Vì công cuộc bảo vệ ,gìn giữ, tu sửa và tôn tạo di sản văn hóa của thành phố Huế

Nằm giữa miền Trung Việt Nam, Huế trong một thời gian dài là kinh đô lịch sử. Có sông Hương ru vỗ du dương, bao bọc bởi những đồi cây xanh tốt, trang trí thêm bằng những vườn tược sum sê, có những dòng kênh bao quanh như chạm khắc, thêu dệt, thành phố Huế là một kiệt tác về thơ kiến trúc đô thị.

Những người đầu tiên xây dựng Huế đã có dụng ý đóng khung Huế trong phong cảnh kỳ diệu từ núi Ngự Bình đến đồi Vọng Cảnh, đến phá Tam Giang và phá Cầu Hai. Và chính nhờ thế họ đã sáng tạo ra một kiến trúc tinh vi, trong đó mỗi nhân tố đều bắt nguồn từ cảm hứng từ thiên nhiên gần gũi. Thành phố Huế chính là nghệ thuật được vẻ đẹp thiên nhiên bổ sung, tô điểm thêm.

Giữa lòng Huế, Thành nội lịch sử là một mẫu mực về kiến trúc cân đối, mà sự hài hòa rất tự nhiên đến nỗi người ta quên bàn tay con người đã sáng tạo ra nó. Phía nam, các lăng tẩm của các vua triều Nguyễn rải ra dọc hai bờ sông Hương. Là tác phẩm của những người dân lao động và những người thợ thủ công khéo tay nhất trong nước, những hệ thống kiến trúc ấy biểu hiện những biến táu độc đáo trên một chủ đề thống nhất. Mỗi một lăng vua, với tính chất riêng biệt của nó là một thành tựu tuyệt mỹ của nền kiến trúc cảnh vật hóa; và mỗi lăng tẩm khêu gợi trong cảm xúc của khách tham quan mọt âm vang đặc biệt. Lăng Gia Long giữa một khu rừng thiên nhiên bao la gợi nên một ấn tượng hùng tráng và thanh thản; lăng Minh Mạng đầy vẻ trang nghiêm, và lăng tự Đức gợi cho khách du ngoạn hồn êm thơ mộng.

Cách cấu tạo tượng trưng của các khoảng không gian khác nhau làm cho Huế trở nên thành phố của sự hài hòa tuyệt diệu. Huế thực hiện được sự tổng hợp đạo và đời trong kiến trúc, tổng hợp được cổ xưa và hiện đại, qua đó cố đô cổ kính chung sống hài hòa với thành phố trẻ mới ngày nay.

Nhưng Huế không phải chỉ là một mẫu mực về kiến trúc, mà còn là một cao điểm về tinh thần và một trung tâm văn hóa sôi động_ ở đó đạo Phật và đạo Khổng đã thấm sâu, hòa quyện vào truyền thống địa phương, nuôi dưỡng một tư tưởng tôn giáo, triết học và đạo lý hết sức độc đáo.

Chính tại thành phố này, nơi mà những người dân đều nổi tiếng là bẩm sinh có một hồn thơ lai láng, nhạc cổ điển cũng như nhạc dân gian đã được phát triển. Quê hương của nhiều nghệ sĩ, trung tâm sáng tạo nghệ thuật sân khấu, cố đô Việt Nam cũng đã là một trung tâm hoạt động văn hóa và khoa học. Y học và thiên văn học đã có một sự phát triển đặc biệt ở đây, và uy tín của những nhà bác học, học giả đã từ lâu lan truyền xa thành phố Huế.

Nhưng cái thành phố tự hào về quá khứ và tiêu biểu một phần cho những sắc thái cao đẹp nhất của sức sáng tạo Việt Nam hiện nay có một số nhân tố đặc sắc nhất đang bị đe dọa. Thành phố đã phải chịu đựng sức tàn phá của thời gian, sự phá hoại của một trong những cuộc chiến tranh tàn khốc nhất của lịch sử.

Ở trong Kinh thành, trong Tử Cấm Thành, hầu hết những cung điện đã bị cháy rụi hoặc hư hỏng nhiều trong vụ cháy năm 1917. Và những trận chiến đấu năm 1968 cũng đã phá hủy một số công trình, di tích ở phía Nam thành phố.

Ở trong vùng gió mùa này, nhiều di tích, cung điện đã bị bão làm hư hại, nay đang bị đe dọa thường xuyên. Mưa gió làm mòn phai những mãu hình trang trí, xóa mờ những màu sắc và làm hư nát những cột, kèo,rui xà bằng gỗ, cây cỏ xâm lấn dần vườn cảnh và hồ nước.

