906 đánh dấu số 17 lại ghi dành làm phòng giải phẩu và băng bó)
+ Lớp thứ hai và thứ ba, mỗi lớp có 2 dãy nhà dài (mỗi dãy 9 gian, 2 chái) một nhà làm cho lính tập dưỡng bệnh, một nhà dành cho nhi đồng dưỡng bệnh (Sơ đồ 1906 ghi số 1 và 2, 3 và 4, mỗi dãy có 32 chỗ đều dành cho đàn ông;
+ Lớp thứ ba cất một nhà 2 gian 2 chái làm chỗ cho phạm nhân và người điên chữa bệnh (Sơ đồ 1906 đánh số 19);
+ Nơi góc thành xiên phía tây nam cất 1 nhà VN 1 gian 2 chái làm chỗ cho các kỹ nữ nằm dưỡng bệnh và để cho thuốc. (Sơ đồ 1906 không thấy vẽ)
Nội dung BVTWH đầu tiên được mô tả trong sách Đại Nam Nhất Thống Chí (tỉnh Thừa Thiên, tập thượng) soạn năm 1906 đến năm 1910 đưa khắc in và tài liệu của bác sĩ Gaide - Giám đốc BVTWH viết và đăng trên Đô Thành Hiếu Cổ năm 1921 (Bulletin des Amis de Vieux Hué), có một số điểm chưa khớp, nhưng tựu trung nhìn về tổng quát thì rất thống nhất. Viết về cơ sở BVTWH chắc còn nhiều tài liệu chưa tìm hết được, nhưng có thể khẳng định hai nguồn tài liệu chính thức trên (nguồn tài liệu của Nam triều và nguồn tài liệu của chính những người Pháp đã quản lý Bệnh viện thời ấy) là chính xác và đầy đủ nhất
IV. Những người lãnh đạo đầu tiên của BVTWH.
Bác sĩ HENRY thầy thuốc chính của thuộc địa Pháp, tòng sự tại Tòa Khâm, đến Huế ngày 1.2.1895
Ông HENRY được bổ nhiệm làm giám đốc đầu tiên của BVTWH
Phụ tá cho bác sĩ Henry có hai thầy thuốc đông y sĩ thuộc Thái Y viện của Nam triều là
- Ông Liên (không ghi họ): quan tòng tứ phẩm;
- Ông Bùi Tư: quan chính bát phẩm
Ngoài ra còn có 2 y sinh (thầy thuốc) không rõ họ tên.
- Ông Đàm (không ghi họ) làm thông ngôn cho Nam triều, kiêm luôn chức thư ký, y tá coi sóc kho thuốc
Từ khi thành lập (1894) đến lúc Đại Nam Nhất Thống Chí mô tả BVTWH nêu trên (khoảng 1909-1910), trong vòng 15 năm đầu ấy có đến 10 bác sĩ người Pháp thay nhau làm giám đốc. (Danh sách kèm theo tài liệu của bác sĩ Gaide)
Các Bà Xơ và giáo dân phục vụ ở Bệnh viện Trung ương Huế hồi đầu thế kỷ XX
V. Những thử thách
ĐNNTC mô tả BVTWH là một cơ sở của Kinh đô Huế cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, không hề cho biết cơ sở ấy đã có nhiều thử thách và nó đã vượt qua những thử thách ấy để đứng vững như thế nào. Bác sĩ giám đốc bệnh viện Gaide, năm 1921 đã cho biết nhiều thông tin về những thử thách ấy
- Thử thách đầu tiên
Tháng 6.1897, bác sĩ Petellaz - người kế vị bác sĩ Henry nhân bàn về việc di chuyển trạm y tế lưu động Thuận An lên một trái đồi gần Hổ Quyền - cách Huế chừng 4km về phía Tây, đã có lời đề nghị: nếu trạm lưu động được đặt ở đó thì ‘’bệnh viện An Nam này (tức BVTWH) có thể dời đến gần trạm lưu động gần bờ sông, cách một chút về phía hạ lưu”
Đề nghị này không được chấp thuận vì nhà cầm quyền quân sự nói không có ngân sách.
