I/ DẪN NHẬP
Nghề làm gốm là một trong những ngành nghề có truyền thống lâu đời bậc nhất tại Việt Nam. Có thể nói, nhắc đến đến lịch sử hình thành và phát triển của ngành nghề gốm sứ cũng như di sản gốm sứ cổ cũng đồng nghĩa đề cập đến một vấn đề liên quan mật thiết đến lịch sử, văn hóa dân tộc. Trong phạm vi tham luận trình bày tại hội thảo lần này, chúng tôi chỉ giới thiệu đến quý vị quan khách, quý học giả tham dự những đề tài Phật giáo thể hiện trên đồ gốm sứ từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVIII, để chúng ta có ý niệm khái quát về di sản đặc biệt này.
II/NỘI DUNG
- GỐM THỜI LÝ (1010 - 1224)
Cuối thế kỷ X, hai triều đại quân chủ chính thống đầu tiên là Đinh và Tiền Lê nối nhau cầm quyền trị nước được 42 năm (968-1009), chưa thực hiện những cải cách xã hội quan trọng. Năm 1010, Lý Công Uẩn được quân dân tôn lên ngai vàng thay thế nhà Tiền Lê. Ông quyết định dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về trung tâm Đại La và đổi tên thành Thăng Long (Hà Nội). Nước Đại Việt bước vào giai đoạn phục hưng toàn diện.
Thời Lý, từ vua quan cho đến dân chúng đều sùng tín đạo Phật, tôn làm quốc giáo. Triều đình đứng ra xây dựng chùa tháp tại kinh đô và khắp các địa phương, quy mô to lớn không thua gì cung điện. Nhằm phục vụ nhu cầu kiến trúc, trang trí, thờ phụng tín ngưỡng, ngành gốm được thúc đẩy phát triển nhanh chóng. Ngày nay chúng ta không còn nhìn thấy hai tòa bảo tháp bằng gốm tráng men lưu ly tại Quốc tự Diên Hựu (chùa Một Cột, Hà Nội) như sử sách ghi lại. Nhưng các tòa tháp thu nhỏ, các phù điêu trang trí, các loại gạch lát nền... bằng đất nung không phủ men, khai quật được dưới các phế tích thời Lý thể hiện các đề tài Phật giáo:
- Hình đức Phật tọa thiền
- Hình rồng ẩn mình trong cánh hoa sen, lá bồ đề hay bay trên mây hoặc đùa giỡn cùng sóng nước.

Ấm có nắp, men trắng ngà, thời Lý, thế kỷ XI - XIII

Đài sen, men trắng xám, thời Lý, thế kỷ XIII - XIV
Theo quan niệm Phật giáo, rồng là một trong 8 bộ chúng thường ủng hộ Tam bảo. Đề tài rồng được dùng trang trí chùa tháp thờ Phật phổ biến từ xưa đến nay.
Ngoài loại gốm đất nung, thời Lý còn sản xuất được loại gốm gia dụng cao cấp phủ men ngọc, men ngà, men xanh lục rất đẹp. Hoa sen là nguồn cảm hứng dạt dào để tạo mẫu. Những loại bát, dĩa có đồ án trang trí hình hoa sen búp, nở được thực hiện bằng cách đúc nổi hoặc khắc chìm trên thai cốt trước khi phủ men độc sắc. Cuối thời Lý phát minh thêm màu nâu đậm đà có thể dùng bút lông tô, vẽ thẳng lên cốt gốm. Nhờ đó nghệ nhân sáng tác các đề tài trang trí phong phú, bay bướm hơn.

