Phát biểu tại lễ vinh danh và gắn bia Cây di sản cho cây Thị ở nhà thờ họ Thân Văn làng Dương Xuân Hạ, TP Huế, ông Thân Trọng Ninh cho biết: Họ Thân sẽ làm hồ sơ đề nghị Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) công nhận một số cây cổ thụ tọa lạc trong khuôn viên các từ đường và lăng mộ của Ngài tiền bối. Đó là cây Măng Cụt trên 100 tuổi ở từ đường họ Thân Trọng làng Nguyệt Biều. Cây Thị trên 100 tuổi và cây Sanh trên 300 tuổi ở từ đường họ Thân làng Cư Chánh. Hai cây Bộp ở ngôi mộ Ngài Thủy tổ họ Thân làng An Lỗ, huyện Phong Điền.
Tuy mới khoảng 60 năm tuổi nhưng hai cây Bộp đạt tiêu chuẩn về thẩm mỹ và có giá trị văn hóa tâm linh, cảnh quan, môi trường. Hai cây này mọc tự nhiên, cao và thắng tắp, đứng song song ngay trước mộ Ngài Thân Đại Lang. Con cháu họ Thân cho đó là một sự hiển linh và gọi là cây “trời trồng”, một cây trống và một cây mái.
Ngoài ra, với tư cách là Ủy viên BCH Hội Thực vật học Việt Nam, ông Thân Trọng Ninh hứa sẽ làm hồ sơ đề nghị công nhận hai cây Bao Báp, được trồng dưới thời Pháp thuộc mà ông phát hiện từ năm 1975 và có công bảo vệ, giới thiệu trên báo chí để nhiều người biết.
Cây Bao Báp ở đường Mai Thúc Loan, gần ngã tư Đinh Tiên Hoàng, đã trở thành thương hiệu của nhà hàng mà nó đứng giữa sân. Bao Báp trước đây chỉ có ở châu Phi và châu Úc, được trồng ở Huế vào những thập kỷ 1940, do kỹ sư lâm nghiệp Nguyễn Hữu Đính đem hạt giống từ Pháp về gieo trồng. Do nhiều người ngộ nhận đây là cây Bao Báp duy nhất ở Đông Dương nên nó đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu và du khách. Trong khi đó, ngay ở Huế còn có những cây Bao Báp khác.
Tuổi thọ Bao Báp đến vài ngàn năm, đường kính cổ thụ vài chục người ôm không xuể, được mệnh danh là “người khổng lồ châu Phi”. Xuất hiện rải rác trên đường phố, làng mạc; trên các savan Bao Báp có nhiều quần thể. Bao Báp gắn với nhiều cổ tích và cuộc sống của các thế hệ người Phi. Toàn thân Bao Báp mang lại nhiều lợi ích cho con người nên ở một số vùng người ta gọi nó là cây bánh mỳ. Không ai nỡ chặt cây Bao Báp, người ta coi nó là tài sản quốc gia.
Bao Báp châu Phi mọc tự nhiên từ hạt. Mùa khô, cây con là thức ăn của động vật, kể cả bộ rễ. Cây nào sống được qua mùa khô lại tiếp tục phát triển. Hoa Bao Báp cuống dài 20 – 30 cm, cánh hoa màu trắng, nghiền thành bột chế biến thêm thành nước uống rất bổ. Quả nhiều hạt, bên trong chứa một loại bột có vị hơi chua, được dùng để nấu món ka lặc, vị ngọt như sữa chua, rất bổ. Quả Bao Báp còn được người dân châu Phi dùng chữa bệnh đường máu và đường ruột. Vỏ cây dày và dai, dùng bện dây thừng. Lá nghiền ra được một thứ bột mịn dùng để nấu món cous-cous, món ăn truyền thống của người Phi. Mùa khô từng đàn bò tụ tập dưới gốc Bao Báp. Người chăn bò leo lên cây chặt lá xuống cho chúng ăn. Nhiều cây chỉ còn trơ thân cành, cũng là lúc cỏ cây xung quanh nó đã khô héo. Bao Báp lúc này như người khổng lồ giang tay đứng giữa savan mênh mông dưới trời nắng như đổ lửa.