Hai năm sau, vào ngày 8 -11 -1899, trạm lưu động Thuận An bị một trận bão thổi sập hoàn toàn. Nhà cầm quyền quân sự không nghĩ đến việc dựng lại hoặc di chuyển lên Hổ Quyền, mà quyết định xây dựng thêm trong khuôn viên BVTWH một tòa nhà để nhận thêm những bệnh nhân người Âu. Toà nhà này làm xong từ tháng 5.1901, được trang bị với những y cụ của trạm y tế lưu động bị phá hủy. Có lẽ toà nhà đó nằm trước toà nhà chính trung được Gaide đánh số 20 hoặc 21 trong sơ đồ 1906. Về nhân sự cũng rút từ trạm lưu động Thuận An tăng cường cho BVTWH, gồm bác sĩ Marque, hai Bà xơ người Âu và 2 y tá người Việt Nam
BVTWH không bị di chuyển theo trạm lưu động Thuận An, ngược lại trạm lưu động Thuận An phải sát nhập vào BVTWH
- Thử thách thứ hai.
Ngày 11.9.1904,bão Năm Thìn thổi qua thành phố Huế, cầu Trưòng Tiền bay hai vài, tòa Khâm sứ tốc mái, trường Quốc Học hư hại nặng, BVTWH bị phá hủy phần lớn. Có chủ trương dời BVTWH đến một địa điểm khác và trùng tu lại. Một hội đồng được thành lập với những thành phần sau:
+ Đại diện tòa Khâm sứ,
+ Đại diện sở Lục bộ (Công chánh)
+ Đại diện sở Y tế
+ Quan đại thần đứng đầu tỉnh Thừa Thiên (quan thượng thư bộ Hộ - Trần Đình Phát)
Cuộc họp mặt được mở ra vào tháng 5.1905, sau một cuộc bàn cãi sôi nổi, cuộc họp đã nhất trí được một điểm: Dời BVTWH đến địa điểm gần đàn Nam Giao
Nhưng không ngờ quyết định đó bị bác ngay vì lý do hơi xa
Một năm sau, 5-1906, sau cuộc viếng thăm của Khâm sứ Léveque bác sĩ Dumas đã tranh thủ được sự ủng hộ của Lévecque, một dự án được thông qua xây dựng lại trên nền cũ BVTWH một bệnh viện mới. Đó là dự án 1906 mà tôi đã nêu nhiều lần ở phần trên. Dự án này được khởi công từ đầu năm 1907
Từ đây, không thấy có ý kiến nào muốn dời BVTWH đi một nơi khác nữa
Về sau, BVTWH đã được chỉnh trang lại nhiều lần. Lần thứ nhất vào những năm cuối của những năm hai mươi (theo sơ đồ của Gaide) và lần chỉnh trang mới nhất vào những năm đầu của những năm bảy mươi.
Hiện nay (1990), BVTWH là một trong những bệnh viện lớn nhất ở miền Trung. Đối với lịch sử y học Việt Nam, BVTWH là một cơ sở chữa bệnh theo y học phương Tây đầu tiên do nhà nước VN thành lập. BVTWH sắp tròn 100 tuổi, đó không chỉ là một tin mừng cho ngành y tế của Thừa Thiên Huế, mà đó còn là tin mừng của miền Trung và của ngành y tế toàn quốc
Huế, tháng 8-1990
Nguyễn Đắc Xuân
Vài kiến trúc thuộc Bệnh viện Trung ương Huế xây dựng trước năm 1936. (Ảnh tư liệu nước ngoài do NĐX sưu tập)
Viện Bài lao mang tên Toàn quyền Pièrre Pasquier – Tòa nhà phía đông
Viện Bài lao mang tên Toàn quyền Pièrre Pasquier – Tòa nhà phía tây
Mặt bắc Nhà hộ sinh (Khoa sản)