Tượng chim thần, đất nung, thời Lý, thế kỷ XI - XIII

Tượng thần điểu Ca-lăng-tần-già (Kalavinka), chùa Ngô Xá (Ý Yên, Nam Định), đất nung, thời Lý, thế kỷ XI - XIII

Bệ tháp diềm cánh sen và hình tượng nhạc công múa dâng hoa cúng Phật, gốm tráng men, chùa Ngô Xá (Ý Yên, Nam Định), thời Lý, thế kỷ XI - XIII

Lá đề trên ngói ống, đất nung, thời Lý, thế kỷ XI - XIII
2. GỐM THỜI TRẦN (1225 - 1400)
Với mưu lược của thái sư Trần Thủ Độ ngai vàng của họ Lý chuyển vào tay họ Trần một cách êm thấm, không gây xáo động lớn trong xã hội.
Đạo Phật vẫn được cả nước tôn sùng, vua quan và dân chúng kiến tạo chùa tháp khắp nơi. Trên cơ sở truyền thống, nghề gốm liên tục phát triển. Các đề tài Phật giáo như hình Phật, rồng, hình tháp, hoa sen, hoa cúc, lá bồ đề... vẫn thể hiện trên các vật phẩm gốm xây dựng, trang trí và thờ cúng, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng. Sản phẩm đồ gốm gia dụng thời Trần không còn kiểu thức thanh nhã như đời Lý mà tạo dáng vững chắc, giản dị. Đồ gốm hoa lam dưới men thời Trần là một thành tựu lớn làm căn bản cho nghề gốm các đời sau kế thừa và phát triển.

Các kiểu đầu ngói ống trang trí rồng, hoa sen thời Lý - Trần.

Lá đề trên ngói bò, đất nung, thời Trần - Hồ, thế kỷ XIV

Tháp đất nung, chùa Côn Sơn (Chí Linh, Hải Dương), thời Trần, thế kỷ XIII - XIV
3. GỐM THỜI LÊ SƠ (1428 - 1526)
Sau khi lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống xâm lược Minh thành công, Lê Lợi khai sáng triều Lê. Nhà Lê dựa vào tư tưởng Tống nho để thiết lập mô hình xã hội quân chủ chuyên chế. Phật giáo không được triều đình chính thức ủng hộ như thời Lý-Trần, việc xây dựng chùa chiền, tu hành theo đạo Phật bị nhà nước hạn chế. Do đó thời Lê sơ, Phật giáo không có dấu ấn quan trọng trên đồ gốm mỹ thuật lẫn gia dụng. Tuy nhiên công nghệ chế tạo đồ gốm hoa lam phát triển rất mạnh mẽ đạt đến đỉnh cao, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
4. GỐM THỜI MẠC (1527 - 1593)
Năm 1527, quyền thần Mạc Đăng Dung bức tử Lê Cung Hoàng, bước lên ngai vàng dựng nên triều Mạc.
Để thu phục quần chúng lao động chống lại thành phần Nho sĩ trung thành với nhà Lê, nhà Mạc đã bãi bỏ chính sách hạn chế Phật giáo. Quý tộc và nhân dân tích cực ủng hộ trùng tu, xây dựng chùa chiền. Nghề gốm gặp cơ hội thuận lợi phát triển nên trở lại tìm nguồn cảm hứng chế tác theo đề tài Phật giáo. Nhiều nghệ nhân gốm còn lưu danh trên sản phẩm của mình, tiêu biểu như Đặng Mậu Nghiệp, tự Huyền Thông, quê ở xã Hùng Thắng, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách (nay thuộc xã Minh Tần, huyện Nam Thanh - Hải Dương). Gia đình họ Đỗ ở xã Bát Tràng, Đỗ Xuân Vi, Đỗ Thị Tuân - Bùi Huệ, Bùi Nghĩa, Bùi Thị Đỗ - Hoàng Phúc, Hoàng Thị Vệ…
Minh văn đắp nổi, khắc chìm trên sản phẩm gốm thời Mạc, ghi lại đủ mọi thành phần xã hội, nam, nữ, Tăng, tục phản ảnh tinh thần bình đẳng trong chốn thiền môn, khác hẳn với chỗ tế tự của Nho giáo luôn luôn chú trọng phân biệt giới tính, địa vị.
5. GỐM THỜI LÊ MẠT (1593-1789)
Nhà Lê được hai họ Nguyễn-Trịnh nỗ lực phù tá, năm 1593 đánh bại nhà Mạc trở về Thăng Long. Sau thời kỳ chiến tranh dữ dội, các trung tâm gốm nổi tiếng ở Chu Đậu, Thanh Lâm gần quê hương của vua Mạc bị tàn phá nặng nề nên tàn lụi dần. Từ thế kỷ XVII đến XVIII, nghề gốm chỉ còn thịnh đạt ở vùng Bát Tràng, Thổ Hà sản xuất loại gốm thờ cúng theo phong cách mới, các đề tài bắt nguồn từ Phật giáo mất dần, thay thế bằng các đề tài của Nho giáo như tứ linh, tam hữu, tam đa, lục bảo… Điển hình như trên một chân đèn gốm thời này ghi: “Ứng Thiên phủ, Sơn Minh huyện, Đông Lỗ xã, Chuyết Lưu Ba Tiêu thôn, Phước Lâm tự. Tiểu tăng Nguyễn Khang Thọ, tự Pháp Cao, thê Phạm Thị Tào hiệu Diệu Bình”.
Nghĩa: “Thầy tu Nguyễn Khang Thọ tự Pháp Cao cùng vợ Phạm Thị Tào hiệu Diệu Bình, cúng vào chùa Phước Lâm ở thôn Chuyết Lưu Ba Tiêu, xã Đông Lỗ, huyện Sơn Minh, phủ Ứng Thiên”.
Tuy do một nhà sư đặt làm cúng vào chùa nhưng nhìn vào hiện vật chúng ta không còn thấy các đề tài trang trí Phật giáo nữa. Kiểu cách cây đèn thờ thể hiện tinh thần khô cứng của Nho giáo ở chốn đình trung.
Cuối thế kỷ XVIII nghề gốm Việt Nam suy thoái dân vì nhiều nguyên nhân nội tại và ngoại lai. Đồ tự khí, trang trí tại chùa chiền dần dần bị thay thế bằng loại đồ sứ Trung Quốc. Đồ gốm gia dụng không có gì đặc sắc, chỉ phục vụ giới bình dân.