Năm 2002, lại có người cho ông Ninh biết ở đường Trần Phú có cây Bao Báp tuổi đời còn lớn hơn cây Bao Báp đường Mai Thúc Loan. Cả hai cổ thụ này đều ở trong khuôn viên nghĩa địa của giáo xứ Phủ Cam - hiện chỉ còn một cây ở trong khuôn viên trường Mầm non phường Phước Vĩnh. Những người cao tuổi quanh đó cho biết, cây này gần 100 tuổi, người trồng là một vị linh mục người Pháp. Ở châu Phi, Bao Báp là loài cây rất linh thiêng. Họ quan niệm đó là nơi trú ngụ của những linh hồn lang thang, phiêu bạt. Khi chết, Bao Báp mục ruỗng từ bên trong tạo thành những vòm hang là chỗ trú mưa, tránh nắng lý tưởng của người và muông thú. Các bộ lạc người Phi cũng thường chọn những Bao Báp cổ thụ làm nơi cư ngụ. Vì thế ông Ninh lập luận rằng hai cây Bao Báp này có thể là do chính người châu Phi mang qua Việt Nam trồng theo quan niệm tín ngưỡng. Vì khu nghĩa địa ngày trước có chôn cất nhiều lính lê dương.
Khi trên một số tờ báo đưa tin về cây Bao Báp thứ hai ở Huế được ít lâu thì ông Phan Đình Ngôn, Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh, cho tôi biết có cây Bao Báp thứ ba ở gần cống Lương Y, đường Xuân 68, phường Thuận Lộc. Cây này do ông Lê Văn Lân, giáo viên trường THPT Nguyễn Huệ, trồng trước cửa nhà mình vào năm 1980, hạt giống lấy từ cây Bao Báp đường Mai Thúc Loan. Trận bão số 8 năm 1985 cây bị gãy. Người ta cưa sát gốc để giải phóng mặt bằng. Ít lâu sau, từ gốc cây, đã đổ nghiêng khoảng 30 độ, nẩy ra một nhánh và phát triển rất nhanh.
Năm 1978, ông Ninh lấy hạt cây Bao Báp ở đường Mai Thúc Loan phân tích và ươm cấy thử nghiệm. Và hạt đã nảy mầm. Ban đầu xuất hiện lá đơn, về sau có lá kép. Thấy Bao Báp không khó trồng như nhiều người nghĩ, ông Ninh đã gửi cây con tặng một số đồng nghiệp ngành thực vật học ở một số tỉnh, thành vốn là bạn tâm giao. Một số chuyên gia thực vật học từ châu Âu đến Huế công tác cũng được ông tặng mẫu hoa và quả Bao Báp làm kỷ niệm. Trung tâm Công viên cây xanh thành phố Huế cũng đã nhân giống Bao Báp thành công và cung cấp cây con cho khá nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước khi có nhu cầu.
Rồi không chỉ ở Huế. Ở phường Đông Hồ, thị xã Hà Tiên, cũng có một cây Bao Báp cao hơn 20 mét, đường kính rộng trên 3 mét. Theo nhà báo Hồng Lĩnh, phóng viên thường trú báo Tiền phong tại Kiên Giang, các cụ già ở đây cho biết cây Bao Báp này có tuổi thọ khoảng 100 năm. Tại TPHCM cũng có ba cây Bao Báp ở Thảo Cầm Viên và một cây ở trường Đại học Sư phạm. Người trồng cây Bao Báp ở trường ĐHSP là nhà giáo Nguyễn Quý Tuấn. Trong thời gian giảng dạy ở khoa Sinh vật ông Tuấn có 5 năm làm chuyên gia giáo dục - giảng dạy đại học ở Angola. Năm 1993, khi về nước ông mang theo hạt Bao Báp vì thấy đó là loại cây nổi tiếng bởi hình ảnh rất mạnh mẽ, đồng thời rất gần gũi, thân thương đối với người dân châu Phi.
Cây xanh gắn với cuộc sống con người. Ở các đình làng, chùa, miếu, từ đường của người Việt đều có cây xanh che mát. Dưới bóng cổ thụ râm mát thường ẩn chứa những câu chuyện lấp lánh ánh nhân văn. Nhiều cây cổ thụ gắn liền với những sự kiện lịch sử đã diễn ra trên một vùng đất. Cây đa Tân Trào được công nhận là di tích lịch sử quốc gia, một chứng nhân của cách mạng Việt Nam. Cây Bồ Đề nơi Đức Phật ngồi thiền định và thành đạo đã được nhân giống khắp nơi trên thế giới. Trong đó ở Huế ít nhất có ba cây. Một cây ở phía sau mái tam quan chùa Từ Đàm và hai cây ở Cung An Định, là do bà Karpeies, người Pháp, thỉnh từ Ấn Độ qua tặng, được trồng vào giữa thập niên 1930.
