Đánh thức Bạch Mã

Lâu nay đã có rất nhiều ý kiến của các chuyên gia về quy hoạch, thực vật, du lịch, bảo tồn thiên nhiên, và các nhà nghiên cứu văn hóa tranh luận về Bạch Mã. Ngày càng có nhiều ý kiến nghiêng về đánh thức Bạch Mã thay cho trường phái để yên Bạch Mã, khiến cho Bạch Mã mãi mãi là nàng công chúa ngủ trong rừng.
Tôi nghiêng về ý kiến đánh thức Bạch Mã. Phải làm gì đó để Bạch Mã đẻ trứng vàng. Không làm giàu cho Huế thì chí ít thì cũng tự trang trải được kinh phí bảo tồn Bạch Mã, nuôi được bộ máy quản lý Vườn Quốc gia. Nhưng Bạch Mã phải có lối đi khác với Bà Nà ở bên cạnh. Vả lại muốn như Bà Nà e không làm nổi, và đã chậm mất rồi, chỉ suốt đời lẽo đẽo đi sau như một cái bóng.

Trên đỉnh thác Đỗ Quyên


Tôi thấy cần sớm chấm dứt chuyện tranh cãi. Hoặc cứ tiếp tục dân chủ tranh luận nhưng hãy bắt tay làm ngay những việc cần làm, những việc mà người xưa đã làm có hiệu quả.
1.Cần nhanh chóng phục hồi lại từng phần khu nghỉ dưỡng Bạch Mã như đầu thế kỷ 20. Bạch Mã nổi tiếng từ năm 1932, khi người Pháp cho xây dựng nơi đây khu nghỉ mát lừng danh với 139 ngôi biệt thự, khách sạn, nhà bưu điện, mỗi biệt thự mỗi kiểu dáng khác nhau, hệ thống đường đi bộ chằng chịt nối các biệt thự rải khắp các sườn đồi, ẩn mình trong tĩnh mịch của rừng đại ngàn, các tuyến đường mòn đến các thắng cảnh.

Vũng Chân Mây nhìn từ Bạch Mã


2.Trước năm 1945 Bạch Mã là trại trường của Liên Hội hướng đạo Đông Dương. Các hướng đạo sinh đều phải chinh phục đỉnh núi này để lấy bằng Rừng, chương hiệu cao nhất của một Hướng đạo sinh quốc tế. Sau năm 1975 có Dũng Nghĩa Đường là lò võ Karate đã và đang kiên trì tổ chức cho môn đệ của mình leo núi Bạch Mã nhằm kiểm nghiệm lại ý chí và lòng can đảm của mỗi võ sinh trước khi ra trường. Những bài quyền cuối cùng của họ được tổ chức sát hạch ngay trên Đài Vọng Hải.

Bạch Mã


3.Có thể mở trại sáng tác điêu khắc Quốc tế tại đây như đã từng mở trong các kỳ Fetival Huế ?
4.Dựng tượng kỹ sư Girard, người đã cất công thăm dò và quyết định chọn Bạch Mã làm khu nghỉ dưỡng - vì thấy Đà Lạt quá xa Huế, muốn lên Bà Nà, được xây dựng trước đó ít năm, thì cũng phải vượt đèo Hải Vân hiểm trở, không thuận lợi cho những người ở Huế đi nghỉ mát vào mùa hè.
5.Cần xây dựng đủ các dịch vụ tổi thiểu của một khu du lịch nghỉ dưỡng để giữ khách lưu lại Bạch Mã dài ngày.
Bạch Mã là một ưu ái của thiên nhiên ban tặng cho Huế. Thảm thực vật, khí hậu lí tưởng, nét hoang dã nguyên sơ của Bạch Mã làm đa dạng, phong phú thêm sản phẩm du lịch Huế. Không thể không có những tác động tích cực để đánh thức Bạch Mã.

Thanh Tùng

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang