Dịch giả Bửu Ý - cây Pháp ngữ ở Cố đô

(huehoc.com) Bửu Ý (1937), chắt nội nhà thơ Tuy Lý Vương, học Pháp văn tại Huế, từng giữ chức trưởng khoa ngoại ngữ ĐHSP Huế, năm 1992 theo lời mời của đh Paris vii anh sang Pháp dạy văn học pháp một thời gian, anh đã dỊch hơn 15 tác phẩm văn học pháp hiện đại. anh đang dịch và biên tập hàng vạn trang tập san đô thành hiếu cổ (Bavh). Anh vừa được mời đọc một tham luận trong hội nghị quốc tế về dạy tiếng Pháp và dạy bằng tiếng Pháp do Aupelf - Uref tổ chức tại Huế vừa qua.

Nguyễn Đắc Xuân (NĐX).- Cuộc đời anh gắn bó với Pháp ngữ, anh thành danh cũng nhờ Pháp ngữ, vậy anh có nhận xét về tình hình tiếng Pháp hiện nay?
Bửu Ý. Tiếng Pháp đang chuyển mình. Các vùng lãnh thổ sử dụng tiếng Pháp đang co rút lại. Tình hình đó đã làm nứt nẻ ra nhiều vấn đề khác. Ngôn ngữ là phương tiện chuyên chở văn hoá, và không những chuyên chở văn hoá nước đó thôi mà còn chuyên chở luôn văn hoá của các nước khác. Tiếng Pháp từ lâu không còn thuộc người Pháp mà đã thuộc thế giới. Tiếng Pháp được sử dụng nhiều ở châu Phi, ở Bỉ, ở Canada...Loại tiếng Pháp ở những nơi nầy không phải là loại tiếng Pháp của Molière ngày xưa. Cho dù tiếng Pháp ở các nước không còn tinh túy nữa, nhưng không sao hết. Tiếng Pháp đã được địa phương hoá là một vấn đề chúng ta đáng quan tâm hơn. Cái cộng đồng nói tiếng Pháp đang cố tìm lại cái bản sắc văn hoá của từng nước. Bản thân tôi hiểu văn hoá VN được sâu sắc là nhờ sách vở viết bằng tiếng Pháp. Các nước khác cũng vậy thôi. Các nước châu Phi bây giờ muốn hiểu cái đẹp, cái sâu của văn hoá châu Phi cũng qua cái kênh tiếng Pháp. Ngày nay, nếu để cho tiếng Anh thống trị hoàn cầu nó sẽ giết chết những ngôn ngữ khác. Đó là một hiểm hoạ lớn của nhân loại. Nếu ngày nay nổi lên vấn đề sinh thái môi trường, thì cũng đã đến lúc ta nên nghĩ đến sinh thái về ngôn ngữ. Hoàn toàn không nên có sự thống soái hay độc, hay “toàn cầu hoá” của một ngoại ngữ nào. Vì thế năm nay nhân hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội, khối các nước có sử dụng tiếng Pháp đã đổ ra một khối lượng lớn tài lực, trí lực cho nhiều hoạt động ví dụ như Hội nghị Các Doanh nghiệp quốc tế (Forum Francophone des Affaires) tổ chức tại TP HCM ( 6 đến 9.10.97), Hội nghị Quốc tế Dạy tiếng Pháp và Dạy bằng tiếng Pháp (Assises Mondiales de l’ Enseignement du et en Francais, từ 19 đến 21.10.97) và Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 7 sẽ tổ chức tại Hà Nội từ ngày 14 đến 16 tháng 11 sắp đến. Tất cả các hoạt động tốn kém ấy chỉ đạt một mục đích là làm thế nào gìn giữ tiếng Pháp, dùng tiếng Pháp như một phương tiện liên kết một số nước để bảo tồn những giá trị văn hoá của nhân loại (trong đó có VN), chứ không riêng gì của nước Pháp.