Ông Thân Trọng Ninh kể, khi tìm được cây Bao Báp thì biết nó nằm trong khuôn viên một cơ quan trực thuộc Ty Lâm nghiệp. Có người nói với ông rằng sẽ chặt bỏ cây này vì nó chiếm nhiều diện tích. Ông Ninh tìm gặp ông Bùi San, Bí thư Tỉnh uỷ, diễn giải giá trị của Bao Báp và thuyết phục, nhờ can thiệp để bảo vệ loài cây quý hiếm này. Thỉnh thoảng ông lại dẫn bạn bè qua thăm cây Bao Báp và giảng giải cho những người xung quanh cùng biết giá trị của nó. Ông cảm thấy cây cũng có linh hồn và gắn bó với nó đến kỳ lạ. Năm 2003, ông nhận được thư của kỹ sư dầu khí Vũ Tất Thắng ở Hà Nội nhờ bảo vệ cây Bao Báp trước nhà. Cây này lúc đó mới khoảng 10 năm tuổi, được ông Thắng gieo trồng sau chuyến công tác ở Angola trở về. Do phải giải phóng mặt bằng, cây Bao Báp đứng trước nguy cơ bị chặt hạ. Ông Ninh ra Hà Nội vừa viết bài can thiệp trên báo vừa thuyết phục ông Giám đốc Công ty Cây xanh bảo vệ loài cây quý hiếm này. Nhờ vậy sau đó cây được chuyển về trồng ở vườn Bách Thảo.
Cây xanh đô thị là tài sản quý hiếm, không chỉ làm đẹp cảnh quan thiên nhiên, môi trường mà còn là nét đẹp văn hóa. Huế từng có một rừng thông giàu ý nghĩa nhân văn và linh thiêng trong đời sống tinh thần của người dân, là niềm tự hào của nhiều gia đình, dòng họ. Đó là rừng thông ở đàn Nam Giao, được trồng theo ý chỉ của vua Minh Mạng và trở thành một tập quán tốt đẹp. Ngoài những cây do nhà vua đích thân trồng, các vị Hoàng thân, các quan văn võ trong triều, quan Phủ doãn Thừa Thiên đều trồng mỗi người một cây. Mỗi cây được buộc một cái thẻ bằng đồng, hoặc bằng đá, khắc tên và chức vụ của người trồng, thời điểm trồng. Kể cả cây do nhà vua đích thân trồng cũng được đeo thẻ. Nếu không may cây bị chết thì phải trồng lại cây khác thay thế.
Nếu không có văn hoá hàn lâm và tâm hồn thi sĩ của các vị vua tiền triều thì trong Đại Nội Huế và trong lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức không có những cây Ngô Đồng như ta vẫn thấy. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, giống Ngô Đồng được vua Minh Mạng cho đưa về từ Quảng Đông, trồng ở hai bên góc điện Cần Chánh. Vua còn cho người đem lá lên các vùng núi để tìm về trồng ở các góc điện… Các vua nhà Nguyễn đem Ngô Đồng từ Trung Quốc về Huế là đem huyền sử và thi ca về làm giàu, làm phong phú thêm cho văn hoá Huế. Thơ đề trên bi đình lăng vua Thiệu Trị có tiếng lá Ngô Đồng rụng: Ly biên tam kính cúc/Dạ bán nhất thanh ngô.
Cần nói thêm, rất nhiều người nhầm lẫn cây Ngô Đồng với cây Vông Đồng mọc khắp trong dân gian. Ngô Đồng thân nhỏ nhưng khá cao, lá to, hoa màu tím như hoa cà. Nhiều người chỉ biết Ngô Đồng trong thi ca mà chưa biết đến nó trong đời thường. Ở Huế ngày xưa Ngô Đồng chỉ trồng ở trong cung đình, vương phủ, vì hoa Ngô Đồng quá đẹp và quá thanh cao, gắn với nhiều điển tích, thi ca. Vua Minh Mạng “sai biền binh đem lá lên các núi để tìm khắp" chứng tỏ giống Ngô Đồng không quá hiếm. Nhưng dân gian không trồng Ngô Đồng vì nó không thuộc loại cây cho gỗ quý, không có giá trị kinh tế.