Lư hương, gốm tráng men, thời Mạc, thế kỷ XVI - XVIII

Hũ khắc bài kệ tán dương Đặng Huyền Thông, gốm men ngọc, thời Mạc, thế kỷ XVI - XVIII

Chân đèn, gốm tráng men, thời Mạc, thế kỷ XVI - XVIII
6. ĐỒ SỨ HOA LAM KÝ KIỂU THỜI CÁC CHÚA NGUYỄN
Giữa thế kỷ XVI đến gần cuối thế kỷ XVIII, các chúa Nguyễn truyền nối nhau cai trị vùng đất Nam Hà. Dựa theo truyền thống “Cư trần lạc đạo” thời Lý - Trần, chúa Nguyễn đưa ra chủ trương “Cư Nho mộ Thích”, để ổn định tâm lý xã hội đẩy mạnh việc phát triển đất nước vào phương Nam. Đạo Phật được triều đình lẫn quần chúng nhân dân tích cực ủng hộ.
Trong vương phủ, chúa Nguyễn kiến tạo chùa thờ Phật gọi là “Giác Vương nội viện”, thường thỉnh các vị cao Tăng vào thuyết pháp để nội cung tu tập. Các chùa sắc tứ được xây dựng như Thiên Mụ, Thiền Lâm (Huế), Tam Thai (Quảng Nam), Thập Tháp Di Đà (Quy Nhơn), Kim Chương, Từ Ân (Gia Định)... Rất tiếc Nam Hà thời này không có lò gốm chuyên môn có thể chế tác từ khí tốt đẹp như các lò gốm truyền thống ở Bắc Hà (Chu Đậu, Bát Tràng, Thổ Hà). Do đó để phục vụ cho nhu cầu thờ cúng, trang trí cung điện, chùa chiền, chúa Nguyễn đã gởi kiểu mẫu qua đặt làm đồ sứ tại Giang Tây, Trung Quốc. Chúng tôi đã sưu tầm, phát hiện những đồ án trang trí trên đồ sứ liên quan đến Phật giáo như:
- Toàn cảnh chùa Vinh Hòa, Thiền Tịnh Viện (Thừa Thiên) kèm bài thơ Nôm “Tư Dung thắng cảnh” của Lộc Khê hầu Đào Duy Từ.
- Toàn cảnh chùa Thiên Mụ (Huế) kèm bài thơ chữ Hán “Thiên Mụ hiểu chung” của Thiên Túng đạo nhân Nguyễn Phước Chu.
- Toàn cảnh chùa Tam Thai (Non Nước, Quảng Nam) kèm bài thơ chữ Hán “Tam Thai thính triều” của Thiên Túng đạo nhân Nguyễn Phước Chu.