Huế phải được cứu vãn, cứu vãn cho Việt Nam, mà Huế là một cao điển thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, và cứu vãn cho thế giới, vì Huế cũng là một bộ phận không thể tách rời của di sản văn hóa loài người.

Trong nhiều năm, Chính phủ Việt Nam đã tiến hành cứu vãn Huế, đã thành lập một cơ quan bảo tồn di tích lịch sử này, và đã có những cố gắng lớn lao để bảo vệ các công trình bị đe dọa. Với sự hợp tác của UNESCO, Chính phủ Việt Nam cũng đã tiến hành sưu tầm các tư liệu và thiết kế nhiều quy hoạch tu sửa, tôn tạo di tích Huế.

Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam còn dự định làm cho thành phố có một hoạt động văn hóa mới, rực rỡ, tương xứng với quá khứ huy hoàng. Huế sẽ không phải chỉ là một bảo tàng rộng lớn kể lại lịch sử đã qua, Huế còn phải vươn lên một đời sống văn hóa cao đẹp và náo nhiệt.

Nhưng những cố gắng đó dù sao cũng bị hạn chế, không đủ để cứu vãn Huế. Chương trình tu sửa rất tốn kém, vượt quá khả năng của một nước đã phải hy sinh mất mát nhiều trong mấy chục năm qua, và hiện nay còn phải đương đầu với muôn vàn thử thách của công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế. Cho nên ngày nay cộng đồng Quốc tế cần đóng góp những cố gắng của mình với dân tộc Việt Nam để bảo vệ thành phố Huế cho những thế hệ tương lai.

Vì vậy, căn cứ theo nghị quyết của Đại hội đồng UNESCO tại kỳ họp thứ 20, tôi kêu gọi các chính phủ của tất cả các nước hội viên các tổ chức quốc tế của tất cả các chính phủ và các tổ chức quốc tế phi chính phủ, các tổ chức cộng đồng và tư nhân, các cơ quan tài chính, nhân dân các nước hãy tham gia đóng góp tự nguyện và bằng nhiều cách vào công cuộc bảo vệ, gìn giữ, tu sửa và tôn tạo di sản văn hóa của thành phố Huế.

Tôi kêu gọi các Ủy ban quốc gia UNESCO các nước và tất cả mọi người có thiện chí hãy thành lập ở mỗi nước hội viên một Ủy ban quốc gia để giúp dư luận nước mình hiểu những vấn đề về Huế và để tập hợp những sự đóng góp cần thiết.

Tôi kêu gọi các Viện bảo tàng, các khu triển lãm mỹ thuật, các thư viện hãy tiến hành những hoạt động và những triển lãm mà số tiền thu được sẽ gửi vào quỹ dành riêng cho cuộc vận động nhằm tu sửa thành phố Huế.

Tôi kêu gọi các nhà trí thức, các nghệ sĩ, các nhà văn, các nhà sử học, xã hội học và tất cả những người có trách nhiệm về thông tin như các nhà báo, các nhà phóng sự, các nhà chuyên nghiệp về báo chí, phát thanh, truyền hình, điện ảnh hãy góp phần tuyên truyền trong dư luận về những vấn đề của Huế và cổ vũ công chúng đóng góp vào công cuộc bảo vệ Huế.

Tôi kêu gọi mọi người Việt Nam, bất cứ sống ở đâu trên thế giới hãy đóng góp phần của mình cho thành công của cuộc vận động bảo vệ, gìn giữ, tu sửa và tôn tạo di sản văn hóa Huế.

Tôi hy vọng rằng những đóng góp sẽ tương xứng với công cuộc lớn lao phải làm : bảo tồn môi trường đô thị đầy ý nghĩa lịch sử và nhuốm một sự hài hòa sâu sắc, và giữ gìn tâm hồn tập thể phong phú, sinh động của thành phố tuyệt đẹp này cho hạnh phúc của người dân Huế cũng như cho hứng thú của khách đến tham quan.

Hà Nội, ngày 25-11-1981

(Trích: Tổ quốc số 12/1987)

Chú thích anh:

  1. “Huế Luôn Luôn Mới” Lời kêu gọi của UNESCO vận động cứu vãn Huế
  2. Sách “Huế-Bài thơ đô thị tuỵet tác” TS Lê Van Bảo soạn thei đặt hàng của UNESCO.

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang