50 NĂM SỰ KIỆN “TẾT MẬU THÂN (1968)”, NHỚ LẠI NHỮNG LẦN TRAO ĐỔI HỌC THUẬT TẠI ĐẠI HỌC HARVARD (MỸ)

Một năm ở Đại học Harvard (Mỹ) thật không ít chuyện thú vị, đặc biệt là trong nghiên cứu, trao đổi học thuật chính thức và không chính thức. Nhân “60 năm Sự kiện Tết Mậu Thân (1968)”, xin ghi lại ở đây câu chuyện về “Tết Mậu Thân 1968” mà tôi đã đề cập đến trong lần trả lời một số học giả tại buổi thảo luận học thuật ở Đại học Harvard, giúp họ hiểu được vì sao Việt Nam thắng Mỹ trong cuộc chiến tranh 1954 - 1975.

Hôm đó là lần thuyết trình của một GS. Hàn Quốc với chủ đề: “Sự cất cánh của nền kinh tế Hàn Quốc vào nửa sau thế kỷ XX”. Cử toạ chăm chú nghe, và khi kết thúc, mọi người tham gia tham gia thảo luận, đặt câu hỏi. Về phần mình, tôi nêu vấn đề: “Về các nhân tố dẫn đến nền kinh tế Hàn Quốc cất cánh, tôi đồng ý. Nhưng có điều tôi muốn Giáo sư nói rõ hơn về nhân tố khách quan ...”. GS. Hàn Quốc suy nghĩ một lát rồi nói: “Chính cuộc chiến tranh Việt Nam là nhân tố khách quan làm cho nền kinh tế Hàn Quốc cất cánh ...”. Chúng tôi chưa kịp tán thưởng về câu trả lời của GS. Hàn Quốc thì GS. Baker (Phó Viện trưởng Viện Harvard - Yenching, Đại học Harvard) nói ngay: “Cuộc chiến tranh Việt Nam là vô cùng ác liệt”. Tưởng chừng như câu nói của GS. Baker là kết thúc vấn đề tôi nêu ra. Nào ngờ, một câu hỏi của một GS. Nhật không đặt cho người thuyết trình mà lại là GS. Baker: “Đề nghị GS. Baker nói rõ về sự ác liệt của cuộc chiến tranh Việt Nam”. Thay vì trả lời, GS. Baker đề nghị tôi trả lời thay.

Việc đến bất ngờ đối với tôi, lại cái khó là trong đám cử toạ chỉ có tôi là người Việt Nam, con đường tham khảo ý kiến bị tắc lối, nhưng không trả lời không được. Là người Việt Nam, chúng tôi biết rõ chiến tranh Việt Nam là vô cùng ác liệt, nhưng trả lời sao đây cho thoả mãn đám cử toạ với nhiều quốc tịch khác nhau. Tôi suy nghĩ một lát, tìm câu trả lời, rồi từ từ nói: “Lúc học Tiểu học, thầy tôi giảng cho cả lớp rằng lãnh thổ đất nước chúng tôi vô cùng nhỏ bé. Nếu lãnh thổ Trung Quốc là vạt áo thì lãnh thổ Việt Nam chỉ như cái dãi áo, ...”. Ngừng một lát, tôi nói tiếp: “Nhưng nếu so với toàn bộ lãnh thổ các quốc gia trên thế giới, thì lãnh thổ đất nước chúng tôi chỉ như một hạt nút mà thôi. Nhưng các ông biết không? Trong Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945), số bom đạn cả phe Đồng Minh và phe phát-xít dội khắp thế giới (trừ châu Mỹ) cũng chỉ bằng một nửa số bom đạn mà Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Chỉ cần một so sánh đó thôi giúp cũng giúp chúng ta nắm bắt được tính chất ác liệt của cuộc chiến tranh Việt Nam”.

Không ngờ câu trả lời của tôi khiến GS. Nhật vừa tỏ ra tâm đắc, lại vừa biểu lộ sự ngạc nhiên. Quay về phía GS. Baker, GS. Nhật hỏi tiếp: “Tại sao Nhà Trắng và Lầu Năm Góc sử dụng một khối lượng bom đạn lớn đến thế nhưng lại không giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh Việt Nam?”. Cũng như lần trước, GS. Baker đề nghị tôi giải đáp.