Dĩa vẽ cảnh chùa Thái Bình trên núi Tam Thai (Quảng Nam), sứ men lam, thời chúa Nguyễn, thế kỷ XVI - XVIII.

Dĩa vẽ cảnh cửa biển Tư Dung kèm bài thơ Nôm “Tư Dung thắng cảnh” của Lộc Khê hầu Đào Duy Từ, sứ men lam, thời chúa Nguyễn, thế kỷ XVI - XVIII
III/ MỘT SỐ ĐỀ XUẤT
Qua một số nội dung cơ bản được trình bày trong tham luận, có thể hình dung được phần nào sự phong phú của di sản gốm sứ mang dấu ấn Phật giáo. Mỗi thời kỳ lịch sử lại có những đề tài, kiểu thức, mẫu hoa văn,… khác nhau được thể hiện trên các sản phẩm gốm sứ. Chính điều này sẽ là gợi ý, sự khơi mở cảm hứng cho chúng ta trong việc tìm tòi một hướng đi cụ thể đối với sự phát triển mỹ thuật Phật giáo Việt Nam trong thời đại hiện nay.
Để tạm kết lại tham luận này, chúng tôi mạnh dạn đưa ra một số đề xuất cụ thể để những ai có trăn trở, suy tư với nền văn hóa, mỹ thuật dân tộc nói chung, mỹ thuật Phật giáo nói riêng có thể cùng bàn bạc, thảo luận:
Thứ nhất, cần chú trọng đến việc thực hiện công tác tổ chức sưu tầm, tìm tòi, hệ thống lại những kiểu thức hoa văn, mẫu mã đặc trưng thể hiện trên các di sản văn hóa Việt Nam, đặc biệt là di sản Phật giáo còn tồn tại đến ngày nay như: gốm sứ, gạch ngói, đồ gỗ, công trình kiến trúc, tượng pháp,… Từ đó, tạo cơ sở để các nghệ nhân, thợ thủ công thực hiện các sản phẩm với kiểu thức, hoa văn thể hiện được dấu ấn văn hóa dân tộc, kế thừa di sản của cha ông.
Thứ hai, cần chú trọng đến việc đưa các hoa văn, kiểu cách trang trí, vật dụng nội thất mang đặc trưng riêng của Việt Nam vào các công trình, đặc biệt là các tự viện, cơ sở của Phật giáo. Hiện nay, ở nước ta, có một thực trạng phổ biến đáng phải suy ngẫm đó là việc các công trình kiến trúc tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo “sao y” khuôn mẫu Trung Quốc, Nhật Bản,… xuất hiện khá nhiều; hoặc sử dụng các đồ thờ tự, tượng pháp được chế tác từ các quốc gia này trong không gian thờ tự.
Ngoài sự quan tâm của giới chuyên môn, nghiên cứu, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần có sự quan tâm nhất định, tạo ra những hoạt động nhằm hỗ trợ phát triển các văn hóa phẩm Phật giáo mang đậm hồn cốt dân tộc, định hướng trong việc đưa dấu ấn văn hóa đặc trưng vào các công trình Phật giáo hiện nay. Để làm được những điều nêu trên, chắc chắn cần phải có sự kết hợp chặt chẽ, tham khảo từ giới chuyên môn, đồng thuận giữa Giáo hội với chư tôn đức đảm nhiệm vai trò viện chủ, trụ trì các tự viện, tịnh xá, tịnh thất. Có như vậy, chúng ta mới có thể tạo nên một nền văn hóa Phật giáo phát triển nhưng vẫn mang hồn cốt riêng của Việt Nam.
Cư sĩ T.Đ.S