NĐX.- Được biết anh được mời đọc tham luận trong HNQT Dạy tiếng Pháp và Dạy bằng tiếng Pháp vừa tổ chức ở Huế, xin anh cho biết anh vài nét về tham luận của anh!
Bửu Ý : Đây là một HN đúc kết của một chuỗi HN đã diễn ra ở các nước, nội dung rất bổ ích, rất hay, có nhiều chuyên gia nổi tiếng thế giới tham dự như Claude Hagège ( ngưới có thể sử dụng được 24 thứ tiếng) tại Collège de France (Pháp), nhưng thu hoạch của HN chưa có tác dụng thiết thực trước mắt đối với VN ta. Tuy nhiên cũng có một vài tham luận đề cập đến Khối tiếng Pháp nên làm một cái gì cho việc giảng dạy tiếng Pháp ở VN. Tôi phát biểu về vấn đề tương quan hợp tác giữa các đại học, lâu nay được gọi dưới cái tên là kết nghĩa (jumelage). Ở VN hiện nay đang có một số hình thức kết nghĩa như giữa các Đại học, các trường Trung học, hay kết nghĩa giữa hai lớp ở hai nước khác nhau. Bản thân tôi cũng đã giúp một lớp học của trường PTTH Nguyễn Huệ kết nghĩa với một ngôi trường ở Canada để học tiếng Pháp rất thú vị. Từ kinh nghiệm đó tôi đề xuất nên kết nghĩa về du lịch. Ví dụ Huế với một thành phố nào đó có du lịch văn hoá. Nếu được thế ta có điều kiện hiện đại hoá ngành du lịch của địa phương. Nếu không được toàn diện thì ít ra họ cũng có thể giúp ta những việc cụ thể. HN cho biết sẽ nghiên cứu đề xuất của tôi. Tôi cũng đề cập đến vấn đề dịch thuật và xuất bản. Vừa qua do tác động hợp tác Pháp-Việt, đã có một số tác phẩm được dịch từ Việt sang Pháp hoặc ngược lại. Nếu tập trung cả cho các cơ quan ở Trung ương đôi khi chậm, chòng chéo nhau. Nên chăng ta chia ra thành nhiều mảng và giao cho cơ quan nào, địa phương nào có khả năng dịch về mảng ấy. Ví dụ như những vấn đề về văn hoá Huế, về thơ có thể giao cho Huế.
NĐX.- Tác phẩm dịch đầu tay của anh ra đời năm nào, trong 15 cuốn sách dịch của anh, anh thích cuốn nào nhất?
Bửu Ý: Tôi có sách dịch từ năm 1963 với cuốn Nhật Ký của Ann Frank do An Tiêm phát hành. (Trong những năm 80, cuốn nầy được Nxb Trẻ tái bản). Trong số 15 tác phẩm tôi đã dịch có đến 7 hay 8 cuốn của André Gide (1869-1951, giải Nobel 1950). Một vài tác phẩm của A. Gide tôi nhớ hơn cả là Kẻ Vô Luân (l’Immoraliste), Bọn Làm Bạc Giả (Les Faux Monna - yeurs,1925) và một cuốn A.Gide đăng nhiều bài nói chuyện về Dostoievski. Cuốn Chúa Tể Đầm Lầy (Le Roi des Aulnes) của Michel Tournier ( xb 1970) tôi vừa dịch cho nxb Hội Nhà Văn VN tôi cũng rất thích.
NĐX.- Cuốn sách nào anh cảm thấy khó dịch nhất?
Bửu Ý: Cuốn khó nhất có lẽ là Chúa Tể Đầm Lầy tôi vừa nói. Đây là một tiểu thuyết, nội dung rất phong phú, kỹ thuật viết truyện khá đặc biệt. Ngay cái đề. Aulne là một loại cây mọc ở đầm lầy, tự điển dịch là cây Trăn. Nếu dịch Vua Cây Trăn thì không ai hiểu gì cả. Cho nên dựa vào nội dung tôi phải dịch là Chúa Tể Đầm Lầy. Vừa đi dạy vừa dịch, tôi phải dịch cuốn nầy hơn môt năm mới xong.