Thêm một lần nữa, khó khăn lại được đặt ra. Tôi suy nghĩ một lát rồi nói: “Đã nói đến chiến tranh là phải nói đến vũ khí. Nếu đất nước chúng tôi chỉ đụng đầu với Mỹ bằng vũ khí thì nhất định chúng tôi không thể nào giành chiến thắng. Vì như các ông biết, Mỹ là cường quốc số 1 không chỉ về kinh tế mà cả quân sự, thì làm sao dân tộc tôi giành được thắng lợi nếu đụng đầu với Mỹ chỉ bằng vũ khí. Sở dĩ người Mỹ sử dụng một khối bom đạn lớn như thế mà không giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh Việt Nam; điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam giành lấy thắng lợi; mà Việt Nam giành lấy thắng lợi bắt nguồn từ nhiều yếu tố, ...”. Tôi dừng lại, vì biết trước chắc sẽ bị hỏi tiếp. Đúng như dự đoán, GS. Nhật tỏ vẻ không vừa lòng với những gì tôi vừa nói, rồi hỏi tiếp: “Ông nói nhiều yếu tố. Vậy đề nghị ông cho biết cụ thể?”. Tôi nói ngay: “Trong cuộc chiến tranh vừa rồi, chính nghĩa thuộc về người Việt Nam. Điều này không chỉ riêng người Việt Nam chúng tôi thừa nhận mà nhân loại tiến bộ, kể cả nhân dân Mỹ cũng phải thừa nhận. Những cuộc biểu tình, những cuộc tự thiêu phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam diễn ra ngay chính tại nước Mỹ đã chứng minh cho nhận định này[1]. Đề nghị các ông vào thư viện đọc cuốn: ‘Cuộc chiến tranh ngay trong lòng nước Mỹ’. Tuy vậy, tôi cũng xin thưa rằng: Chính nghĩa là yếu tố hết sức quan trọng, nhưng chỉ riêng chính nghĩa không làm nên thắng lợi”.

GS. Nhật dường như vẫn chưa hài lòng với sự luận giải của tôi, và đặt tiếp vấn đề: “Khi thì ông nói chính nghĩa là yếu tố làm nên thắng lợi, lúc ông lại nói chỉ riêng chính nghĩa không làm nên thắng lợi. Điều này có vẻ như mâu thuẫn trong cách lập luận của ông”. Tôi hăng lên và nói ngay: “Mới nghe qua có vẻ mâu thuẫn, nhưng lịch sử đã cho thấy, chỉ riêng chính nghĩa không đem lại thắng lợi. Lấy lịch sử cận đại đất nước chúng tôi thì rõ. Rằng từ khi Pháp xâm lược rồi đặt ách thống trị lên đất nước chúng tôi. Cha ông chúng tôi không chỉ có đủ chính nghĩa mà thừa chính nghĩa, thừa chí khí đấu tranh để giành độc lập cho đất nước. Những cuộc nổi dậy từ Nam ra Bắc, như cuộc khởi nghĩa của Trương Định, Thủ khoa Huân, Nguyễn Trung Trực, rồi Phan Đình Phùng, Đinh Công Tráng, Nguyễn Thiện Thuật,... Đầu thế kỷ XX, những phong trào Đông Du, phong trào Duy Tân do Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh khởi xướng, rồi khởi nghĩa Yên Bái 1930 do Nguyễn Thái Học lãnh đạo,... Tất cả đều cho thấy cha ông chúng tôi thừa chính nghĩa nhưng vẫn không giành được thắng lợi”.

Cuộc thảo luận “dường như đi không đúng chủ đề[2] nhưng lại thu hút được cử toạ: Một nữ GS. Hồng Kông vào cuộc: “Vậy yếu tố nào khiến Việt Nam giành được thắng lợi? Đề nghị ông nói tiếp”.

Tôi trả lời ngay: “Theo tôi nên nói yếu tố chủ yếu nào mới chính xác. Yếu tố chủ yếu để Việt Nam giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến tranh chính là ở chỗ bộ máy lãnh đạo chiến tranh đã hoạch định, tổ chức được một cuộc chiến tranh nhân dân đạt trình độ khoa học và nghệ thuật cao. Nếu theo toán học thì điều kiện ắt có và đủ để Việt Nam giành lấy thắng lợi là chính nghĩa cộng với khoa học và nghệ thuật tổ chức chiến tranh”. Nói đến đây tôi lại bỏ ngõ. Cuộc thảo luận tưởng chừng như khép lại, trở nên sôi động hẳn lên. GS. Nhật lúc nảy lại tiếp tục vào cuộc: “Đề nghị ông nói cụ thể hơn, rõ hơn về trình độ khoa học và nghệ thuật cao trong chiến tranh nhân dân Việt Nam?”.

Tôi lục lại những kiến thức mà mình đã tiếp thu từ trong lịch sử. Thực ra, “trình độ khoa học và nghệ thuật cao của cuộc chiến tranh” thì có nhiều, nhưng lấy nội dung gì mới khó. Kiến thức lịch sử được dẫn chứng phải là phổ quát, nhưng phải mang tầm vóc quốc tế, phù hợp với “A International Debation”. Khoảng thời gian chờ đợi khiến mọi người tưởng như là bế tắc.

Tôi nói tiếp: “Các ông chắc thừa biết trong 21 năm can thiệp Việt Nam (1954-1975), Nhà Trắng đã dựng lên hai vị Tổng thống với thời gian cai trị lâu nhất: Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu. Nhưng thưa các ông! Trong suốt hai đời Tổng thống đó, Việt Cộng nằm ngay trong Dinh Độc Lập với chức vụ là Cố vấn Tổng thống, chứ không phải là một gia nhân. Người Việt Cộng đó là ai? Người Việt Cộng đó chính là Vũ Ngọc Nhạ. Khoa học và nghệ thuật tổ chức chiến tranh chính là ở chỗ đó. Vậy làm sao mà Mỹ giành được thắng lợi. Nếu quý vị đọc được tiếng Việt, xin mời đọc cuốn sách với tiêu đề: ‘Ông Cố vấn’, gồm 2 tập[3]”.

Một GS. Trung Quốc nói: “Việc đó chúng tôi biết. Chúng tôi đồng ý với ý kiến đó. Nhưng chỉ nội dung đó thôi mà ông kết luận bộ máy lãnh đạo cuộc chiến tranh Việt Nam đã hoạch định, tổ chức cuộc chiến tranh nhân dân đạt trình độ khoa học và nghệ thuật cao thì chưa được thuyết phục lắm. Đề nghị ông nên cho thêm dẫn chứng lịch sử”.

Tôi như “mở cờ trong bụng”, một lát suy nghĩ, tôi tiếp tục nêu thêm dẫn chứng: “Các ông biết, đầu năm 1968 khi ở miền Nam Việt Nam có trên nửa triệu quân Mỹ[4] và quân các nước Đồng Minh của Mỹ, cộng với trên nửa triệu quân đội Sài Gòn, đó là chưa kể công an, cảnh sát, phòng vệ dân sự; rồi cùng với những phương tiện hiện đại bảo vệ các dinh thự, đồn bót hết sức cẩn mật. Nhưng thưa các ông, trong đêm Giao thừa Tết Mậu Thân (1968), Việt Cộng tràn ngập khắp các đô thị miền Nam. Ngay cả những cơ quan đầu não của Mỹ và Việt Nam cộng hoà như Toà Đại sứ Mỹ, Dinh Độc Lập, Bộ Tổng Tham mưu, Đài Phát thanh ... cũng bị tấn công. Và có thành phố, Việt Cộng làm chủ đến 25-26 ngày đêm như Huế. Điều đó là gì nếu không phải là bộ máy lãnh đạo, tổ chức chiến tranh của người Việt Nam đạt trình độ khoa học và nghệ thuật cao”.

Các học giả không có thêm ý kiến và chuyển lại “vấn đề Hàn Quốc”. Đáng chú ý là trên khuôn mặt của họ lộ rõ sự thán phục người Việt Nam về khoa học và nghệ thuật tổ chức chiến tranh nhân dân. Và chắc chắn rằng các học giả có mặt hôm đó, họ không ngạc nhiên về thắng lợi mà Việt Nam giành được vào Xuân năm 1975.

Khi về nước, cho đến nay đã trên 20 năm, tôi đã tham gia nhiều hội nghị khoa học cấp quốc gia, quốc tế về “Chiến tranh Việt Nam 1954 - 1975”, đặc biệt là về “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968”. Những hội nghị đó đã đề cập, phân tích nhiều khía cạnh của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ưu có khuyết có, cả Việt và Mỹ đều có, nhưng có một điều các nhà khoa học đều thống nhất là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã làm đập tan ý chí “muốn thắng” trong chiến tranh Việt Nam, buộc Nhà Trắng phải xuống thang chiến tranh, chịu ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam dân chủ cộng hoà, Lyndon Johnson phải “chịu đứt gánh nữa chừng” về sự nghiệp chính trị,... Ngẫm lại, tôi tâm đắc với ý kiến của Thượng tướng Lê Ngọc Hiền trong tham luận: “Ghi nhớ về xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện đòn tiến công chiến lược Mậu Thân 1968”: “Nếu Mỹ có công nghệ cao và vũ khí, trang bị kỹ thuật bậc nhất thế giới, gấp 10 gấp 100 lần hơn ta thì khiếm tốn và tự hào mà nói khoa học, nghệ thuật quân sự Viết Nam đã là gấp 10 gấp 100 lầm hơn Mỹ”[5].

Câu chuyện về “Tết Mậu Thân 1968” là một trong nhiều chuyện được xem là thú vị nhất đối với tôi trong thời gian nghiên cứu và học tập ở Đại học Harvard, Mỹ.

 

[1]. Ngày 2-11-1965, Giáo sư Norman Morrison tự thiêu trước trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ để phản đối chiến tranh Việt Nam. Noi gương Morrison, lần lượt Roger Laporte, bà Alice Herz đã tự thiêu với mục đích tương tự. Theo Phiếu trình Thủ tướng (Sài Gòn) của Đổng lý Văn phòng ngày 25-5-1965, ngay từ khi Mỹ tiến hành “Chiến tranh cục bộ”, “các giáo sư và sinh viên Đại học Mỹ đã lên tiếng đả kích đường lối cứng rắn của Tổng thống Johnson tại Việt Nam. Họ hoạt động ầm ỉ, mở các cuộc hội thảo, tăng gia áp lực đối với các nghị sĩ Quốc hội, và biểu tình phản đối trước Toà Bạch Cung. Tổng thống Johnson đã phải cử một Phái đoàn Chính phủ đến các trường đại học giải thích, nhưng đi đến đâu Phái đoàn cũng bị chỉ trích và phản đối” (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu PTTg-15297).

[2]. Chủ đề cuộc thảo luận, tranh biện hôm đó là: “S ct cánh ca nn kinh tế Hàn Quc vào na sau thế k XX.

[3]. Từ năm 1990, tôi đã đọc “Ông C vn (H sơ mt đip viên), tp 1 & 2” của Hữu Mai, Nxb. Quân đội Nhân dân xuất bản năm 1989.

[4]. Sau này, khi nghiên cứu lịch sử Việt Nam cận và hiện đại, tôi mới biết cụ thể số quân Mỹ tham chiến tại miền Nam đầu tháng 3-1966 là 235.000 người (Đoàn Thêm, 1966 - Việc từng ngày, Cơ sở xuất bản Phạm Quang Khai, Sài Gòn, 1968, tr. 39); giữa tháng 2-1967 là 414.000 (Đoàn Thêm, 1967 - Việc từng ngày, Cơ sở xuất bản Phạm Quang Khai, Sài Gòn, 1968 tr. 47), giữa tháng 2-1968 là 510.000 (Đoàn Thêm, 1968 - Việc từng ngày, Cơ sở xuất bản Phạm Quang Khai, Sài Gòn, 1969, tr. 58).

[5]. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Cuc Tng tiến công và ni dy Mu Thân 1968 do Thành uỷ - Uỷ ban nhân dân Tp. Hồ Chí Minh và Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam phổi hợp tổ chức, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1998, tr. 123.

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang