Biết ăn, uống một cách hợp lý, khoa học cũng là một phương thức trị liệu. Điều này thấy rất rõ trong Y học cổ truyền. Mỗi bài thuốc khi sử dụng phải kết hợp ăn món gì, uống nước gì thì hiệu quả mới cao hơn. Đồng thời cũng phải biết kiêng những món tương khắc, gây phương hại, thậm chí nguy hiểm. Các vị lương y có lưu truyền bài thơ Ngũ cấm:
Ngũ cấm Đông y cũng luận bày
Bệnh nhân nhớ kỹ kẻo không hay
Khi đau trong thịt nên kiêng ngọt
Lúc bệnh ngoài da phải cử cay
Bệnh máu chớ ăn đồ mặn mãi
Bệnh gân đừng uống chất chua hoài
Bệnh nôn cấm đắng khi đau nhức
Uống thuốc tự nhiên mới thấy hay
Trong mỗi bữa Ngự thiện, các món ăn được tổ chức thành một phương thang với sự tư vấn và giám sát của các vị Ngự y. Bữa cơm thường ngày trong dân dã cũng có giá trị liệu pháp nếu biết cách lựa chọn thực phẩm, cách chế biến, cách ăn. Xin lấy mâm cỗ ngày Tết Đoan Ngọ (mồng năm tháng năm âm lịch) làm ví dụ.
Hầu như gia đình nào ở Việt Nam, trong đó có Huế, cũng ăn Tết Đoan Ngọ. Thành phần chính của mâm cỗ ngày này không thể thiếu thịt vịt (luộc), chè kê, bánh tro ú. Trái cây chủ yếu là mít đầu mùa, ngon và rẻ.
Tiết Đoan Ngọ hoả khí (dương) của trời đất và trong cơ thể con người tăng cao, có thể lên đến tột đỉnh. Trong khi đó thịt vịt tính mát (âm); lại có giá trị dinh dưỡng rất cao, trong 100g có khoảng 25g chất protein, vượt xa so với thịt bò, heo, dê, cá, trứng. Mùa hè rất nên ăn thịt vịt để có tác dụng thanh nhiệt, dưỡng âm và có tác dụng chữa được nhiều bệnh. Các tài liệu YHCT dân tộc đều khẳng định thịt vịt có tác dụng điều hoà ngũ tạng, lợi thuỷ, trừ nhiệt, bổ hư. Theo Tuệ Tĩnh, trong Nam dược thần hiệu, thịt vịt bổ hư, ích tạng, trị kinh phong trẻ con, giải độc, trị lở sưng và lỵ nhiệt. Hải Thượng Lãn Ông cho rằng, con vịt có sắc vàng trắng thì bổ trung ích khí rất tốt, vịt non mà sắc đen thì độc; vịt trống đầu xanh mạnh về lợi tiểu tiện; vịt trắng xương đen trị hư lao nhiệt độc. Để làm thuốc dùng thịt vịt mái già thì tốt hơn.
Lựa chọn vịt do tính mát, nhưng thịt vịt phải ăn với nước mắm gừng, tỏi, ớt để chống lại cái lạnh ở bên trong cơ thể.
Chè kê cũng như vậy. Kê có vị ngọt, tính bình, bổ dưỡng, giúp mạnh tỳ vị, bổ mắt (vì chứa nhiều Vitamin A), bồi bổ tỳ vị hư hàn do dùng nhiều món ăn thức uống mát lạnh trong những ngày nóng nực.
Chè kê là món ngon phổ biến ở thôn quê. Hạt kê đãi sạch, ngâm mềm, đun sôi nước rồi cho kê vào, khuấy đều tay, cho thêm đậu xanh (đã đãi vỏ). Kê vừa chín thì cho đường, hoặc mật mía và một ít gừng giã nhỏ. Khi nồi chè đặc sánh, dậy hương thơm thì múc ra chén, dùng bánh tráng xúc ăn thì càng ngon.
Bánh tro thành phần chủ lực là gạo nếp, lành tính, không có nhân thịt, mỡ nên dễ tiêu. Do nếp được ngâm nước tro (đốt rơm lấy tro, đem sàng, lấy phần tro mịn hòa với nước cho tan, để lắng, lấy phần nước trong đem ngâm gạo nếp một đêm trước kho gói) nên tăng lượng Kali, giúp lợi tiểu và làm mạnh cơ tim. Tim thuộc hoả nên dễ bị suy yếu do khí hậu nóng nực. Do có tác dụng thanh nhiệt, giải độc vào mùa hè nên có nơi người ta gọi bánh tro là bánh âm -thứ bánh âm tính. Bánh tro tính mát ăn dễ tiêu, thích hợp với người có chứng bệnh nóng sốt âm ỉ, những trường hợp dương thịnh gây âm hư, nhất là trong mùa hè. Dịp Tết Đoan Ngọ do chúng ta ăn, uống nhiều thứ béo, bổ, gây khó tiêu nên cần có bánh tro trong thực đơn. Bánh tro còn có tác dụng thải độc tố cho cơ thể, để phòng ngừa và góp phần chữa một số bệnh như: Tăng huyết áp, thống phong (gút), sỏi thận...
Thực đơn mâm cỗ ngày Tết Đoan Ngọ cho thấy kiểu ăn khoa học từ lâu đời người Việt. Các món ăn được cơ cấu rất hợp lý, dựa theo nguyên tắc cân bằng âm dương, điều hoà hàn nhiệt, để cho dễ tiêu, ăn được nhiều mà không hại cho dạ dày và các bộ phận khác của nội tạng cơ thể, làm cho bữa ăn vừa ngon vừa lành. Phối hợp nhiều vị trong một món ăn, nhiều món trong một bữa ăn có giá trị như một phương thuốc, vừa bổ sung dinh dưỡng, dược tính cho nhau, vừa ức chế lẫn nhau để loại trừ độc tố.
THANH TÙNG