Rồi không biết từ bao giờ từ trong cung Ngô Đồng đã ra ngoài phố, xuất hiện ở công viên Thương Bạc, công viên Tứ Tượng, ở Phu Văn Lâu... Cũng chẳng biết tự bao giờ, vì phải thích nghi với thổ nhưỡng, khí hậu, cây Ngô Đồng từ Trung Quốc về Huế đã thay đổi qui luật tự nhiên: cuối đông rụng lá, giữa xuân nở hoa rực rỡ. Không như ở bên Tàu: Ngô Đồng nhất diệp lạc/Thiên hạ cộng tri thu.
Để giữ màu thời gian, để màu tím đài các của hoa Ngô Đồng phủ lên những công viên, góc phố, nhiều năm nay Trung tâm Công viên cây xanh Huế đã lặng lẽ nhân giống và tìm kiếm những không gian mới cho Ngô Đồng sinh trưởng, toả hương sắc mỗi dịp xuân về.
Các cụ ta nói: sách xưa dễ đọc, rượu cũ dễ uống… con người thì quý nhất là bạn già. Cũng như người cao niên, cổ thụ có thể kể cho ta nghe những điều lý thú, bổ ích. Cổ thụ trường tồn với thời gian vì nó đã thực sự thân thiện, hữu ích với con người. Cổ thụ cần được quý trọng, gìn giữ, nhân bản vì nó là một di sản của thành phố. Nhiều đường phố ở Huế sẽ đẹp hơn, quyến rũ hơn với sự tồn tại, hoặc xuất hiện trở lại của những loài cây đã đi vào thơ, nhạc: Đường Phượng Bay mù không lối vào… Văn Thánh trồng Thông, Võ Thánh trồng Bàng/Ngó lên Xã Tắc hai hàng Mù U…
TH.T
Cây di sản được VACNE xác định là cây gỗ hoặc cây thân gỗ, có một trong những giá trị đặc biệt về thẩm mỹ, cảnh quan, môi trường, văn hoá, lịch sử, khoa học… Theo đó, nếu là cây tự nhiên phải có tuổi thọ 200 năm trở lên; cao trên 40m, chu vi trên 6m đối với cây gỗ đơn thân; cao trên 25m, chu vi trên 15m đối với các cây đa, cây si; có hình dáng đặc sắc; đặc biệt ưu tiên các loài đặc hữu, quý hiếm, có giá trị văn hoá, lịch sử. Nếu là cây trồng phải trên 100 năm tuổi; cao trên 30m, chu vi trên 3,5m đối với cây gỗ đơn thân; cao trên 20m, chu vi trên 10m, đối với cây đa, si ; đặc biệt ưu tiên các loài có giá trị cảnh quan, văn hóa, lịch sử (chu vi cây đơn thân đo cách mặt đất 1,3m, chu vi cây có bạnh vè đo trênbạnh vè 20cm, chu vi các loài đa, si đo cả chu vi các rễ phụ). Các loại cây khác không đạt các tiêu chí kể trên nhưng có giá trị đặc biệt về khoa học, hoặc lịch sử, hoặc văn hoá, mỹ quan. Các loại cây cảnh độc đáo cũng được vinh danh cây di sản.
Trong dịp đại lễ ngàn năm Thăng Long – Hà Nội, ngày 5-10-2010, lần đầu tiên VACNE tổ chức lễ công nhận Cây di sản Việt Nam cho 9 cây muỗm 700 tuổi ở Đền Voi Phục. Cây di sản đầu tiên ở Huế được vinh danh là cây thị ở trước sân nhà thờ phái Thân Văn làng Dương Xuân Hạ, phường Thủy Xuân - là cây cổ thụ thứ 10 ở Việt Nam được VACNE gắn bia cây di sản. Cây thị có xuất xứ từ làng Nguyệt Biều, phường Thủy Biều, TP Huế. Ngài Thân Văn Thẩm (1671-1758), Thủy Tổ phái Thân Văn làng Dương Xuân Hạ đem về trồng vào năm 1698 để làm mốc địa giới cho hậu duệ; đồng thời đánh dấu mốc thời gian phái họ Thân của ngài định cư và phát triển từ đây. Ngày 5-11-2010, VACNE đã tổ chức lễ vinh danh và gắn bia Cây di sản cho cây thị. Bia làm bằng đá kim sa đen, khắc chữ chìm in nhũ vàng.