NĐX.- Tôi thường thấy mỗi người có mỗi cách dịch, xin anh cho biết cách dịch của anh?
Bửu Ý: Đúng như thế. Tôi rất chậm. Ngày nào chăm chỉ lắm cũng chỉ dịch được 10 trang là cùng. Theo tôi dịch ít là một điều cần thiết. Dịch nhiều trang một lúc sẽ cạn tiếng Việt. Có nhiều tiếng Việt thông dụng, sử dụng hàng ngày, nhưng khi dịch căng quá tự nhiên quên mất những từ đó mà lại dịch qua từ khác không hay bằng. Vì thế tôi vừa dịch vừa đọc các sáng tác Việt Nam để cho những từ thông dụng nó chạy lui chạy tới trong mình hoài, đừng bao giờ để chúng xa mình cả. Tôi quan niệm giỏi tiếng Pháp không thôi thì không thể dịch được. Muốn dịch được mình phải giỏi cả tiếng Việt nữa.
NĐX.- Anh có theo dõi văn học Pháp hiện nay ra sao không?
Bửu Ý: Theo dõi qua Trung tâm tiếng Pháp ở Huế, tôi thấy tình hình nổi lên những vấn đề sau đây: Văn học Pháp bây giờ không còn trường phái như trước nữa. Khía cạnh tư tưởng cũng không còn là một điểm nặng trong sáng tác nữa. Người ta nghiêng về kỹ thuật viết lách. Bố cục, cách viết làm sao cho mới lạ thu hút được người đọc. Họ cho cách viết cũ có tính trường học, giả tạo không trung thực với cảm xúc của người viết. Đặc điểm khác là không có tên tuổi nào thật sự nổi bật. Các tác giả họ muốn họ là người của đời sống. Nói lên cái tươi sống của đời sống, không muốn làm một hải đăng để người khác nhìn vào. Bởi thế những tác giả nầy không có khoảng cách với độc giả. Họ rất thích đưa khuôn mặt của mình ra gần với đại chúng trên các phương tiện truyền thông để đối thoại, ngỏ lời, nêu những thắc mắc
NĐX.- Phải chăng văn học Pháp hiện nay đang muốn gần với báo chí?
Bửu Ý: Bây giờ khó tìm được một tác giả không thông qua báo chí. Báo chi bây giờ không chỉ là một cái kênh thông tin, mà còn là một cái kênh truyền thông tất cả ý tưởng, sự kiện của xã hội. Các tác giả dù không thích báo chí, không thích truyền thông đại chúng cũng vẫn phải đi với báo chí. Và ngược lại, truyền thông đại chúng cũng được nâng giá trị lên nhờ các nhà văn.

NĐX.- Anh có nhận xét gì về tình hình dịch thuật Pháp Việt - Việt Pháp hiện nay?
Bửu Ý: Đang có những dấu hiệu đáng mừng. Sứ quán Pháp ở VN có một tùy viên tu thư (Attaché du Livre) hoạt động giống như một cơ quan hợp tác về văn hoá. Họ thường liên hệ với các cơ quan chức năng của ta bàn việc hợp tác dịch và in sách. Họ đã thực hiện được một số việc khá quan trọng. Có nhiều sách tiếng Pháp đã được dịch. Cuốn Chúa Tể Đầm Lầy tôi vừa dịch xong cũng nằm trong kế hoạch hợp tác đó. Chỉ tiếc là chưa được chọn lựa hai chiều và cũng mới thực hiện được quá ít so với yêu cầu hiện nay.
NĐX.- Xin cám ơn anh.
Nguyễn Đắc Xuân

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang