Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi và phát động tết trồng cây hàng năm trên toàn quốc. Chuyện phát động trồng cây bây giờ nghe không mới, nhưng cần có những ý tưởng mới, cách làm hay, sẽ thành công và tạo ra hiệu ứng tốt - như việc ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đang kêu gọi trồng mai vàng ở Huế là một ví dụ.
Thế nhưng nhà nào cũng trồng mai, cơ quan nào cũng trồng mai e rằng sẽ làm cho Huế đơn điệu về cây xanh. Chưa kể mỗi năm mai chỉ nở hoa một lần vào dịp Tết nguyên đán, trong thời gian khoảng 20 ngày, 345 ngày còn lại chỉ có lá và lá.
Vả lại nhà hộp thì làm sao mà trồng mai? Mai chỉ thích hợp với nhà vườn, biệt thự có không gian rộng rãi.
Tại các khu di tích lịch sử, văn hóa, dù không gian rộng rãi nhưng cũng không nên trồng quá nhiều mai, mà cần có sự nghiên cứu thấu đáo để trồng, để phục hồi những loại cây quý đã từng hiện hữu. Năm ngoái (2020) tôi thấy đa số nhà người Huế không đồng tình với việc trồng toàn tre ở hồ Tĩnh Tâm. Đây là vườn Ngự chắc chắn người xưa không trồng tre.
Huế có “đường phượng bay” chạy dọc theo hoàng thành, theo tôi nên có thêm những con đường phượng tím, đường lộc vừng chạy quanh hoàng thành, có đường liễu rủ chạy dọc hộ thành hào. Bên trong Đại Nội, ở các khu vườn Ngự, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nên chăng quy hoạch một vài khu vực cho du khách, cho các nhà sinh vật cảnh trồng những loại cây phù hợp với kiến trúc đình, tạ, lầu, gác như ngô đồng, liễu rủ, hải đường, mẫu đơn... theo sự tư vấn của các nhà "lâm học về cung đình" - Tôi nghĩ Trung tâm BTDTCĐ Huế cần có một nhà lâm học về cung đình.
Ở xung quanh các khu di tích, quảng trường, công viên nên có thêm những khu vực dành cho các đoàn khách quốc tế, kể cả các đoàn ngoại giao, trồng cây đặc trưng của mỗi quốc gia. Cũng nên suy nghĩ đến việc chọn những đoạn đường dành cho khách Hàn Quốc trồng cây ngân hạnh, khách Trung Quốc trồng cây phong, tạo ra những con đường rực rỡ sắc vàng, sắc đỏ khi mùa thu về. Tôi thường mơ về một "rừng phong thu đã nhuốm màu quan san" dọc đường lên lăng các vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Khải Định. v.v...
Tôi còn nhớ trong buổi ra mắt đặc san NGHIÊN CỨU HUẾ số 8, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm chia sẻ: Cao Bá Quát viết rất nhiều về hoa mai, và liễu cũng xuất hiện với tần suất lớn trong thơ của ông. Cao Bá Quát đã từng thấy liễu ở nhiều nơi trong kinh thành, như ngự liễu kiều ở Ngọ Môn (Ngũ Phụng lâu tiền ngự liễu kiều), liễu rủ ở đầu cầu Gia Hội, ở bến sông phố cổ Bao Vinh (Gia Hội kiều đầu liễu dục miên/ Bao Vinh ngoại đội thuỷ như yên), ở Bắc Trường đình, ở cầu Đốc Sơ phía ngoài cửa An Hoà (Đốc Sơ kiều bắc tống tương quy/ Giang liễu hàng biên yến yến phi… Bắc Trường đình ngoại liễu sơ điều/ Phi quá Hương Giang đệ kỷ kiều.)
Cổ thi Trung Quốc miêu tả cảnh tiễn biệt người thân đi xa có tập tục bẻ liễu tặng nhau. Khi tả cảnh Kim Trọng và Thuý Kiều chia ly cụ Nguyễn Du có buông một câu: Khi về hỏi liễu chương đài/ Cành dương đã bẻ cho người chuyên tay. Kinh thành Huế ngày xưa có Bắc Trường Đình ở ngoài cửa An Hoà và Nam Trường Đình ở bên kia cầu An Cựu. Đây là những trạm dừng chân trước khi vào và ra khỏi kinh thành. Là nước có nền văn hoá Hán hoá, chắc chắn ở đó được trồng nhiều liễu như người đời sau thấy được qua thơ Cao Bá Quát.
Cây ngân hạnh ở Sapa
Huế là kinh đô, nhân tài khắp đất nước hội tụ về. Có lẽ đó là lý do thuở ấy Huế được trồng nhiều liễu ở khắp kinh thành. Liễu nhắc nhở người đi xa nhớ về cố nhân, quê hương bản quán. Ngày nay liễu không còn trên đường phố Huế, chỉ có một ít trong các công viên, vườn chùa, nhà vườn, biệt thự cổ. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đề nghị nên phục hồi lại những hàng cây trong dáng hình lịch sử của kinh đô xưa.