ĐỂ CHO CON ĐƯỜNG LÊ LỢI ĐƯỢC ĐẸP NHẤT

     Cho tôi được tự hào một cách rất cục bộ khi bảo rằng đường Lê Lợi của Huế là một trong những con đường đẹp nhất VN. Chúng nằm cạnh bên dòng sông Hương huyền thoại với dải công viên được chăm chút hoa cỏ kéo dài hàng mấy cây số. Những con đường dạo bộ mới thiết lập gần đây như những nét son làm tăng thêm sự thơ mộng và duyên dáng cho đôi bờ. Huế đã có những thay đổi đáng mừng trong những năm trở lại đây.

     Tất nhiên vì quá yêu nó nên cũng trở thành kẻ khó tính và cầu toàn trong một số cảm nhận về con đường mà tôi thường qua lại hàng ngày.

  1. Con đường Lê Lợi được mở ra và khóa lại bởi 2 công trình lạc lõng và không tương thích. Thứ nhất đó là nhà hát sông Hương ở khu nhạc viện Huế .Tôi không quá khắt khe khi bảo rằng nhà hát sông Hương là một kiến trúc xấu, trái lại chúng khá hiện đại và quy mô, nhưng đây là một kiến trúc hoàn toàn không phù hợp với một vị trí "kim cương" (nơi gặp nhau của Hương giang và sông An Cựu) trong tổng thể kiến trúc tân cổ điển thời thuộc địa thuộc hàng sang trọng và lịch lãm của trường Pellerin (La San- Huế). Nhìn nhà hát Sông Hương tôi cứ bị ám ảnh bởi một công trình hiện đại đang xây cất dở dang, trọng tâm kiến trúc có chút gì đó chông chênh và gần gũi với motype nhà thi đấu thể thao, nên chúng tôi thường nói đùa với nhau là nhà "thi đấu nghệ thuật". Thật ra, đây không phải là một công trình kém thẩm mỹ hay vụng về mà chính là chúng đang tạo nên một thứ ngôn ngữ kiến trúc đối chọi với cảnh quan và tổng thể những công trình khác đang phối hợp. Từ đó làm xô lệch cũng như làm tuột mỹ cảm dành cho một vị trí tuyệt đẹp của Huế. Tôi thấy đau mắt và lầm bầm một mình như kẻ điên khi mỗi ngày phải đi qua để ngắm nhìn chúng.
Nhà hát sông Hương

Nhà hát sông Hương

  1. Thứ hai là công trình khóa lại đường Lê Lợi ở mũi Đập Đá đang bị đình chỉ lại cũng là một cái mụt nhọt nhức nhối khó điều trị. Phải làm gì bây giờ khi nó đã định hình một cách dị hợm trên ngã ba Hương Giang với sông Như Ý, cũng là một vị trí "kim cương" thứ 2 của Huế.
Công trình khóa lại đường Lê Lợi ở mũi Đập Đá

Công trình khóa lại đường Lê Lợi ở mũi Đập Đá

  1. Hệ cây hoa dọc đường đi Lê Lợi rất công phu, thể hiện một sự nổ lực là thay đổi diện mạo cảnh quan Huế, nhưng chúng ta có cần cân nhắc lại không ? Chúng đang ngày trở thành một dạng lùm bụi trên con đường thênh thang xanh mướt với nước xanh, cỏ xanh, và cây xanh. Hoa trồng là dâm bụt, tử vi, và lài..., phù hợp với việc bố trí thảm hoa trong công viên hơn là trên đường đi, chúng làm chật chội lối đi bộ và che chắn tầm nhìn tổng thể không ít, và rõ ràng nhìn chúng rối rắm hơn một không gian thoáng rộng và thanh bình.

      Bù lu bù loa thì cũng phải đề xuất giải pháp không thì bị ném đá vì bày ra chuyện chi cũng ý kiến này nọ mà chẳng có hướng xây dựng. Tôi xin mạo muội góp chút thiển ý để giải quyết những điều mà tôi đã nhận xét ở trên.

     Chuyện nhà hát Sông Hương nên trồng thêm cây xanh bao quanh để bóng dáng của chúng chỉ còn thấp thoáng trong tổng thể cảnh quan vốn đã được định hình một cách hoàn chỉnh và sang trọng vì đây là một công trình đã hoàn tất rồi.

      Điểm xây dựng dở dang ở Đập Đá cần thiết điều chỉnh hơn là triệt giải (tất nhiên đây là công việc của các KTS tài hoa). Làm thế nào để chúng trở thành một tháp vọng cảnh theo một kiến trúc hợp lý, có kính viễn vọng để nhìn Huế từ một dải đất hẹp miền Trung có thể thưởng lãm được từ kinh thành, hệ di tích lịch sử, núi rừng Trường Sơn, gò đồi, đầm phá đến đại dương...Tất nhiên, chúng sẽ được kết hợp với nhiều loại hình kinh doanh, dịch vụ phù hợp.

      Những lùm bụi dọc đường Lê Lợi sẽ được thay bằng những phù điêu chạm lọng lót nền bằng đá, có được từ các trại sáng tác trong và ngoài nước khi điều kiện cho phép. Ngoài ra có thể là những tác phẩm của những sv trường mỹ thuật lưu niệm khi ra trường, thậm chí là những đồ án tốt nghiệp của các sinh viên điêu khắc đồ họa. Thực hiện theo kiểu những tác phẩm của họa sĩ Lê Bá Đảng trên đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu. Những thành phố rất được khách nước ngoài chú ý và thích thú. Các phù điêu chạm lọng ấy sẽ làm thoáng đất không gây ảnh hưởng cho các cây cổ thụ mà mọi người đang lo bê tông hóa sẽ làm chúng "chết ngạt".

      Huế có 2 cơ sở đào tạo nghệ thuật tầm ĐH và trên ĐH duy nhất ở miền Trung nhưng lại có 2 công trình "bất bất hủ" Đó là cổng trường ĐH Nghệ Thuật và nhà hát Sông Hương.

Cổng Trường Đại học Nghệ thuật Huế

Cổng Trường Đại học Nghệ thuật Huế

        Dù sao đây cũng chỉ là ý kiến cá nhân và chủ quan. Điều mong mỏi của tôi là tạo những gợi ý để người quan tâm hiến kế. Mong mọi người không bực bội.

                         Nguyễn Hữu Thông

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang